Skip to content →

Khắc khoải đợi chờ

Mẹ viết bài này khi mình 2 tuổi, ba đi làm xa.

Thương mẹ lắm.

—————————

Anh đã đi! Tra chìa vào ổ, chị từ từ xoay một vòng và chậm rãi kéo cánh cửa mở ra.

Chị không muốn đối mặt với cái lạnh lẽo, quạnh hiu của căn nhà vốn sang nay còn đầy ắp tiếng nói, tiếng cười của anh.

Trên thành ghế, chiếc áo sơ-mi của anh nằm vắt vẻo. Sáng nay, vì quýnh quáng chở anh ra ga, chị đã không kịp dọn dẹp. Rút chiếc áo, định ném vào xô đựng quần áo bẩn, nhưng rồi chị ngồi thừ, ôm chiếc áo hít mùi mồ hôi, mùi thuốc lá quen thuộc tỏa ra từ nó. Trên bàn, ly cà phê uống cạn còn đọng lại một tí cặn màu đen. Dưới giường, đôi dép mang trong nhà của anh nằm chỏng chơ mỗi nơi một chiếc. Chị mím môi đứng dậy, lao vào dọn dẹp để khỏi suy nghĩ, khỏi nhớ nhung, khỏi thấy trống trải.

Chiều, chị cở đứa con gái từ nhà trẻ về. Đến trước cửa, nó la lên theo thói quen: “Ba ơi, mở cửa cho con”. Chị ngơ ngẩn cả người.
Mâm cơm chiều chỉ có hai mẹ con. Cho con ăn xong, chị vội vàng dọn mâm xuống, không buồn nhìn đến phần cơm canh nguội ngắt dành cho mình.

Tối, hai mẹ con lên giường sớm. Chị đọc thơ cho con nghe. Thời buổi bây giờ, người ta tụng kinh bằng cassette. Chị cũng hay ru con bằng cassette. Đôi khi, ngẫu hứng, chị lại ầu ơ ru con hay nói đúng hơn đọc cho nó nghe câu ca dao quen thuộc: “Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dẫn con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời”. Mỗi lần như vậy, anh lại trêu chị: “Hình như em chỉ biết có mỗi câu ca dao đó thôi hả?”.

Tối nay, như muốn con chia sẻ với nỗi lòng mình, chị ôm nó vào lòng và lại ầu ơ một câu ca dao khác: Ầu ơ… chim quyên ăn trái nhãn lồng. Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Đứa con gái bỗng giãy nãy lên: “Không, không, mẹ ru con ví dầu cơ”. Chẳng có ai chia sẻ với chị hết. Đứa con còn quá nhỏ để chia sẻ nỗi lòng của mẹ.

Ngày đầu tiên, dài thật dài. Mắt mở thao láo, nhìn lên đỉnh màn, chị không ngủ được. Chị mong sao cho đêm chóng qua. Chuông đồng hồ nhà ai gõ binh boong 12 tiếng. Chị nhắm mắt cố ru giấc ngủ nhưng vô ích. Chiếc giường mọi hôm chật hẹp, sao tối nay bỗng nhiên rộng thênh thang. Cuối cùng, chị thiếp dần vào giấc ngủ đầy mộng mị.

Sáng dậy, chị nhớ là đã mơ thấy anh nhưng không tài nào nhớ nỗi trong mơ, anh đang làm gì.

Đưa con đến nhà trẻ xong, không muốn trở về với căn nhà quạnh quẽ, chị đạp xe đi lang thang như một người điên. Bao năm nay vì con nhỏ, chị đã không có một việc làm ổn định. Nhưng dù sao, chị vẫn còn bận rộn để làm một bữa cơm trưa ngon lành, đợi anh về; để giặt ủi quần áo cho anh, để dọn dẹp những vật bừa bãi mà vì tính cẩu thả, an hay vất nó lung tung khiến nhiều lần chị phải bực mình.

Bây giờ, chị thèm thấy một ly cà phê chưa rửa của anh, một đôi vớ bẩn vất bừa bãi trên giường, một cái kìm anh bỏ lăn lóc trong bếp… Chị thèm những nỗi bực mình nho nhỏ mà anh đã gây ra cho chị.

Bây giờ, đêm đêm, chị thủ thỉ với con về anh. Có cái nó biết và cũng có điều nó chưa hiểu nhưng chị cứ nói, nói và kể cho nó nghe rằng giờ này ba đang làm gì, ba còn thức hay đã ngủ, khi nào ba về chở hai mẹ con mình đi chơi… Đứa bé thỉnh thoảng cao hứng lại bi bô: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta đều thương yêu nhau. Đi xa là nhớ, gần nhau là cười”. Bài hát dành cho trẻ con nhưng mỗi lần nghe xong, anh và chị lại cảm động nhìn nhau.

Bây giờ, mỗi buổi chiều, khi nghe tiếng xe chạy chầm chậm ngoài đường, chị lại hồi hộp nhìn ra. Có đên, đang ngủ say, chị giật mình tỉnh giấc, cứ ngỡ như anh đang kêu cửa. Nghe ngóng một hồi, biết rằng mình lầm, chị lại trăn trở, cố dỗ giấc ngủ trở lại. Tiếng cửa cót két lại làm chị lo sợ. Bản lề cửa đã hỏng từ hôm anh đi. Mọi hôm, trước khi ngủ, khi chị đã nằm yên ở trên giường, anh lại đi quanh nhà, xem lại cửa nẻo và tắt đèn. Bây giờ, chị phải làm tất cả những việc đó.

Mỗi buổi sáng, chị lại hồi hộp khi thấy người đưa thư từ đàng xa. Mỗi lần nhận được thư, chị hấp tấp đọc lướt qua, rồi lại từ từ ngồi “gặm nhấm” từng ý, từng lời trong đó. Tối đến, chị đọc thư cho con nghe. Thỉnh thoảng, con bé lại toét miệng cười mỗi khi nghe chị đọc tên nó.
Trước đây, đôi lúc với đồng lương khiêm tốn của anh, chị cứ ngẩn ngơ khi đứng trước một chiếc áo pull đẹp, một món nữ trang với kiểu hình mới nhất, lạ nhất, một con búp bê biết bò, biết khóc cho con gái. Mỗi lần như vậy, anh biết chị đang mơ ước, thèm thuồng và anh lại an ủi: “Anh không dám chắc, nhưng khi nào có tiền, anh sẽ mua cho em”.

Bây giờ, ước gì có anh ở đây để chị được nói với anh rằng: Anh và con, quá đủ đối với em rồi”

Nguyễn Bá Quỳnh Anh (5/1993)

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: