Dịch từ bài viết về The Magician trong Chương 3: The Opening Trumps: Symbols and Archetypes trong quyển “Seventy Eight Degrees of Wisdom” của Rachel Pollack.
The Magician kế thừa trực tiếp từ lá The Fool hình ảnh của kẻ chơi khăm-thầy phù thủy. Như đã đề cập, Merlin đảm trách cả hai vai trò này (đồng thời cũng là một bậc đại sư, một nhà thông thái). Trong nhiều thần thoại khác cũng có mối liên kết tương tự. Những bộ Tarot ban đầu mô tả lá số một như một ảo thuật gia thay vì thầy pháp, hoặc thậm chí là một nghệ sĩ xiếc tung hứng những quả cầu sặc sỡ trong không khí. Charles William miêu tả chàng đang tung hứng các ngôi sao và hành tinh.
Hầu hết những minh họa hiện đại của lá bài đi theo hình ảnh pháp sư của Waite, tay giương cao chiếc gậy phép để mang nguồn lực tinh thần – năng lượng cuộc sống ở dạng sáng tạo nhất – xuống trần thế thực tại. Chàng cầm cây gậy cẩn thận, ý thức được quyền năng tâm linh mà chàng Ngố đã từng mang tung tăng trên vai. Vì lẽ đó, The Magician, với tư cách mở đầu đích thực của những lá Major Arcana, thể hiện ý thức, hành động và sự sáng tạo. Chàng tượng trưng cho ý niệm về sự hiển thị, biến cái có thể thành cái hữu thể. Thế nên ta thấy bốn biểu tượng của Minor Arcana nằm trên bàn trước mặt chàng. Chàng không những dùng thế giới vật chất để tạo nên ma thuật (bộ tứ biểu trưng là những vật được sử dụng bởi các nhà phép thuật trong các nghi lễ của họ), mà chàng còn tạo nên chính thế giới này bằng cách truyền cho cuộc sống một ý nghĩa và một hướng đi.
Xung quanh The Magician là những bông hoa, nhắc ta rằng năng lực cảm xúc và sáng tạo ta cảm nhận được trong đời cần gắn liền với thực tại để tạo nên thành quả. Chúng chỉ tồn tại khi ta tạo nên một điều gì đó từ những tiềm năng.
“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất.” Kinh Thánh bắt đầu vào khoảnh khắc thánh linh giáng nhập trần thế. Đối với chúng ta, khi đang tồn tại trong thế giới này, ta không thể nói về điều gì trước khoảnh khắc đó. Trong mối quan hệ giữa Tarot và bảng chữ cái Hebrew, The Fool thường gắn với chữ đầu tiên Aleph. (Aleph là chữ không phát âm được; nó là một tập hợp vô thanh của các nguyên âm, tượng trưng cho sự không có gì. Nó cũng là chữ cái đầu tiên của Mười điều răn (1).) Lá bài The Magician gắn với chữ cái Hebrew thứ hai, Beth, chữ cái đầu tiên có âm thực sự. Beth cũng là chữ cái đầu tiên của Sáng thế ký (2).
Hãy nhìn vào minh họa The Magician của Waite. Chàng không đọc thần chú, cũng không triệu hồi quỷ. Chàng đơn giản chỉ đứng với một tay hướng lên thiên đường và một tay chỉ xuống mặt đất xanh rờn. Chàng là chiếc cột thu lôi. Chàng mở rộng bản thân đón nhận nguồn tinh thần vào người và, tựa như một chiếc cột thu lôi vững chải, dòng năng lượng chảy qua người chàng xuống trái đất. Xuống thực tại.
Chúng ta thấy rất nhiều dẫn chứng của “thánh linh giáng thế” (3) trong Kinh Thánh, trong văn tự của các tôn giáo khác và trong những trải nghiệm tôn giáo đương thời. Những người “nói tiếng lưỡi” (4) trong những nhà thờ Phong trào Ngũ tuần (5) la hét gào thét và lăn lộn trên sàn trong những buổi lễ Phúc âm (6). Vị linh mục giảng bài tự nhận mình là “mạch dẫn” hoặc một kênh của Đức Thánh Linh (7). Nhưng ta có thể nhìn thấy chuyện này ở mức đơn giản, phi tôn giáo hơn. Những người đang xem thể thao phấn khích tột độ. “Đã quá à! Muốn điên luôn!” Bắt đầu một cuộc tình hay một sự nghiệp mới, ta cảm thấy thể xác sung mãn vô cùng. Đôi khi bạn sẽ thấy người ta ở thời kỳ đầu của một giai đoạn quan trọng, nhảy lên nhảy xuống, nảy tưng tưng, ngập tràn năng lượng nào đó mà họ không thể phóng thích. Nhà văn và nghệ sĩ cũng cảm nghiệm bản thân như một kênh thụ động cho nguồn lực tương tự chảy qua khi họ có thể sáng tác hết mình. Từ “inspiration” (cảm hứng) có nghĩa nguyên thủy là “tràn đầy hơi thở thánh thần”, và có cùng nguồn gốc với từ “spirit” (tinh thần).
Hãy chú ý rằng trừ vị linh mục và nghệ sĩ, những trường hợp còn lại đều mắc vào trạng thái phát cuồng. Những người đi lễ bị ám ảnh và trẻ vị thành niên phát điên vì các trận bóng đều chia sẻ một cảm giác là cơ thể họ tràn căng quá tải bởi một sức mạnh quá lớn. Sự dâng trào năng lượng không hề nhẹ nhàng, mà còn có thể là đau đớn. Những người theo đạo la hét cuồng nhiệt và nhảy theo nhịp để giải phóng năng lượng không thể giữ trong người đó.
Nguồn sống chảy tràn trong vũ trụ không hề dịu dàng hay ôn hòa. Nó phải được luân chuyển, chuyển hóa vào thứ gì đó có thật; bởi lẽ cơ thể của ta, bản ngã của ta, vốn không nhằm mục đích kiềm giữ. Thay vào đó, ta phải truyền nó sang nơi khác. Người nghệ sĩ không trở nên mê loạn vì anh ta hoặc cô ta đang truyền năng lượng vào bức họa. Vị linh mục cũng làm thế với bánh mì và rượu.
Ta là một kênh năng lượng. Trừ phi ta đi theo con đường của The High Priestess rời xa bụi trần, còn lại, ta sống đúng nghĩa khi ta sáng tạo và chủ động. “Sáng tạo” không chỉ có nghĩa nghệ thuật, mà có thể là bất kỳ hoạt động tạo nên thứ gì đó có thật và đáng giá nằm ngoài bản thân chúng ta.
Nhiều người hiếm khi trải qua cảm giác tràn đầy năng lượng đó, thế là họ cố gắng kiềm giữ chúng. Họ chẳng làm gì cả, ảo tưởng rằng có thể giữ được khoảnh khắc thần diệu đó. Nhưng nguồn năng lượng đó chỉ tồn tại trong ta khi ta để chúng chảy đi. Khi ta giải phóng năng lượng sáng tạo, ta khơi mở bản thân mình ra để đón vào những dòng chảy khác. Nếu kiềm giữ chúng, con đường sẽ bị chặn, và cảm thức về quyền năng – hay chính là cuộc sống – sẽ tàn úa trong chính mình. Khán giả đá bóng, hay thậm chí những người đi lễ cuồng tín, sẽ thấy sự háo hức của mình biến mất sau khi sự kiện đã kích động họ hạ màn. Nhưng người nghệ nhân hoặc khoa học gia hoặc giáo viên – hoặc, trong bối cảnh này, người giải đoán Tarot – sẽ nhận thấy năng lực tăng lên theo thời gian, một khi họ chuyển năng lượng của mình vào thực tại.
Khi nhìn vào The Magician, những kẻ thiếu bao quát sẽ bị hút vào cây đũa hướng lên thiên đường. Nhưng phép thuật thực sự nằm ở ngón tay chỉ xuống trái đất. Chính khả năng sáng tạo đã trao tặng danh hiệu cho chàng. Hình ảnh của chàng không chỉ xuất phát từ kẻ chơi khăm – nghệ sĩ xiếc, mà còn là một mẫu anh hùng điển hình. Trong nền văn hóa của chúng ta, đó có thể là Prometheus, người mang lửa thiên đường xuống cho nhân loại lạnh lẽo và yếu ớt.
Phương Tây chúng ta thường nhìn phù thủy như những người dùng tiểu xảo. Họ học những bí thuật hoặc giao ước với Satan nhằm đạt mục đích cá nhân. Một phần hình ảnh suy đồi này đến từ chính những ma thuật gia, vì họ đã dùng phép để tìm kho báu; nhưng nó cũng đến từ nhà thờ, vốn luôn nhìn những ma thuật gia – những người giao tiếp trực tiếp với thánh thần thay vì thông qua những linh mục chính thống – như đối thủ. Tarot và những khoa học huyền bí khác là một cuộc cách mạng ý thức, vì chúng giảng về sự cứu rỗi trực tiếp trong cuộc đời này, bởi nỗ lực của chính bạn.
Ta có thể hiểu Ma thuật gia theo cách khác thông qua hình ảnh các thầy pháp hoặc dược sư. Vì chưa có một nhà thờ nào trục xuất những thầy pháp, họ không bị cô lập với cộng đồng. Họ là thầy thuốc, thầy giáo, và người dẫn linh hồn sau cái chết. Giống như phù thủy, thầy pháp học và nghiên cứu những kỹ thuật phức tạp. Vốn từ ngữ pháp thuật của họ lớn hơn vốn từ thường ngày của những người xung quanh. Nhưng sự tập luyện này không phải để vận hành thần linh hay cho mục đích cá nhân. Thay vào đó, thầy pháp chỉ tìm cách trở thành một kênh thích hợp, cho chính mình để khỏi bị quá tải, và cho cộng đồng. Ông ta biết rằng nguồn lực vĩ đại tràn vào người mình trong lúc thăng hoa, và ông không muốn mình bị phá hủy hay trở nên vô dụng với những người xung quanh.
Tương tự phù thủy, thầy pháp đã tu tập đến mức ông có thể điều khiển được ngọn lửa cháy bùng trong người. Cùng lúc để bản thân rộng mở, ông cũng hòa tan trực tiếp cái tôi của mình vào nguồn tinh thần trực tiếp dữ dội đang ùa đến. Người ta nói rằng những thầy phù thủy hay đứng trong những vòng tròn ma thuật để đảm bảo quỷ không chạm đến họ.
Ta có thể ứng dụng thái độ của thầy pháp vào cách ta sử dụng bài Tarot. Ta học lá bài, học ngôn ngữ biểu tượng, thậm chí học công thức cụ thể, để đưa ra một hướng đi cho những cảm xúc đang dâng lên trong người. Nhưng ta không được phép quên rằng ma thuật thật sự nằm trong hình ảnh của chính nó mà không có lời giải thích nào.
Ý nghĩa tiên tri của The Magician đến từ cả hai bàn tay, một nhận năng lượng và một hướng năng lượng. Trước hết lá bài này chỉ ra sự ý thức về năng lực, có thể là của tinh thần hoặc một sự phấn khích đang bao trùm quanh bạn. Tùy thuộc vào vị trí của nó và phản ứng của bạn, nó còn có nghĩa là sức mạnh của ai đó đang ảnh hưởng đến mình. Giống như The Fool, lá bài chỉ ra sự khởi đầu, nhưng đây mới chính là bước đầu thực sự. Nó có thể là cảm hứng để bắt đầu một dự án hoặc một đoạn đời mới, hoặc là sự phấn khích khiến bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ cho đến khi đạt mục tiêu. Với nhiều người, The Magician trở thành một biểu tượng cá nhân mạnh mẽ cho nguồn lực sáng tạo xuyên suốt đời họ.
Thứ hai, The Magician còn mang năng lực ý chí: ý chí hợp nhất và nhắm đến mục tiêu. Nó có nghĩa là sức mạnh cực lớn bởi vì tất cả năng lượng của bạn đều nhắm vào một hướng cụ thể. Những người trông có vẻ luôn đạt được những gì họ muốn đơn giản là những người luôn biết những gì họ muốn và điều khiển được năng lượng của họ. The Magician dạy chúng ta là cả sức mạnh ý chí và thành công đến từ việc ý thức năng lực nằm trong chúng ta. Hầu hết người ta hiếm khi hành động, họ chỉ phản ứng, và bị đá từ trải nghiệm này qua trải nghiệm tiếp theo (Rio: thích câu này!) Hành động là khi ta điều khiển năng lượng của ta, thông qua ý chí, đến nơi mà ta muốn nó đến. (8)
Lá The Magician ngược chỉ ra rằng dòng chảy năng lượng đã bị đứt hoặc bị chặn. Nó có thể là một điểu yếm, thiếu quyết tâm hoặc mơ hồ về mục đích, và cuối cùng dẫn đến việc không làm gì cả. Năng lực chính nơi đây, nhưng ta không thể chạm đến. Lá bài ngược có thể ám chỉ sự thờ ơ lãnh đạm, đặc trưng của tình trạng chán nản.
Hoặc nó mang nghĩa lạm dụng quyền lực, một người sử dụng đặc tính mạnh của mình áp đặt ảnh hưởng hủy hoại lên người khác. Ví dụ điển hình nhất dĩ nhiên là sự tấn công siêu nhiên của “ma thuật đen.”
Cuối cùng, lá The Magician ngược ám chỉ những bất an tinh thần, ảo giác, sợ hãi, đặc biệt là nỗi sợ đối với sự rồ dại. Vấn đề này nảy sinh khi năng lượng của ngọn lửa thần linh nhập vào một người mà kẻ đó không iết cách dẫn chúng ra thực tại bên ngoài (Rio: tẩu hỏa nhập ma xD). Bất kỳ ai từng trải qua một giây hoảng loạn sẽ biết sợ hãi kịch liệt là một cảm giác rất thể xác, cơ thể phát cuồng như một ngọn lửa mất kiểm soát. Từ “panic” (hoảng sợ) có nghĩa là “possessed by the god Pan” (bị ám ảnh bởi thần Pan), là một vị thần của nguồn lực ma thuật.
Hãy nghĩ về chiếc cột thu lôi. Nó không chỉ thu sét mà còn dẫn nguồn điện xuống đất. Không có sự kết nối đó, sét sẽ đốt cháy cả tòa nhà.
Một vài nhà văn từng đề cập đến mối quan hệ giữa pháp giáo (9) và cái mà phương Tây gọi là “tâm thần phân liệt” (10). Thầy pháp thường được tìm thấy thay vì lựa chọn. Trong nền văn hóa của chúng ta, nếu một người trẻ nhìn thấy những ảo giác đáng sợ, ta chẳng biết làm gì với những ảo giác đó hơn là cố gắng ngăn chúng lại bằng thuốc và tự khống chế. Nhưng trong những nền văn hóa khác, những người như vậy sẽ được luyện tập. Điều này không có nghĩa là bệnh điên không tồn tại hoặc ghi nhận trong những nền văn hóa xưa. Thay vào đó, luyện tập nhằm để ngăn ngừa bệnh điên bằng cách chuyển hóa những trải nghiệm đó vào một hướng đi có ích.
Thông qua việc thụ giáo một thầy pháp và những kỹ thuật thể xác như chay tịnh, kẻ nhập môn học được cách hiểu, thiết lập, và cuối cùng là định hướng những trải nghiệm hư ảo nhằm phục vụ cộng đồng. Lá The Magician ngược không nên bị loại trừ hoặc giam hãm, thay vào đó, ta phải tìm cách xoay nó trở lại.
Nguồn: Rachel Pollack – “Seventy Eight Degrees of Wisdom”, Phần 1: Major Arcana, chương 3: The Opening Trumps: Symbols and Archetypes
Ghi chú:
(1) Ten Commandments: “Mười điều răn là danh sách các mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo, theo Kinh thánh, được Thiên Chúa (Giê-hô-va) phán truyền cho Môi-sê ở núi Sinai và được khắc vào hai phiến đá. Mười điều răn đóng vai trò quan trọng trong Do Thái giáo và Kitô giáo.” (Wikipedia)
(2) Genesis: Sách Sáng thế hay Sáng thế ký là sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung. Nội dung của Sách Sáng thế nói về nguồn gốc của vũ trụ, nhân loại và đặc biệt là dân tộc Israel.
(3) Descent of the Spirit
(4) “Speak in tongues” hay còn gọi là “glossolalia” – việc nói trong lúc xuất thần những từ không thể hiểu được. “Việc phát ra liên tục những âm tiết giống từ ngữ nhưng lại rất khó hiểu. Trong một số trường hợp, việc này là một nghi lễ tôn giáo. Ý nghĩa của “glossolalia” tùy thuộc vào bối cảnh, một số ít nhóm người xem nó như một phần của thánh ngữ. Nó thường xuất hiện trong dòng Ngũ tuần (Pentecostal) và Tin lành theo ân tứ (Charismatic), và cả những tôn giáo khác.
(5) Pentecostal: một phong trào cải cách trong đạo Tin Lành, nhấn mạnh trải nghiệm cá nhân về Chúa bằng cách rửa tội với Chúa Thánh Thần
(6) Gospel meeting: những người cùng đến để nghe những lời phúc âm của Chúa Kitô rao giảng. Gospel nghĩa là “tin lành” của sự cứu rỗi.
(7) Holy Spirit: trong Thiên Chúa giáo còn gọi là Chúa thánh thần, nằm trong ba ngôi Chúa Cha – Chúa Con – Và Chúa Thánh Thần.
(8) “Most people rarely act; instead they react, being knocked from one experience to the next. To act is to direct your strength, through the will, to the places where you want it to go.”
(9) Shamanism
(10) Schizophrenia
———-
There are three rules for writing a novel. Unfortunately, no one knows what they are. – W. Somerset Maugham
Comments