I – “Có một Quốc ca chung mà tất cả mọi người có thể cùng hát, vậy là tụi mày hạnh phúc lắm đó.”
Hôm nay tôi đại diện Hội Sinh viên Quốc tế và trường TCC đến tham dự Lễ hội Á châu hằng năm của quận Tarrant. Lễ hội này được tổ chức ở nhà thờ giáo xứ Thánh Tử Đạo, một trong những nhà thờ Việt Nam khá lớn ở đây (mà nghe đồn lúc xây dựng, chi phí đều trả thẳng bằng tiền mặt chứ không cần nhờ vào credit). Chúng tôi có một cái bàn nhỏ để giới thiệu về club và trường, vậy nên tôi gọi cho Kym nhờ in một vài thứ để trang trí poster, trong đó có quốc kỳ của các nước khác nhau. Kym mang bản in đến, tôi lướt mắt qua nhìn, và cảm thấy hơi lạ:
– Eh Kym, sao không có cờ Việt Nam?
Nếu là ai khác, tôi có thể nghĩ là họ vô tình quên, nhưng Kym vốn là người cẩn thận và biết để ý, chủ tịch hội Sinh viên Quốc tế là một người Việt Nam, bạn cùng nhà của Kym đều là người Việt. Gần đây nhất chúng tôi còn thảo luận đàn ông Việt Nam thích lên giường với kiểu gái nào, nhân sự kiện đọc được bài viết về anh siêu mẫu Việt Nam đang cặp với một quý bà tỉ phú Việt kiều U50 hay 60 gì đó.
– À – Kym giải thích – Tao không biết in cái nào, cái màu đỏ có sao vàng hay cái có sọc.
-Ồ…
Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. “Ồ…”, và sau đó gật đầu, “Tao hiểu, tao hiểu.”
Chúng tôi đang sống trong một khu vực khá đông người Việt, hầu hết trong số họ không đi cùng một con đường dưới bóng lá cờ đỏ sao vàng. Việc dán lá cờ như vậy lên poster có thể mang lại cho chúng tôi nhiều cái nhìn không thiện cảm trong không khí lễ hội vốn đang rất vui.
Tôi không biết nói gì tiếp theo. Thậm chí bây giờ tôi cũng không biết viết gì thêm vào. Ai đó đang đọc có thể trách tôi hèn nhát, hoặc thiếu chính kiến, hoặc sính bên này bên kia. Tất cả mọi điều tôi nói rồi chỉ là sự ngụy biện.
Trong lúc ngồi hí húi trang trí poster, tôi nhận ra mình đang khẽ hát Quốc ca Việt Nam. Không có chủ ý gì ở đây cả, giai điệu lời lẽ tự động tuôn ra như vậy thôi, có lẽ là kết quả của 12 năm gân cổ mà hát mỗi đầu tuần. Hát nửa chừng thì tôi quay sang hỏi Kym:
-Hey, nếu mà mày hát Quốc ca Philippine ở đây á, mày có gặp rắc rối gì không?
-Không – Kym có vẻ ngạc nhiên – Tụi tao vẫn hát trong mấy dịp lễ hội mà.
-Ồ – lại “ồ” – vậy là tụi mày hạnh phúc lắm đó.
Tôi nói như vậy, và tôi tự hỏi vì sao chúng tôi không có điều hạnh phúc đó? Một lần nào đó trong đời, tôi có được chứng kiến cảnh tất cả người Việt, dù yêu nhau hay ghét nhau, cùng hát một bài ca biểu tượng, và cùng nghĩ về một điều thiêng liêng duy nhất: Việt Nam?
II – Những điệu nhảy, không phải múa.
Trong tiếng Anh chỉ có từ “dance”, vũ điệu, cho cả hai từ “múa” và “nhảy”. Tôi không có một quyển từ điển Việt-Việt ở đây để định nghĩa chính xác sự khác nhau của hai từ này, nhưng chỉ riêng về cảm nhận, đối với tôi, “nhảy” gắn với những động tác nhanh hơn, nẩy hơn, và có lẽ năng động hơn; trong khi “múa” gắn với sự mềm mại dịu dàng. Sau khi xem một điệu nhảy cổ truyền tưng bừng của Philippine, tôi ráng lục tìm trong vốn kiến thức hạn hẹp của mình xem Việt Nam, không kể những dân tộc thiểu số, có điệu nhảy truyền thống phổ biến nào không. Tìm mãi mà tôi vẫn không nhớ ra được, không cách gì nhớ ra được. Lẽ nào chúng ta ít những điều vui nhộn rộn rã đến thế sao? Tôi không nói đến những niềm vui khi hát quan họ, khi thả một câu hò, những niềm vui thanh tao nhỏ nhẹ. Tôi đang tìm cho mình một tiếng cười sảng khoái của việc giải phóng hình thể, của những thân hình lắc lư và những cú lắc hông, đánh người, vung tay, nẩy ngực.
Và có phải vì thế mà ngàn năm qua chúng ta buồn nhiều hơn vui, trầm ngâm suy nghĩ nhiều hơn điên cuồng nổi loạn?
Lúc đó, tôi quay sang nói với Kym:
– Tao thích mấy cái chuyện nhảy nhót rộn rã này quá à. Mày biết không? Những điệu múa ở Việt Nam hầu hết nhìn “formal.”
– À, tại vì hồi đó Tây Ban Nha không cho phép tụi tao “formal.”
Kym giải thích như thế. Philippine từng có một thời gian bị Tây Ban Nha đô hộ. Tôi không hiểu ý Kym lắm khi nó nói Tây Ban Nha không cho phép. Nhưng về cá nhân mình, tôi tin rằng tinh thần của một dân tộc nằm ở điệu nhảy. và khi ta xem một điệu nhảy nào đó, ta biết rằng linh hồn của dân tộc đó đang cất lên tiếng hát đã được chưng cất trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Việt Nam tôi hát gì, mà dịu dàng tha thiết, mà xinh đẹp nao lòng, mà buồn đến như vậy?
Sau đó thì các bạn Filipino bắt đầu nhảy sạp trên sân khấu (tương tự như điệu múa sạp của dân tộc Mường nước ta). Và tôi đã bò ra cười khi điệu nhạc bật lên không phải là một bài truyền thống nào, mà lại là Super Bass của Nicki Minaj. Phía trên sân khấu, những cô gái trẻ, những phụ nữ có tuổi, tưng bừng nhảy theo nhịp sạp truyền thống.
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=4JipHEz53sU]
Tôi chưa đi nhiều để biết nhiều; nhưng tôi có cảm giác người Filipino là một dân tộc vui vẻ. Họ có thể nghèo khổ, họ có thể cũng phải tha hương, nhưng họ có một bài Quốc ca chung, một lá quốc kỳ chung để hướng về; và hơn thế nữa, họ có những điệu nhảy rộn rã vui tươi. Với tôi, dân tộc nào có đủ những điều ấy là đủ vui rồi.
III – Bầu cử nước Mỹ (trong mắt một du học sinh không được quyền bầu cử):
Ngồi mãi thì có một cô Mỹ trắng tóc vàng đến trước mặt tôi và bắt đầu nói. Đại khái cô ấy ủng hộ Obama, đang ra sức thuyết phục chúng tôi bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Tôi ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng gật đầu, mắt mở to, miệng à há ừ hứ. Cuối cùng, đợi cô ấy nói xong hết một bài thuyết trình mini, tôi mới nhẩn nha:
– À, cảm ơn cô. Nhưng mà con là sinh viên quốc tế, không có được bầu cử đâu ha.
Cô ấy nghe như vậy nhưng vẫn rối rít cảm ơn, còn không quên dặn nếu biết ai là công dân Mỹ thì hãy thuyết phục họ bầu cho Obama. Vì tất cả những lịch sự phải phép trên đời, tôi nín nhịn lắm mới không buông một câu, “Dạ, nhưng nếu con là công dân Mỹ thì con sẽ bầu cho Romney á.”
Sau khi cô ấy đi khỏi, tôi quay sang hỏi bà Tiến sĩ ngồi bên cạnh:
– Dr Joseph, bác định bầu cho ai?
– Bác cũng chưa biết, để coi tranh luận ra sao đã.
– Cậu con nói là ai cũng tệ như nhau thôi à.
– Ye, đúng vậy đó. Rồi chẳng có thằng nào thực hiện lời hứa hay làm cái gì tốt đẹp cả.
Trong lúc đó lại có một nhóm khác đi nhắc nhở những ai đủ 18 tuổi mà chưa đăng ký bầu cử thì đăng ký lẹ lên, đây là cơ hội của các bạn. Những ai biết người nào đủ 18 mà chưa đăng ký thì hãy nhắc nhở họ đi. Ai muốn tham gia tình nguyện đội ngũ tổ chức bầu cử thì đăng ký với ông ABC, ai muốn làm việc bán thời gian có lương thì gởi mail cho bà XYZ. Tất cả vì một kỳ bầu cử tốt đẹp và công bằng.
Tôi lại có cảm giác, nước Mỹ cũng là một nước vui tươi. Nếu họ có một dân tộc, mà thật ra họ có đấy chứ, thì dân tộc đó hẳn cũng vui tươi lắm.
ngày đăng kí đee bầu cử qua cũng lâu rồi mà. cơ mà chị đừng chửi em, làm sao để đăng kí tình nguyện đội tổ chức bầu cử vậy lol e ủng hộ Obama :)))
Uầy, thôi kệ!
1. Nếu bây giờ, em đã biết tất cả những điều này, thì lần sau giả dụ như em là người in quốc kỳ, em sẽ in quốc kỳ nào?
2. Lúc nào về Vn, anh sẽ xách em lên Tây Nguyên xem người ta nhảy. Dù gì, ít ra ở trên Tây Nguyên cũng là vùng đất… gọi là gì nhỉ,… ờ hoạt động nhiều nhất nên mấy bản nhạc dân ca cổ truyền với mấy điệu nhảy cũng nhanh và mạnh hơn mặt bằng chung 1 chút.
Và lại, Nếu nói về dân ca với nhảy muá cổ truyền, thì Châu Á nói chung đâu có mấy điệu nào gọi là nhảy đâu.
3. Anh ko thích nói về chánh trị, cũng ko thích bày tỏ quan điểm, nhưng mà… đôi khi việc bầu cử công khai như thế này, lại thích hơn… dù sao thì người ta cũng thích những gì mình tự tay làm hơn là người khác nhân danh mình làm, cho dù thì… kết quả cuối cùng cũng không khác nhau mấy ( ý cái kết quả là việc người được bầu lên sẽ làm) Uầy! Mấy ông tổng thống với chủ tịch, tính cho đến h làm tốt, anh chỉ biết và phục và thích 2 ông Putin và ông Phidel. Còn Tác phong và các làm việc thì thích của chính phủ Nhật bản!
Anh à, châu Á không ít điệu nhảy đâu. Có thể nó không phổ biến bằng múa, không nổi tiếng, nhưng vẫn có. Còn người Kinh chúng ta, hình như ko có gì.