… to take your hearts away
– “Words”, Bee Gees-
Ngày nhỏ xíu tôi được ấp ủ bởi hai thứ: những bài hát ru của mẹ và tập truyện cổ tích Andersen. Những lời ầu ơ ví dầu con cò con vạc và những triền hoa thạch thảo tím ngát rải đến chân rặng Alpes đến giờ vẫn là những điều đẹp nhất trong trí tưởng tượng của tôi.
Lớn hơn chút nữa, tôi đắm mình trong hai thứ: những bài nhạc tiền chiến Việt Nam và những cuốn tiểu thuyết kinh điển phương Tây. Tiểu thuyết kinh điển không nói làm gì, bởi lẽ đến giờ tôi vẫn sống với nó, vẫn hít thở lối tự sự và văn phong khúc chiết, tỉ mỉ ấy. Nhưng nói về nhạc, khi lớn hơn một chút tôi mới lắng mình nghe lời nhạc và biết ngạc nhiên trước khả năng dùng từ của các nhạc sĩ thời xưa. Lời nhạc của họ đẹp như gấm hoa, nói “tinh tế” e rằng đã bớt đi vài phần; phải nói là đẹp và đúng. Họ dùng chữ tinh chọn và chính xác lạ kỳ, hình ảnh uyển chuyển mà nền nã, khêu gợi mà tinh khôi. Cái thời ấy nó thế. Lúc chiều mẹ nói với tôi Khánh Ly cũng chỉ học hết lớp 12, hầu hết những ca sĩ khác cao lắm cũng chỉ tốt nghiệp Trung học. Vậy mà nghe Khánh Ly nói chuyện, đọc thư của những tao nhân mặc khách ấy gởi cho nhau, người tập tành viết văn gần 20 năm như tôi thấy thua kém rất nhiều.
Thế nên tôi mạn phép nghĩ rằng, tuy tài năng của mình chưa được bảo chứng, nhưng vận may của mình đã rõ rành rành: tôi được nuôi dưỡng bởi những gì tinh hoa nhất của hai thái cực đối lập, của những vẻ đẹp vốn cách ngăn biên giới. Thế nên tôi luôn nghĩ nếu mình được trời đãi, tác phẩm sau này sẽ có cái thần thái mạnh mẽ, khúc chiết của dòng tự sự trời Tây và lời văn đẹp mượt mà nhung gấm của những bài ca đất Việt. Tôi chọn nền tân nhạc mà không phải thời kỳ Thơ mới, bởi lẽ thơ tôi không với tới, còn văn chương được phép dễ dãi đâm ra dài dòng. Tôi vẫn có ấn tượng rằng văn chương Việt Nam… dùng thừa từ quá. Còn khi đã thành bài ca, không còn mấy chỗ cho người ta phung phí từ ngữ nữa; thế nên những lời văn đã nương theo giai điệu của Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Văn Cao, Từ Linh – Đoàn Chuẩn,… đều là những lời tinh chất, những cánh trầu têm vừa vặn mà say cả lòng người.
Hôm nay tôi chỉ nói về lời văn ấy thôi. Tôi nhắm đến điều gì khi viết văn? Nhiều chứ; một trong số đó là câu văn đẹp. Thành thật mà nói tôi không phải là đứa tinh tế, mẫn cảm. Viết văn hẳn còn kém nhiều người. Thế mạnh ngày xưa của tôi là ở việc dùng con chữ, nhờ vào cái may mắn ở nhà có nhiều sách để đọc. Tôi cứ đọc hết vốn liếng của các bậc tiền nhân rồi bê câu chữ ấy vào bài làm. Tôi đồ rằng cũng vì thế mà tôi được chọn vào đội tuyển thi Quốc gia. Năm ấy được nhận mà tôi hơi xấu hổ, biết rằng trong các bạn không may bị rớt nhiều người học giỏi hơn mình, chỉ có điều không “khua môi múa mép”, vẽ vời con chữ như mình mà thôi.
Nhiều người bảo đọc văn tôi viết không giống con người tôi ngoài đời. Giống thế nào được mà giống. Văn là nơi tôi trút vào những gì mà con người ngoài đời thực không thể làm được. Tôi ăn mặc kém, nói năng bỗ bã, về ẩm thực cũng không phân biệt được ngon dở, trong lối sống lại có phần vụng về, rối rắm. Thế nên khi viết tôi cầu toàn hết mực, chỉ mong sao áng văn mình viết ra vừa nền nã, chân phương nhưng đồng thời phải chuẩn mực, sang trọng. Kiểu hơi giống những công tử gia giáo ngày xưa vậy, biết cúi đầu kính người trên, biết nhường em nhỏ, biết yêu người đẹp; nhưng cũng biết bàn chuyện quốc gia đại sự, và sống thật với lòng mình. Cử chỉ tao nhã nhưng phong thái dứt khoát, đi đứng lịch sự nhưng không có động tác thừa.
Khi nói về chữ “sang” trong viết văn, tôi không rõ định nghĩa của mình có giống mọi người hay không. Với tôi, sự sang trọng ấy bao gồm cả tinh tế (trộm nghĩ, cũng chưa thấy ai được khen ăn mặc sang trọng mà lại không tinh tế bao giờ); và “tinh tế” lại phải kèm theo chữ “đúng.” Tinh tế là đặt đúng thứ vào đúng nơi, thấy điều cần thấy và làm việc cần làm, không thừa một mảy may, không khoa trương cũng không keo kiệt cắt xén. Xa hơn nữa, nó chính là bà con với chữ “chân” trong “chân, thiện, mỹ” vậy.
Thế nên năm lớp 10, tôi bắt đầu luyện chữ “chân” trong cách hành văn của mình. Điều ấy cũng nhờ một quyển truyện tôi đọc hồi nhỏ, nay đã quên tên. Trong truyện có chi tiết ông thầy giáo yêu cầu học sinh tả cái ấm trà thật chuẩn xác: nước men bóng thế nào, vòi sứt chỗ nào, đường sứt ra sao, bông hoa trên ấm màu gì, lá màu gì, v.v… Chi tiết ấy nhỏ thôi nhưng đánh động cả một lối suy nghĩ của tôi lúc ấy. Thêm phần may mắn vì bạn bè của tôi hầu hết là những đứa học vẽ. Muốn lời văn tả được cái chân, không gì tốt hơn nhìn tranh và nhìn họa sĩ vẽ tranh. Tôi không dám đoan chắc đến giờ mình đã học được lối viết kia; nhưng ít nhiều việc chủ tâm luyện tập nó cũng giúp tôi bù lại khuyết điểm kém tinh tế của mình.
Ở lời đề từ trên kia, tôi mạn phép thêm một chữ cái nhỏ xíu vào trong câu hát của Bee Gees, bẻ cong ý nghĩa của nó sang hướng khác để thể hiện chút năng khiếu cũng như mong mỏi của mình. Khoe khoang vậy cũng nhiều lời rồi. Đường văn còn xa tăm tắp, tôi cũng thủng thẳng mà đi chứ chẳng vội gì. Chỉ là hôm nay tôi đọc hai quyển sách được viết rất hay và rất đẹp; thế nên sinh lòng kiêu ngạo chút đỉnh vậy thôi. Kiêu ngạo vì mình có cơ duyên được nuôi nấng bởi mẹ – kho sách của mẹ đến giờ tôi vẫn chưa đọc hết – và được dạy bài học viết văn vỡ lòng từ ba, “Khi viết, những từ gì không cần thiết thì bỏ đi, nhưng văn chương không được thô kệch.” Đọc lại những gì mình viết, tôi biết mình vẫn còn kém nhiều, dùng từ chưa đúng, tả chưa hay, đôi khi rườm rà múa chữ hơn là tỏ cái đẹp thật sự; nhưng dẫu sao đi nữa, ý thức được điểm mạnh của mình thì mới ý thức được cái may mắn trời ban, để rồi nhờ đó mà biết cúi đầu cảm tạ.
Đây là lần đầu tiên chị (theo các bài viết thì em có vẻ trẻ hơn chị) biết đến trang này và chị đã đọc hết mọi bài viết của em trong cả buổi chiều. Lời khen thì nhiều comment trên đã đăng nên chị cũng ko cần nói nữa. Nhưng chị thực sự phục khả năng nhìn nhận của em, cảm ơn em đã cho chị thấy rằng vốn sống và quan điểm của mình còn quá non nớt.
Lúc này cho phép dùng “Rio Lam” (RL) và “tôi”…
Đọc độ mươi bài của RL, tự nghĩ :
– Cái nền “chữ nghĩa” (hay cái nền “văn”) của RL là gì? Qua bài viết này đã được biết tàm tạm.
– Cái “hồn” văn hình như mới thấy lấp ló…
– Và băn khoăn muốn biết chương trình “Tây học” sẽ được xây thế nào trên cái nền khá rõ nết của RL…
Xin cứ để tôi đọc thêm rồi trao đổi sau.
RL đã có “con đường văn” đáng chân trọng.
cảm ơn bạn 🙂 hy vọng tương lai dài lâu vậy. đến giờ mình vẫn chưa thấy bản thân có tài năng vững vàng. thế nên đôi khi dẫu rất muốn ra sách nhưng vẫn cảm thấy chưa nên.