Skip to content →

Một Người Bình Thường Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân – Phần 2

Như đã nói trong bài trước, trong phần 2 này tôi sẽ nói đến những “tactic” cơ bản nhất để xây đựng thương hiệu cá nhân. Bất kỳ ai cũng đều có thể hoàn thành những việc này. Vậy nên tôi xin phép nhắc lại: đây là series dành cho những người chưa hoặc chỉ mới mon men đến gần con đường định hình thương hiệu, và tự thấy bản thân chưa có điều gì nổi bật.

(Ở đây xin rẽ ngang trước khi đi vào bài viết: tại sao phải nhấn mạnh yếu tố “chưa thấy bản thân có điều gì nổi bật”? Bởi một số tactic dưới đây thực sự chỉ dành cho những bạn như thế. Với những người đã có một tài năng, kỹ năng nhất định, những kỹ xảo này thuần túy bổ sung giúp hồ sơ hoàn chỉnh hơn. Họ không làm cũng không sao.)

Trong phần 2 này, tôi nói về:

  1. Xác định hình tượng bản thân
  2. Xây dựng trên mạng xã hội

Sở dĩ nói về 2 điều này trước bởi lẽ số 1 là nền tảng, phải làm nó trước khi làm những điều còn lại. Số 2 lại là dễ nhất để thực hành ngay, không tổn hại mất công sức lắm. Trong phần 3, tôi sẽ nói về cách xây dựng thương hiệu cá nhân ở ngoài đời.

Xác định 3 từ miêu tả bản thân

Ba từ của tôi là Integrity (trung thực), Creativity (sáng tạo) và Progress (tiến bộ).

Để chọn 3 từ tốt đẹp nhất miêu tả bản thân bạn và những điều bạn tin tưởng, bạn nên chọn từ một danh sách thật dài và cân nhắc kỹ. Lý do tôi chọn là như sau:

  • Integrity: phù hợp với triết lý truyền thông của tôi
  • Creativity: phù hợp với sở thích của tôi
  • Progress: phù hợp với các hoạt động xã hội mà tôi luôn tình nguyện tham gia, cũng như niềm tin của tôi dành cho quyền bình đẳng, tôn trọng giữa người và người.

Dĩ nhiên ai cũng có thể khẳng định họ tin những điều không khác gì tôi, vậy làm sao để chúng ta khác nhau? Vấn đề là bạn chỉ có 3 từ, bạn sẽ bỏ cái nào để ưu tiên cho cái nào?

Bạn nên chọn kỹ. Bạn có thể làm bước thứ 2 (Viết đoạn miêu tả bản thân) rồi mới quay lại làm bước này. Đây sẽ là xương sống cho những phát ngôn, hành động của bạn trước người khác.

Nó giống như một tấm lọc. Nếu bạn định phát ngôn gì đó gây shock, hãy xem lại điều bạn sắp nói có tương phản với từ nào trong 3 từ này không.

Viết một đoạn miêu tả bản thân (personal statement)

Khi tôi nói “viết”, nghĩa là bạn phải ngồi xuống viết. Cầm cây bút và viết ra giấy, hoặc gõ lên máy tính, để giúp bạn định hình rõ ràng hơn. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một đám đông 1000 người và bạn có 2 phút để giới thiệu “TÔI LÀ AI?”

Khi tôi nói “2 phút”, nghĩa là đúng 2 phút, chênh lệch vài giây. Bạn không nên gây sự chú ý bằng cách buông thõng một câu, mập mờ bí hiểm, bởi hai lẽ như sau: tôn trọng người nghe luyện tập sức chịu đựng. Về việc tôn trọng người nghe, bạn hẳn thấy rõ rằng những người cố-ý tỏ ra bí hiểm đều sẽ trở thành hai kiểu. Kiểu thứ nhất là quá lão luyện nên dĩ nhiên thuyết phục. Loại người ấy tôi không bàn đến trong bài này và bài này cũng không giúp gì cho họ được. Nếu bạn không có kinh nghiệm, bạn dễ sa vào kiểu người thứ hai: bị người khác xem thường vì “tỏ vẻ nguy hiểm.” Không những vậy, phần lớn những người bạn cần gây ấn tượng lại là những người đã thành công và trưởng thành. Họ, thứ nhất có thể đọc vị bạn, thứ hai là cũng không rảnh để chơi trò đọc đoán nhân tâm với người đang cần đến mình. Anh bí hiểm ư? Okay, tôi gọi người khác vậy.

Tôn trọng người nghe tức là luôn ghi nhớ rằng hầu hết họ đều thông minh (hơn bạn nghĩ).

Lí do khác để tôi đưa ra hạn định 2 phút, ấy là vì nói ngắn không dễ, nói dài càng không dễ. Khi đã hết ý vẫn phải tiếp tục tìm ý mới, không nhàm chán, không lặp lại. Nó chính là đại diện cho những đoạn “lắng” trong công cuộc xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn. Hôm nay bạn không muốn gặp ai? Tuần này bạn không muốn viết gì cả? Sẽ có những lúc như thế. Nếu bạn vượt qua được 2 phút, bạn có khả năng sẽ chịu đựng tốt hơn sau này.

Bạn không nhất thiết phải chia sẻ đoạn miêu tả với ai, nhưng nên đứng trước gương và tập nói thật trơn thu, kèm với động tác cá nhân (cười, nghiêng đầu, động tác tay, v.v…) Một lúc nào đó, bạn sẽ cần đến nó, tôi đảm bảo. Và khi đã ghi nhớ, nó sẽ như hệ thống định vị nằm hẳn ở trong não trạng của bạn. Tuy không hiển thị ra ngoài, nhưng nó sẽ luôn ở bên cạnh và chỉ cho bạn hướng đi.

Tóm tắt:

  • Viết đoạn giới thiệu bản thân. Độ dài: 2 phút, chênh lệch 5 giây.
  • Tập giới thiệu bản thân trước gương, kèm với động tác cơ thể

Xác định mảng trọng tâm

Từ 3 từ khóa và đoạn miêu tả bản thân ở trên, bạn hãy xác định một mảng bạn quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại và hai mảng đi kèm.

Ví dụ:

  • Mảng chính: “văn học”, hai mảng đi kèm là “hoạt động sáng tạo” và “bình đẳng giới.”
  • Mảng chính: “tâm lý học”, hai mảng đi kèm là “công nghệ” và “âm nhạc”

Hai mảng đi kèm không nhất thiết phải liên quan chặt chẽ đến mảng chính, nhưng cũng không nên quá đối chọi hoặc tách biệt. Giả sử bạn chọn “thời trang” và “vật lý”, cặp đôi này khó thành công hơn là “thời trang” và “thể hình.”

Bạn luôn có thể thay đổi 3 mảng này trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu dài lâu của mình. Nhưng tránh thay đổi thường xuyên.

Không ai bắt buộc bạn phải nói chuyện quanh quẩn trong 3 mảng này cả, nhưng bạn nên tìm đọc thêm ấn phẩm, tư liệu liên quan.

Hoàn thành ít nhất một hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội

Facebook, Instagram, Twitter, Pinterest,… tùy bạn chọn. Với người Việt Nam, phổ biến và hợp lý nhất vẫn là Facebook. Tùy theo sở thích và năng lực, bạn có thể chọn những trang khác (Instagram cho thời trang, DeviantArt cho hội họa, LinkedIn cho những ngành nghề đa dạng,…)

Thông thường với những người đã có một điểm mạnh để quảng bá trên mạng xã hội (sáng tác nhạc, làm thơ, viết văn, luận bàn chính trị xã hội,…), đây chỉ như một bước bổ sung thêm. Nhưng tôi nghĩ nó cũng không tốn công sức bao nhiêu, lợi nhiều hơn hại. Facebook bây giờ gần như là bộ mặt của bạn với thế giới, nó cần chỉn chu và đường hoàng.

Bạn nên hoàn thành những mục sau:

  • Trường cấp III và Đại học, Cao học
  • Các công việc bạn từng làm qua
  • Ảnh đại diện rõ mặt hoặc đẹp. Không ai muốn tương tác với “con mèo” hay “cái cây” cả.
  • Email (bạn nên để email riêng vì dễ bị spam)
  • Các ngôn ngữ bạn có thể nói
  • Giới tính
  • Nơi sống
  • Link các thể loại blog hoặc trang mạng xã hội khác mà bạn có
  • Câu nói yêu thích
  • Những page bạn like: đặc biệt chú ý, ở mảng này bạn có thể like bất kỳ page bạn thích, nhưng nên chú trọng tỉ lệ giữa những chủ đề liên quan và không liên quan đến ngành nghề của mình. Nếu bạn là thầy giáo Vật Lý, bạn nên tập trung like Albert Einstein, Nikola Tesla, Newton, bên cạnh Sơn Tùng MTP, EXO, Drake v.v.. Nếu trong list chỉ có những đối tượng sau, nó trông không thuyết phục tí nào. Nhưng nếu bạn đánh bóng sở thích nghe nhạc Âu Mỹ, bạn nên like nhiều Drake, Kanye West, Maroon 5, v.v… (đấy là tôi ví dụ thế. Nhạc Âu Mỹ lại còn chia ra lắm trường phái, hipster hay không, v.v… – tìm hiểu thật kỹ vào!!!)

Bạn có biết tính chất của những việc vừa rồi là gì không? Nó giống như viết resume xin việc vậy. Chả ai đọc nhưng không có lại không hay. Trừ phi bạn giỏi đến mức người ta mời vào làm, hoặc tự tin mình có lối đi riêng, còn lại đều nên thử qua con đường truyền thống cho an toàn. Làm những điều này không mất gì của bạn cả.

“Làm sạch” hồ sơ cá nhân

Thầy giáo Vật Lý: gỡ bỏ phần lớn ảnh bạn đang nhậu nhẹt, bê tha, ăn mặc thiếu nghiêm túc. Hạn chế post những status không phù hợp với hình tượng (thế nào là không phù hợp thì phải do bạn tự thẩm định, tùy vào targeted audience)

Hotgirl bán mỹ phẩm: gỡ bỏ phần lớn hình ảnh mặt mụn. Hạn chế post những status không phù hợp với hình tượng. Có nhiều bạn hotgirl hay đăng ảnh cá nhân thật đẹp kèm caption không liên quan. Đây không phải nước đi dở, bằng chứng là các bạn có rất nhiều like. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình không phù hợp với việc đó, targeted audience của mình cũng không thích nó, vậy bạn không nên làm.

“Làm giàu” hồ sơ cá nhân

Nói nôm na, bạn nên đăng bài đều đặn lên mạng xã hội. Trung bình 1 status/ 2 ngày. Nhiều hơn cũng không sao, chỉ cần đừng đến mức 10 status/ ngày.

Nội dung như thế nào là phù hợp? Dĩ nhiên là nội dung liên quan đến hoạt động của bạn: phim ảnh, âm nhạc, giáo dục, tâm lý, v.v…

Tỉ lệ nội dung như thế nào là hợp lý? Tôi áp dụng quy tắc 60/30/10 hoặc 70/20/10

  • 60%-70%: chia sẻ những nội dung, hình ảnh có ích với người đọc. Ví dụ: thầy giáo Vật Lý share link về một lớp học miễn phí trên Coursera, hotgirl bán mỹ phẩm share cách test son cho hợp với màu da
  • 20%-30%: chia sẻ nhận định của mình về một vấn đề, sản phẩm, tác phẩm nào đó, hoặc những clip hài giải khuây, vui vẻ.
  • 10%: những chuyện cá nhân

Vì đây là hồ sơ cá nhân chứ không phải page đại diện, thế nên nội dung bạn post không cần phân chia quá rõ ràng. Tấm ảnh selfie của một hotgirl vẫn có thể tính vào 60% có ích với người đọc, nếu như caption đi kèm là cách dưỡng da mùa đông.

Điều quan trọng cần nhớ: nội dung bạn post chính là con người bạn trong mắt độc giả.

Hẹn gặp lại các bạn trong Phần 3. Tôi sẽ nói về cách xây dựng hình tượng và thương hiệu cá nhân ở ngoài đời thực.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Quan Hệ Công Chúng Viet

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: