Skip to content →

Một chuyện thật hơn cả thật

(Photo: Zi Nguyen)

Trong bộ nhớ của tôi không còn lưu trữ những hình ảnh rõ nét về việc tôi đã gặp cô ta như thế nào. Mỗi lần tôi cố gắng gợi lại một chút gì đó, mọi thứ hiện ra nhòe nhoẹt và đầy hột như một màn hình tivi cũ của những năm 80 để lại. Một chút gì đó của thư viện trường tôi, trong lúc tôi đang cuộn người trên ghế nệm cạnh cửa sổ to. Ánh nắng tràn vào nhập nhoạng trên trang sách tôi đang đọc, “Bay qua tổ chim cúc cu” của Ken Kesey. Cô ta đến sát gần tôi, cúi xuống, và hỏi, “Em là Hạ phải không?” ngay lúc tôi đang gắng hình dung McMurphy tóc đỏ trông ra sao.

Nhưng nó không đúng, không rõ nét chút nào. Có những lúc lại là hình ảnh lối đi lát gạch cũ vào căn hộ tôi đang ở với mấy đứa bạn. Tôi trở về sau một ngày làm việc 12 tiếng, người mệt bã ra như miếng trầu giập, lách cách mở cửa và thấy bạn cùng nhà đón tôi.

“Có người đang đợi em kìa. Hình như người nhà.”

Giọng chị ấy nghe mơ màng kiểu phê thuốc. Tôi hơi chững người lại. Người nhà có ai biết chính xác địa chỉ tôi ở đâu. “Hình như”, sao cô ấy lại để người lạ vào nhà chứ; thường chúng tôi không bất cẩn như thế. Ở cái xứ này đâu có thiếu những chuyện hiếp dâm cướp giết, nhất là mấy người Mễ nhập cư bất hợp pháp và tụi du học sinh; vốn chẳng được ai bảo vệ quyền lợi gì.

Và đợi tôi trong nhà dĩ nhiên là cô ta.

Lần thứ ba cố gắng nhớ lại, tôi nhìn thấy một tiệm Starbucks vào buổi chiều trời nắng trong. Tôi đang trả tiền cho ly Frappuccino Caramel, và nghe một giọng nữ khàn nói tiếng Việt loáng thoáng bên tai

“Ừ, lúc này tụi mình vẫn thích Frappuccino Caramel.”

Tôi quay sang nhìn. Người vừa nói câu kì quặc đó là một phụ nữ tầm 30 tuổi, cao ngang tôi, đậm người. Cô ta mỉm cười với tôi, nụ cười trông rất quen. Như thể tôi đã thấy nụ cười này trước đây rồi.

Nhưng tôi không chắc chắn là phương án nào đúng cho câu hỏi tôi đã gặp cô ta như thế nào. Trí nhớ của tôi về chuyện đó giống như đã bị chùi sạch sẽ. Thậm chí nếu không có một dòng facebook status check-in tôi với cô ta; tôi hẳn đã nghĩ mọi chuyện là một giấc mơ hoang đường trong những ngày thần kinh tôi không được vững cho lắm.

Tôi thực sự đã gặp cô ta, và mọi chuyện sau đó, dù mơ hồ thế nào, cũng là có thật. Người phụ nữ tóc dài uốn xoăn màu nâu đỏ, đậm người, mặc một chiếc blazer đỏ burgundy không ăn nhập gì với áo tube họa tiết floral ở trong và váy jupe màu đen. Cô ta đến đây vì một nguyên nhân nào đó, và gặp tôi cũng vì một điều gì đó; nhưng tôi chẳng bao giờ biết được. Tôi đã cố gắng tìm hiểu, phân tích, chẻ tư chẻ năm để tìm động cơ thật sự trong những mớ rối rắm bỗng dưng giăng ra giữa những lời cô ta nói.

Chẳng hạn như chuyện cô ta chính là tôi của năm 33 tuổi, 11 năm sau.

Thoạt tiên tôi nghĩ đây hẳn là hình thức tiếp thj mới của mấy người suốt ngày đi quyến dụ người ta gia nhập dòng Nhân chứng Jehovah. “Mấy người đi xa hơi quá rồi đó. Cái này là ngu ngốc hẳn rồi. Kể ra thì cũng kịch tính và giật gân, nhưng mà tiếp thị face-to-face như vậy ít hiệu quả mà tốn kém lắm.” – tôi nhướng mắt lên đáp trả cô ta, sẵn sàng luận điểm công kích cho những câu dụ dỗ tiếp theo.

“Em sinh ngày 5 tháng 12, năm 1991.”

“Chị bớt giỡn đi chị. Chuyên đó ai cũng biết mà.”

“Cô bạn thân cấp I của tụi mình tên Ngọc.” – cô ta vẫn nhẫn nha nói, ngón tay quấn quanh mấy lọn tóc nâu đỏ. Tôi thật sự ngứa mắt với kiểu chuyện-gì-cũng-biết của cô ta; đã nhuộm tóc rồi mà còn dám bảo là tôi của 11 năm nữa.

“Bạn thân của em. Ok. Rồi sao nữa chị? Bây giờ tụi chị theo dõi cả du học sinh nữa à?”

“Sinh nhật của ba tụi mình là 4 tháng 8. Sinh nhật của mẹ là 1 tháng 11, còn của em…”

“Thôi được rồi”, tôi quát to, người run lên. Khách trong tiệm Starbucks liếc xéo nhìn, không ngửi tôi cũng biết họ đang nghĩ gì, “Well, those Asians…” Tôi đành hạ giọng mình xuống và gằn từng chữ:

“Chị à, tiền café em trả. Chị biến ngay đi.”

Đôi mắt to của cô ta nhìn thẳng vào tôi, nhả ra một thứ ánh sáng mềm dịu, ngón tay xương gầy vẫn không ngừng đùa giỡn với mấy lọn tóc.

“Vết sẹo trên tay em là do bị ngã xuống sàn xi măng trong lúc đánh nhau năm lớp 5.”

Tôi chưa kip mở miệng ra nói, “Thì sao?”, cô ta đã vén tay ống tay áo blazer của mình lên. Trên cổ tay phải cô ta, tại đúng vị trí mà tôi có vết sẹo, là một dấu tương tự.

***

Cô ta không nói cho tôi, nếu cô ta đúng là đến từ tương lai năm tôi 33 tuổi, lí do của chuyến viếng thăm thời gian này. À không, cô ta có nói chứ, “Cho vui thôi em” bằng một giọng hờ hững bông lơn, trong lúc thích thú ngắm nhìn mấy món đồ khô trong chợ châu Á. Tôi thật lòng không nghĩ cô ta chính là tôi; bởi lẽ tôi sẽ không đánh giá mình ngu ngốc đến mức tin được câu trả lời vớ vẩn ấy. Nếu cô ta nói thật, hẳn cô ta phải biết năm 22 tuổi tôi như thế nào chứ.

“Em chở chị đi quanh quanh chỗ này nhé. Chị muốn xem lại những chỗ ngày xưa.”

“Ngày xưa cái đầu chị í.”, tôi thầm nghĩ trong đầu, giữ khuôn mặt lạnh lùng cáu kỉnh mở cửa xe. Tiếng Adam Levine léo nhéo “One More Night” từ đài KISS 106.1 dội lên ầm ầm, tôi vẫn quen mở nhạc to những lúc lái xe một mình. Cô ta chui vào ngồi gọn bên ghế khách, đưa mắt nhìn khắp trong xe.

“Lúc này tụi mình vẫn còn nghe radio nhỉ.” – cô ta nói trong lúc mở ngăn để cốc ra và lục lọi tìm một sợi dây buộc tóc. Sao cô ta biết là tôi hay để buộc tóc trong ấy?

