cho tôi ngày xưa ngây ngô
cho tôi niềm vui mơ hồ
cho tôi thờ ơ
cho tôi nghi ngờ
tôi nghe niềm tin vu vơ
tôi nghe lòng tham đang chờ
tôi như mộng mơ ngu ngơ ngu ngơ
Tôi xin mượn lời của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong trong bài “Linh hồn và thể xác” để mở đầu bài viết này. Nếu bạn có lòng kiên nhẫn đọc hết, cũng xin đưa bài hát này theo bạn đến những câu chữ cuối cùng. Tôi nghe bài hát trên đường lái xe về nhà, sau khi xem xong Hotboy nổi loạn; và bất giác mỉm cười vì đây có lẽ là bài hát tuyệt vời để làm Ost cho bộ phim, hoàn hảo từ tiêu đề đến lời nhạc.
Bởi lẽ Hotboy nổi loạn là một bộ phim về khoảng ngăn cách giữa “thể xác” và “linh hồn”, giữa “mặt ánh sáng” và “mặt bóng tối” đan nhập vào nhau giữa những nẻo đường sáng ánh đèn màu của Sài Gòn.
Thế thì, Hotboy nổi loạn có hay không?
Tôi không muốn trao cho bạn cái hi vọng về một bộ phim đoạt giải Oscar như Brokeback Mountain hay một tác phẩm kinh điển tầm cỡ. Nghiệp dư như tôi nhặt được cả mớ sạn trong him; mà tệ nhất là lời thoại. Phải nói rằng trong một những dòng thoại của Lam, chính cái chất giọng Bắc và khả năng diễn xuất của Lương Mạnh Hải đã gỡ gạc lại cho nội dung sến súa của câu nói (một lần nữa tôi phải nhắc lại, “sến” đối với tôi là quá ảo, màu mè; không hẳn là dở hoặc sáo rỗng.)
Không phê bình, không cầu tiến thì tôi viết bài này để làm gì? Thế này bạn ạ: mỗi một tác phẩm nghệ thuật mà tôi có cơ may được thưởng thức; tôi xem nó như một người bạn mới gặp. Xem phim đọc sách như đối thoại với người đã sáng tạo ra nó, nhìn vào thế giới quan của họ để thấy ảnh phản chiếu của chính bản thân mình. Mà bạn ơi, có bao giờ nói chuyện với một người bạn mà ta lại nỡ lòng soi xem áo bạn mặc có hợp với quần, câu bạn nói có chủ vị đầy đủ hay không. Sạn nào bỏ qua được tôi sẽ bỏ qua vậy. Thế nên ai có trót dại đọc bài viết này, đừng tìm ở nó một bài bình luận xuất sắc và đắt giá. Đừng tìm những lời soi xét về một người bạn. Bởi lẽ tôi xem đó như mối lương duyên kỳ ngộ.
Nói lăng nhăng nãy giờ vẫn chưa vào chủ đề chính. Đại khái bài viết này sẽ nói về những “kỷ niệm” tôi có với Hotboy nổi loạn – những kỷ niệm gói gọn trong vài giây vài phút; hay những lần phải tua lại chỉ để xem một lần nữa những gì vừa diễn ra.
Mọi người đặt câu hỏi Lam chết hay chưa? Thoạt đầu tôi nghĩ là chưa. Đầu óc logic bình thường thôi; bị đánh như thế có thể thương tật vĩnh viễn chứ khó chết lắm. Nhưng bạn ạ, đến khúc Long chống nạn lết dọc theo vỉa hè, gào khóc thảm thiết; tôi đành phải tin là Lam đã chết. Đã chết. Nếu không vì sao Long phải khóc như thế? À thì bạn nào với đầu óc duy lý có thể phản biện rằng “khóc thế chắc gì vì Lam đã chết.” nhưng tôi cứ phải tin là Lam đã chết bạn à. Tội nghiệp cho tôi chỉ có thể xem phim trên màn hình iPod nhỏ xíu; không nắm rõ được biểu cảm của nhân vật. Nhưng cái cậu đóng vai Long diễn không tệ chút nào. Tôi cảm được nỗi đau của cậu ta đấy. Cậu làm tôi – sau khi xem hết phim – phải loanh quanh đi tìm lí do vì sao Lam chết. Tôi không nói đến lí do bị đánh; mà là về nhân quả. Nhân nào đã đưa đến cái chết của Lam?
ai cho tôi lòng hoang mang
ai cho tôi vội vàng
chưa tìm lại đã vỡ tan
nhắm mắt quá khứ muộn màng về thênh thang
ai cho tôi linh hồn
Tôi nghĩ là vì Lam đã không đúng, không đúng trong nhiều thứ. Nhìn Lam mạnh mẽ bao nhiêu, sức phản kháng của anh trước cuộc đời lại yếu ớt bấy nhiêu. Anh trơ lắm, phải dùng từ trơ, lúc Đông bỏ anh đi, anh cũng chỉ hỏi một câu ngắn gọn, “Anh bỏ em đi thật hả?” Thế mà trước đó anh không thoát được Đông, anh làm đĩ, anh đi cướp; tất cả đều nằm dưới lí do tốt đẹp mang tên tình yêu. Nhưng lí do tốt đẹp không bao giờ gỡ được những gì chúng ta đã gieo rắc. Anh phải trả cho những gì anh đã gieo, đời nó nghiệt thế đấy. Tôi cũng đau lòng lắm chứ, nhưng biết sao được. Tôi dùng từ “không đúng”, chứ không phải “sai”; vì trời ạ, ai mà biết được chúng ta sẽ làm gì khi chúng ta ở trong hoàn cảnh của Lam.
Nói đến mạnh mẽ phải nói đến Khôi. Cậu trai trẻ đó khác hẳn những nhân vật còn lại trong phim (trừ thằng Cười, nhưng kể đến thằng ấy làm gì, vì nó bị thiểu năng. Nó bị thiểu năng nên nó dễ dàng để mạnh mẽ hơn những người có đủ chức năng như Lam, Hạnh, Khôi, và như chúng ta.) Khôi biết bước ra trước khi bị cuốn vào. Cảnh Khôi chia tay Lam, rời khỏi căn phòng nhỏ lúc nào cũng thiếu ánh sáng; tôi bất giác so sánh Khôi với Lam và Lam với Đông. Có biết Lam mắc kẹt không thể vùng thoát khỏi Đông kể cả khi tình yêu đã biến thành sự ghê tởm; mới thấy bước chân dứt khoát của Khôi, hành động rút cánh tay ra khỏi đôi bàn tay Lam đang níu kéo, khát khao yêu thương mới thật sự là mạnh mẽ, thật sự là “tàn nhẫn.” Sự “tàn nhẫn” mà Lam không có được để cứu chính anh.
ai cho tôi ngày hôm nay
ai cho tôi tình này
trông lạ kì những ngón tay
có lắm nước mắt đọa đầy về quanh đây
Có hai người thực lòng yêu Lam trong phim này, và tôi vừa nhắc đến cả hai: Long và Khôi. Trớ trêu làm sao; Lam đón Khôi về nhà, bắt đầu những ngày tháng yêu thương khi Khôi đang chống chiếc nạng gỗ. Và cũng với chiếc nạng gỗ, Long gào khóc trên vỉa hè cho kết thúc của Lam. Tôi không biết đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có ẩn ý gì không (mà chắc là không quá à). Nhưng tôi thực sự ấn tượng với chi tiết chiếc nạng gỗ, cho một mở đầu và một kết thúc. Vậy đó bạn à, người ta yêu và người yêu ta; người vô tình đẩy Lam đến bước đi cướp đường và người khóc những giọt nước mắt cuối cùng cho Lam;…
Sau những giọt nước mắt nghẹn ngào của Long là dòng text, “Khu vực này đã giải tỏa và trở thành trung tâm thương mại.” Có thể tôi suy diễn hơi quá đà… Nhưng nghĩ xem, khu đĩ đực đứng đường tối tăm và trung tâm thương mại sáng sủa; có gì chung với nhau đâu? Thế mà có, có đấy; cũng vẫn là một khu đó thôi. Khôi và Long, hai người khác nhau, một trong sáng mạnh mẽ, một là thằng đĩ bán mình chán chường cuộc sống, vẫn cùng 1 tình yêu dành cho Lam đó thôi. Đồng tính, hay dị tính; cũng là người cả thôi. Nhưng vì sao một bên là mặt sáng và một bên là mặt tối, có ai biết vì sao?
Tôi muốn viết thêm một chút về nhân vật Long, vì không hiểu vì sao những bài review tôi đọc chẳng hề thấy cậu ấy xuất hiện. Nhưng tính đi tính lại thì những gì có thể viết tôi đã viết cả rồi, mặc dù trong phim thực sự cậu ấy còn nhiều hơn những gì tôi có thể viết. Nói gì thì nói, cảnh cuối cùng khi Long lê đôi nạng gỗ khóc cho Lam, tôi khó mà quên được.
Tôi – như nhiều khán giả khác – cũng nhớ luôn cả lời nói cuối cùng của cô gái điếm, “Tôi tên Hạnh, Trần Thị Phước Hạnh.” Thôi thì không bàn đến chuyện cái tên nó ngược với thân phận của cô làm gì nữa. Một lần nữa tôi để cho sự suy diễn của mình bay xa và bay cao. Câu nói đó trước hết là để nói với đời, “Rằng tôi cũng có một cái tên, không phải đĩ chó hay đĩ ngựa.” Và sau là để nói với thằng Cười… Tôi nhớ đến XXX Holic, khi Yuuko dặn Watanuki, “đừng tùy tiện nói tên mình cho người khác; vì đó là cách ma quỷ nắm được bạn.” Vậy nghĩa là khi trao cái tên của ta cho ai đó; ta đồng thời cũng trao một phần tâm hồn và niềm tin của ta trong đó. Với Hạnh, cái tên có lẽ là vật xác tín trao cho thằng Cười. Đời cô còn cái gì ngoài cái tên nữa đâu.
cho tôi ngày xưa ngây ngô
cho tôi niềm vui mơ hồ
cho tôi thờ ơ
cho tôi nghi ngờ
Hôm trước có một bài review vô cùng ngu ngốc, tôi phải nói thẳng là ngu ngốc; khi nhận xét lúc đó Hạnh vừa giết người, thế mà còn đủ tỉnh táo dừng đèn đỏ khi đang chạy xe máy. Thiệt là không chịu nỗi những đầu óc “tinh tế”, coi phim như đi lựa cá. Tôi phải nói thẳng như thế, vì tôi coi phim như đi lựa hoa. Tôi chỉ để ý đến việc đèn xanh rồi mà Hạnh vẫn không đi. Vì sao thế nhỉ? Mỗi người tự tìm một lí giải cho riêng mình đi. Hạnh cứ đứng giữa ngã tư nơi những ngã rẽ đặt ra trước mặt, đèn xanh đã bật; và cô cứ đứng đó khóc như vậy thôi. Tự dưng tôi nhớ đến “chị Dậu chay ra ngoài trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị.”
Lại trích một đoạn nữa trong “Linh hồn và thể xác” vậy:
ai cho tôi ngày hôm nay
ai cho tôi tình này
trông lạ kì những ngón tay
có lắm nước mắt đọa đầy về quanh đây
Ai cho Hạnh ngày hôm nay, cho Hạnh cái khoảnh khắc đứng giữa ngã tư đèn xanh mà vẫn không chạy? Dịch cúm gia cầm, mụ chủ dắt gái, thằng ma cô, xã hội; hay mối tình với thằng Cười? (tôi chẳng thích dùng từ mối tình lắm. Nhưng chẳng nghĩ ra từ gì khác)
Cơ bản về Hotboy nổi loạn là thế. “Linh hồn” và “thể xác”, những khoảng trống rỗng cách biệt giữa sáng tối và những con người. Hạnh phúc có lẽ là khi những khoảng cách được kéo gần lại. Tôi không nói đến “hạnh phúc lương thiện.” Kẻ xấu người tốt, miễn sao thân xác và linh hồn được đi liền với nhau đã là hạnh phúc rồi.
Kết bài thôi, xin mượn câu nói của nhân vật Lam; cũng là câu nói tôi thích nhất phim, “Là vì 2 thằng làm đĩ mà làm tình với nhau thì buồn cười và tội nghiệp lắm.” Vì những khoảng trống gặp nhau chỉ thêm trống, thêm chơ vơ giữa cuộc đời bề bộn này. That’s it.
nhiều điều vội vã
nhiều người cần thứ tha
cúi xuống ta mình ta
yêu thương yêu thương nhạt nhòa
Comments