(Photo: Gió Trời)
Lúc nãy trên đường vừa lái xe vừa nghe nhạc xuân, tôi nghĩ đến bao nhiêu điều để viết. Ấy vậy mà đến lúc về, dọn nhà, cắm hoa, đi tắm, họp nhanh với thằng bạn, đến giờ đã quên hết sạch cả thi hứng lẫn ý thơ. Nhưng tôi vẫn quyết định ngồi xuống viết vài dòng bởi những điều ánh lên trong trí tôi đẹp quá, không chép lại thì phí phạm lắm thôi.
Năm nào cũng thế, tôi bắt đầu nghe nhạc xuân vào… tháng Mười Một dương lịch, càng gần Tết lại càng nghe nhiều. Năm nay đặc biệt hơn, tôi bỏ chút công ra dọn nhà, ních một bụng bánh chưng bánh tét, lại còn cắm hoa nữa chứ. Nghèo nên chỉ lơ thơ vài bông cẩm chướng hồng khẳng khiu và alstro tím hoa cà nhiều phần dập nát, cắm trong một cái hũ Mason tôi mua rẻ từ bao giờ. Ấy thế nãy giờ tôi vẫn ngắm mãi không thôi tựa như cả vừa vẽ được một kiệt tác nghệ thuật vậy. Lúc trước tôi luôn nghĩ sau này sẽ cố gắng đi làm kiếm nhiều tiền. Chẳng phải để ganh đua gì với người ta mà chỉ để lúc nào cũng đủ mua hoa cắm trong nhà và mua sách để đọc (hoặc chưng) sau khi trừ đi tiền ăn, tiền điện nước, khoản này phí nọ. Ước mơ đơn giản thế thôi.
Gần Tết nhớ nhà, càng gần Tết lại nhớ thêm cả bằng hữu. Nhà có thể gọi về, nói chuyện tán dóc thiên địa, ngày nào con gọi ngày đó ba mẹ vui. Bằng hữu bây giờ nhiều người tôi chỉ biết gởi một câu chúc mừng rồi thôi, muốn nói mà không biết nói gì, lại sợ bạn đang bận, thôi cúp máy đi ngủ sớm vậy. Chúc nhiều tiền hay chúc ước mơ, chúc mau về nhà hay chúc sớm thoát khỏi nơi đó?! Có người bạn tôi, chọn yêu một cô gái mà bạn không quá say mê. Tôi biết chúc trăm năm hạnh phúc hay sớm tìm được tình yêu đích thực của đời mình? Có người bạn năm rồi bị trầm cảm, năm nay chỉ cầu cho nó an yên vui vẻ, nhưng cũng mong nó đạt được hoài bão từng kể với mình, loay hoay đắn đo không biết nên gởi câu nào. Có người bạn đã lập gia thất, thôi thì nhắn nhanh gọn, chúc mày nhiều tiền công thành danh toại gia đình hạnh phúc sức khỏe dồi dào câu này tao mới copy trên mạng về nhưng thực lòng cũng không biết chúc gì khác. Tấm chân tình mình giữ với nó là thật. Chỉ là càng lớn càng hay làm phép quy giản, trăm nguyện vọng của ngàn con người, suy cho cùng cũng đều là muốn có đủ và có hơn. Chúc tụi mày có đủ và có hơn. Tao vẫn luôn yêu mến và nghĩ đến chúng mày, điều ấy có quan trọng không?
Lại quay về chuyện Tết. Với tôi, Tết thiêng liêng lắm. Lúc nhỏ tôi không được phép đi chơi với chúng bạn đêm giao thừa, chỉ ở nhà dọn dẹp cùng mẹ (thực ra là bốc trộm đồ ăn bánh mứt sắp sẵn đón khách Mùng Một), xem Táo Quân, rần rần chạy lên lầu ba xem pháo hoa. Pháo năm nào cũng chán, nhà tôi năm nào cũng rần rần chạy lên xem. Xem xong hai chị em tôi xuống phòng khách để ba mẹ lì xì. Hai đứa vòng tay chúc ba mẹ năm mới, hứa hẹn đủ điều xong mới được nhận phong bì. Phong bì đỏ vào tay là lời hứa trôi theo gió mây, vào năm học vẫn điểm kém, lười biếng như thường. Sau đấy cả nhà đi ngủ nhưng ba mẹ tôi lại dậy sớm đi lễ chùa. Lúc ấy ba sẽ mặc áo suit, mẹ mặc áo dài đỏ lụa tơ tằm. Mãi đến sau này lớn hơn một tí, tôi mới thức đi cùng ba mẹ được. Năm nào tôi khấn Phật cũng ngần ấy câu, xin gia đạo bình an, ông bà ba mẹ mạnh khỏe. Tôi không dám xin nhiều, sợ Phật chê mình tham. Vế cuối cùng kiểu gì cũng nguyện hòa bình cho thế giới, hạnh phúc cho nhân loại. Tôi không nói gian hay muốn làm hoa hậu đâu. Khấn xin đức Phật đâu có ai tính tiền, thêm một điều ấy trừ hao biết đâu Phật nghe được. Chỉ khi nào thắp hương khấn ông bà tôi mới dám năn nỉ thêm một tẹo cho riêng mình, nào là xin điểm cao, nhiều tiền, v.v…
Mỗi năm hình như ba mẹ tôi phải xuất hành một hướng khác năm ngoái, nhưng kiểu gì ba cũng sẽ cho xe chạy dọc đường Bạch Đằng ven sông Hàn. Đường Bạch Đằng sáng mồng Một Tết sáng trong như ngọc, vẫn có người ngược xuôi nhưng không quá đông. Mặt sông nằm yên ả, những khóm hoa chưng Tết ánh lên sắc màu thanh thản, tươi vui của tân xuân. Hôm ấy ba mẹ tôi đẹp hơn, em tôi nom điển trai hơn, đường phố chan hòa hơn. Tôi hít một hơi, cảm giác như thứ không khí ấy mới thực là trong lành nhất quả đất. Chúng tôi cùng nhau về nhà ngoại. Đã thành lệ, sáng mùng Một cậu dì tôi lại tụ họp ở nhà ông bà ngoại. Kể ra hẳn là thừa vì dịp gia đình sum họp nào chả giống nhau, lúc ấy nhà ai chả có bình hoa to và khay bánh mứt. Tôi chỉ biết nói rằng đó là một trong những ký ức đẹp nhất, một trong những viên ngọc lấp lánh nắng xuân trong chuỗi hạt leng keng khi nghĩ về tuổi thơ của mình.
Tôi nhớ ba mẹ, nhớ Măng, nhớ ông bà ngoại, nhớ những chuyến về quê thăm bà nội, thấy cánh đồng lúa còn xanh xanh nhấp nhô. Là một đứa đã thấm chất thành phố vào trong máu, tôi không thích về quê lắm vì chẳng biết làm gì dưới đó. Nhưng tôi nhớ bà nội và cô của tôi nhiều. Cô tôi là người đôn hậu thấy rõ ra bên ngoài và đặc biệt chìu hai đứa cháu. Biết tôi thích ăn gà (thích đến mức cậu tôi từng nói tôi hẳn cầm tinh con Chồn), lần nào về quê cô cũng bắt hai con gà làm thịt cho tôi ăn. Gà chạy bộ ở quê thì khỏi nói nhé, thịt béo và ngọt lắm. Ba mẹ tôi ái ngại bảo thôi đừng bắt làm gì cho phí. Tôi với Măng thì không biết ngại. Tôi con gái lớn cùng lắm chỉ im lặng không đòi hỏi, nhưng cô nói ăn là ăn ngay. Măng còn bạo hơn, vừa bước vào nhà cô đã hỏi xin thịt gà.
Chuyện về bà nội tôi không nhớ nhiều vì ít về quê, nhưng nhớ mãi hai kỷ niệm sau. Khi nghe tin tôi đi du học, cô tôi cứ nắm tay tôi mà than, “Trời ơi, con gái sao đi xa vậy con? Khổ lắm.” Bà tôi năm ấy đã ngoài 80, nghe vậy bèn gạt phắt đi, “Nói bậy, nó học giỏi phải cho nó đi chớ.” Có nhiều chuyện trong gia đình tôi nghe lỏm được, biết rằng bà nội không hẳn là quá tân tiến, vẫn còn giữ nhiều nếp nghĩ cũ. Vậy nên khi nghe bà nói câu này, tôi ngạc nhiên và vui lắm. Chuyện thứ hai buồn hơn. Khi về thăm bà trước ngày đi du học, lúc tạm biệt tôi hỏi xin phép ôm bà một cái. Văn hóa dưới quê mình từ xưa không quen ôm ấp, tôi phải rào trước, “Dạ cho con ôm bà nội một cái trước khi đi xa.” Bác tôi nghe thế liền nói, “Bà cho hắn ôm một cái đi, không thôi lần sau hắn về là chỉ ôm ảnh bà thôi đó.” Tôi giật mình, nghĩ sao bác lại nói điều gở như thế. Nhưng dường như bà đã lớn tuổi, cũng chấp nhận lẽ sinh tử đã quen, bà móm mém cười rồi để tôi ôm. Câu chuyện này vì sao buồn ư? Vì rốt cuộc bác tôi mất bởi chứng bệnh ung thư. Bác đi nhanh lắm, ai cũng bất ngờ. Một năm sau bác dâu tôi cũng mất, để lại hai người anh em họ của tôi mồ côi. Tuy không thân với hai anh em lắm vì giới tính khác nhau, không cùng đi chơi như Măng được, nhưng tôi rất thương, đặc biệt là người anh lớn. Hồi nhỏ vài bận chơi cùng nhau, tôi luôn nhớ anh ấy là người hồn nhiên, thật thà vô cùng. Dù sao đi nữa, nhắm mắt lại nghĩ đến cảm giác của hai đứa trẻ đã mất hết cả cha lẫn mẹ, nỗi đau dù không phải của mình cũng rát đến nỗi một phần tâm trí bỗng giật mình và quặn thắt. Năm nay hy vọng hai anh em gặp nhiều may mắn.
Tôi viết đến đây trời cũng đã gần sáng. Những ai thương mến cũng đã điểm qua trong trí một lượt, có lẽ không sót người nào. Bài viết vì thế mà lủng củng vì chỉ sắp xếp theo dòng suy nghĩ ngẫu hứng, nghĩ đến ai bèn viết cho người đó. Người ta hay bảo Tết chỉ vui với trẻ con, còn với người lớn là trăm mối âu lo, tính toán. Thấy thế nên tôi tự nhủ sau này sẽ cố gắng giữ được cái Tết thiêng liêng trong tâm khảm của mình. Bây giờ nhiều người đến Tết lại đóng cửa nhà đi du lịch. Tôi cũng tự nhắc nhở sau này gắng hạn chế làm vậy. Tôi chẳng phản đối gì việc ấy đâu, còn bảo mẹ hay cứ quăng hết đi, cả nhà kéo vào cái resort nào đấy mà trú cho qua 3 ngày Tết. Tiền phòng có khi cũng chỉ bằng tiền lì xì. Nhưng tôi đang trong giai đoạn mong Tết có hơi người trong nhà, có mai có đào đèn giăng nhấp nhánh. Giao thừa có người nam chủ cúng bái gia tiên, mùng Một có con cháu về thăm ông bà cha mẹ. Có lẽ vì những điều tôi được nhận lúc còn thơ quá đẹp, bây giờ không nỡ dứt bỏ, càng không muốn tước đi của con tôi sau này những cánh mai cành đào ấy. Tôi nghĩ mình có một lời hứa. Lời hứa ấy lập lúc còn thơ, bây giờ vì chân tình nên muốn thực hiện – lời hứa với Tết của nước Việt mình.
Đọc những dòng cảm xúc của chị em thấy thật cảm động. Em cảm giác tết của chị hồi bé cũng thật giống em bây giờ. Có lẽ em còn bé quá. Rồi sẽ có ngày em sẽ lớn lên cũng sẽ có câu chuyện ngày tết của riêng em chị nhỉ. Những nghĩ lại chắc còn xa lắm.
E cũng chúc chị năm mới thành công nhiều niềm vui và hạnh phúc!!!
cảm ơn bé nghen 😀 chúc em và gia đình mạnh khỏe an vui
Đọc cái tết của mi thấy cũng giống cái tết của ta quá.
Chúc mi năm mới Tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin =]]
Mà ta hỏi cái ni cái: chiều chuộng hay là chìu chuộng mới đúng mi, trên kia ta thấy mi dùng chìu, mà ta lại hay thấy họ dùng chiều
Em chúc chị Rio một năm mới tâm an ạ! 🙂
^^ chúc nhiều tiền nữa nha em :”> giỡn chớ, cảm ơn em nghe 🙂 tâm an là quý nhất rồi. Chị chúc em điều tương tự, chúc em sớm có những niềm vui mới nữa.
Vui …