Skip to content →

Đã đọc xong “Nước Mỹ, nước Mỹ”

nuoc my  nuoc my

Mình mất gần 3 tháng để đọc xong quyển sách này của chị Phan Việt, mình cũng mất gần 3 năm lang thang ở xứ Mỹ này tính đến thời điểm đọc xong quyển sách. Có lẽ đó cũng là một điều thú vị.

Trước đây mình biết đến văn của chị Phan Việt qua những trích đoạn, hoặc trích dẫn, sau đó là blog “Nước Mỹ, nước Mỹ” của chị. Chị hiện lên qua những dòng văn là một người phụ nữ học cao, hiểu biết rộng, đi nhiều nơi và trải qua nhiều chuyện; dĩ nhiên những gì chị kể có một sức hấp dẫn với con bé còn trẻ và cạn nghĩ như mình. Nước Mỹ trải ra trước mắt, châu Âu trải ra trước mắt, thế giới của hàn lâm và học thuật phần nào cũng he hé một tí cho mình ghé mắt nhìn vào. Lẩn khuất trong những truyện ngắn của chị luôn có những con người hứng lên là nghỉ việc, và đi tìm một công việc khác, những con người loay hoay với những nỗi không yên mơ hồ bứt rứt của họ. Mà thôi, trước khi đi xa vào những tâm sự con người, mình quẩn quanh với những thứ tầm thường đã. Mình đoán chừng những nhân vật của chị  – nếu họ dựa trên một hình mẫu có thật nào đó – đều tốt nghiệp những trường hạng top với GPA xuất sắc, kinh nghiệm đầy mình, gần như những thiên tài. Thời buổi suy thoái, đến người Mỹ cũng không mấy ai bỏ việc và tìm việc một cách thanh thản như thế.

Thế giới của những con người tài giỏi – mặc dù sự tài giỏi của họ không phải là chủ đề chính của truyện – luôn khiến mình háo hức tò mò ngước nhìn sự lấp lánh của nó, vì ngay cả bỏ một việc làm chui hạng bét lương 4 đồng một giờ đối với mình cũng là chuyện đắn đo hàng mấy tháng trời. Cũng là nước Mỹ mà khác nhau quá.

Rồi mình dành ra 3 tháng để đọc “Nước Mỹ, nước Mỹ.” 3 tháng, có thể là vì đọc kỹ, đọc sâu; mà cũng có thể vì không đủ kiên nhẫn dành trọn một ngày để nhấm nháp cho hết câu chữ. Nước Mỹ của chị Phan Việt xa lạ với mình quá, mình không biết tìm nó ở đâu. Mình nghĩ hẳn nó phải ở đâu đó thôi, nhưng ở chỗ nào nhỉ?

Trong quãng thời gian đọc “Nước Mỹ, nước Mỹ”, để giải đáp cho câu hỏi trên, mình có tìm đọc hoặc đọc lại một số tác phẩm khác của các nhà văn Mỹ, xem thử nước Mỹ của họ thế nào. “Bay qua tổ chim cúc cu” của Ken Kesey (cái này là vì mình đang đọc dở dang nên đọc nốt luôn), truyện ngắn “Without Her” của Del James (dân gian đồn rằng nó chính là nguồn cảm hứng cho Axl Rose sáng tác November Rain), một truyện thuộc thể loại flick-chick vampire gì đó, kể về một cô nữ sinh trong trường cấp II có người bạn thân là vampire; Suối nguồn (à, cái này là vì mới đọc lại lần hai cách đây không lâu nên vẫn nhớ); luc lọi trong trí nhớ thêm dăm ba tác phẩm nữa; thì nhận ra nước Mỹ của họ rất quen thuộc; quen thuộc đến mức một con bé cấp II chưa bao giờ ra khỏi biên giới đã có thể tưởng tượng ra và sống trong đó. Vậy tại sao nước Mỹ của chị Phan Việt, nơi mình đang sống qua ngòi bút của một người cùng quốc tịch với mình, lại xa lạ như thế?

Mình đã nghĩ có lẽ vì nhân vật của chị đều sống, học tập, và làm việc ở những môi trường quá khác mình; nhưng lí do này nghe không trôi. Văn học là để làm gì nếu không phải để ta sống nhiều cuộc đời khác nhau. Cái ngày mình khóc vì nghe những gì Roark nói, mình còn chưa đặt chân đến New York, không biết kiến trúc sư là mần chuyện gì. Cái ngày mình khóc vì những thân phận Do Thái lưu vong trong “Khúc du ca cuối cùng” thì chiến tranh Thế giới thứ II đã lùi xa lâu lắm rồi.

Mình đặt giả thiết: có thể vì tính-chất Mỹ trong đó nhiều hơn. Những câu chuyện do tác giả Mỹ viết mà mình đã đọc, nó có thể ở bất kỳ đâu, chỉ cần thay đổi một vài chi tiết miêu tả thì Roark cũng có thể đứng ở Hồ Gươm Hà Nội và nhìn thấy kiến trúc của thủ đô xinh đẹp đến nhường nào. Mình còn không nhớ tay rocker trong “Without Her” đã tự thiêu ở đâu. Và nữ sinh cấp II hay trường học thì ở đâu cũng có, vampire cũng thế. Còn “Nước Mỹ, nước Mỹ”, nó đúng là nước Mỹ. Qua ngòi bút của chị Phan Việt, nó hiện lên như một mảnh ghép nổi bật trong một khung ghép hình Á đông, và thế là nó làm mình không an lòng được như lúc đọc những “nước Mỹ” nằm vừa vặn hài hòa trong bối cảnh cả câu chuyện. Chẳng hạn như đoạn này nhé,

“Tôi đã chính thức để nhỡ. Buổi sáng nay, khi đạp xe dọc đường Ellis ngang qua trước cửa Citibank và tòa nhà Administration, tôi nhận ra tất cả hoa trên những cây anh đào đã rụng hết. Xác của chúng rơi đầy dưới nền đất đen, phủ lên yên những chiếc xe đạp khóa ngay bên cạnh đó. Trên đầu tôi, thay vào màu trắng, hồng, và đỏ là một màu xanh mạnh mẽ của lá và hàng triệu những búp non đang tiếp tục trổ. Vậy đó. Tôi quả đã chính thức để lỡ mùa xuân.” (Mùa xuân ở Chicago).

Tại sao lại phải có Ellis và Citibank và Administration, mình tự hỏi như thế. Mình thử gạt bỏ những từ đó ra, và thấy đoạn văn không khác đi bao nhiêu, ngoại trừ chuyện nó làm cho “nước Mỹ” bị mờ đi chút ít. Gạt đi như thế, mình thấy một người để lỡ mùa xuân, như mình để lỡ mai vàng, như một chị người Bắc nào đó để lỡ hoa đào, như những đứa du học sinh – cũng xa nhà – hối hả chạy vào lớp trong khi ở Việt Nam đang giao thừa, đến lúc bước ra khỏi lớp thì cũng ngỡ ngàng “mình đã lỡ mùa xuân.” Đặt lại những từ đó vào vị trí cũ, thì mình thấy một “ai đó” lỡ một mùa xuân ở Chicago, và chỉ ở Chicago.

Sự xa lạ không hẳn là mới mẻ, mà đó là sự xa lạ của một rãnh khớp không ăn nhập. Nhưng có lẽ chị Phan Việt có dụng ý riêng mà mình chưa hiểu hết. Hoặc cũng có thể mình đọc còn kém, chưa biết gạt bỏ những miêu tả phụ của nhà văn để cảm thấu tinh thần chính.

Nếu có ai hỏi mình, vậy “nước Mỹ” chị Phan Việt miêu tả là đúng hay không, mình sẽ trả lời là đúng. Nước Mỹ có Donutdunkin, đường freeway ở đây cũng giống như chị tả, nhà cửa đại khái cũng thế. Vậy con người có giống không? Mình không biết, mình không chơi với Mỹ trắng nhiều. Vậy người Việt Nam ở đó có như vậy không? Mình cũng không biết, xung quanh mình không có ai học Ivy League và thay đổi việc làm nhiều như thế. Vậy nó có phải là nước Mỹ không? Đúng, nó là nước Mỹ, tất cả những từ và địa danh và tên đường và tên tiệm ăn, nó đều thuộc về nước Mỹ.

Nếu bỏ những cái-tên đó đi, có thể “Nước Mỹ, nước Mỹ” sẽ trở thành “Thế giới, thế giới”; nhưng biết đâu làm như thế lại mất đi một nét phong cách của chị.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Review

6 Comments

  1. em cũng đã đọc quyển này rồi. có điều em chưa ở Mỹ bao giờ. cảm nhận của em cũng khá giống chị. có điều lúc em đọc xong thì em cảm thấy rất là trống rỗng như là cuộc đời của mấy nhân vật trong đó không có mục đích rõ ràng vậy, như là đang phó mặc cho sự đời …

    • có thể đó chính là điều chị Phan Việt đang miêu tả em ha 🙂

  2. Trung Nguyen Trung Nguyen

    ko biet em mua cuon sach nay o dau? @@ , to mo cung muon doc thu cho biet … anh luu lac o “nuoc My” cung 10 nam, hien van con dang di hoc University mac du ko phai Ivy League nhung cung la Top 50 😛 😀 … kinh nghiem lam cung 2-3 cong viec o top corporates nhung cung chua dam nghi viec nua chung ma phai wait cho het contract :(“! … nhan vat ma em noi anh cung da tung gap, thanh nien My ho cung rat hay quit job nhung da phan la ho ko happy voi cong viec hien tai va chua rang buoc vao gia dinh …

    • Em vô tình tìm được nó trong mớ sách người ta bỏ lại vì chuyển nhà anh ạ 😀 Anh muốn đọc không, có khi em sẽ gởi cho anh í 😀 Quyển em có thì cũ rồi, bìa cũng lem nhem nữa, nhưng mà hy vọng anh sẽ thích nó.

      • Blog cua em lam dep va viey hay lam … chuc em thanh cong tren con duong du hoc o nuoc My nay … 🙂

        • em cảm ơn anh ạ 🙂 hy vọng anh sẽ ủng hộ em nhé

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: