Sáng nay tôi nhận được tin nhắn của một em gái vừa đọc bài viết nho nhỏ, [Đừng để ai nói bạn phải làm gì trước tuổi 22, hay 23, hay 50] của mình. Em đặt câu hỏi là bây giờ em cũng chẳng biết bản thân muốn làm gì. Phải chăng “chị và một số bạn khác đã quá may mắn khi biết trước điều mình muốn? Mà thế thì thứ tuổi trẻ “về nhà tự viết lên những gì mình muốn làm” của chị cũng “limited edition” lắm, vì không phải ai cũng làm được thế.”
Tôi viết trả lời cho em trên trang này, cũng là để tham khảo ý kiến của những bạn khác, (vâng, ngoại trừ truyện ngắn, các bài xã luận thì tôi luôn thích tham khảo ý kiến người khác).
Hồi đầu năm nay, tôi có cơ hội ngồi chung chuyến xe với ba anh thạc sĩ (có học bổng các kiểu), và một “cậu bé” tiến sĩ Toán (bạn ấy sinh năm 1988 nhưng trông đáng yêu ngây thơ như một thằng bé cấp III vậy). Bằng những thông tin cá nhân ít ỏi, tôi phần nào kết luận là cả bốn người này đều ít nhiều biết bản thân muốn làm gì, đều đã và đang cố gắng cho mục tiêu đó.
Trong những câu chuyện trên đường đi, họ nhắc đến một cậu bé học tiến sĩ Toán vào năm 14 tuổi. Để làm điều đó, cậu bé này hẳn từ năm 3, 4 tuổi đã biết mình muốn làm gì: tôi muốn học toán. Không nhớ từ đâu mà anh họa sĩ đi cùng kể chúng tôi nghe một lý thuyết lạ lẫm của ai đó (mà bây giờ tôi cũng không nhớ tên); rằng những người sinh ra đã biết họ muốn làm gì vì họ gánh “đại mệnh” của việc đó. Còn lũ chúng ta hầu hết mang “tiểu mệnh”, phải lần mò đào bới, phải thử cái này thử cái kia, một lúc sau mới tạm kết luận được.
Tôi chỉ muốn trả lời em rằng tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi đã từng muốn làm phi hành gia, nhà báo, luật sư, PR, copywriter, giáo viên, làm vợ đại gia, ở nhà ăn bám bố mẹ (đến giờ vẫn ăn bám bố mẹ), chủ quán cafe, quản lý kinh doanh… Mỗi lần mục tiêu thay đổi lại một lần cảm thấy chông chênh. Đến bây giờ tôi vẫn sẵn sàng cho một lần thay đổi mục tiêu khác, mặc dù chuyện đó chắc chắn sẽ không vui.
Cô bạn thân của tôi đến tận năm hai Đại học, ngành Marketing, mới phát hiện ra mình thích Nhiếp ảnh Thời trang. Tôi chính là người đã phản đối kịch liệt ước mơ đó, bởi một suy nghĩ thiển cận rằng nếu ước mơ mà không định hình ngay từ cấp III thì chẳng làm được gì ra hồn sau này. Page của cô ấy là Zi Nguyen, hiện giờ cô ấy là cộng tác viên của gần 10 tờ báo và website thời trang ở Mỹ, Ý, Tây Ban Nha và Anh.
Một cô bạn thân khác của tôi, người ngay từ đầu đã xác định muốn làm CEO của một hãng khá bự, bây giờ lại có một gia đình hạnh phúc, một người chồng rất thương cô ấy và một thằng bé kháu khỉnh. Tôi muốn nói với bạn rằng, giới hạn của “mình muốn gì” là chính bản thân bạn, chứ không phải một vài tập hợp từ ngữ như “nghệ sĩ, CEO, vĩ đại, to lớn, giàu có, thành công, sự nghiệp.” (để hiểu rõ điều này nhất, có lẽ không gì tốt hơn là ngừng đọc bài viết này và quay sang nhìn mẹ của mình.)
Có thể tôi áp đặt, nhưng sâu thẳm trong tim mình, tôi tin rằng nếu ai đó chưa biết họ muốn gì, đó là vì họ chưa thực sự hỏi. Hỏi – nó không phải là câu hỏi lướt qua trên môi bố mẹ bạn bè, “Mày tính làm gì sau này?” Đó cũng không phải một suy nghĩ nháng lên trong đầu, “Ơ thế mình muốn làm gì?” Càng không phải việc điền vào bộ hồ sơ đăng ký thi Đại học. Đó là một chặng đường rất dài của tất cả suy nghĩ, quan sát, thử nghiệm; của mở rộng tấm lòng và trái tim, cho phép bản thân sai lầm, cân nhắc lời khuyên của mọi người nhưng hiểu rằng mình sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng. “Đường còn dài, còn dài.” (dạo này tôi bị ghiền chị nhà văn trẻ Nguyễn Thiên Ngân)
Tháng 4 năm 1978, một người đàn ông 29 tuổi – chủ quán bar đang ngồi xem trận bóng chày ở sân vận động Jingu, Tokyo với cốc beer trong tay. Khi cầu thủ Dave Hilton của đội Yakult Swallows hoàn thành một cú đánh tuyệt vời, bỗng dưng ông có cảm giác là mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. “Đó là một nhiệt cảm ấm áp. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy nó trong tim mình”, ông nói như thế. Bây giờ người ta không còn gọi ông là chủ quán bar; ông đã trở thành nhà văn Haruki Murakami.
Tôi không nghĩ Murakami đã vui vẻ yên phận làm chủ quán bar, cho đến tuổi gần tam thập nhi lập thì ông trời phái thiên sứ xuống dưới hình dạng của Dave Hilton và thì thầm vào tai, “ông đi làm nhà văn đi.” Ông hẳn phải suy nghĩ rất nhiều, hữu ý hoặc vô thức, về nghiệp viết văn. Đến đúng thời điểm, tại đúng nơi, những suy nghĩ đó sẽ đúc thành câu trả lời (có thể câu trả lời đã rất khác, “Không, tôi không thích làm nhà văn. Tôi thích quán bar hơn.” Câu trả lời nào cũng đáng được tôn trọng)
Có thể bạn đã nghe chuyện Hoàng Cầm ban đêm nằm ngủ bỗng nghe có tiếng thiếu nữ đọc bên tai một bài thơ, ông choàng tỉnh dậy, vội chép lại những gì còn nhớ, và bài thơ “Bên kia sông Đuống” ra đời. Einstein nằm mơ thấy một bó ánh sáng, và tỉnh dậy thì khám phá ra thuyết tương đối. Hay chuyện Mendeleev nằm mơ thấy những khối vuông mang tên nguyên tố hóa học tự nhảy nhót rồi nằm cạnh nhau, tỉnh dậy thì phát minh ra bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học (và làm khổ tôi từ lớp 7 đến tận bây giờ). Hay chuyện Newton ngồi dưới gốc táo, táo rụng (trúng đầu, ngất xỉu, tỉnh lại) thì thiết lập thuyết vạn vật hấp dẫn. Vậy vì sao tôi ngủ hơn 12 tiếng mỗi ngày, mơ cả vạn giấc mơ; mà chưa làm được gì nên hồn? Bởi vì những lúc tỉnh, tôi đã không dành thời gian để nghĩ. Chuyện này còn tệ hơn cả không mua vé số nhưng rủa ông trời vì sao thắp hương khấn vái mãi mà chưa trúng số. Tôi còn trẻ nên cũng không biết nếu bạn đi tìm thì có tìm ra hay không; nhưng nếu không tìm thì chắc chắn sẽ không thấy.
Từ xuất phát, chúng ta đều là những người mang “tiểu mệnh”, đều không có may mắn của các đấng lúc sinh ra đã biết trời cho mình làm gì. Điều làm nên sự khác biệt giữa chúng ta không nằm ở chuyện biết trước mình muốn gì, mà nằm ở thôi thúc cần phải tìm ra điều đó.
Hết
Hình như không có vụ Einstein nói mớ thì phải.
Reblogged this on kuruttakodomo.
Thầy giáo dạy văn của mình kể khi nghe tin giặc tràn vào làng mình Hoàng Cầm đã thức suốt đêm đó để viết Bên kia sông Đuống. Ở rừng, đêm không đèn, ông vừa khóc vừa viết, trong bóng tối.
Bất cứ câu nào có chữ “among” trong đó là tôi rất thích!
Tôi thích thơ Hoàng Cầm nhất mà chưa bao giờ nghe sự tích đó cả 😀
Gởi anh Huy,
Giai thoại này là thầy giáo dạy Văn của em kể em nghe. Bản thân em khi viết cũng chưa kiểm chứng lại, có thể có sai sót. Em sẽ tìm xem có tư liệu nào không.
Cảm ơn anh đã cho em biết 🙂
Còn “khả năng” thì sao?
Bạn có thể hỏi rõ hơn không? 🙂
Uhm, thì ý mình là, một người mang tên abc zyx gì đó, sau gần cả cuộc đời làm điều mà mình ko thật sự thích, rồi một ngày nọ, anh ta nhận ra mình muốn làm gì, anh ta bắt đầu làm việc đó, nhưng nhận ra mình ko đủ khả năng để làm thì sao?
Bạn vừa comment bài viết “Em cứ viết thôi, có gì đâu mà ngại,” nên mình nghĩ là bạn đã biết câu trả lời của mình rồi đó ^^ Ngày mới vui vẻ nhé.
ừ thì, thiệt là ngại mà 🙂
^^
Ngại quá 🙂
Cảm ơn chị
Những người “tiểu mệnh” là những người tự do, họ có thể thực hiện lần lượt các giấc mơ của đời mình, ung dung thực hiện chúng hết cái này đến cái khác. Tiên sinh Ohsawa đã nói rằng có 7 loại hình trí phán đoán chi phối 7 hình thái lĩnh vực ngành nghề khác nhau, thông qua cách ăn uống chúng ta có thể dễ dàng nhận biết họ đang có trí phán đoán như thế nào đơn giản và rõ ràng là nhận thấy họ làm nghề gì và cách họ ăn uống ra sao. Và có một sự thật rõ ràng hơn hết đó là những người xuất chúng ở các lĩnh vực điều nhận ra mình thích và đam mê thứ gì ngay từ độ tuổi rất bé, 3 đến 7 tuổi, từ đó phát triển theo một lộ trình đã định. Mọi thứ trên thế gian này điều đã được xấp xếp từ trước, tất cả điều đã được định sẵn, chẳng có gì gọi là ngẫu nhiên hay vô ý, nếu thức tỉnh, bạn sẽ biết được tất cả mọi thứ, và chẳng có gì dấu được bạn cả, khi ấy cùng với Thượng Đế, bạn quan sát thế gian này và sáng tạo cùng Ngài. Để được thức tỉnh thì bạn phải TU. Ngày xưa TU thì phải đi tầm sư học Đạo, trải qua bao kiếp chúng ta dần nhận thấy “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu” và rồi trải thêm vạn kiếp nữa ta lại nhận ra muốn TU trước hết phải tu thân, lắng nghe chính mình, rèn luyện chính mình, một trong các pháp TU đơn giản và hiệu quả là học cách ăn uống phù hợp với Trật Tự Vũ Trụ. Thật đơn giản và dễ chịu, học ĂN, thiệt sung sướng làm sao, phải chăng ta đã đắc Đạo nên mới bắt gặp được pháp tu này???
Reblogged this on Nhược Lạc and commented:
Có thể tôi áp đặt, nhưng sâu thẳm trong tim mình, tôi tin rằng nếu ai đó chưa biết họ muốn gì, đó là vì họ chưa thực sự hỏi. Hỏi – nó không phải là câu hỏi lướt qua trên môi bố mẹ bạn bè, “Mày tính làm gì sau này?” Đó cũng không phải một suy nghĩ nháng lên trong đầu, “Ơ thế mình muốn làm gì?” Càng không phải việc điền vào bộ hồ sơ đăng ký thi Đại học. Đó là một chặng đường rất dài của tất cả suy nghĩ, quan sát, thử nghiệm; của mở rộng tấm lòng và trái tim, cho phép bản thân sai lầm, cân nhắc lời khuyên của mọi người nhưng hiểu rằng mình sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng. “Đường còn dài, còn dài.”