Tôi nhấn nhẹ bàn đạp gas, tự ngăn mình tuột ra câu hỏi, “Thế năm 33 tuổi tôi nghe cái gì lúc lái xe?” Không, tôi không thể tin những điều vớ vẩn ấy. Một con muỗi cũng thấy nó vô lý như thế nào. 11 năm nữa, khoa học không thể phát triển đến mức phát minh ra được cỗ máy thời gian, và cũng không ngu đến mức sản xuất đại trà cho một đứa-như-tôi sử dụng, chạy tới chạy lui và làm loạn lịch sử lên như thế. Cô ta chỉ là một con điên, một thứ quái gở nào đấy mà thôi. Có thể cô ta là một tên sát nhân hàng loạt bệnh hoạn có thú vui sưu tập những du học sinh châu Á da ngăm và mắt to, tên bắt đầu bằng chữ H, sống ở nhà trọ, lái xe hơi màu đen. Chuyện gì nghe cũng hợp lý hơn chuyện cô ta là tôi, trở về từ tương lai năm 33 tuổi.

***

Hãy dành một vài phút để nói về mọi thứ trong vũ trụ này

Câu trả lời tối thượng cho Cuộc sống, Vũ Trụ và Tất Tần Tật là gì?

42.

Siêu máy tính Deep Thought, trong 7 tỉ 500 triệu năm, đã tính toán và kiểm tra và đưa ra đáp án như thế. Là con số 42. Đừng hỏi tại sao. Chẳng ai biết đâu.

Nói gọn lại, mỗi khi gặp vấn đề gì đó hay một chuyện khó nhằn, bạn cảm thấy trái tim nổ tung và não xoay vòng vèo, hãy nhớ rằng câu trả lời cho Cuộc sống, Vũ trụ và Tất Tần Tật là 42, là con số 42. Vì sao Trái đất nóng lên? 42. Con cua màu gì? 42. Bạn gái bạn có đúng là đang có tháng? 42. 42. 42. 42.

Bạn thấy chưa, thật ra cuộc sống và cả cái vũ trụ xoay vòng này đều vô cùng đơn giản. 42. Chúng ta cần những câu trả lời. 42. Tại sao chiến tranh ở Syria? Tại sao con điên ấy mặc cái áo giống tôi? Tại sao lương tháng này không tăng? Tại sao sushi có mùi tanh tanh? 42. 42. 42. Nếu chúng ta cứ mải miết đi tìm những câu trả lời, tìm ra câu này lại chuyển sang câu khác; thì mọi chuyện khá đơn giản. Chúng ta đang chạy thuận chiều.

Nhưng, rắc rối bỗng nhân đôi, khi ta bắt đầu đi tìm câu hỏi.

Khi được lệnh yêu cầu tìm Câu hỏi tối thượng cho Cuộc sống, Vũ Trụ và Tất Tần Tật, nghĩa là tìm bài toán âm cho đáp số dương 42, tìm người con gái Eva đã tạo ra Adam trong một buổi tối thảnh thơi không có chuyện gì làm ngoài chuyện tạo ra thế giới nhị nguyên, siêu máy tính Deep Thought đã bất lực. Nhưng nó nói với loài người rằng, nó có thể tạo ra một máy tính khác, mạnh hơn, để đi tìm câu hỏi tối thượng đó. Đi tìm nàng Eva đã tự tay gieo hạt Trái cấm xuống phía Đông vườn Địa đàng và nhẫn nha đợi ngày hái quả.

Vậy là ta tạm hiểu, để tìm ra câu hỏi đòi hỏi nhiều chuyện hơn để tìm ra câu trả lời.

***

Cũng giống như lúc này, tôi ngồi đối diện người phụ nữ tóc màu nâu đỏ trong một tiệm buffet, cô ta đang thơ thới nhìn xung quanh bằng đôi mắt to nhả ánh sáng mềm lả, trong khi tôi chỉ muốn chọc hai cái nĩa trên bàn vào cặp tròng mắt ấy. Tôi có cảm giác mình bị ăn cắp. Đôi mắt. Và cái miệng. Bất chấp bao nhiêu lý lẽ thuyết phục rằng cô ta chỉ là một kẻ lừa đảo chứ chẳng phải tôi từ tương lai; rốt cuộc tôi vẫn cảm thấy tin điều cô ta nói. Cảm-thấy tin, không phải tin. Có những thứ vượt qua những lâp luận thông thường, bao gồm cả trực cảm và ảo tưởng. Tôi không biết lá thăm mình rút là cái nào.

Tôi đi quanh quẩn khắp tiệm buffet, trong người dấy lên cảm giác mơ huyền. Tôi lục tìm những câu hỏi trong khi chúng cứ vụn vỡ như bánh quy hoặc bốc hơi và tụ lại và bốc hơi không ngừng thành những đám mây mù mịt luẩn quẩn. Bạn sẽ hỏi bạn của tương lai câu gì trong lúc cô ta hoặc anh ta và bạn đi vòng vòng qua những bàn đựng khay đồ ăn bằng nhôm thiếc trong nhà hàng buffet Tàu? Thậm chí bạn còn không biết đó có phải sự thật hay không.

Chẳng hạn như lúc tôi đang xúc một vá đầy mì xào.

“Tại sao chị về đây?”

“Cho vui thôi em.”

Sau đó cô ta chọn nấm xào ớt jalapeno.

“Chúng ta sẽ hạnh phúc chứ?”

“Em nhìn chị xem.”

Chúng tôi cùng dừng lại ở nồi súp bắp cua.

“Có vẻ như gu thẩm mỹ ăn mặc của chúng ta ngày càng tệ đi.”

“Không, thời đại của chị nó thế.”

Rồi cô ta chọn một lát cá ngừ hấp bơ trong khi tôi gắp hai đùi gà nướng.

“Anh ấy có quay lại không?”

“Anh nào?”

Tôi nhìn cô ta, trên môi lướt qua một nụ cười. Cuối cùng cũng có một câu trả lời khả dĩ nắm bắt được.

Chúng tôi quay trở về bàn ăn. Người bồi bàn đã mang nước đến từ lúc nào, cốc sứ trà xanh bốc khói cho tôi và một ly Coke size lớn. Tôi cúi xuống thổi một thìa súp, và không còn nghĩ ra điều gì để hỏi. Tôi sợ những gì mình có thể biết được, rằng tôi sẽ làm việc ở đâu, em trai tôi lớn lên như thế nào, ba mẹ, bạn bè… Tương lai – đến khi tôi thực sự có khả năng mua tấm vé để xem sneak show của nó – tôi mới nhận ra nó nặng hơn mình tưởng tượng, nặng đến mức không thể cầm trên đôi tay trần. Người phụ nữ ngồi đối diện tôi là câu trả lời, và trong tôi là những câu hỏi không đủ sức thành hình.

“Chị này,” – tôi nói sau khi húp soạt thìa súp, nóng bỏng mồm miệng, suy tính tới lui cẩn thận – “sau này em có hối hận vì đã hỏi hoặc không hỏi chị một điều gì đó trong hôm nay không?”

Cô ta ngước lên nhìn tôi, rồi mỉm cười, đặt thìa và nĩa xuống, ngay ngắn.

“Chị không biết.”

“Chị không biết?”

“Năm chị 22 tuổi, người ngồi đối diện chị trong hôm nay đã không nói cho chị bất kỳ điều gì khác về tương lai. À không, cô ta đã nói chính xác câu chị vừa nói. Cô ta không muốn chị phải hối hận, không phải về những chuyện chị sẽ làm, mà về những giả thiết có thể đã xảy ra nếu chị hỏi hoặc không hỏi. À, cô ta cũng nói chính xác câu chị vừa nói. Chèn ơi, chị không bao giờ quên được ngày hôm đó… và,” – cô ta ngừng một lúc – “Em cũng sẽ không quên ngày hôm nay đâu, cô bé à.”

“Chị nói về người đó như thể cô ta không phải là chị.”

“Và em cũng đang nhìn chị như thể chị không phải là em. Chúng ta không bao giờ là một.”

Có thể cô ta đúng, tôi không thể cảm thấy cô ta là chính tôi. Tôi và cô ta là hai thực thể hoàn toàn độc lập, nếu có một liên hệ khả dĩ thì cũng chỉ như chị em họ hàng; kể cả khi tôi mang quá khứ của cô ta và cô ta là tổng hợp tương lai của tôi. Nhưng như vậy có mắc cười không, khi bạn đứng trước bạn-của-một-thời-điểm-khác; và cảm thấy chẳng có chút liên hệ định mệnh nào? Tôi không thấy có gì mắc cười cả. Cảm giác giống đi lạc hơn.

Chúng tôi lại ăn, và tôi cố gắng chuyển chủ đề sang những thứ dễ chịu hơn; nhưng thật khó khi người đối diện biết tất cả về bạn; trong khi bạn không được chạm đến 10 năm gần nhất trong cuộc đời cô ta. Tôi cố gắng đoán. Tay không đeo nhẫn; nhưng tôi cũng không phải kiểu sẽ đeo nhẫn sau khi kết hôn. Cô ta có con chưa nhỉ? Mấy đứa? Cô ta làm nghề gì? Hẳn phải giàu lắm mới quay về quá khứ được? Nhưng tôi không có vẻ gì sẽ giàu… Cô ta (hoặc tôi) sẽ cưới đại gia chăng? Nhưng chân tôi đâu có dài. Hay làm nghề nào khá lắm? Trở thành nhà văn best-seller chăng? Có nổi tiếng không?

“Lúc chị bằng tuổi em, chị cũng chỉ nghĩ đến những điều như thế.” – bất chợt cô ta cất giọng, nghe vui vẻ hết sức, kiểu đùa bỡn một đứa trẻ con.

“Điều gì cơ?” – tôi ngơ ngác.

“Điều em đang nghĩ trong đầu.”

“Rồi sau đó?”

“Sau đó mọi thứ khác đi.”

“What the fuck are you talking about?” tôi lầm bầm chửi trong miệng. Dĩ nhiên là mọi thứ sẽ khác đi. Mọi thứ có bao giờ giữ nguyên?! Nhưng cô ta nghĩ về thứ gì nhỉ?

“Chị nghĩ về những thứ gì? Em nghĩ phụ nữ là phụ nữ. Mà, chị biết đó, tụi mình đâu phải thể loại đi cứu thế giới hay chống lại tham nhũng đâu. Em cũng không nghĩ tụi mình có thể đi tu. Ngoài hai chuyện cứu thế giới và đi tu ra thì còn mỗi chuyện cưới chồng đẻ con thôi mà, đúng không?”

“Em chả biết gì cả, haha.” – cô ta nói, ngón tay di chuyển vẽ những đường vô hình lên mặt bàn gỗ nâu bóng. Dĩ nhiên là tôi không biết, điên. Rồi giọng cô ta trở nên bình tĩnh, thậm chí mất hẳn âm sắc – “Đúng, chị không nghĩ đến chuyện cứu thế giới, chị cũng không tu tập gì. Chị đã làm được điều mà chị nói cách đây 11 năm, a ha, là em nói chứ nhỉ; đó là tận hưởng cuộc sống này như một chuyến đi chơi vui vẻ. Cũng có viết lách chút ít.”

“Cái gì?” – tôi trợn tròn mắt nhìn cô ta – “Chị đừng nói là chị biến em thành mấy bạn xách ba lo đi vài vòng quanh thế giới, viết sách rồi xuất bản nhé?”

“Em này, đừng kỳ thị vậy chứ!” – cô ta cười ra vẻ rất sảng khoái – “Không, em không trở nên như thế, chị đảm bảo. Thế giới sẽ thay đổi. Và định nghĩa của em về chuyện cuộc sống như một chuyến đi chơi cũng sẽ thay đổi.”

“Thế giới thay đổi?”

“Hãy nghĩ lại năm 2002, lúc đó em như thế nào?”

2002, lúc đó tôi 11 tuổi, gần xong lớp 5, ở nhà hình như vẫn xài mạng Internet dial-up, và ra tiêm Internet là một điều tồi tệ không thua gì hút thuốc hay uống rượu. 11 năm sau, dĩ nhiên tôi đã làm đủ cả 3 chuyện đó và thêm vài chuyện khác. 11 năm trước, laptop và điện thoại di động là hai thứ tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ có trước khi đi làm. Thật ra, lúc đó tôi còn không nghĩ đến chúng. Và lái xe hơi là một điều xa xỉ, lái xe hơi đi làm 12 tiếng mỗi ngày lại là một điều xa xỉ phi lý, và xếp hàng trên kệ, bỏ thùng trong nhà kho, tẩy hạn sử dụng trên bao bì đồ khô, chửi nhau với mấy bà Mỹ đen là chuyện của người khác.

“Em có nói cho em của năm 11 tuổi, rằng sẽ có ngày em phải đi làm 12 tiếng không?”

“Có… ơ… không.” – tôi chùng giọng xuống. Mái tóc ngắn xù to hiện lên trong đầu tôi, hình ảnh cô bé nhảy hai bậc cầu thang một lúc, cầm vòi hoa sen hát to trong nhà tắm những bài hát nghe được ở quán cafe ngay bên cạnh nhà, đôi mắt to tròn chưa phải đeo kính, chuyện cân nặng là chuyện của người khác, Việt Nam có hình chữ S, quốc kỳ có hai màu đỏ vàng, và trắng đen lẫn lộn là hình bát quái âm dương hay treo trước mấy cửa nhà buôn bán để trừ tà ma quỷ quái. – “Không, chắc em không nói đâu. Đi làm 12 tiếng một ngày cũng không tệ, được gặp người ta, có kinh nghiệm, có chuyện để chứng tỏ là mình khổ, có tiền. Nhưng… con bé đó… nó không hiểu được đâu. Nó sẽ nghĩ chuyện đó thật kinh khủng, và nó sẽ làm những điều ngu ngốc để tránh. Em biết nó mà. Em không muốn nó biết xong rồi đảo lộn những điều em đang có đâu.”

“Chị cũng biết em mà. Và chị cũng không muốn em đảo lộn những điều chị đang có.”

Tôi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt bầu bĩnh của cô ta. Rốt cuộc tôi sẽ trở thành người như thế nào? Tôi không biết, nhưng trước mặt tôi là một người có vẻ không tệ lắm. Mẹ tôi chẳng phải đã nói rồi đó sao, “Miễn đủ là được.” Cô ta tròn trịa thế này, chắc còn hơn cả mức đủ.

Tôi cười.

Cô ta nhún vai, cười lại với tôi, tay dùng đũa gỡ miếng cá trên cuộn sushi ra. Có những thứ rõ ràng là không thay đổi, chẳng hạn như thói quen vào nhà hàng buffet rẻ tiền thì chỉ chăm chăm gỡ cá trên sushi để ăn, thay vì ăn cả cuộn.

Tối hôm đó, tôi chở cô ta về khách sạn. Hilton ở gần I30. Cô ta nhất quyết không ngủ ở căn hộ của tôi. Tôi cũng không có ý định nhìn qua xem thử phòng hạng nhất ở Hilton trông ra sao.

“Em biết mà, lạm phát giữ lắm. Xách vài đồng của thời chị sống là đủ bao cái phòng này mấy tuần rồi.” – cô ta nói trong lúc tạm biệt tôi để vào khách sạn.

Tôi nhìn theo cho đến khi không còn gì để nhìn. Dựa hẳn ra ghế, tôi ngước mắt lên bầu trời bên ngoài rộng và tối, lọc qua kiếng chắn gió. Vài ngôi sao nhấp nháy yếu ớt, nhưng vẫn có hàng tỉ tỉ ngôi sao ngoài kia. Chúng ta không hề nhìn thấy chúng. Những ông già lý tưởng vẫn miệt mài dạy đời rằng: không thấy không có nghĩa là không tồn tại. Nhưng, sự thật là chúng ta có thể nghi ngờ. Nếu ta không thấy, ta có thể nghi ngờ: liệu có thực chúng tồn tại?

Tôi nhớ đến Wakefield của Nathaniel Hawthorne, gã đàn ông đã biến mất khỏi nhà, bỏ rơi bà vợ, cắt đứt liên lạc với những người quen, chỉ để thuê một căn hộ ở con đường gần đó. Mỗi ngày trong 20 năm, gã lặng lẽ theo dõi nhà mình, vợ mình. Gã thấy họ trong khi không có ai thấy gã. Rồi chẳng còn ai nhớ đến Wakefield, mà bạn biết đó, “nhớ” là một hình thức sâu xa hơn của việc “nhìn thấy.” Thế là gã bị xóa tên khỏi “hệ thống” – dùng theo chữ của Hawthorne.

“Giữa những mối mơ hồ bề mặt trong thế giới bí ẩn của chúng ta, những cá nhân đã gắn kết với một hệ thống, và những hệ thống gắn kết với nhau, và với tổng thể. Thế là, chỉ cần bước ra khỏi đó một lúc, một người sẽ đẩy chính mình đối diện với nguy cơ đáng sợ của việc đánh mất nơi chốn của mình mãi mãi. Giống như Wakefield, gã có thể trở thành, à không, gã thực sự đã là một Kẻ Ngoài lề Vũ trụ.”

Không được thấy, đồng nghĩa với không tồn tại.

Tại sao tôi lại nhớ đến Wakefield? Tôi không biết. Có thể nó đến từ những nỗi mơ hồ khi nhìn thấy mình trong tương lai, nhưng không cảm thấy chút liên hệ nào. Tôi không giống Wakefield, nhưng rõ ràng là tôi đứng ngoài vũ trụ của cô ta. Thế giới sẽ thay đổi, tôi sẽ thay đổi, và con bé 22 tuổi đang ngồi trong xe hơi một mình hôm nay sẽ không bao giờ tồn tại nữa.

Suy nghĩ đó làm tôi khó thở. Tôi mở ngăn kéo trong xe, lục tìm gói Marlboro đỏ. Quyển sách “Bay qua tổ chim cúc cu” rơi ra giữa một mớ hỗn độn dây cáp và giấy tờ xe, cùng với một chiếc markbook có in câu hỏi của Tù trưởng Bromden, “Nếu chúng không tồn tại, làm sao ta nhìn thấy chúng?”

Cùng một lúc hai ông nhà văn lơn lớn tát vào mặt tôi. Vì không ai nhìn thấy tôi 22 tuổi nữa, tôi 22 tuổi sẽ không còn tồn tại. Vì tôi 22 tuổi không tồn tại, nên sẽ không ai nhìn thấy tôi 22 tuổi nữa. Cứ thế, cứ thế. Tôi nhìn thấy họ ở hai đầu của một vòng giấy một mặt Mobius, trong khi tôi chạy vòng vòng như một con kiến nhỏ xíu giữa vũ trụ vặn xoáy quá lớn.

Thôi đủ rồi.

***

Sáng hôm sau, tôi đến chở cô ta ra sân bay. Chuyến bay 11 giờ sáng về Việt Nam.

“Chết tiệt!” – tôi làu bàu rủa trong khi văn nhỏ radio lại. Tối qua hình như tôi đã bật loa to ngang ngửa mức tụi Mỹ đen hay bật – “Mắc gì một bà cô 33 tuổi dư giả lại được về Việt Nam lúc-này trong khi tôi thì mục mặt ra nhớ nhà vậy hả? Sao chị không về Việt Nam lúc của chị đi?!”

Cô ta rúc rích cười.

“Chị thích thế.”

Cô ta chỉ kéo một vali loại nhỏ, không cần ký gởi. Chúng tôi ôm nhau trước cổng security, và cô ta hứa sẽ không đến nhà mà dọa ba mẹ tôi sợ phát khiếp. Có thể ba mẹ sẽ không tin, và sẽ phát khiếp vì có một ả điên khùng nói nhảm nhí xuất hiện trong nhà. Hoặc ba mẹ tôi tin, và phát khiếp vì sự thật năm 33 tuổi tay tôi không đeo nhẫn đính hôn. Chuyện nào cũng tệ như nhau.

“Em hỏi chị câu này được không?” – tôi e dè hỏi trước khi cô ta vào đứng xếp hàng trong dòng người đang rồng rắn đợi kiểm tra an ninh, không dám nhìn thẳng vào mắt người đang đối diện tôi – “Việt Nam, khi nhắc đến Việt Nam, chị nghĩ đến Việt Nam của thời tụi mình cấp III, của em hiện tại, hay của chị?”

Tôi nhớ đến những người thân bên này của tôi; những người đã xa Việt Nam khá lâu và thiết lập những mối liên hệ bền vững với nước Mỹ: việc làm, nhà cửa, con cái, tương lai, tuổi già. Tôi luôn thắc mắc mình sẽ ra sao.

“Chị nghĩ đến Việt Nam.”

Cô ta trả lời gọn tưng như vậy, rồi xoa đầu tôi. Có vậy thôi, rồi cô ta quay lưng đi. Tôi đứng đó một lúc, im lặng nhìn tương lai của mình biến mất sau cổng quét kim loại tối tân nhất của sân bay nước Mỹ.

***

Đại khái mọi chuyện là thế. Và khi bánh xe của tôi bắt đầu lăn ra khỏi sân bay, ký ức của tôi cũng mờ dần. Quá nhanh để có thể chấp nhận được. Tôi cá là cô ta đã dùng thứ gì đó ảnh hưởng lên ký ức của tôi, có thể cô ta cũng đã dùng với chị bé ở cùng nhà; nếu như giả thuyết tôi gặp cô ta ở nhà là đúng. Rốt cuộc tôi vẫn không biết cô ta quay về để làm gì. Đôi lúc tôi cũng không tin nữa, và tự đặt giả thiết hẳn cô ta là một ả dư tiền nào đó muốn vui vẻ tí chút, nên đặt ra chuyện này và tìm con bé giống mình nhất để xoay nó vòng vòng.

Có những hôm trời nắng đẹp vui vẻ, tôi lại cảm thấy mình tin vào câu chuyện đó. Chẳng hạn như hôm nay, tôi vào thư viện đọc sách. Nằm cuộn trên ghế nệm và để cho nắng phủ lên người, tôi lần tìm trang sách đã được đánh dấu bằng bookmark. Bỗng nhiên tôi cảm thấy cô ta thật, rất thật, thật như cảm giác trên ngón tay tôi khi chạm vào những rìa giấy xơ mòn.

Kể cả khi mọi thứ chỉ xảy ra trong đầu mình, cũng không có nghĩa là nó không có thật. Và cũng không có nghĩa là nó có thật. Đó là những gì tôi biết về cuộc đời này khi tôi 22 tuổi. Khi đó, mắt tôi chạm vào chiếc bookmark kẹp sách mà tôi đã tự làm và tự viết vào câu nói của Tù trưởng Bromden.

“Đó là sự thật, kể cả khi nó đã không xảy ra.”

Thì tôi đành biết vậy chứ sao giờ.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Truyện Viet

Comments

  1. Chẳng hiểu sao em không like bằng wp của em được 🙁

    • á đc rồi :))
      Càng ngày Rio càng viết hay hơn, em thích lắm <3

  2. truyện này làm em liên tưởng đến looper ^_^

  3. Con người thì hay thay đổi, cái sự thay đổi nó diễn ra từ từ nên đôi lúc mình không nhận ra. Đôi khi mình nhìn lại hồi xưa thì dễ giật mình. Tương lai cũng vậy, thôi để cái sự thay đổi nó diễn ra từ từ, chứ đột ngột quá nhiều lúc làm mình phát hoảng

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: