(Photo: Zi Nguyen)
Anh nghe người ta nói về một nhà hàng hạng sang mới mở trên con đường đắt giá nhất thành phố, chạy dọc bờ sông, tên là Cenerentola. Thoạt tiên miệng anh nhếch lên vẽ thành một nét cười khẩy. Nhà hàng sang trọng? Những thứ đó không nằm trong vốn từ vựng của anh, mì gói hay thịt cừu đều như nhau, qua được cơn đói là xong một bữa ăn.
Anh bắt đầu bực bội vì ở tòa soạn nơi anh làm việc, người ta cứ lào xào “Cenerentola, Cenerentola, Cenerentola.” Điệp khúc như tiếng chuông đánh leng keng chát chúa đó khiến anh làm việc không yên; anh quay sang gắt cô đồng nghiệp tóc nhuộm màu trà môi đỏ choét bên cạnh:
-Cenerentola là cái quái gì thế? Các cô chưa đi ăn nhà hàng bao giờ hay sao mà phải xoắn?
-Ô – cô đồng nghiệp mắt trợn tròn, môi dẫu lên – Anh không biết à? Nhà hàng hạng sang đấy.
-Thì sao?
-Ở đó có hẳn một khu giữ trẻ.
Một khu giữ trẻ. Anh nghe không nhầm. Ở Cenerentola – một nhà hàng quý tộc xây dựng theo phong cách lãng mạn Italian – có một khu giữ trẻ, dành cho những bậc cha mẹ đủ tiền ăn nhưng không đủ tiền thuê người giúp việc.
Thế là anh gom góp tiền lương, gọi điện hỏi cô bạn cũng đang độc thân xem có muốn đi thử cho biết không. Dù sao anh cũng đang bí đề tài. Dạo này báo chí không có gì để viết nhiều, trừ cuộc sống. Mà cuộc sống hiện nay thì vốn cũng không đáng để viết mấy.
8 giờ tối, anh và cô bạn bước xuống từ chiếc taxi xanh. “Mặc váy mà ngồi xe Dream trông gớm lắm.” – cô bạn nằng nặng đòi đi taxi như thế. Cenerentola – khối kiến trúc màu gỗ nhạt – hiện ra trước mặt họ trong lớp ánh sáng thanh tao dịu dàng. Từ lối cổng đi vào chánh điện, một lớp cánh hồng nhung được rải dày thay cho thảm đỏ, khiến người ta – những người có tâm hồn yếu đuối dễ vỡ – phải cảm thấy ghê rợn trước sự nhẫn tâm của gót giày. Loài hoa của tình yêu bị xé mỏng ra vì bị dẫm lên như một minh chứng cho sự tinh tế tột cùng. Phía trong, bồi bàn mặc suit thắt nơ đen, giày da bóng lưỡng, chạy việc thoăn thoắt như những bóng ma làm xiếc lướt đi trong ánh đèn vàng mượt óng ả và các mê cung hoa đủ màu mềm mại.
Anh không để ý mấy. Anh đảo mắt tìm khu trông trẻ. Chính anh cũng không hiểu vì sao mình lại bị hút bởi ý tưởng khu trông trẻ nằm trong một nhà hàng.
Ở đất nước Á Đông bố mẹ đến bạc đầu còn lo cho con này; người giàu ơi là giàu hẳn có người giúp việc ở nhà mà trông lũ trẻ, đặng bố mẹ có cơ hội hẹn hò, người nghèo ơi là nghèo thì chẳng màng gì đến cửa gương kiếng màu, đồ ăn kiểu Âu. Vấn đề là có một tầng lớp ở giữa bị bỏ lửng. Người ta dăm bữa nữa tháng cũng đủ tiền đi ăn đồ sang cho biết mùi với thiên hạ, ngặt nỗi vướng lũ trẻ con ở nhà, mang theo thì chúng nó quấy khóc mất mặt, khéo còn phun cơm phun thịt, hỏng bộ váy mới may. Để ở nhà không có người trông thì lòng dạ bố mẹ nào ăn ngon cho đành.
Nhà hàng Cenerentola vừa đẹp tàn nhẫn, lại vừa có khu trông trẻ miễn phí, một phát vớt hết cả hai đối tượng thực khách, rải từ thượng lưu đến trung lưu. Đất nước nghìn năm cơm gạo này cũng đến lúc cần phải phổ biến hóa mùi vị sang trọng, thực sự phổ biến hóa, không phải như vài phim truyền hình vớ vẩn, đi ra đi vào thấy các anh chị công chức quèn mà suốt ngày lượn lờ xe xịn nhà sang, không biết tiền ở đâu ra mà lắm thế. Thật ra cũng không nên trách phim ảnh làm gì. Phim ảnh ở xứ này là để người ta mơ mộng, ở đâu đó có ai đó đang được sống như thế đó.
