Hồi nhỏ có những lần mình tò mò, thử hình dung ba mẹ đã gặp nhau như thế nào. Mới mở mắt ra nhìn đời thì nghiễm nhiên đã thấy hai người, một mập mập đen đen, một trắng trắng xanh xao gầy gầy ở bên cạnh nhau. Đã nói lúc nhỏ nhìn đời tròn tròn, mình cứ nghĩ rằng ba và mẹ, hẳn từ lúc sinh ra cũng đã ở cạnh nhau như thế. Sau này lớn hơn một chút mới hiểu ra, có những năm tháng ba không biết mẹ là ai, và mẹ không biết có ba trên đời. Ai cũng vậy thôi. Người ta nói đứa con là cầu nối, chẳng phải vô ý mà người ta nói thế. Cả trăm người quen người thân, chỉ có mỗi trong mắt đứa con, ba mẹ thực sự là họ hàng ruột thịt với nhau, kiểu như sinh ra đã có nhau vậy. Trừ đứa con ra, ai cũng biết ba có một quá khứ, mẹ cũng có một quá khứ, có những quãng đời tách biệt riêng rẽ. Con trẻ ngây thơ hồn nhiên chẳng thể nào hình dung được ba là ai nếu không có mẹ, và mẹ là ai nếu không ở bên cạnh ba.
Vì thế nên chuyện của những ngày ba mẹ chưa quen nhau, sắp quen nhau, đã quen nhau chìm trong một lớp mây rực rỡ như chuyện cổ tích cô Tấm quả thị ông Bụt bà tiên. Đó là một thời hồng hoang xa xôi nào đó đã trôi qua từ rất lâu, cá có cánh bay lên trời, Hằng Nga sà xuống cây đa vớt chú Cuội lên cung Trăng với thỏ. Con ngồi nghe kể như nghe lời của xa xưa rỉ rả vọng lại, mà có mấy khi ba mẹ kể cho hết, cho thật. Tùy cảm hứng mà mẹ dựng lên mỗi lúc một chuyện khác nhau. Mẹ lại học Văn, có bao giờ thiếu chuyện để tưởng tượng.
Chuyện đầu tiên nhớ được là về cô bán hột vịt lộn. Mẹ là cô bán hột vịt lộn, vì thời gian đó mình rất thích ăn hột vịt lộn buổi tối của một cô hay gánh ngang nhà. Mẹ bảo hồi xưa mẹ cũng đi bán trứng, ba ăn xong mà hết tiền, không chịu trả. Mẹ tiếc của không đành nên nằng nặc đi theo ba, quyết đòi tiền cho được. Đi mãi thì … lòi ra hai đứa con, con chị đen đen mập mập, thằng em trắng trắng gầy gầy. Mình cắc cớ hỏi, “Rứa chừ ba trả tiền cho mẹ chưa?” Mẹ cười cười trả lời, “Thêm hai cục nợ chứ có thấy tiền mô nà.” Ba chen vào trớt quớt, “Trả nguyên hai cục vàng chứ cục nợ gì.” Cả nhà cười hỉ hả.
Chuyện thứ hai là chuyện cô gái tốt bụng, thấy ba vừa đen vừa ốm nhách thì xới cho bát cơm ăn. Cơm ngon quá nên ba đòi ăn nữa, ăn nữa, ăn hoài thì ở lại luôn. Chuyện này nghe giống mấy tích cũ ngày xưa, không nhớ rõ là tích gì. Hình như ngay cả chuyện cổ tích cũng ít có chàng trai nào “vô duyên” như vậy.
Chuyện thứ ba là chuyện cô bán sách. Mẹ là cô bán sách, kiểu giống trong phim “Bỗng Dưng Muốn Khóc”, nhưng ba không phải công tử nhà giàu bị đuổi khỏi nhà. Ba là anh viên chức quèn chạy việc ở cơ quan gần đó, ghiền đọc sách báo nhưng không có tiền mua. Sẵn có sạp bán sách thì chạy ra đọc ké. Đọc không trả tiền riết nên mẹ khó chịu, lúc đó nhà ngoại nghèo, trông vào cái sạp nhỏ nhỏ mà còn bị dính thêm gã đọc sách ké không trả tiền. Ba học Kinh tế nên tính toán đầu tư cũng giỏi, thôi yêu luôn cô bán sách, đọc không tốn tiền mà còn khỏi bị chửi. Hai câu cuối là mình tự suy diễn.
Mẹ kể lúc trước yêu ba ai cũng cản, vì không biết ông này là ai, nhà cửa ra sao, biết đâu đã có vợ. Hồi đó hình như cũng có người theo đuổi mẹ. Nhưng cuối cùng mẹ vẫn nhắm mắt đưa chân, thôi thì liều một cú. Mẹ bảo thích ba vì ba nói chuyện nghe rất tâm lý, hiểu đời (đến mức người ta sợ, sao có vẻ sành sõi quá vậy), chứ không lãng đãng mơ mộng trên mây như mấy người khác. Bởi rứa mà người ta nói, con gái yêu bằng tai. Xem ảnh cưới của ba mẹ ngày xưa, mình cũng không tin mẹ yêu bằng mắt.
Lúc nhỏ mỗi lần mình hư, mẹ hay dọa mình là con nuôi, nhặt ở bãi rác, cổng chùa, cổng trường, ngoài đường về; vậy nên mới hư, mới không biết thương ba mẹ. Hồi nhỏ mình tin vậy thiệt, chui vào một góc trong phòng khóc nức khóc nở. Chín năm sau kịch bản lặp lại y chang, đến lượt thằng em nước mắt tèm lem, ỉ ôi rền rĩ, “Ba mẹ không thương con. Con là con nuôi. Ba mẹ ruột của con ơi, chừ ba mẹ ở mô rồi?” Trời ơi, ta nói, cả nhà bấm bụng nhịn cười không nổi.
Hình như chuyện chi ba mẹ kể về “hồi trước”, con cái cũng tin, cái hồi trước huyền hoặc không thua chi chuyện cổ tích, có công chúa nhà nghèo bán sách bán hột vịt, có hoàng tử đen thui xấu quắc được cái ăn nói có duyên. Mỗi lần một phiên bản chuyện cổ nước Nam khác nhau, con cái bị đẩy từ góc này đến góc khác, ba mẹ thì thần thông biến hóa, một đời sắm rất nhiều vai, vai nào cũng dễ thương hết cỡ.
À, còn một câu nữa mẹ mình hay kể. Câu này thì cũng ngang với câu “Hồi xửa hồi xưa…”, chuyện nào rồi cũng phải có câu này: “Hên là hồi đó có ba rước mẹ, chứ không chừ là mẹ ế rồi.” Mình chẳng nhớ ba có trả lời gì không, hình như chỉ ngồi cười cười, không biết là đồng ý hay phủ nhận.
Sáng thứ bảy nghỉ ở nhà không đi làm, nằm ườn trên nệm tự nhấm nháp mùi lành lạnh của máy điều hòa, tự dưng mình nhớ hết mấy chuyện này. Tự hỏi sao này biết kể gì với con mình đây? Mình không tự ti như mẹ đâu, chuyện nào mình cũng sẽ thêm vào một câu thế này, “Hồi đó mẹ mà không rước ba con thì ai mà chịu gánh cục nợ như ổng chớ.”
Đến giờ mình cũng chẳng biết ba đứa nhỏ sẽ là ai. Đến mình còn không biết cơ mà… Thật là chỉ trong mắt con trẻ, ba và mẹ nó mới là một gia đình máu mủ ruột rà.
Comments