Skip to content →

Khói của tự do – Phần 1

Truyện ngắn này, nếu được hoàn thành, xin gởi tặng đến những ai đã, đang, và sẽ sống trong tuổi trẻ bất diệt của tôi.

– Rio-

Tháng 4 năm 1967,

Frank Backwood vừa tròn 19 tuổi, cậu trai với đôi mắt xám trong veo và mái tóc nâu sẫm, viền lấy khuôn mặt hình vuông ương ngạnh. Một buổi trưa oi bức, cậu trai đập vỡ chiếc bình sứ Trung Hoa mà những tổ tiên quý tộc của cậu đã mua lại từ một tay đào vàng da vàng nào đấy, trong cơn túng quẫn phải bán của gia bảo để có tiền nuôi tiếp giấc mộng hoàng kim nằm sâu dưới lòng đất của “Gum San.” Không ai biết chiếc bình sứ có giá bao nhiêu, có đúng là đồ vua ban như lời của lão đào vàng hay không. Mà vua Trung Hoa thì có sá gì với nước Mỹ. Thế nên đôi tay vạm vỡ của Frank ném chiếc bình xuống sàn nhà bằng gỗ đánh bóng loáng, vỡ tan thành từng mảnh. Cậu hằm hằm quát vào mặt ông bố tóc bạc óng:

– Con không học nữa. Chán bỏ mẹ đi ấy.

– Vậy con sẽ làm gì? – ông Backwood ngồi im trong chiếc ghế gỗ. Giọng của ông đều đều như một mũi khoan.

– Con trẻ.- cậu gầm gừ – Con sẽ đến San Francisco. Con đã quyết rồi, không ai cản được nữa.

Bà Backwood khóc nấc liên hồi, mớ tóc vàng mỏng của bà phủ lòa xòa xuống vai, yếu ớt không hắt nổi một tia sáng mỏng nhất. Chiếc bình sứ là một phần trong mớ của hồi môn bà đem về nhà khi cưới ông Backwood. Bây giờ nó đã vỡ. Lại còn thêm một thằng con trai đòi đến San Francisco. San Francisco những ngày tháng 4 năm 1967. Từ cuối năm 1966, sau khi gã bác sĩ khốn nạn vô lương tâm Timothy Leary rêu rao về tác dụng thần tiên của thuốc phiện, San Francisco đã trở thành một hố sâu điên cuồng trụy lạc, chìm trong khói thuốc, tiếng nhạc đinh tai và những tiếng rên thống khoái; cái hố ấy đã hút hàng nghìn người con nước Mỹ vào một vũng lầy tăm tối phủ một màu nhờ nhờ thiên đường, nhân danh tuổi trẻ và tự do. Tự do nào nằm ở thuốc phiện, rượu và sex, bà Backwood không bao giờ hiểu được.

Nhưng Frank có vẻ hiểu. Cậu ấy – để lại sau lưng ông bà Backwood ngập trong ánh nắng chiều tà hắt vào gian phòng bếp – bước lên tầng hai, vào phòng ngủ, vơ lấy chiếc backpack cậu đã chuẩn bị sẵn từ lúc nào. Trong backpack có hai bộ quần áo, một quyển sách Exo-Psychology của lương y Timothy, một phiên bản tạp chí Oracle sặc sỡ, và một chiếc vòng tay da đỏ tết sợi. Chiếc vòng của Synthia. Cô ấy tạm biệt cậu để đến học ở UC Berkeley, và bây giờ cô ấy cũng đang ở San Francisco. Ở đâu đó của San Francisco, giữa tiếng nhạc và tự do. Frank sẽ đến đó, và họ sẽ gặp nhau.

– Thằng chó. Mày làm đéo gì lâu thế? – Big Bull khởi động chiếc xe Chevrolet Impala màu cam gạch cáu bẩn, càu nhàu lúc Frank chui vào xe.

– Gây lộn với ông bà già. Đào đâu ra con xe khá thế này?

– Chôm của ông già nhà tao. Rồi sao?

– Xong rồi. Kệ mẹ ổng bả thôi chớ. Hơi đâu quan tâm. Mà mày chôm vậy ổng không nói gì hả?

– Tao nói đéo đâu mà biết. Mày có đem tiền theo không đó?

– Có.

– Tao cũng có. Đi luôn hen?!

-Ừ, đợi làm đếch gì nữa.

Frank mở tấm bản đồ trải ra trước mặt, cậu nói với Big Bull, “Đi đường 76. Khi nào đến Henderson, Nevada thì dừng lại đón thằng Hunk.”

Trên tấm bản đồ vùng bờ Tây nước Mỹ trải rộng trước mặt cậu trai 19 tuổi, một dấu tròn đỏ vòng lại, nằm sát rìa Vịnh San Francisco, bên cạnh là dòng chữ viết láu, “Quận Haight Ashbury.”

(Zi Nguyen)

San Francisco của những ngày đầu hè năm 1967 là thiên đường của những tâm hồn trẻ và tự do. Liên tiếp những sự kiện diễn ra như một cơn sóng điện không thể ngăn cản, dội vào trái tim căng tràn và nặng trĩu của thanh niên nước Mỹ trong chiến tranh, của những đôi mắt đã mệt mỏi vì máu và sự trống rỗng kiệt quệ của vật chất. Frank mua quyển Exo-Psychology của Timothy sau khi ngây ngất xem một lần ông diễn thuyết tại Love Pageant. Kết thúc bài nói về tác dụng tích cực trong việc biến đổi tinh thần của các loại LSD mà đám người lớn cứ ngỡ là thuốc độc, ông ra lệnh cho giới trẻ, “Bung ra, vặn nhạc, thả phanh.”

Kể từ ngày đó, cậu trai nổi loạn mỗi lần soi gương lại thấy một ngọn lửa cầu vồng đang đốt cháy mình, cháy rực rỡ cuồng nhiệt. Và mặc dù chẳng hiểu mấy về “hướng dẫn sử dụng hệ thần kinh con người” của Timothy; cậu chắc chắn là mình sẽ đến San Francisco, ngay sau khi xong trường trung học; mặc kệ chuyện ông bà Backwood đã nhắm cho cậu học hành đến nơi đến chốn, trở thành luật sư, để ông bà an hưởng tuổi già. Mặc kệ tuổi già của ổng bả chớ. Đâu phải lỗi tại cậu nếu như ổng bả không thể khoe với lão hàng xóm Hans chuyện có một thằng con trai là luật sư đâu. Nói gì đi nữa, vẫn còn thằng em Zachary ở nhà, nó cứ việc trở thành luật sư nếu nó muốn, và nếu ổng bả có thể trị được nó. Nhìn cái kiểu nó suốt ngày học hành A+, Frank nghĩ nó cũng không có cửa đến San Francisco như cậu đâu.

Cậu không thích Zach, thằng nhỏ thua cậu 4 tuổi, nhưng nó luôn nhìn cậu bằng ánh mắt lạnh như băng. Hồi nhỏ khi hai anh em chơi thả diều với nhau, lần nào cậu cũng là đứa khóc toáng lên chạy về nhà mỗi lúc diều bị đứt dây. Zach chỉ lững chững đi theo sau. Và lúc thằng bé có thể đến gần cậu, nó sẽ nắm tay cậu rồi thỏ thẻ nói, “Frankie, đừng khóc, ba có tiền, ba sẽ mua diều mới.” Lúc Frank làm mất chiếc xe đạp cũng thế; “đừng sợ, ba có tiền, ba sẽ cho Frankie xe mới.” Frank hay làm mất đồ bởi tính lơ đễnh bất cẩn, và lần nào Zach cũng đúng, cậu sẽ có đồ mới ngay tức khắc, ông con cả của gia đình Backwood. Còn nó, Zachary Backwood, thằng con út, chưa bao giờ làm mất thứ gì trong 15 năm nó hiện hữu trên cuộc đời này. Đôi khi nghĩ đến điều đó, Frank lại rùng mình ớn lạnh.

Ngay cả lúc cậu cầm backpack đi ngang qua mặt nó để rời khỏi nhà cũng thế. Nó đứng dán mình vào khung cửa, nói ra thứ tiếng nhẹ như sương:

– Tháng 8 này có sinh nhật dì Mary. Bả già rồi, lại không có con cháu gì hết.

Frank dừng lại một giây. Cậu muốn đấm thẳng vào mặt Zach, khuôn mặt giống cậu như đúc từ một khuôn. Tháng 8? Dì Mary? Nó nghĩ là cậu sẽ về trước tháng 8 chắc? Nó nghĩ là cậu sẽ quay lại chắc? Mà việc bả không có con cháu thì mắc mớ gì chứ? Thằng Zach đang thương bả không có ai chăm nom, hay…

Nhưng cậu chỉ quay mặt đi. Zach, sẽ có lúc nó phải nuối tiếc vì hôm nay đã không đi cùng với cậu.

———-

Big Bull chạy xe loanh quanh thành phố Henderson, tìm nhà của Hunk. Hunk là anh họ của Synthia. Ngày trước, 3 đứa tụi nó là một nhóm bạn, và khu hàng xóm của tụi nó chưa bao giờ có được một ngày yên ổn. Ngày duy nhất yên ổn có lẽ là ngày Hunk dẫn Synthia đến gặp hai đứa còn lại, hất hàm giới thiệu:

“Nhỏ này là em họ của tao, tụi bây đừng có léng phéng. Tao giết.”

Cả ngày hôm đó, Big Bull và Frank đưa Synthia đi một vòng thị trấn nhỏ, và bởi vì “con gái không thế chơi những thứ nguy hiểm” – như lời thằng Hunk nói; nên không đứa nào rủ con bé đi nhảy cầu hay tạt nước phân vào nhà lão Hans.

Synthia tóc đỏ, giống Hunk. Đôi mắt cô bé màu xanh lục.  Thân hình chắc gọn. Cô bé thích ăn kem, thỉnh thoảng Frank thấy cô bé đọc sách, nhưng không rõ là sách gì. Thằng bé cũng có quá nhiều sách phải đọc, nên nó chẳng quan tâm hỏi han nhiều.

Rồi sau này Hunk chuyển chỗ ở đến Henderson, Nevada, Synthia ngay lập tức được hai đứa kia thừa nhận như một phần của bộ ba. Nhưng tuổi mới lớn ào đến, Big Bull và Frank điên cuồng chạy theo những buổi tiệc không ngừng mỗi cuối tuần. Cậu trai còn nhớ như in lần đầu tiên cậu quan hệ với một cô gái – một c0n bé tóc đen học cùng trường, trong buổi tiệc sinh nhật của thằng Eddy. Con bé có mùi hăng hắc như mùi ngựa. Kinh khủng hết sức.

– Cậu đừng có nói một đứa con gái có mùi của ngựa chứ! – Synthia cau mày

– Nhưng nó đúng là tởm lắm – Frank lắc đầu khổ sở.

– Nhưng cậu vẫn không được nói.

– Ok, không nói thì không nói.

– Nhưng con bé thế nào hả Frank? – Big Bull cười gằn, nó có kinh nghiệm hơn Frank nhiều.

– Không tệ lắm.

– Mẹ, mày là thằng gà con, biết đếch gì đâu mà tệ với không tệ.

– Mày im đi thằng chó.

– Thế con bé có blow job cho mày không?

– Có. Đã bảo là không tệ mà.

Synthia tròn mắt nghe hai đứa con trai nói chuyện, rồi cô bé thở dài:

– Tớ chưa làm lần nào cả. Liệu tớ có tệ không nhỉ?

Big Bull và Frank phá ra cười. Con bé ngây thơ đến lạ.

– Cậu yên tâm đi Synthia – Big Bull vỗ vai con bé – Cậu sẽ khá lắm đó.

– Sao cậu biết?

– Tớ biết. Nếu không phải vì hứa với thằng Hunk thì tớ cũng đã thử với cậu rồi.

– Mày im đi Bull! – Frank quát, tự dưng nó thấy không thoải mái lắm với kiểu của Bull. Nói gì thì nói, Synthia vẫn là đứa em gái nhỏ của cả đám. Suy nghĩ của thằng Big Bull làm Frank thấy buồn nôn, mặc dù nó biết chắc thằng bạn nó chả có ý gì.

– Đừng nghiêm trọng như vậy Frankie Dễ Thương, – Big Bull nháy mắt đểu giả – Mày phải đồng ý với tao là rồi đây Synthia cũng sẽ lớn. Và sẽ nhanh thôi.

Thế rồi sau những ngày ấy, cả ba đứa cùng bước vào tuổi thanh niên.

———-

Big Bull không làm gì Synthia. Nó là một thằng con trai bự con, bao tử nó cũng bự, trái tim và nhiều thứ khác của nó cũng thế. Những gì đã hứa với Hunk, nó sẽ giữ. Chỉ có Frank mỗi ngày nhìn Synthia lớn lên, và cậu biết cô bé không còn là đứa em gái nhỏ.

Nhưng Synthia là một điều đó rất lạ, giữa hàng mớ con gái bầy nhầy của cái thị trấn này. Còn trinh, điều ấy không hẳn là quan trọng; nhưng cách Synthia nghĩ về chuyện nam nữ, “có cũng được, không có cũng không sao”; cách Synthia cười với tất cả những thằng con trai đều như nhau, cách cô ấy uống rượu mà không bao giờ nghiện rượu rồi nôn mửa tóe loe như mấy con mẹ dơ bẩn khác… Rõ ràng đó không phải là mẫu con gái của Big Bull, thằng bé chỉ thích những đứa tóc thật dày lượn sóng, miệng phì phèo thuốc lá, môi đỏ hoe hoét. Synthia – tóc buộc đuôi ngựa, mặt mộc- và Frank nghĩ mình thích Synthia.

Frank biết là Synthia cũng thích mình.

Nhưng hai đứa nó chưa bao giờ nói ra. Và dường như cả thị trấn, trừ thằng Big Bull, cũng không ai để ý chuyện này. Họ cứ nghĩ việc hai đứa này đi chơi cùng nhau là một điều hiển nhiên như hai thằng con trai kéo nhau vào một quán rượu vào tối thứ sáu đẹp trời nào đó. Frank ngủ với tất cả những cô gái nó có thể, trừ Synthia. Còn cô bé, chẳng thằng nhóc nào dám đụng đến khi kè kè bên cô lúc nào cũng là hai thằng con trai tiếng tăm nhất thị trấn, thằng Backwood nhà giàu sụ và thằng Big Bull to xác.

Nhưng chính Synthia là người đã nói đến bác sĩ Timothy cho Frank.

– Cậu có biết Timothy Leary không? – một buổi chiều năm 1966, cô bé ngồi bên cạnh Frank trong quán kem và hỏi như thế.

– Không, vì sao phải biết ổng chớ?

– Frank, cậu sẽ trở thành một luật sư mà. Cậu cũng phải quan tâm đến mọi thứ chung quanh một chút đi – con bé dịu dàng nói.

Frank làu bàu cấm cẳn, nó ghét phải nghe hai chữ “luật sư.” Và nó cũng ghét “mọi thứ chung quanh.”

– Mắc gì mình sẽ trở thành cái thể loại đó?

– Ok, bất kể là cậu có muốn là ai, thì cậu cũng nên biết đến Timothy. Ổng thật sự rất tuyệt đó.

Nghe Synthia tự dưng ca ngợi một thằng cha nào đó, có lẽ rất già, khiến Frank không thoải mái chút nào. Nhưng thằng bé vẫn tiếp tục nghe.

– Ổng nói là tụi mình, mấy đứa còn trẻ như tụi mình á, phải tin tưởng vào bản thân, và phải nghi ngờ chính phủ. Thế giới này là nơi để tụi mình làm những gì tụi mình muốn. Cậu hiểu không?

-Hiểu.

– Không, cậu chưa hiểu đâu – Synthia đỏ bừng mặt lên, lần đầu tiên Frank nhìn thấy cô em gái của mình hăng say đến như thế – Cậu hãy nhìn xem người ta làm gì với tụi mình? Bao nhiêu bạn bè của tụi mình đã bị gởi đến cái vùng đất Việt Nam quái quỷ kia rồi? Khi nào họ mới trở về? Tại sao phải bắt họ đến đấy chứ, đất nước Mỹ này chưa đủ rộng lớn sao? Tại sao phải dùng tính mạng của người nước mình đem lại tự do hòa bình cho cái nơi xa xôi hẻo lánh chẳng liên quan như vậy? Rồi cậu có biết chuyện một lão dấm dớ nào đó ở Texas đã được cài tim nhân tạo vào người không? Sắp tới tụi mình có thể sống mà không cần tim thật đâu. Tớ không phải mê tín, nhưng mà tớ nghĩ cứ đà này thì người ta sẽ thành robot hết, những con robot không cần máu. Chính phủ hẳn là đang nghĩ như vậy nên mới tống một loạt thanh niên nước mình ra trận mà không biết xót.

– Thôi nào Synthia – Frank ngắt lời, cậu không muốn nghe chuyện chính trị này nọ từ cái miệng nhỏ xinh của con bé – Cậu đừng quan tâm đến mấy chuyện này nữa.

– Frank! Mình còn trẻ. Cậu cũng thế. Đừng nói với mình là cậu sẽ sống mắt mù tai điếc cho đến cuối đời, trở thành luật sư nhé.

– Cậu đừng có “luật sư” thế này thế kia được không?! – Frank tức tối quát lại. Con bé làm cậu phát điên lên được.

Synthia òa khóc. Sao mà nó có thể dễ khóc như vậy chứ? Nó cũng không ngại gì việc khóc giữa quán kem trung tâm thị trấn.

– Mình không nói chuyện với cậu nữa. Nhưng mình không bỏ cuộc đâu. 5 giờ chiều mai trên TV có phát sóng một bài phát biểu của Dr. Timothy đó. Cậu phải xem nó.

-Tại sao?

-Không hỏi nữa. Cậu phải xem. Mình nói thế.

Rồi con bé bỏ về, để lại cậu ngồi trơ trong quán kem tràn ngập tiếng nhạc rộn ràng của Beatles. Bản “Chúng ta sẽ làm được thôi” làm mưa làm bão radio từ đầu năm nay.

Hãy gắng nhìn theo cách của ta

Ta có cần phải nói cho đến khi không thể tiếp tục?

Nếu em cứ vẫn khăng khăng như cũ

Có lẽ tình yêu của chúng ta sẽ sớm tan mất rồi.

Nghĩ về những gì em đang nói

Em có thể sai và em vẫn nghĩ là mình đúng

Nghĩ về những gì ta đang nói

Chúng ta có thể làm được và làm ngay, hoặc chúc ngủ ngon cho rồi

Hãy gắng nhìn theo cách của ta

Chỉ thời gian mới biết ta sai hay đúng

Nếu em vẫn cứ khăng khăng lối cũ

Có lẽ rồi chúng ta sẽ rời xa nhau

Chúng ta có thể làm được

Chúng ta có thể làm được mà

Đời ngắn lắm, chẳng có mấy thời gian

Đấu đá làm chi, chửi mắng làm gì, hả bạn của ta

Ta luôn nghĩ đó là tội lỗi

Thế nên ta sẽ hỏi em một lần này nữa.

————–

Năm giờ chiều hôm sau, Frank chăm chú theo dõi nuốt từng lời Timothy Leary nói. Rằng thuốc LSD sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử nhân loại, mọi người sẽ hòa nhã hơn, yêu quý nhau hơn, tình yêu sẽ trải rộng khắp mọi nơi. Không biết vì sao, nhưng Frank đã quay cuồng với những gì giọng nói khàn khàn như đồng đó nói ra.

Những ngày sau, cậu hỏi những đứa bạn xung quanh, cậu tìm đọc tất cả bài báo, xem tivi. Và “bọn họ” làm cậu phát điên phát cuồng. Những kẻ tóc dài rối bù mặc áo quần dị hợm, những người ngất ngưởng nơi công cộng và tin vào một tình yêu nhân loại thần thánh. Họ trải lòng mình ra, cười nói hồn nhiên với mọi người, mắng chửi, ca hát và nhảy múa nơi công cộng như thể trái đất này là của riêng họ. Họ quan hệ với nhau vì tình yêu và bản năng, vì những gì con người nhất mà cậu từng biết.

Frank mượn của Synthia cuộn băng ghi hình một buổi trình diễn của The Red Dog Experience, và cậu ngất ngây xem nó vài ngày liền. Ở đó, Laughlin và những gã bạn tài năng của hắn ta trộn quấy nhạc dân gian nước Mỹ vào một khung cảnh rock điên dại. Chẳng còn biết đâu là ca sĩ, đâu là thính giả, tất cả hòa vào nhau, tất cả đều là một. Âm nhạc chảy tràn qua từng cơ thể, kết nối họ lại với nhau trong một khối ánh sáng nhập nhoạng. Người ta gọi đó là Acid Rock, hoặc Psychedelic Rock.

Khi trả cuộn băng lại cho Synthia, cô bé hớn hở nói với cậu:

– Nếu tụi mình có thể đến đó, sẽ có rất nhiều thuốc cho cả hai đứa.

Frank thoáng giật mình. Thuốc? Cậu không lạ gì, nhưng từ lúc nào Synthia hào hứng với thuốc chứ? Mặc dù chính cô bé là người đã bảo cậu xem Timothy Leary phát biểu, và rõ ràng là cô bé ủng hộ ông ta; nhưng Frank cảm thấy không yên tâm lắm.

-Synthia, cậu có chắc là muốn chơi thuốc không? Cậu chưa bao giờ…

– Chưa bao giờ thì phải có lần đầu chứ sao – Synthia hào hứng – Cậu có thấy màn trình diễn dã man của The Charlatans trong cuộn băng không? Tuyệt vời. Nhờ phê thuốc đó. Mình nghe nói là Stanley Bear, một gã nào đấy rất ghê gớm, đã cung cấp rất nhiều thuốc cho The Red Experience.

Nụ cười của Synthia tỏa sáng. Frank thấy những giấc mơ sống lại trong người mình, len lỏi qua những kẻ nứt linh hồn và làm cậu ngứa ngáy. Rằng anh em cậu đang bị gởi đến Việt Nam một cách vô nghĩa lý, chiến tranh không thể làm nên hòa bình; rằng cánh cửa dẫn đến tự do sẽ rộng mở một khi con người đứng dưới sự phù hộ của âm nhạc và rượu, của thuốc và tình dục, những nhu cầu vốn rất cơ bản nhưng đã bị những kẻ đạo đức giả làm cho méo mó tởm lợm.

Những người tự do đó, người ta gọi là hippie. Frank Backwood, sinh ra trong một gia đình Công giáo có truyền thống, một trong những dòng họ danh giá lâu đời ở thị trấn, luật sư tương lai, nhìn thấy ở họ tất cả những gì cậu muốn và cần.

Cuối tháng 7 năm 1966, Synthia lên đường nhập học ở UC Berkeley, cô bé buộc vào tay cậu chiếc vòng da đỏ, hẹn một ngày gặp lại.

————

Đầu tháng 8 năm 1966, truyền thông nước Mỹ chấn động loan báo tin Charles Whitman đứng trên những tầng cao nhất của tháp chính Đại học Texas tại Austin, bắn chết 16 người, làm bị thương 32 người sau khi tự tay giết mẹ và vợ của mình.

Charles Whitman, đứa trẻ có IQ là 172 vào năm lên 6, người được công nhận là Hướng đạo sinh Đại Bàng trẻ nhất trên thế giới, sinh ra trong một gia đình với người mẹ có đức tin thành kính vào Thiên Chúa, và người cha đòi hỏi sự hoàn hảo từ tất cả mọi thành viên trong nhà, bất kể việc dùng đến vũ lực và mắng chửi. 18 tuổi, cậu trai trẻ gia nhập quân ngũ, kiếm được vài huân chương danh dự, giành được học bổng của Hải quân Hoa Kỳ, sau đó theo học ngành kỹ sư cơ khí ở Đại học Texas tại Austin.

Có gì không ổn với một người như vậy sao?

Không ai biết. Charles không hề trải qua những khó khăn vật chất nào, không chịu bất kỳ tổn thương tinh thần nào trong thời điểm gần vụ xả súng. Tất cả những gì người khác biết được là một vài dòng Charles viết trong thư tuyệt mệnh:

 Tôi không hiểu vì sao tôi buộc phải viết lá thư này. Có lẽ cần phải có một vài lí do mù mờ nào đó cho việc tôi đã làm. Tôi thật sự không hiểu chính mình những ngày này. Tôi đúng ra là một gã đàn ông trẻ thông minh và suy nghĩ đúng đắn. Thế nhưng, gần đây (tôi không thể nhớ nó bắt đầu từ khi nào), tôi trở thành nạn nhân của nhiều suy nghĩ kỳ quái và phi lý.

Cho những ai quan tâm: tôi vừa lấy mạng mẹ của mình. Tôi rất buồn vì đã làm như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có thiên đường, hẳn bà đang ở trên đó […] Tôi thành thật xin lỗi […] Hãy tin rằng tôi yêu người phụ nữ này bằng tất cả trái tim của mình

Tôi hình dung là mình đã nhẫn tâm giết cả hai người tôi yêu. Tôi chỉ là cố gắng hoàn thành cho nhanh một việc cần phải xong […] Nếu bảo hiểm nhân mạng của tôi còn hiệu lực, làm ơn hãy trả hết những khoản nợ của tôi […] ủng hộ phần còn lại và những tổ chức sức khỏe tinh thần nhưng đừng ghi tên tôi. Có lẽ những nghiên cứu nào đó có thể ngăn chặn những bi kịch tương tự.

Charles cho rằng có điều gì đó rất sai ngấm ngầm diễn ra trong cơ thể của mình, và gã mong muốn một cuộc giải phẫu tử thi sẽ cho gã câu trả lời, ngay cả sau khi chết, giải thích cho hành động bắn giết và những cơn đau đầu liên tục. Gã cũng mong rằng những cuộn phim gã chụp sẽ được đem tráng, trong đó là ảnh của mấy con chó con mà vợ chồng gã đã định đem tặng bố mẹ vợ.

Sáng ngày 1 tháng 8, trước khi leo lên tòa tháp chính của Đại học và bắt đầu tấn thảm kịch, Charles bỏ tất cả những dòng nhật ký rời rạc của mình vào một phong bì tên “Những suy nghĩ cho Một ngày.” Phía trên phong bì lại có thêm một dòng gã viết:

Ngày 1 tháng 8 năm 66. Tôi không bao giờ có thể chịu được nữa. Những suy nghĩ này là quá sức của tôi.

————

Những ngày đầu tháng 8 trôi qua trong nước mắt. Những người con nước Mỹ vẫn tiếp tục lên đường đến Việt Nam, phơi mạng sống cho quân du kích ở đó. Chiến tranh lạnh với Liên Xô thả một màn mây hạt nhân đầy đe dọa phủ khắp bầu trời.

Frank càng có niềm tin vững chắc vào việc mình sẽ trở thành một gã hippie, và đi tìm tự do tinh thần, trước khi mọi thứ trở nên quá trễ, trước khi cậu trở thành Charles Whitman thứ hai. Cậu sẽ gặp lại Synthia yêu dấu sớm thôi, và tình yêu tinh khôi của họ sẽ hòa cùng tình yêu của mọi người.

Hoa đã trải ra dưới mặt đất và nhạc cất lên từ phía chân trời, đôi mắt xám của Frank Backwood giờ đây tràn ngập màu khói của tự do.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Truyện Viet

Comments

  1. Đọc Khói của tự do, thứ âm nhạc ma mị của psychedelic rock từ john vang lên. Khói của bỗng dưng miên man và trống trải. Từ cá nhân em thôi em thấy làn khói trắng bao phủ lan toả từng ngóc ngách của một thế hệ. Có lẽ chính thứ tưởng như làm lu mờ nhận thức của một thế hệ thanh niên thời đó lại là trở nên thật hơn những thứ khác, khi những gã trai trẻ Mỹ bỗng mông lung, chấp chới khi lưng nặng gánh bởi tượng nữ thần. Cảm ơn chị vì một câu chuyện hay.

  2. Nam Nam

    Hóng chap mới.
    Rất hay cảm ơn bạn, mình đến đây từ link những đứa con thành thị 9x.
    Mình đến từ nước VNCH

  3. Tenka Muni Tenka Muni

    Những chap tới, khi trích 1 bài hát hay 1 cuốn truyện nào, trừ phi nó quá quen thuộc, thì tốt nhất là nên để tên và lyrics gốc nhé. 😀

  4. Hay lắm bạn ạ, cách dẫn truyện rất tuyệt 😀
    Hy vọng truyện sớm hoàn thành 🙂

    • Mình sẽ cố gắng tự xuất bản bằng ebook trong năm nay. Hy vọng bạn ủng hộ ^^

  5. Ahnlee Ahnlee

    P.2 có tiêu đề là gì vậy b? Có thể đọc tiếp bằng cách nào đây?

    • mình dự định sẽ tự xuất bản truyện này bằng ebook và itunes, nên tạm thời chưa publish Phần 2 được bạn à 🙂
      Bạn sẽ ủng hộ mình chứ?

      • Ahnlee Ahnlee

        Sẽ ủng hộ!

  6. Dương Dương

    Bạn là người học Tự nhiên viết văn hay học Xã Hội viết văn ??

    • Mình học Xã hội bạn à 🙂 Không biết có phải vì thế mà văn phong kém logic không?

  7. Long Long

    mong cho truyện sớm hoàn thành 😀

  8. Về Charles Whitman, một giả thuyết đặt ra là anh ta đã bị rửa não khi vào quân ngũ, một dạng lập trình tâm trí. Những người này sẽ làm việc theo mệnh lệnh, theo những biểu tượng, ngôn ngữ mã hóa.

  9. Rất hay đó, tôi thích câu nói: Rằng anh em cậu đang bị gởi đến Việt Nam một cách vô nghĩa lý, CHIẾN TRANH không thể làm nên HÒA BÌNH.
    Rất ý nghĩa

    • Cảm ơn bạn rất nhiều

      Btw, ko biết có phải bạn đọc bài này từ link trên Những đứa con 9x thành thị không. Nếu đúng vậy thì tôi phải cảm ơn bạn lần nữa, vì dường như bạn là một trong số rất ít người đọc đến cuối bài 🙂

      • Vâng, đúng đó,
        Bài viết có âm hưởng mà tôi muốn đọc hết, nó giống như John Lennon hút cần sa và trở thành một nhà triết học của Hòa bình và Tình dục.
        Và cũng vì thế mà anh ta phải chết sớm.

        • Tử vi nói tôi sống cũng ko ngắn lắm đâu.

          • Yên tâm, bạn không cô đơn,
            Cái xã hội này đang sản sinh ra càng nhiều những người muốn được hút cần sa, hòa bình, tình dục, không bạo lực.

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: