Skip to content →

[Giới thiệu + Chương 1] Nhật ký gởi Jordan

Nhật ký gởi Jordan

Một câu chuyện về Tình yêu và Danh dự

Dana Canedy

Dành cho Charles và Jordan, những người nắm giữ trái tim tôi

Bản dịch này gởi tặng đến những bạn trai trong tuổi trẻ hoang dại của tôi. Mong các bạn đều trở thành những ông bố tuyệt vời.

Đặc biệt tặng anh, người đã nói với em, “Ước mơ của anh là có một đứa con, để nuôi dạy nó khác với cách mà anh đã được nuôi, để cho nó những điều mà anh không có.”

Năm 2005, trung sĩ Charles Monroe King bắt đầu những dòng đầu tiên trong cuốn nhật ký 200 trang dành cho con trai của anh nếu anh không thể trở về từ cuộc chiến Iraq. Một quả bom bên đường đã cướp đi mạng sống của anh vào ngày 14 tháng 10, 2006. Con trai anh, Jordan, chỉ mới 7 tháng tuổi. Nhật ký cho Jordan là những lá thư của người mẹ gởi đến con trai mình về người cha đã mất trước cả khi cậu bé biết nói – trong đó có cả sự nỗ lực miệt mài để tìm ra câu trả lời về cái chết của Charles. Đó cũng là lời khuyên và lời cầu nguyện của người cha dành cho đứa con mà anh sẽ không bao giờ biết đến. Và sau cùng, đây là câu chuyện của Dana và Charles – hai tâm hồn tưởng chừng không tương hợp nhưng đã yêu nhau và mất nhau quá sớm.

Lôi cuốn… trân trọng… Canedy đã miêu tả King với tất cả yêu thương đến nỗi ta ngỡ như anh vẫn còn nơi này.

New York Times Book Review

PHẦN MỘT

1

Jordan yêu thương,

Nếu con đang đọc quyển sách này, điều đó có nghĩa chúng ta ít nhiều trải qua những năm tháng đau buồn, và con đã đủ lớn để hiểu tất cả những gì mẹ sắp nói với con.

Giờ đây con chỉ mới 10 tháng tuổi, nhưng mẹ đang viết cho chàng trai trẻ mà con sẽ trở thành. Khi ngày đó đến, con sẽ biết cha con là một người lính danh dự đã hy sinh trong một trận chiến vào tháng Mười, 2006; khi một quả bom phát nổ bên dưới chiến xa của cha ở Iraq. Lúc đó con 6 tháng tuổi.

Con sẽ biết rằng cha đã để lại một quyển nhật ký cho con, hơn 200 trang, cha đã viết tay trên những xấp giấy ở nơi nóng rẫy và khủng khiếp đó. Mẹ muốn nói với con làm thế nào cuốn nhật ký được viết nên và nó đã để lại những điều không nói về cha con và tình yêu vĩnh cữu của chúng ta.

Trước khi cha con hôn cái bụng căng tròn của mẹ và lên đường ra trận vào tháng Mười hai năm 2005; cha con, Trung sĩ Quân đội Hoa Kỳ Charles Monroe King, đã chuẩn bị cho ngày con ra đời và cho cả kết thúc của bản thân. Thậm chí ngay trước khi cha lên chiếc máy bay xông vào hiểm nguy, mẹ đã sợ hãi rằng cha con sẽ chết. Thế nên mẹ trao cho cha một cuốn nhật ký. Dù con vẫn chưa chào đời, mẹ hi vọng cha sẽ viết một vài dòng nhắn gởi, có lẽ là vài lời động viên đến con, nhỡ khi cha ra đi mà hai người vẫn chưa được biết đến nhau.

Chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều nếu đời con không có mặt cha, kể cả việc xác định xem con là trai hay gái trước khi cha ra trận; cha sung sướng biết bao với hình ảnh của con trong tâm trí và giữ một bức hình siêu âm của con trong túi quân phục suốt thời gian ở Iraq.

