(Nguồn: Internet)
Gởi con trai, con gái của mẹ
Hôm qua mẹ đọc được status của cô Mẹ Nấm về những người xa xứ.
“Nhưng hứa thì hứa, chứ nằm xuống nghĩ lại những lời anh nói lại thấy thắt lòng:
– Con cái của chúng ta có thể thành đạt, nhưng rồi sẽ không có khái niệm quê hương, và khi về già lại thao thức như anh bây giờ em ạ!”
Vui chuyện nên mẹ cũng nhớ đến vài điều trước đây mẹ từng nhìn thấy. Lúc 19 tuổi ở Washington, mẹ có đi dạy tiếng Việt cho mấy đứa nhỏ ở chùa. Chuyện cũng lâu rồi, thế nên bây giờ mẹ chẳng còn ấn tượng mấy. Nhớ được gì thì mẹ sẽ kể nấy vậy.
Đầu tiên nói về con nít, con nít Việt sinh ở Mỹ. 19, 20 tuổi, những gì mẹ thấy chủ quan vô cùng, vì chẳng dựa trên số liệu điều tra gì cả, và thời gian mẹ ở đây cũng không nhiều nhặn gì. Đến lúc con đọc được những dòng này, có thể mẹ đã khác và mọi thứ đã khác. Nhưng mẹ cứ viết ra đây những gì mẹ đang thấy nhé. Ấn tượng đầu tiên của mẹ về mấy đứa con nít Việt ở Mỹ là ngoan, và chán. Người lớn thì gọi đó là “ngoan”, không quên đính kèm so sánh, “Ngoan hơn tụi con nít ở Việt Nam nhiều.” Mẹ thì nghe và ngậm miệng không cãi, vì đúng là ngoan thật; không chửi thề, chơi trong im lặng, không giành đồ chơi của nhau, không tính toán khôn lanh; ngoan đến mức mẹ không phân biệt được đứa nào với đứa nào, trừ khuôn mặt tụi nó ra (mà nói đến khuôn mặt, thì khi tụi nó lớn, mẹ càng không phân biệt được. Gái Việt nhìn giống giống nhau, tóc ép thẳng, mắt đeo kính hoặc kẻ rất đậm, dáng vóc thì mình hạc xương mai). Thôi thì ngoan như thế là tốt hay là không tốt, mỗi người tự có nhận xét riêng vậy; mẹ chỉ mong con mẹ “khác” hơn một chút.
00