Skip to content →

Một cái chết trẻ

Chúng tôi nhận được tin Minh cắt cổ tay tự tử trong phòng tắm theo nhiều cách khác nhau. Facebook, yahoo, nhắn tin, skype, tin đồn lan trong công ty như một vệt mực loang. Lời xì xầm dấy lên ở khắp mọi ngõ ngách, trên mặt ai cũng phủ một lớp sáp mờ mờ bóng nhẫy. Tôi tự hỏi họ che giấu điều gì dưới lớp sáp ấy. Có ai sợ, có ai hoang mang, có ai đơn thuần là tò mò tàn nhẫn, thằng ấy chết thế nào, mấy giờ, cắt tay trái hay tay phải, tại sao tự tử? Có ai thở phào nhẹ nhõm? Đứng trước cái chết của người lạ hay người quen, kiểu chết đột ngột, người ta hay có thói quen tuột ra từ mồm một câu hỏi.

Công ty là nơi chán nhất quả đất tôi từng đặt chân đến, bao gồm một tập hợp đặc quánh xanh lét bầy nhầy thải ra từ những sinh vật màu xám lướt qua lướt lại, lanh lẹ và quỷ quyệt. Cũng chính là những sinh vật màu xám đó nhao nhao câu hỏi về chuyện Minh tự tử. Đãi đớt trên khuôn miệng xinh xinh của mấy con nhỏ môi đỏ chót là những câu xiên xẹo kì quặc. Sao mà chết thế nhỉ? Chết có ai biết không? Mấy giờ mới phát hiện ra? Công an nói gì? Nhà giàu thế mà sao chết, ngu quá. Phí quá. Hâm quá. Dở người quá. Như một bầy ruồi bắt đầu vo ve quanh chiếc xác thối.

Phòng làm việc của tôi bắt đầu làm một trò tồi tệ, gọi là “trừ tà.” Tôi không biết ai là người đưa ra ý kiến quái gở như vậy, con nhỏ Hân tóc nhuộm vàng khè như lông bò, hay gã thủ quỹ mắt híp mặt thịt; đứa nào cũng tệ như nhau. Và cả cái lũ bệnh hoạn còn lại cũng thế. Chúng nó dấm dúi vài lá bùa, yểm lên bàn làm việc của Minh, trưng cây xương rồng khắp phòng, xịt một thứ nước nhờ nhờ xin từ thầy Năm thầy Bảy nào đó lên mọi nơi Minh từng chạm tay vào, và Minh từng chạm-vào mọi góc trong phòng. Hắn là một gã thân thiện và hoạt bát, một kiểu “popular guy” của phòng, và trở thành popular guy của công ty sau cái chết không rõ ràng. Nhân viên công sở là một lũ sinh vật háu đói. Và ngu ngốc đến rợn người. Cái cách con Ngọc đi tung tăng khắp phòng xịt thứ dung dịch vệ sinh kia khiến tôi rùng mình. Nó nghĩ linh hồn là vi trùng để tẩy rửa sao?

Minh là một gã thanh niên cao chừng mét tám, mắt to và có mí dưới, nói năng dẻo quẹo; nhờ cái miệng ấy mà hắn giành cũng được kha khá hợp đồng bên bàn nhậu. Tôi nhớ mình từng nói chuyện với Minh một, hai lần; một lần hắn cho tôi bịch bánh quy bơ phồng lúc nhìn thấy tôi dán dòng chữ “DIET or DIE” lên máy tính của mình. Tôi nhìn hắn bằng ánh mắt căm thù sau tiếng cảm ơn lí nhí. Lần thứ hai là khi tôi gục xuống bàn ngủ sau một tuần chạy campaign quảng cáo cho một công ty bao cao su giời hành. Hắn đặt một bịch cafe sữa bột lên bàn và nói:

– Mệt đến vậy sao?

Chỉ thế thôi mà tôi đã muốn đấm hắn thêm cái nữa, giọng điệu châm chích chuyện tôi lên giường với một thằng trong nhóm chạy xe motor quanh thành phố quảng cáo bao cao su không lẫn đi đâu được.

Ngoài ra tôi không nhớ còn bao giờ mình tiếp xúc với Minh. Ai trong công ty này cũng biết tôi được nhận vào vì là cháu họ của vợ giám đốc, tôi cũng chẳng buồn biện hộ cho chuyện ấy. Làm con ông cháu cha ở đâu cũng khá đơn giản, hoặc người ta bám lấy bạn như bạn là chiếc cột, họ là gái nhảy; cứ thế mà uốn éo lượn lờ; hoặc người ta tẩy chay và xì xầm sau lưng bạn. Tôi thấy dễ chịu hơn với cách thứ hai. Thật ra, tôi dễ chịu nhất khi nhìn thấy người ta không thể làm gì được mình. Giống như năm cấp I tôi đè sấp thằng bạn xuống, con trai tuổi ấy còn nhỏ con hơn con gái nhiều, khóa chặt tay nó ra sau lưng vì nó ăn cắp tẩy của tôi. Giống như năm cấp II tôi giành mất của con nhỏ lớp trưởng một suất thi học sinh giỏi, mặc dù điểm tôi chắc thua điểm nó 0.5. Sao cũng được.

Nhưng tôi không ghét ai cả. Tôi không ghét Minh, không ghét thằng bạn đã ăn cắp tẩy, không ghét nhỏ lớp trưởng. Tôi chỉ thấy họ chán ốm ra, vẫy vùng và vẫy vùng nhưng chẳng thể làm được gì. Một lúc nào đó khi còn nhỏ, tôi có đọc lén tập thơ của ông chú ruột. Đọc vừa xong một bài thì mẹ tôi phát hiện ra và giật phắt cái thứ thơ thẩn ấy khỏi tay. Mẹ bảo đừng đọc rồi mang vận vào người như chú, thế nên câu duy nhất tôi nhớ là, “Loài người vẫy vùng trong vũng lầy của việc sống. Anh ở đây và thả cần câu.”

Thơ như thế, thảo nào chú tôi cả đời không ngóc đầu ngoi vào được cái chiếu nào của làng văn Việt Nam. Mẹ tôi thì bảo chỗ ấy bốc mùi, vì chiếu ngàn năm không giặt đến một lần. Đàn bà không có cửa ngoi vào, lấy ai mà giặt giũ cho. Mấy ông chỉ có nhậu và thả văn thả thơ, tràn trề lai láng. Không bốc mùi hơi phí.

———-

Buổi chiều làm xong sổ sách, gọi điện đặt lịch hẹn với một vài thằng cha khách hàng vớ vẩn (nhưng có tiền), tôi rời công ty, ì ạch dắt con xe tay ga ra vỉa hè. Tôi nghĩ mình cũng nên ghé ngang qua nhà Minh.

Đám tang là một nơi luôn khiến tôi thấy lúng túng. Thể hiện bao nhiêu đau thương là vừa? Ít quá thì vô phép, nhiều quá thì vô lối. Tôi nhìn thoáng qua vài khuôn mặt đồng nghiệp đã có mặt từ lúc nào. Con Ngọc mặt đơ đơ bự phấn, con Miên Hạ mặc áo hở 1/ 3 ngực, gã Trần lấm la lấm lét nhìn xung quanh. Thể loại người mà đến đi đám tang cũng còn lấm la lấm lét, đi đám cưới hẳn sẽ dòm ngực cô dâu.

Tôi rút một cây nhang, nhúng vào đốm lửa cháy phừng phừng trên ngọn nến trắng cỡ đại, lầm rầm khấn vái. Minh, cậu có sống khôn thác thiêng thì biết tôi chưa bao giờ ghét cậu. Tôi chẳng biết khấn gì nữa, thắp nén nhang cho dưới kia cậu ấp áp đôi phần. Cậu chết trẻ như thế cũng uổng. Nhưng… Chẳng biết khấn thêm gì, tôi cúi lạy ba lần rồi cắm que hương vào giữa bát hương đỏ vàng loè loẹt. Đôi mắt của Minh trong tấm ảnh thờ nhìn ươn ướt. Chắc nó khóc. Chắc mấy đứa trước khi tự tử hay khóc. Đành đoạn gì mà đến cả cuộc đời cũng không thèm dung chứa tụi nó.

Tôi đến bàn tiếp khách chào mẹ của Minh. Cha hắn nghe đâu cưới vợ bé từ lâu, đi đâu biệt xứ, đám tang thằng con cũng không thấy về. Còn bà mẹ ngồi đây, điềm tĩnh vô hồn như tượng Phật bà toạ toà sen ngọc. Không thấy bà khóc hờ hờ, cũng chẳng đấm ngực rền rĩ. Một tay bà rót nước trà mời khách không ngừng, chẳng run rẩy rơi vãi giọt nào. Có điều ai hỏi gì cũng không trả lời. Đơ đơ như câm, như điếc.

Tôi dọn giọng, giới thiệu ngắn gọn: “Con là đồng nghiệp của Minh.”

Bà gật đầu ra vẻ đã nghe, tay lại rót thêm tách trà khác. Tôi cầm tách lên uống một hơi, nghe vị đắng cuộn lên trong cổ họng. Đôi mắt ươn ướt của Minh, đôi mắt mờ đục khô khốc của bà mẹ, đôi mắt nhạt thếch của chú tôi ngày bị nhà xuất bản từ chối không ra tập thơ vì “nhiều lý do khách quan”; chừng ấy đôi mắt là chừng ấy hốc xoáy thăm thẳm cuốn phăng từ tâm.

Lành lạnh sống lưng như có luồng điện quét qua người, tôi ngờ ngợ nhớ ra đây là lần đầu tiên mình đứng gần một cái chết cùng tuổi như thế. Trẻ và chết. Có thứ gì đó trong người tôi bắt đầu vỡ răng rắc, như kính nứt, như bánh quy bơ phồng. Có thể lúc ấy Minh chẳng có ý gì thật, chỉ là nhìn thấy mặt tôi phờ phạc nên hắn đưa bánh vậy thôi. Mẹ tôi dạy nghĩa tử là nghĩa tận. Còn tôi làm việc mượt mặt ở văn phòng này, đã bao giờ thèm sống cho tận với đám người xung quanh. Đến chết cũng chẳng biết phải khấn cho nhau điều gì. Hình như là sai lắm rồi.

Tối hôm đó về tôi bật “Con mắt còn lại” nghe cả đêm, giọng Khánh Ly liêu trai nương nhẹ vào đầu, rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay. Sáng dậy vừa đúng lúc đến câu “Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm”, vị đắng chát của trà tang lễ lại ứ ứ trong cổ họng. Hình như tối hôm qua ngủ quên đánh răng.

———-

Buổi sáng sau giấc ngủ quên đánh răng, tôi len lén rời khỏi nhà sớm, mua một nhành hoa lys trắng đến đặt lên bàn làm việc của Minh, rồi chạy biến ra khỏi công ty, giả vờ đi loanh quanh thêm một vài vòng rồi mới vào lại, ra vẻ việc đó không phải ta làm. Tôi không muốn dây dưa lôi thôi với cái đám nhân viên vệ sinh khử linh hồn kia.

Đeo bộ mặt dấm dẳng như mọi khi, tôi quay lại chỗ làm và nhìn thấy văn phòng bình thản một cách lạ thường. Mọi người ngồi yên trước bàn làm việc của họ, chẳng ai xì xầm gì về nhành hoa lys. Con Ngọc cũng không vờn vã đi xịt thuốc khử trùng. Tiếng gõ máy tính lạch cạch vang lên đều đặn nhấn nhá cho một bầu không khí lãng đãng kì quặc tôi chưa từng thấy. Tôi lẻn vào ô vuông nhỏ xíu của mình, bật máy tính lên, len lén nhìn qua bàn Minh. Nhành lys trắng muốt vẫn nằm im ở đó

Một ngày làm việc của tôi luôn bắt đầu bằng việc check mailbox. 78 mail, hết 52 mail quảng cáo, số còn lại có cái quan trọng, có cái nhảm nhí. Tôi bookmark mail từ ông chủ một chuỗi nhà hàng đồ nướng, một lão già mập phệ bóng lưỡng, trông xa xa rất hợp làm linh vật hot dog. Hợp đồng quảng cáo cho nhà hàng sắp khai trương này vốn là của Minh, bây giờ đẩy sang cho tôi có lẽ vì không ai muốn nhận. Tôi download những file lão ấy gởi kèm, bảo là của Minh soạn; rồi bắt đầu đọc. Phong cách sến súa đặc trưng của hắn không nhầm vào đâu được; nhưng vì thế mà hắn đắt khách. Người xứ này chuộng những gì rình rang sến súa, đôi khi chỉ vì họ cần có một thứ gì đó để chửi mỉa phê bình.

Ngọc mỏ đỏ đi ngang ô làm việc của tôi, hỏi giọng ngọt như kẹo bông:

– Em làm tiếp hợp đồng của Minh hả?

– Dạ – tôi trả lời gọn. Nhưng chợt tò mò quá đỗi, tôi hỏi thêm – Chị có thấy nhành lys trên bàn Minh không…

– Thấy chớ. Không biết ai để cho nó. Kệ, nhìn cho cái bàn đỡ trống. Vắng nó thấy trống trống.

Tự dưng tôi thấy lòng mình mát mẻ ra một chút. Mùi hoa lys ngát lên át đi mùi dung dịch khử linh hồn. Không biết nói gì nữa, tôi lại quay mặt về phía màn hình

– Ừ thôi ráng, tội nghiệp nó. – Ngọc nấn ná – Có gì cần thì cứ gọi chị. Làm tốt cho nó bớt nợ trần gian mà mau siêu thoát.

Tôi sém nữa cười sặc nước bọt vào màn hình máy tính. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu làm việc, tôi thấy ở công ty cũng có một chút màu.

—————

Tôi đem mọi chuyện xảy ra gần đây kể với mẹ. Mẹ trách do tôi cay nghiệt quá mà không nhận ra những điều tốt ở mọi người. Tôi lại nghĩ vì mình ngây thơ quá.

————

Ngày mai đi gặp trực tiếp lão chủ tiệm nướng. Có một vài điểm trong bản kế hoạch của Minh mà tôi chưa rõ lắm. Tôi sắp xếp thời gian đi làm về ghé ngang nhà hắn, thắp nén hương nhân tiện hỏi xem hắn có để giấy tờ gì ở nhà không.

Mẹ hắn ra mở cổng, tôi khẽ khàng giới thiệu. Cháu làm chung chỗ với Minh. Hôm trước có đến thắp hương. Bây giờ công ty chuyển việc của Minh cho cháu, nên cháu mạn phép đến hỏi còn giấy tờ gì Minh để ở nhà. Bác biết thì cho cháu xin. Chuyện này buồn quá ạ.

Bác gật đầu, ra hiệu cho tôi vào nhà. Tôi ì ạch dắt chiếc xe theo sau người phụ nữ đậm người, tóc bối thành một búi trắng xóa ấy. Bác vẫn lặng lẽ như mọi khi, ngay cả đi cũng không nghe tiếng dép quẹt vốn hay nghe ở những người già. Bầu không khí xung quanh sa trĩu xuống.

Căn nhà buồn như mọi nhà vừa có tang, lại là tang chết trẻ, tang tự tử; nhìn đâu cũng thấy man mác sầu sầu, đượm một nỗi buồn không lối thoát, nghẹn lại trong lồng ngực hay ầng ậng dưới đáy mắt của người còn sống. Bác rót cho tôi một tách trà nóng, tôi lầm rầm khấn vái lạy trời không phải là trà đám tang hôm trước.

– Cháu xin lỗi. Ở công ty cháu với Minh không thân lắm nên… – tôi ngập ngừng lựa lời sau khi thắp một nén hương cho Minh.

– Không sao đâu con. – bây giờ tôi mới nghe giọng bác. Bác gọi tôi là “con”, không biết vì thói quen xưng hô hay vì điều gì khác.

Bác chẳng nói gì nữa, đi vào phía trong, rồi quày quả trở ra mang theo một xấp giấy tờ. “Cái này là bác dọn phòng thằng Minh nên thấy, chứ cũng không biết con cần cái nào. Con cứ mang về mà xem. Cái nào không cần… thì… ừ… trả lại cho bác, nghen con.”

Hai tiếng “nghen con”, giọng miền Nam dịu dịu mà làm tim tôi nhói lên. Tôi cố gắng bình thản cầm lấy xấp giấy tờ, thấy tay mình nặng trịch như đeo đá. Lúc chào bác ra về, tôi không dám hỏi vì sao Minh tự tử. Màn đêm đổ ập xuống từ bao giờ, thành phố lên đèn, đủ màu xoay xoáy, tôi phóng xe đi nghe tiếng gió như tiếng ai khóc cười.

Sáng hôm sau đến công ty, tôi thấy bên cạnh nhành lys của mình có thêm một bông huệ trắng. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, bắt gặp ánh mắt của Ngọc mỏ đỏ. Cô nàng cười, nụ cười buồn buồn thương thương. Tôi gât đầu chào lại, trong đầu vang lên vài câu hát.

Còn hai con mắt, khóc người một con

Còn hai con mắt, một con khóc người.

Cuối ngày hôm đó, tôi hỏi Ngọc có muốn đi kiếm gì ăn với tôi không. Cô nàng nhanh nhảu đồng ý, hẳn đang ngạc nhiên vì cháu gái xa xôi của giám đốc thân chinh mời nàng đi ăn. Loanh quanh thế nào, chúng tôi lại đến KFC. Màu vàng sáng rực phủ lên không gian một làn hơi ấm áp mịn mượt. Chúng tôi vừa gặm đùi gà, vừa nói về công ty. Về thị trường bất động sản đang đóng băng. Về tạp chí Elle và một ả người mẫu ăn mặc trong suốt nào đó. Về Minh. Không có gì vui, nhưng cũng không tệ. Tôi thấy lòng mình mở ra một chút, sau cái chết trẻ của một đồng nghiệp, và những hồn nhiên của một đồng nghiệp khác.

————-

Vài tuần sau, nhớ ra 49 ngày của Minh, tôi ghé ngang nhà thăm bác. Đập vào mắt tôi là tờ giấy BÁN NHÀ GẤP dán trên cánh cổng sắt đen.

Vẫn là bác ra mở cửa cho tôi, ánh mắt bây giờ đã trũng sâu mờ xám. Không đợi bước vào phòng khách, tôi hỏi:

– Cháu định đến thắp hương 49 ngày cho Minh, mà sao vậy bác?

Bác chẳng trả lời gì, bảo tôi vào nhà ngồi cho ấm chỗ, uống miếng nước đã rồi hẵn lo. Lần này thắp hương cho Minh, tôi lại bắt gặp đôi mắt ươn ướt trong di ảnh của cậu ta.

Người phụ nữ ngồi đối diện tôi – bây giờ tôi mới nhìn kỹ – trông già đi chục tuổi. Nếu tính cả cái chết của đứa con, hẳn bà cũng già đi nửa thế kỷ là ít, so với những ngày còn bình yên trước đây. Đời người trôi qua như vậy sao? Là nhanh hay là chậm, khi mà trăm năm gói lại trong một vài giây tuyệt vọng? Tôi nhắc lại lần nữa câu hỏi của mình:

– Ừ, bác không giấu con nữa. – giọng bà nghe vỡ òa ra – Người ta đến giựt nợ nhà bác. Thằng Minh vay tiền nặng lãi đầu tư vào bất động sản. Mà đến giờ nhà cửa xứ này vẫn không ra gì, nó không bán được, không có tiền trả nợ. Mà nó giấu bác. Rồi nó…

Lỗ tai tôi bắt đầu lùng bùng theo lời kể lẫn tiếng nức nở của bác. Thu mình sống trong lớp vỏ bọc an toàn quá lâu, và bây giờ cuộc sống thực mà tôi mới hé mắt ra nhìn đã nhấn chìm tôi vào một hố nước sâu hoắm. Mỗi lần tên của Ngọc được nhắc đến, là mỗi lần tôi muốn chửi thề. Ả là người đã rủ Minh đầu tư vào bất động sản và móc nối cho Minh vay tiền.

Sáng hôm sau tôi đến công ty, gom hết hoa trên bàn của Minh quăng vào thùng rác.

———-

Tôi gắng gượng giải quyết xong hợp đồng với lão béo chủ tiệm nướng. Thời gian đắng ngắt trôi qua, cuối cùng cũng xong. Tôi viết đơn xin nghỉ phép một ngày, lí do chữa bệnh. Sau đó tôi mua vé máy bay quê, về với mẹ, về chữa bệnh.

Ngồi trong bữa cơm chiều, tôi kể cho mẹ nghe hết những gì vừa xảy ra. Rau muống xanh thơm lừng mùi tỏi xào xì dầu. Canh chua cá thu, miếng cá múp múp trắng mờ, cà chua đỏ lừng lững trôi trong bát canh to. Mẹ ngồi đối diện, đeo đôi kiếng trắng, ăn dưa mắm vàng ruộm; im lặng nghe đứa con gái vừa chạy trốn tên hàng xóm to bự, về mách mẹ cuộc đời không vui.

Rồi mẹ bắt đầu kể. Chuyện bên nhà hàng xóm có một bà đánh bài bán hết nhà cửa. Chuyện đầu ngõ mới mở quán cafe. Chuyện năm nay bão lũ không nhiều mà lòng người tan nát.

Bên ngoài, hoàng hôn đổ ụp một bát màu cam đỏ lênh láng khắp nền trời chằng chịt dây điện. Mẹ không nhắc gì đến chuyện tôi vừa kể. Mẹ thản nhiên bảo ngày xưa cấm tôi đọc tập thơ của chú là đúng. Tôi bỗng nhớ đến chú của mình, gã nhà thơ cả đời thả cần câu nhìn người ta vùng vẫy, hoặc ngược lại, vùng vẫy nhìn người ta thả cần câu, người vui cá đau, người được kẻ mất. Hóa ra là như vậy sao? Là Ngọc, Minh, mẹ của Minh, tôi, mẹ của tôi, và tất cả; vì vùng vẫy quá nhiều mà làm cuộc đời nổi sóng.

– Bây giờ cho con đọc được không? – tôi hỏi, nhồm nhoàm một mồm đầy cơm.

– Không. – mẹ nói giọng dứt khoát.

– Mẹ… kỳ quá à!

– Nuốt cơm đi rồi nói chuyện tiếp. Con gái con đứa thiệt tình…

Tôi cười hềnh hệch. Mẹ cũng cười, đôi mắt hấp háy sau cặp kính sáng. Tóc mẹ điểm sợi bạc, tóc tôi đen lay láy. Tôi thật tình không muốn về thành phố nữa. Ở đây yên bình quá đỗi.

————–

Nhưng sáng hôm sau tôi vẫn lên máy bay. Bình yên bỏ lại sau lưng, chẳng còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục làm người. Nói như mẹ tôi, tối hôm qua lúc thắp hương bàn thờ, là nghiệp còn phải trả.

Cảm giác máy bay cất cánh, hụt hẫng rời mặt đất trong trạng thái không trọng lực đè ép lên thân người mở đầu cho cuộc hành trình của tôi trở về lại thành phố. Tôi ngả đầu ra phía sau, mắt nhắm nghiền nín thở. Trong tay tôi là tập thơ chép tay của chú, lúc sáng lén mẹ mang đi. Tôi chưa đọc dòng nào, khư khư ôm nó vào lòng như một món đồ bỏ thì thương mà vương thì tội. Tập thơ không xuất bản, 50 năm của mẹ Minh, đôi mắt ươn ướt của Minh, bờ môi đỏ chót của Ngọc. Tất thảy những thứ đó trộn thành một hỗn hợp đặc quánh bám dính lầy nhầy lên tim tôi.

Tôi mở mắt ra, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ xíu xuống bên dưới. Dưới kia, những ngôi nhà nhỏ dần; những chiếc xe nhỏ dần; những con người nhỏ dần. Một chút. Một chút xíu. Một chút xíu xiu. Nhỏ đến vô nghĩa. Mây bắt đầu ứ lên che mờ tất cả.

Rio Lam

If you found something which you want to express but can’t in this story, feel free to share it with your buddies on Facebook, Twitter, Tumblr, … Thank you! I would appreciate it 🙂

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Truyện Viet

4 Comments

  1. Hollow sorrow
    And exhaustion

    But if I feel tired now, there will be one less of me.
    If there is one less of me, it’s a lost for me, for my life, and for my love of my life.

    Thank you for a moment of silence for those who stopped. I walk on now, continuing my journey on my own two feet, straight back, head high, with the ultimate belief that I will never be alone.

    • you’re always welcome 🙂

  2. “Mẹ ngồi đối diện, đeo đôi kiếng trắng, ăn dưa mắm vàng ruộm; im lặng nghe đứa con gái vừa chạy trốn tên hàng xóm to bự, về mách mẹ cuộc đời không vui.”
    Câu này của cậu/chị làm tớ/em khóc.

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: