Skip to content →

Đức Phật

Mình đến là mất bình tĩnh với kiểu tu của nhà mình.

“Lúc đọc chú Đại bi thì quỳ hay ngồi?”, “Chuỗi hột có 18 hột, kết ở “bệnh” trong sinh lão bệnh tử thì có sao không?”, “Tiền này là để cúng xây chùa, mà chùa nào nghèo hơn? Thôi cho chùa trong quê đi, chứ chùa thành phố giàu lắm”, …

Định cằn nhằn thêm một đoạn nữa, nhưng thôi vậy.

Đức Phật à, ngài có cô đơn không? Ở trên đỉnh cao kia và chẳng có lấy một người hiểu mình, chỉ có 1 đám chộn rộn kinh kệ và cúng bái.

Giờ tôi đã hiểu đức hy sinh của ngài lớn nhường nào. Ngai vàng, gia đình, của cải; nếu cần tôi cũng có thể bỏ. Nhưng bảo tôi bỏ hết những người hiểu mình để cứu lấy cái nhân sinh ngu muội triền miên này thì… chịu…

Đôi khi tôi ước gì những câu chuyện về Ngài chỉ là giả dối, do đám đệ tử đặt ra để tô vẽ vàng son hư ảo. Những lúc ngài biến nước đục thành dòng trong, tạo ra hoa trái, v.v… Nếu thật sự Ngài rao giảng “Tâm là khởi nguồn của tất thảy.” thì đâu nhất thiết Ngài phải có phép màu. Không có thì hay hơn. Bởi sắc sắc không không, phép màu hay kết quả của nó đều là phù du. Dẹp cả những đẳng cấp La Hán, Bồ Tát,… Chứng được vô ngã thì sẽ là Phật. Nếu thật là sắc sắc không không, sao còn sinh ra thứ bậc để mà so bì với nhau?

Tôi tin là Ngài có rất nhiều điều không thể nói ra, vì chúng sanh ngu muội chẳng bao giờ lĩnh hội được. Đứng bên ngoài 3 cõi thế giới, Ngài có cô đơn không? Hay ngài thực sự phi ngã đến mức không còn biết giận biết vui, không còn biết sướng biết khổ, không còn biết cô đơn…

Tôi đang tự hỏi mục tiêu của Ngài là gì? Cứu rỗi hết thảy chúng sinh chăng? Mà còn mục tiêu thì vẫn còn dục vọng (tôi nghĩ thế). Dẫu cao thượng bao nhiêu thì vẫn là dục vọng. Và một khi chúng sinh tất cả đều được cứu rỗi, Ngài sẽ làm gì tiếp theo?

Hay phải chăng Ngài đã thông hiểu được tất thảy quy luật, đã nhìn được quá khứ vị lai, và chẳng cần theo đuổi chuyện gì nữa?

Vậy thì, Đức Phật à, Ngài còn sống không? Và sống để làm gì?

Học trò lười của Ngài

——

Đây là một đoạn không liên quan. Chỉ là nghĩ và muốn viết ra:

Vì trời không có nước mắt để khóc cho ta, đất không có tiếng cười để cười với ta; cuộc đời này trước là nhận ra sự cô độc, sau là học cách yêu mình cho bớt cô đơn.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

Comments

  1. qwerty1 qwerty9 qwerty1 qwerty9

    thử tìm hiểu cả Jesus nữa xem sao, có thể có câu trả lời cho câu hỏi “Ngài có cô đơn không” đó

  2. Hiro Kobayashi Hiro Kobayashi

    Ngay như cùng là Phật thì cũng có Độc giác Phật và Toàn giác Phật mà em. Khi con người chưa thật sự hòa vào tâm đại vũ trụ thì vẫn nên thừa nhận tính khách quan giản đơn của thực tại, vì Pháp tuy chỉ có một, nhưng cái hình tướng là hằng hà, mà thế giới ta nhận biết được chỉ là thế giới những hình tướng. Thừa nhận sự tồn tại khách quan của hình tướng cũng là bước tiến để hiểu sự thực tồn của Pháp.
    Cái vòng luẩn quẩn kiểu trên thì thật ra a đã tự suy nghĩ và tìm ra cách hiểu của bản thân mình, nhưng hẻm nói đâu. Kẻo phạm cái mạn chưa chứng đắc mà nói đắc thì bỏ mệ ^^

    • Rio Rio

      í, anh ko được nói ra nhé xD Phải để em đi từ từ theo năm tháng và tự trả lời chứ. Lúc trước cũng có những câu hỏi em tự đặt ra thế này, và tự đi tìm câu trả lời.

      Hỏi không phải vì ko tin anh à 😀 Hỏi là để mình tin nhiều hơn.

  3. Hiro Kobayashi Hiro Kobayashi

    “Tôi đang tự hỏi mục tiêu của Ngài là gì? Cứu rỗi hết thảy chúng sinh chăng? Mà còn mục tiêu thì vẫn còn dục vọng (tôi nghĩ thế). Dẫu cao thượng bao nhiêu thì vẫn là dục vọng. Và một khi chúng sinh tất cả đều được cứu rỗi, Ngài sẽ làm gì tiếp theo?”
    Cái vòng luẩn quẩn phong cách Descartes “diệt dục là đã mang cái dục diệt dục” này là ví dụ điển hình mà mấy người Tây phương hoặc người ko tin đem ra khi nói họ ko hiểu triết lý nhà phật, a thấy thế 🙂 A nghĩ chỗ này cũng có thể thông, từ hai căn cứ. Thứ nhất, “kỳ tai kỳ tai, nhất thiết chúng sanh, giai hữu như lai đức tướng”—> tâm tiểu vũ trụ không chia chẻ với tâm đại vũ trụ. Thứ hai là quan điểm cho rằng niết bàn là ta bà đã không còn cái huyễn dưới ánh sáng của tâm triệt ngộ. Anh nghĩ từ hai căn cứ này cứ kiên định suy niệm thì đến một ngày mình sẽ ngộ ra được cái gì đó chăng 🙂
    Về các cấp độ thì nó ko phải là một sự áp đặt nào cả, chỉ là các nấc thang khác nhau của quá trình giác ngộ thôi. Chứng được vô ngã thì chứng quả phật, đó là con đường đốn giáo, là cách nhanh, có phần nguy hiểm, phái Mật tông hay tu hành theo bằng cách trì chú đà ra ni, ko phải là cách dễ. Với người thường thì khó lòng đoạn được bản ngã ngay, nên đoạn từng nấc một, nên đi theo con đường tiệm giáo. Các cấp bậc thanh văn, duyên giác, a la hán… tồn tại là vì vậy, ko hẳn là thứ “đẳng cấp” nào mà chúng sanh tự đặt ra đâu 🙂
    Tặng em một đoạn Phật nói trong kinh Trung A Hàm :
    ” Này, các đệ tử, cái được hưởng của cuộc sống thánh thiện không phải là cái đi xin, không phải là danh vọng, tiếng tăm, không phải là những đức hạnh tu hành, không phải là hạnh phúc được tìm thấy trong thiền định, không phải là hào quang phát ra từ nội tâm, mà là sự giải thoát vĩnh viễn của Tâm, cái ấy là lẽ thật của đời sống thánh thiện. Cái ấy là điều cốt tủy, cái ấy là cứu cánh. “

    • Rio Rio

      Về đoạn thứ nhất trong comment của anh, em đồng ý là cứ suy ngẫm thì sẽ có 1 ngày nào đó em/ chúng ta trả lời được câu hỏi em đã đặt ra (hoặc Descartes xD). Nhưng em không nghĩ chúng ta nên bỏ câu hỏi đó khi mà câu trả lời vẫn chưa tìm được. Em không phải là không tin. Nhưng việc ấn định câu trả lời rồi tìm cách chứng minh nó lại không phải là cách hay, nhất là đối với đạo Phật. Chẳng phải Đức Thích Ca đã nói, “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta” sao?

      Về các cấp bậc thì cảm ơn anh đã giảng cho em hiểu 🙂 Sau khi suy nghĩ thì có lẽ em vẫn giữ quan niệm cũ, “Hoặc là Phật chưa thành, hoặc là Phật đã thành.” Mọi cấp ở giữa, coi như không có. Bước nhanh hay bước chậm trên con đường đến đích, thì cũng chỉ có 1 đích.

      >:D< yêu anh

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: