Trước tiên mình xin phép nói vài lời: mình gần như không bàn luận về chính trị xã hội trong blog này hoặc ở bất kỳ trang mạng nào. Lí do là mình chưa đủ sức để luận bàn và lý lẽ; và cũng không muốn nói những lời thừa thãi kiểu mình nói, các bạn mình nghe, bà con xung quanh vỗ tay ủng hộ. Tuy nhiên, bài viết “Tứ Đại Ngu“ của ông Hoàng Hữu Phước, phê bình ông Dương Trung Quốc, có những điểm sai về mặt kiến thức; đến mức một đứa trẻ con như mình cũng khó cầm lòng. Năm mới năm me, mình cũng muốn thay đổi không khí một chút, nên viết một vài dòng sau, mặc dù mình biết là nó sẽ không bao giờ được ông Hoàng Hữu Phước đọc.
Mình xin phép bỏ qua đoạn đầu luận bàn về Khổng học và kim cổ, chỉ trích một câu sau đây:
“Nay thiên hạ trong cơn u u minh minh tối tối sáng sáng của thời Mạt Pháp lúc tôn giáo suy đồi, sư sãi ngứa ngáy nhảy cà tưng cà tưng trên nóc ô-tô rống loa kích động chống lại chính quyền, linh mục điên loạn gào thét co giò đạp đổ vành móng ngựa giữa chốn pháp đình uy nghiêm khiến ngay ngoại bang cũng phải giật mình cười chê còn Tòa Thánh cũng buộc phải ngó lơ, chân lý lung lay, tà mỵ huyễn hoặc hoành hành dù nhấp nha nhấp nhổm rúc chui cống đấy cống này blog nọ blog kia cũng rống loa rao truyền sứ điệp, Lăng Tần tôi đây theo sách thánh nhân xin góp một đường chổi quét, vừa thử nêu bật phân tích Dương Trung Quốc như một tấm gương cho giới trẻ xem qua điều dở, nghiệm lấy điều ghê, vừa thử xem đối tượng được phân tích này có nhờ vậy học được đôi điều để cải hóa mà bớt xấu đi chăng.”
Vâng, nó là một câu. Đúng một câu. Khoan bàn đến việc tôn giáo, chỉ cần nói đến ngữ pháp Việt Nam; đã thấy khả năng viết văn của ông Phước ở mức nào.
Về đoạn thứ hai, Giới thiệu đôi nét về Dương Trung Quốc, ông Phước, không rõ vô ý hay cố tình mà đã nhập nhằng nghĩa của từ “nhà sử học” và “sử gia”, cũng như các học vị “thạc sĩ”, “tiến sĩ.” Chuyện ông Dương Trung Quốc xưng là “nhà sử học” hoàn toàn có thể chấp nhận được, vì ông là người nghiên cứu lịch sử. Người viết văn ta gọi là nhà văn, người làm thơ ta gọi là nhà thơ, người nghiên cứu toán học ta gọi là nhà toán học… dựa trên nghề nghiệp của người đó. Từ chuyện ông Dương Trung Quốc không có học hàm, học vị cao (trong trường hợp này là thạc sĩ/ tiến sĩ/ giáo sư), mà ông Phước lại tước luôn cả quyền có chức danh nghề nghiệp của người ta thì quả thật khó hiểu.
Đến chữ “sử gia” thì ông Phước càng rối rắm. Trong chương trình văn học cấp III cải cách, có một kiến thức cơ bản là phân biệt giữa tác giả-tác gia. Tác giả là người đã sáng tác ra tác phẩm đang được học. Tác gia, trong phạm vi văn học, là người có khối lượng công trình đồ sộ, chất lượng cao, có đóng góp lớn. Ông Hoàng Hữu Phước cho rằng “sử gia” là “giáo sư tiến sĩ Sử” thì quả thật ông đã hạ thấp từ “sử gia.”
Đoạn tiếp theo, Nhất Đại Ngu: Đĩ, thì quả thực ông Hoàng Hữu Phước còn thể hiện những mặt kém cỏi hơn về tiếng Việt nói riêng và văn hóa nói chung.
“Mại dâm không là nghề cổ xưa nhất của nhân loại mà là nghề…đạo chích, tức trộm cắp. Thánh Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo có cho biết thủa hồng hoang mới có một nam tên Adam và một nữ tên Eva, tất nhiên chưa thể phát sinh nhu cầu giải quyết sinh lý với người nữ khác nên chưa thể có mại dâm. Song, Eva và Adam đã đồng lõa ăn trộm trái táo xơi để khai sinh ra ngành công nghiệp thời trang cho nhân loại. Việc to mồm nói mại dâm là nghề cổ xưa nhất chỉ có thể là lời khẳng định sự bó tay của nhân loại trước thân phận bọt bèo của nữ giới và tệ nạn của ma cô đàng điếm, của “nô lệ tình dục”, và của “sex trade” chứ sao lại vin vào đó để đòi “công nhận” là một “nghề” chính danh chính thức?”
Đã nhắc đến “nghề”, tức là nhắc đến một hoạt động chuyên nghiệp nhằm thu được lợi nhuận (định nghĩa của mình, vì mình không có từ điển Việt-Việt). Mình tạm dùng ba từ tiếng Anh sau để phân tích:
-Job (việc làm): một vị trí được trả lương trong lao động thông thường
-Career (sự nghiệp): công việc làm trong một khoảng thời gian quan trọng và có nhiều cơ hội phát triển
-Employment (lao động): tình trạng có việc làm được trả lương
(Nguồn: http://oxforddictionaries.com/)
Ông Phước viết theo lối nửa đùa, nửa thật, có lẽ cũng mang tính châm biếm ít nhiều, nên mình không phân tích ông đúng hay sai về mặt kiến thức. Nhưng, trong khi ông Dương Trung Quốc dùng từ “nghề” theo nghĩa chính thống, trong bối cảnh đang đề nghị ban hành và chỉnh sửa luật pháp; mà ông Phước lại nói theo lối đùa bỡn để phản đối, thì khập khiễng vô cùng, không hề có giá trị gì về mặt lập luận.
Giả sử ông đang nói thật lòng, thì sự kém hiểu biết của ông đã đi quá xa. Việc ăn cắp trái cấm của Eva trong Kinh Thánh không thể coi là một nghề, vì hành động đó chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc rất ngắn và không được trả công. Ngay cả những hoạt động săn bắn hái lượm trong thời nguyên thủy cũng không thể gọi là nghề, bởi vì nó là hình thức tự cung tự cấp hoàn toàn, không có ai chi trả cho người lao động. Chỉ từ khi bắt đầu có những nền văn minh sơ khai đầu tiên, bắt đầu phân hóa người giàu – người nghèo, người làm chủ – người làm công, người chi trả – người lao động, thì khái niệm “nghề” mới hình thành.
Mình cho rằng ông Dương Trung Quốc đang nói về khái niệm “nghề” theo nghĩa đó. Vậy mà ông Phước dẫn những huyền-tích trong Kinh Thánh một cách lung tung để phản đối. Không biết ông đang viết cho blog của ông, báo Nhân Dân hay báo Tuổi trẻ cười.
Mình không rõ ông Phước có phải tín đồ Thiên Chúa giáo hay không, nhưng việc trích dẫn và diễn giải Kinh Thánh sai lệch như thế này, theo mình, là một sự xúc phạm đối với Thiên Chúa giáo và giáo dân. Nếu ông là người theo đạo, mình nghĩ ông nên đi xưng tội.
Ông cũng nhắc đến việc Chúa trời sai thiên sứ trừng phạt tội dâm ô trong Sáng thế ký, và lý lẽ “Đã là “tội lỗi” ắt đó không bao giờ là “nghề nghiệp” cả.” Vậy có lẽ ông nên nhìn lướt qua bản đồ những nước mà ở đó Thiên Chúa giáo là quốc-giáo và đồng thời mại dâm là nghề hợp pháp.
(http://chartsbin.com/view/snb)
Mình dùng bản đồ này không phải để ủng hộ hay phản đối mại dâm, mà mình muốn chứng minh việc ông Hoàng Hữu Phước dùng Thiên Chúa giáo để phủ nhận hợp pháp hóa mại dâm ở một nước tự do và đa dạng tôn giáo, như Việt Nam, là vô lý. Ở đoạn sau ông bảo ông Dương Trung Quốc không nên vin vào chuyện các nước khác hợp pháp để làm cớ, trong khi đoạn trước thì ông dùng một tôn giáo duy nhất để chứng minh cho luận điểm của ông. Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc-giáo, không có nghĩa người dân Thái Lan không được ăn thịt và uống rượu, mặc dù 2 việc đó phạm vào ngũ giới của Phât giáo. Đây là chuyện luật pháp và xã hội, không một tôn giáo nào có quyền đại diện cho người dân.
Sau đó ông phân tích, đại ý nếu hợp pháp nghề mại dâm thì sẽ cần cả trường dạy nghề mại dâm. Đến đây thì ông đã thể hiện sự thiển cận rõ ràng về kiến thức ở lĩnh vực giáo dục và việc làm. Theo ý riêng của mình, hợp pháp một nghề không có nghĩa là sẽ có môi trường giáo dục dành cho nghề đó. Chúng ta có thể liệt kê một số nghề hợp pháp ở Việt Nam mà chưa có/ không có cơ sở đào tạo như sau: lao công, thợ xây dựng, người bán vé số, phu khuân vác… Có thể thấy đó hầu hết là những nghề lao động chân tay, và mình nghĩ mại dâm là nghề lao động chân tay. Một lần nữa, mình không ủng hộ hay phản đối, chỉ thấy là những lý luận của ông Phước quá thiển cận.
Phần 2 về Đa đảng, mình không bàn đến vì không đủ kiến thức và tư liệu lịch sử.
Phần 3 về Biểu tình, ông Hoàng Hữu Phước lại thể hiện sự hạn chế về tiếng Việt, tiếng Anh, lịch sử, và văn hóa.
Mình đã google một chút để xem ông Phước phát biểu gì về từ “protest demonstration”
“Điều cần làm rõ ở đây là do vấn đề khác biệt về ngôn ngữ, nhiều người có thể đã chưa biết rằng trong tiếng Anh, “biểu tình” tức “protest demonstration” luôn để chống chính phủ nước mình, hay một chủ trương của chính phủ nước mình; còn cuộc tập họp đông người để bày tỏ sự ủng hộ chính phủ nước mình hay ủng hộ một chủ trương của chính phủ nước mình, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với một chính phủ nước thì đó là “rally” mà tiếng Việt gọi là “mít-tinh” (meeting) hay “cuộc tuần hành biểu dương lực lượng”.
Ông Phước nói, “trong tiếng Anh”, mà không nói rõ trong bối cảnh của nước nào hay nguồn tham khảo học thuật nào; nên mình cũng dùng nguồn bình dân cho dễ hiểu, Wikipedia. Theo Wikipedia, “demonstration” là hoạt động của một nhóm người nhằm đạt được lợi ích chính trị hoặc những lợi ích khác, thường được tổ chức bằng việc diễu hành (march), bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ (meeting) hoặc tuần hành (rally). Kết quả tra cứu “rally” trên wikipedia cũng dẫn về “demonstration.”
Ông Hoàng Hữu Phước đã nhập nhằng giữa “đạt được lợi ích” và “chống chính phủ”, ông cũng lẫn lộn lung tung giữa demonstration, rally, và meeting.
Sau đó, ông viết: “Do hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng, Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy rằng “biểu tình” xuất hiện đầu tiên tại Chicago thế kỷ XIX, vì nếu không có kiến thức về ngữ nguyên học, không ai dám tự xưng là “nhà sử học” cả, vì sẽ đến ngày Dương Trung Quốc tuyên bố “biểu tình” đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đời Nhà Trần với cuộc “biểu tình Diên Hồng”.
Nếu bỏ qua chuyện ngữ pháp lủng củng thì ở đây vẫn có một lỗi ngớ ngẩn: sử dụng cụm từ “biểu tình Diên Hồng”.
Trước hết, mình xin nhắc đến cuộc biểu tình tại Chicago vào thế kỷ XIX. Không tìm được nguyên văn ông Dương Trung Quốc đã phát biểu gì, nhưng vào thế kỷ XIX, ở Chicago có diễn ra một cuộc biểu tình mà sau này người ta gọi là “American Railway Union”, và nó cũng được ghi nhận là một trong những cuộc biểu tinh công đoàn đầu tiên ở Mỹ. Mình không rõ ông Dương Trung Quốc nói chính xác hay không, nhưng ông thực đã dùng một cuộc biểu tình đúng nghĩa “biểu tình” để lập luận. Nếu bạn nào có được nguồn nguyên văn ông Dương Trung Quốc đã nói gì, mong bạn cho mình biết để bổ sung.
Trong khi đó, ông Phước lại dùng “Hội nghị Diên Hồng” để phản bác, vốn không liên quan gì đến “biểu tình.” Năm 1284, Thượng hoàng Trần Thái Tông triệu tập bô lão để hỏi ý kiến tại Diên Hồng. Giả sử ông Phước nói đùa, ông hiểu rằng “Hội nghị Diên Hồng” không phải “biểu tình” (mà tốt nhất là ông nên hiểu, vì từ “hội nghị” nằm ngay kia), thì ông đã phạm lỗi lập luận: lỗi dùng ví dụ không tương xứng và lỗi giả định một cách chủ quan (ai dám chắc là ông Dương Trung Quốc sẽ phát biểu như thế?)
Trong trường hợp ông nói thật, thì ông nên xem lại kiến thức từ ngữ của mình. “Hội nghị Diên Hồng” không phải là biểu tình, các bô lão không tự-phát tụ họp và phản đối chính sách của triều đình. Các bô lão đã được triệu tập và hỏi ý kiến. Theo ý riêng của mình, Hội nghị Diên Hồng khá giống một kỳ họp Quốc hội – nơi những đại diện ưu tú của nhân dân cùng ngồi lại (hoặc đứng lên) để trình bày ý kiến về những vấn đề quốc gia đại sự, cân nhắc những quyết định khác nhau, hướng đến những mục tiêu khác nhau. Trong khi đó, “biểu tình” là hoạt động vốn dành cho những nhóm người đã xác định được mục tiêu chung của họ.
Mình không biết ông Phước có nghiên cứu về ngữ nguyên học hay không, nhưng xét trình độ tiếng Anh, trong phạm vi vài chữ “rally”, “demonstration” và “meeting”, thì mình nghĩ ông còn hạn chế hơn nhiều người.
Phần 4 về Văn hóa từ chức, nói thực lòng là mình không đủ sức đọc kỹ, vì tự thấy kiến thức cơ bản của người viết không đủ để lập luận xa hơn nữa.
Bên cạnh đó, có quá nhiều từ Hán Việt trong bài, khiến mình cảm thấy khó thở.
Kết
Hôm nay mình “phá giới”; nhưng dù tự nhận là bàn một chút linh tinh về chuyện chính trị xã hội, thực ra mình vẫn chỉ muốn quanh quẩn ở phạm vi kiến thức, bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, và lỗi lập luận, ở mức khách quan nhất có thể. Tuy vậy trong bài viết không tránh khỏi những ý kiến cá nhân chủ quan, một phần vì mình chưa đủ sức lý lẽ, phần khác vì lối lập luận của ông Hoàng Hữu Phước dựa trên những kiến thức quá sức sai lệch.
Thôi, nặng nề quá cũng mệt, kể chuyện vui vậy. Hôm nay nói chuyện với bé Oanh về mại dâm, mình có nhỡ mồm mà nói:
“Khi một người phụ nữ ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm, người ta hay mỉa mai, “Cô nghĩ sao nếu chồng cô đi mua dâm?” Chị thì nghĩ chồng ai người nấy quản lý, không nên nhờ nhà nước quản lý làm gì.”
ong Quoc noi ve bieu tinh Chicago day: http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.danchimviet.info/archives/46273