Nhưng Cenerentola thực sự là một nhà hàng để biến những giấc mơ bình dân thanh hiện thực, chỉ qua một góc rất nhỏ là khu trông trẻ.
Trẻ con bố mẹ mang đến, bố mẹ lấy phiếu để tránh lát nữa giao nhầm con, bồng bế ủ ê đưa cho cô trông trẻ. Phiếu cũng không phải phiếu thường, số hiệu được dập nổi phủ nhũ vàng cho bé gái, nhũ bạc cho bé trai. Khu trông trẻ được xây bằng kính cách âm. Chủ nhà hàng dán hẳn bảng giải thích, kính để bố mẹ yên tâm con mình đang thế nào, cách âm để lỡ cháu quấy khóc cũng không ảnh hưởng nền nhạc cổ điển dìu dặt bên ngoài. Chu đáo đến thế là cùng.
Anh đưa thực đơn cho cô bạn, dặn khẽ, “Mày chọn món rẻ rẻ thôi, không là tháng sau tao đói.” rồi lại tiếp tục quan sát khu nhà kính trẻ con. Chỉ có mỗi một cô gái làm nhiệm vụ giữ trẻ trong đó. Cô ta mặc áo dài lụa màu trắng vẽ hoa sen, tóc đen dài tha thướt, mắt lá liễu mày ngài, cười như trăng lá lúa. Nhìn cô trông trẻ kín cổng cao tường mà dễ thương như thế, bố cũng vui mà mẹ cũng yên tâm.
– Tao gọi món rồi đấy! – cô bạn thì thầm vào tai anh – Mày thích con bé kia thế thì đẻ một đứa con đi rồi tha hồ mà gởi.
– Mày điên à? – anh cũng thì thầm. Nhạc giao hưởng quả là biết cách bắt người ta phải thì thầm – Người yêu còn chưa biết đào đâu ra.
Phía trong gian nhà kính, khung cảnh thật trong trẻo, tựa như một kiểu vườn Eden tươi non, tắm mát bằng sự thơm nức của trẻ con và của cô giữ trẻ áo dài lụa trắng. Cô ngồi trước mặt đám em bé đủ tuổi, dường như cô đang kể chúng nghe một câu chuyện. Chiếc ghế cô ngồi hình cây nấm sặc sỡ, cao hơn những ghế khác một chút. Dáng cô thanh tao uốn một đường cong nhẹ, hệt như cành hoa đang vươn lên nở e ấp. Môi cô mấp máy. Anh không hình dung được cô đang kể chuyện gì, nhưng hẳn nó phải rất hay. Lũ trẻ ngồi yên, ngoan như những con búp bê thánh thiện, mở to mắt ngước nhìn lên nữ chúa hoa trước mặt chúng.
– Kì lạ! – bỗng dưng cô bạn anh buột miệng.
– Cái gì cơ?
– Cái nhà kính đó. Mày không thấy à? Nó không giống một khu giữ trẻ.
– Ý mày là gì? – anh ngạc nhiên – Tao thấy nó cũng ok mà. Cũng tranh ảnh hoạt hình này nọ, màu sắc sáng sủa đấy chứ.
– Không! Tao có chục đứa em họ, tao biết. Nó quá yên tĩnh. Mày hiểu không? Một lũ con nít không thể đứa nào cũng ngoan như vậy. Cái nhà kính đó quá yên tĩnh so với một nơi giữ trẻ. Mẹ kiếp! Tự dưng tao thấy lạnh sống lưng vãi.
Anh nhìn về hướng khu giữ trẻ, những lời cô bạn vừa nói bắt đầu thấm vào đầu anh. Và anh cảm nhận một luồng khí lạnh đang lan theo cột sống lên đến cổ. Quả thật có gì đó không đúng.
– Mày ngồi đây đợi tao nhé. – anh đặt khăn ăn lên bàn, rời khỏi ghế. Cô bạn khẽ gật đầu.
Anh di chuyển đến gần khu giữ trẻ. Gần. Gần hơn. Lũ trẻ hiện ra to hơn, rõ hơn. Chúng ngồi im ngoan ngoãn như một bầy cừu, đôi mắt mở to không chớp. Cô giữ trẻ vẫn tiếp tục kể chuyện, đôi môi nhỏ mở ra khép lại như nụ hoa đào ban mai. Anh đã đến sát gần tấm kiếng. Anh dán mắt vào đó. Anh cố gắng nhìn.
Cô giữ trẻ quay mặt sang và thấy anh.
Nhành hoa sen đứng dậy, rời khỏi ngai vàng nấm của mình, lướt nhẹ về phía anh đang đứng. Cánh cửa khu giữ trẻ hé mở, ở trong thoáng ùa ra một làn hương ngọt lịm.
– Xin lỗi. Có phải anh đến đón cháu nào không? – giọng nữ mơn man chạm vào tai anh. Cô giữ trẻ với đôi môi hoa đào.
– Ơ… không… – anh lúng túng – Mấy đứa bé dễ thương quá nên tôi… à… tôi thích ngắm trẻ con.
– Cảm ơn anh. – cô mỉm cười trả lời – nhưng có lẽ những bậc cha mẹ khác không thích một người lạ đăm đăm nhìn con mình. Anh cảm phiền.
-Ồ, không sao, không sao. Lỗi của tôi. Xin lỗi cô nhé. Ơ… chào cô…
Anh dợm bước quay đi, nhưng chợt nhớ ra điều gì, anh ngừng lại:
– Này, cô có thể cho tôi hỏi, cô đang kể chuyện gì không?
Cô gái ngước đôi mắt dợn sóng lên nhìn anh. Lớp sóng lạnh buốt của những vực xoáy ngầm ngoài biển khơi. Êm ả chết người.
– Vì sao ạ?
Anh nói nhanh một hơi, tựa như biện hộ cho chính mình:
– Tôi thấy lũ trẻ ngồi rất ngoan, hẳn cô kể chuyện rất hay và câu chuyện cũng hấp dẫn. Vậy nên… Tôi muốn biết… câu chuyện cô kể…
Đúng lúc ấy, anh nhìn thấy cô bạn thân của mình đang vẫy tay ra hiệu anh quay lại. Món khai vị đã được dọn ra. Ăn nhanh kẻo nguội. Đừng bỏ phí đồ ăn. Đừng bỏ phí thời gian. Đừng hỏi nữa kẻo mang nghiệp.
Anh lẩm bẩm xin lỗi và tạm biệt cô trông trẻ, rảo bước quay trở lại bàn. Phía sau, lưng anh lại có một luồng điện lạnh chạy dọc lên đầu. Anh ngoảnh đầu nhìn lại. Cô trông trẻ đã ngồi vào ngai vàng từ lúc nào, thanh tao và uốn lượn, lũ trẻ lại ngẩn người ra như một bầy cừu. Cô ta di chuyển cũng nhanh thật. Hoặc cô ta chưa hề di chuyển. Không hiểu sao anh không chắc lắm về việc có đúng mình vừa nói chuyện với cô ta.
Ngồi xuống bàn, anh xúc một miếng nhỏ khai vị cho vào miệng. Và nhăn mặt.
– Thứ gì đấy? – nó có mùi kì quặc vô cùng.
– Antipasto. – cô bạn nhồm nhoàm trả lời – Gan gà trộn dầu olive đấy.
Anh rùng mình, khẽ nhè hết mớ đả-đảo-pas-to ấy vào miếng khăn giấy. Anh vốn chịu không được những món ăn làm từ nội tạng.
Ngồi thần ra đợi món chính, anh lại đưa mắt nhìn khu nhà kính trẻ con. Những đứa trẻ không khóc không cười vẫn mải mê nghe câu chuyện trong cái lồng ấy, và những ông bố bà mẹ và đủ loại thực khách ăn uống, nghe nhạc giao hưởng, và ngắm nhìn chúng qua một lớp kiếng cách âm. Chẳng có ai hỏi câu chuyện chúng được nghe là gì. Chẳng có ai hỏi. Chẳng có ai.
Bất chợt anh nhận ra bản thân mình đang xúc thêm một thìa antipasto và cho vào miệng. Chính xác là anh đã nuốt nó, và không hề thấy chợn người. Anh không biết mình đã làm việc đó như thế nào. Lũ trẻ trong nhà kính kia, và anh, và bầy cừu ngoan ngoãn, sẽ ngồi im, và không nhận ra mình đã nuốt thứ gì vào người như thế nào.
Và chẳng có ai quan tâm.
Cenerentola. Cenerentola. Cenerentola. Khúc hát âm hưởng opera từ cổ họng một nữ ca sĩ béo ú trên sân khấu dội thẳng vào màng nhĩ của anh. Câu chuyện cổ tích về một cô nàng với chiếc giày thủy tinh, giẫm lên hoa hồng, đi đến lâu đài, và bán não mình ở đó, bán trái tim mình cho kẻ thậm chí không nhớ mặt mình. Đó không phải là một chuyện tình. Đó là một câu chuyện thương mại, về sự trao đổi của những con cừu, bán đi bộ não mà đổi lấy hoàng cung hư ảo, nhét vừa trong một chiếc hài – một ngày đó chắc chắn sẽ vỡ.
Trong lúc vội vã súc miệng bằng ly Mojito xanh đẫm nước, mắt anh chạm mắt cô trông trẻ – nữ chúa hoa – người kể chuyện – kẻ tẩy não. Anh thấy cô mỉm cười. Với anh.
Còn anh, anh rất muốn khóc cho những đứa bé đang ngồi trong đó. Và cho chính mình.
em thấy nó tuyệt
Nó rất lạ lùng.