Và đây là cuốn nhật ký. Cha con đã viết những lời hướng dẫn cho con về cuộc sống nếu cha không thể về nhà với chúng ta. Cha mong con là người trả tiền trong cuộc hẹn với một cô gái, chụp thật nhiều ảnh trong những kỳ nghỉ, có đạo đức làm việc, và trả hóa đơn đúng hạn. Cha muốn nói với con làm thế nào để giải quyết nỗi thất vọng, để hiểu sự khác nhau giữa tình yêu và tình dục, để biết quỳ xuống và cầu nguyện mỗi ngày. Và nhiều nhất, cha muốn con biết cha yêu hai mẹ con mình nhiều như thế nào.

Vậy nên cứ mỗi đêm khuya ở Iraq, sau khi hoàn thành những công tác nguy hiểm và chết người, cha trở về căn phòng của mình với cơn đói và mệt rã rời, nhưng còn chút bình yên tạm bợ, viết cho con trước khi cha đi ngủ. Ngữ pháp của cha không phải hoàn hảo và nét chữ cho thấy là cha đã rất mệt hoặc đang vội vàng. Nhưng cha đã đặt rất nhiều tâm trí vào những thông điệp thật đẹp mà cha viết, những điều như:

Khiêm tốn về những thành tích của con, làm việc chăm chỉ hơn người bên cạnh, con trai cũng có thể khóc. Đôi khi khóc giải tỏa được rất nhiều đau đớn và stress. Đừng bao giờ xấu hổ để khóc. Điều đó chẳng nghĩa lí gì với nhân cách của con.

Cha con gởi cuốn nhật ký cho mẹ vào tháng bảy, 2006; một thời gian ngắn sau khi một trong những người lính trẻ của cha hy sinh trong một vụ nổ kỳ quái tương tự như vụ nổ đã cướp đi mạng sống của cha. Cha đã run lên khi gom nhặt những mảnh cơ thể của cậu trai trẻ, từng mảnh một và không toàn vẹn. Cha còn nhiều điều muốn nói, nhưng sẽ phải đợi đến khi cha trở về trong kỳ nghỉ 2 tuần, và đó là 6 tuần trước khi ông ra đi mãi mãi.

Mẹ đã đọc cuốn nhật ký trong đêm khuya tĩnh lặng ngay khi nó đến, với con ngủ bên cạnh, và một lần nữa bị “cưa” đổ hoàn toàn bởi người chiến binh dịu dàng đó. Cha là người đàn ông đầy danh dự nhất mà mẹ từng biết, và cũng là người phức tạp nhất. Mẹ không muốn miêu tả cha con như một vị thánh, một hình mẫu mà con có lẽ không bao giờ vươn tới. Cha không phải là như thế. Cha dịu dàng, hướng thiện, và tận tâm; nhưng cha cũng có thể khó chịu, cứng đầu, và khép kín. Cha ủ ê cả ngày chẳng nói chẳng rằng, cũng như mẹ dành ngày sinh nhật với chị gái và bạn bè thay vì với cha. Cha đặt nghĩa vụ quân sự của cha lên trên gia đình.

Mẹ cũng muốn con hiểu mẹ – một người phụ nữ không hoàn hảo, yêu tha thiết người đàn ông của mình nhưng đã dằn vặt suốt mối tình để chấp nhận cha với đúng con người của ông. Chúng ta đã bên cạnh nhau trong khoảng thời gian tốt hơn của gần một thập kỷ, một nửa khoảng đó cha dành để đợi mẹ yêu cha thực lòng. Thật tình mà nói, tất cả các cô gái đều có hình ảnh của người đàn ông mà một ngày nào đó cô ấy sẽ sánh vai cùng, và cha không phải là chú rể trong mơ của mẹ. Cha sống khép kín đến cực đoan, là một người hay do dự, và nghe tin tức, Chúa thứ lỗi cho cha, từ TV thay vì New York Times, nơi mẹ là phóng viên trong hơn mười một năm.

Mẹ thì hay nói suốt ngày, quả quyết, và thiếu kiên nhẫn, những điều này hầu như làm cha con vui; nhưng đôi khi cũng làm phiền cha. Mẹ cũng bướng bỉnh và bốc đồng. Cân nặng của mẹ lên xuống thất thường mỗi khi mẹ stress. Mẹ còn chửi thề mỗi khi lái xe nữa.

Khi mẹ gặp cha con, mẹ đang là phóng viên, thứ công việc phức tạp, trong khi cha con lại ở tít tận nơi hoang vu hẻo lánh nào đó, huấn luyện những cậu lính trẻ ra chiến trận. Là một cựu trung sĩ luyện binh, cha có ý thức rất lớn về nghĩa vụ. Cha hết lòng với binh lính của mình, nhiều người trong số đó chỉ mới xong cấp III, đến nỗi cha bảo lãnh những người đó ra khỏi tù, dạy họ cân bằng thu chi, và thậm chí đưa họ lời khuyên về tránh thai. Mẹ đã quen với việc sống cùng sự im lặng cũng như thái độ vừa coi trọng vừa khinh thường đối với báo chí của cha. Nhưng mẹ chật vật lắm để hiểu được động lực nào đã khiến người đàn ông luôn mong đợi sự ra đời của con lại chấp nhận bỏ lỡ khoảnh khắc đó vì người đó tin rằng binh lính cần người đó hơn. Cha từ chối nhận kỳ nghỉ rời Iraq cho đến khi tất cả 105 lính của ông về nhà.

Cha của con ràng buộc với quân ngũ không chỉ bởi ý thức về nghĩa vụ, mà còn bởi nó mở rộng thế giới của cha. Những người lính mà ông đã luyện tập, ăn chung ngủ chung, đến từ những thị trấn mỏ than miền Tây Virginia, khu Bronx ở thành phố New York, những làng chài ở Puerto Rico. Ông đã gặp những người thợ lặn, những người đàn ông có cùng một niềm tin vào Kinh Thánh, và những người phụ nữ mà ông kính trọng vì đã xuất sắc vượt trội trong một lĩnh vực thống lĩnh bởi nam giới. Cha đã đi khắp Châu Âu khi đóng quân ở Đức. Cha học tiếng Tây Ban Nha trong khi làm việc với những người Cuba tị nạn tại Vịnh Guantanamo. Cha đã viết trong nhật ký như sau:

Gia nhập quân ngũ là một trong những quyết định tốt nhất cha từng làm trong đời. Thượng đế ban phước cho cha hơn cả những gì cha tưởng tượng. Giống như bất kì điều gì cũng đều có những ngày thử thách, nhưng khi cha nhìn lại cha không hề hối hận. Quân đội thậm chí còn ghi nhận khả năng nghệ thuật của cha. Cha cũng gặp rất nhiều người vĩ đại. Đó quả là một kinh nghiệm tuyệt vời. Tạ ơi Chúa.

Nhưng đó là những kinh nghiệm bình an. Quân đội cũng cho Charles thấy việc giết chóc và cái chết. Chỉ cần nhìn thấy máu cũng khiến cha hồi tưởng. Hóa chất mà cha tiếp xúc trong suốt Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất đã để lại những vết chàm trên cánh tay của cha. Hàng năm trời cha bị ám ảnh bởi hình ảnh của những trận chiến mà không thể nói ra, kể cả là với mẹ.

Trong chuyến hành quân cuối cùng của cha, cha đã trải qua mất mát lớn lao nhất. Mục tiêu của cha là đưa mọi người về nhà an toàn, cha thậm chí đã hứa với vợ con của họ. Đó là lời nguyện mà cha đã không thể giữ. Thế nhưng cha chưa bao giờ đặt câu hỏi nghi ngờ về sự đúng đắn của nhiệm vụ. Với Charles, chiến tranh không phải là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” hay “trục ma quỷ”; mẹ chưa bao giờ nghe cha nói những lời như thế. Nó là lãnh đạo những người lính mà cha đã rèn luyện, về danh dự và tự trọng, để bảo vệ đất nước mà cha yêu khỏi những kẻ thù có thực hay tưởng tượng.

Mẹ tự hào về danh dự và tự trọng của cha – kể cả đó là con đường mà cha đã ra đi. Con trai, tất cả chúng ta đều rời khỏi thế giới này, nhưng ít có ai ra đi như một anh hùng.

Thế nhưng người vợ và người mẹ trong mẹ vẫn có lúc nổi giận với cha vì cha đã rời chúng ta quá sớm, vào tuổi 48. Là anh hùng hay ngu ngốc khi cha tình nguyện cho nhiệm vụ đã giết cha?

Là con gái của một cựu chiến binh, mẹ lớn lên gần khu quân sự và sau khi rời đại học, mẹ không muốn cuộc sống đó một chút nào nữa. Thế là hàng năm trời mẹ từ chối cha con; và mối quan hệ xa xôi lãng mạn của chúng ta thực ra là cha đuổi theo mẹ trong khi mẹ cố đẩy cha ra. Chúng ta đã hẹn hò với những người khác, mẹ sợ phải gắn bó với cha, cha thất vọng với tính lung lay của mẹ. Cuối cùng, niềm kiên định của cha, tính cách của cha và ý thức rõ ràng về bản thân, ông là ai và ông chiến đấu cho điều gì; đã chiến thắng mẹ; con sẽ biết điều đó khi đọc cuốn nhật ký.

Lắng nghe ý nghĩ đầu tiên của con. Con sẽ tự hiểu điều này. Đừng bao giờ đoán định về chính mình. Khi trái tim con nằm đúng chỗ, luôn luôn nghe theo ý nghĩ đầu tiên. Làm việc chăm chỉ và đi theo bản năng của con. Bởi vì con đã được sinh ra, con sẽ luôn có linh cảm. Điều đó có nghĩa con sẽ mẫn cảm về mọi thứ. Tin vào Chúa và vào chính con. Giữ niềm tin đó, Jordan. Con sẽ ổn.

Cha của con đã rất muốn con biết rằng trong quyển nhật ký này, cha đã thể hiện con người mình theo cách mà hiếm khi ông làm. Cha nói với con những điều về chính cha mà mẹ cũng chưa bao giờ biết. Cha viết rằng cha muốn nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc và học guitar. Cha nói rất kỹ về tình yêu dành cho nghệ thuật, niềm tin tôn giáo, và tuổi thơ của cha ở Cleveland. Mẹ đã bật cười khi hình dung người lính của mẹ mang giày đế xuồng và quần ống loe ở trường trung học.

Đôi giày đế xuồng yêu thích của cha được mua từ một cửa hiệu giày tên Thom McCann. Nó màu đen, làm bằng da thuộc với đế lót da. Lúc đó bà nội King luôn nói giày đế xuồng không tốt cho lưng. Cha đoán là cha đã học được theo một cách khó khăn. Cha xuống đường và liếc nhìn bóng mình trong cửa sổ của một tòa nhà. Cha bước cứ gù gù cứ như một ông già vậy. Cha phải vất đôi giày đi.

Mãi cho đến khi đọc cuốn nhật ký, mẹ đã không biết rằng cha con hát trong dàn đồng ca tại nhà thờ Hội Giám lý đa sắc tộc, là fan hâm mộ cả đời của Cleveland Browns, và có nụ hôn đầu vào năm lớp tám với một cô gái tên Denise.

Cha đưa cô ấy về nhà sau khi tan trường và cô ấy hôn cảm ơn cha. Cha như mất hồn vì nụ hôn đó. Với học sinh lớp tám thì đó là một bước rất lớn đối với cha. Lúc đó những cô gái khác chỉ mỉm cười và chọc ghẹo cha.

Cha nhớ là đã mua một áo jacket bóng chày mới toanh. Cha mang đến trường và để tất cả các cô gái kí tên và viết số điện thoại lên đó. Cha để chiếc áo trong phòng và bà ngoại King nghĩ nó dơ, vơ lấy và giặt nó. Cha chạy như bay về nhà, hồi hộp mong đợi đọc chiếc áo, rồi cha thấy bà nội King treo chiếc áo sạch sẽ lên. Bà nội cười trong khi cha gục khóc.

Cha của con là một người đàn ông kỷ luật thép. Cha tin rằng chạy 5 dặm cho đổ mồ hôi là cách tốt nhất để khỏi cảm lạnh. Cha không ăn da gà, không uống hơn một hai cốc beer trong một đêm, không cho phép bản thân ăn no nê món pasta cha thích vì cha có chế độ ăn uống cẩn thận.

Mặc dù khuôn phép quân ngũ như thế, nhưng còn nhiều nữa những chiều sâu trong tính cách của cha. Cha có đầu óc chiến lược quân sự nhưng lại cúi đầu nguyện cầu. Cha dành hàng giờ để luyện cho cơ thể rắn chắc, thậm chí bắt đầu một ngày ở Iraq vào lúc 5 giờ sáng ở phòng thể hình, nhưng cha lại yêu những đường cong phì nhiêu của mẹ, và cha có làn da mịn màng nhất mà mẹ từng chạm đến. Cha tặng những tác phẩm nghệ thuật của mình cho những người lính mà ông tôn trọng nhưng sẽ quát to khi họ phạm lỗi trong lúc luyện tập, điều mà có thể khiến họ phải trả giá bằng cả sinh mạng trên chiến trường. “Khi ông ấy quát, bạn phải kích động,” một trong những sĩ quan cùng với cha đã nói trong bài điếu văn tại lễ tang. “Vì luôn có một lí do đúng đắn để ông phải quát như thế.”

Người đàn ông thô tháp này lại cũng là người thích mang champagn, bắp rang và chocolate đến giường cho mẹ. Người đàn ông yêu con nhiều đến nỗi trong suốt hai tuần cha ở với con lúc tháng Tám – chỉ có hai tuần thôi đấy – cha gần như không ngủ. Cha muốn dành khoảng thời gian quá đỗi ngắn ngủi đó để nhảy nhót khắp nơi với con trong đôi tay, dẫn con đến tiệm sách, và đơn giản là để ngắm con say giấc. Cha hiếm khi nói về cuộc sống cá nhân của mình nơi chiến trường, nhưng sau khi cha mất, những người lính của cha nói rằng họ biết khi cha “làm việc” trong văn phòng, cha luôn nhìn vào bức ảnh của hai mẹ con mình.

Vóc dáng phương phi của cha thực ra là lớp mặt nạ che giấu sự ngượng ngùng. Những điều đơn giản cũng khiến ông hân hoan: vẽ tranh cho mẹ, bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện, những cơn mưa dông mùa hè.

Đôi khi con gặp may mắn và thấy được cầu vồng.

Mẹ chưa bao giờ biết người chiến binh can trường chỉ huy quân đội, và mẹ đôi khi cũng là một bí ẩn đối với cha. Cha nghĩ mẹ nói nhiều liên tu bất tật. Cha đọc báo của mẹ nếu mẹ yêu cầu, nhưng cha không hề có ý niệm làm thế nào mẹ có thể báo cáo và viết về thứ gì đó nghiêm trọng, một vụ giết người hay phóng tàu con thoi, chỉ trong một buổi chiều. Cha cũng không bao giờ hiểu làm thế nào mẹ phô phang một chiếc vòng kim cương nhưng lặn lội đến ba cửa hiệu để tìm hũ mù tạt giá rẻ nhất. Cha nghĩ mẹ mong đợi quá nhiều ở cha, mà có lẽ đúng thế thật.

Thế nhưng chúng ta vẫn yêu nhau. Vào thời gian cha nhận mệnh lệnh đến Iraq năm 2004, chúng ta cuối cùng cũng sẵn sàng để là một gia đình. Chúng ta quyết định có con. Tuổi bốn mươi, mẹ có thai sau một kỳ cuối tuần đầy đam mê khi cha con đang trong kỳ nghỉ.

Rồi sau đó trong bụi mờ của một ngày mùa xuân, gần 4 tháng sau khi cha con lên đường đi Iraq, mẹ nằm trên giường bệnh viện để sinh con, quằn quại bởi cơn đau dữ dội mà mẹ không nghĩ là cơ thể có chịu nổi. Mẹ không hề biết rằng chỉ sáu tháng sau đó, mẹ ngã quỵ trên sàn nhà, vật vã trong một cơn đau còn kinh khủng hơn, khi mẹ nghe tin cha con đã chết. Đêm đó mẹ nhận được cuốn nhật ký này, và mẹ đã đọc hàng trăm lần kể từ lúc đó. Mỗi lần đọc, mẹ lại nhìn thấy những điều thật mới.

Cha con đã đợi một thời gian thực dài cho đứa con trai của cha và muốn trở thành một người cha mà con có thể ngưỡng mộ. Cha đã cố gắng để làm một người cha tốt với Christina, con gái của cha từ cuộc hôn nhân trước, và điều đó luôn làm cha đau khổ bởi cha đã không dành nhiều thời gian cho cô bé hơn.

Để làm một người cha tốt, cha nghĩ con phải là người trụ cột trong gia đình. Không chỉ thế. Con nên là một người đối thoại tốt, người mở rộng tầm nhìn, chấp nhận sự thay đổi của thời gian. Có mặt trong những sự kiện đặc biệt. Ở đó để khuyến khích con bất kì lúc nào con nỗ lực. Một người cha tốt luôn có thời gian cho con của mình.

Bên cạnh việc giữ quyển nhật ký, Charles cũng viết hơn một tá thư tình cho mẹ khi cha ở chiến trường, và mẹ muốn chia sẻ một vài trong số đó với con. Cha viết về những nguy hiểm cha phải đối mặt và những điều cha bỏ lỡ: thời gian để vẽ, những bữa ăn gia đình, cảm giác chạm vào làn da của mẹ. Và cha viết về con thiết tha vô cùng:

Anh mong được thấy em và Jordan biết bao. Anh nhớ lần về thăm nhà mà em đang mong thằng bé ra đời. Giấc mơ đã thành sự thật. Yêu em, Charles.

Mẹ nhận ra chính mình vẫn nói về cha con trong thì hiện tại; tinh thần của mẹ vẫn chưa quen với sự đổi thay này. Mẹ thấy an ủi khi biết rằng những lời không nói đều đã được nói ra và những kỷ vật đều được trân quý, chẳng hạn như bộ sưu tập những nhãn tên cho cún mà cha để lại trên chiếc bàn nhỏ đầu giường khi cha lên đường đến Iraq lần thứ nhất. Miếng nhôm lạnh trên ngực mẹ và tiếng leng keng của những chiếc nhãn khiến mẹ cảm giác như thể sự hiện diện của cha vẫn còn nơi này.

Mẹ nhớ tất cả những gì thuộc về cha và mẹ cũng sợ rằng ngày nào đó những chi tiết trong tâm trí mẹ sẽ phai mờ, những chi tiết mà chỉ mình mẹ chú ý: cách mà đôi tai cha con ửng đỏ khi mẹ hôn, cách cha ngửa đầu về phía sau cười sảng khoáng, vết sẹo trên đầu gối phải của cha, thứ mà mẹ vẫn nhớ như in.

Mẹ nhớ cách cha bế con.

Mẹ nguyện cầu đến khi con đọc cuốn sách này, vết sẹo trong tim mẹ đã lành. Nhưng cha con chỉ mới rời xa bốn tháng và mẹ vẫn đau lắm và thậm chí tức giận vì sao cha lại chết. Trên tất cả, mẹ ơn trời rằng con còn quá nhỏ để cảm thấy nỗi đau này, nỗi đau đến xé lòng.

Nếu mẹ tìm thấy sức mạnh để trở thành người mẹ mà mẹ mong muốn trở thành trong những năm trước mắt, con sẽ tận hưởng cuộc sống này chứ không chỉ là tồn tại. Con sẽ cười thật lớn và thật nhiều. Con sẽ nhìn thấy thế giới và cống hiến cho nó. Nếu như thế, người đàn ông trẻ thật tốt đó không chỉ là từ mẹ mà nên. Cha của con, dẫu cha đã rời xa chúng ta trước khi con ý thức được, có một phần trong đó.

Giờ đây quyển nhật ký đã hoàn thành, và mẹ không biết trả lời khi người ta hỏi mẹ lúc nào mẹ sẽ cho con xem nó.

Có những đêm mẹ đứng bên nôi lặng nhìn con ngủ say. Mẹ đang trải qua nỗi đau mất đi cha con. Nhưng không chỉ thế, mẹ biết rằng cuộc chiến không cướp mất cha hoàn toàn. Nó không thể cướp mất cuốn nhật ký quý giá đó, được viết bởi tràn đầy tình yêu, viết bởi một người lính dành riêng cho con trai của mẹ.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Translations

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: