Skip to content →

Âm nhạc

fine design_unforgettable remember_cultural design_flatworld_spacecucciolo

(Tranh: Lê Thị Bích Khoa)

Khác với văn chương và hội họa, mối quan hệ giữa âm nhạc và tôi không được tốt cho lắm. Tôi tự đọc sách từ năm lên 4, lớp 3 đi học vẽ, lớp 7 dù vẫn chưa biết vẽ nhưng đã đươc ngồi cùng những người bạn tâm giao, nghe họ bàn về góc sáng, bố cục, phẫu thuật cơ thể, v.v… Riêng với âm nhạc, lúc nào tôi cũng là đứa ngơ ngác, lạc lõng.

Ngày nhỏ tôi không có bạn bè hàng xóm, cả ngày ngoài đi học ra chỉ loanh quanh trong nhà (và tôi rất hạnh phúc với điều đó). Thế nên ký ức âm nhạc tuổi thơ tôi hầu hết ghi dấu dòng nhạc trữ tình tiền chiến với giai điệu dịu dàng và câu chữ đẹp như tranh thủy mặc. Dạo ấy ba mẹ thường gởi tôi sang nhà ông ngoại, cách nhà tôi khoảng 5 phút chạy xe. Tôi nhớ hoài những ngày chơi một mình ở đó, đọc đi đọc lại những tờ báo cũ mèm đến thuộc cả nội dung, một-hai quyển Doraemon mỏng dánh, chạy xuống nhà bếp lục đồ ăn, rồi chạy quanh nhà tìm thứ gì đó thú vị để chơi trong cơn chán chường những lúc sách trở nên quá nhàm. Hầu như tôi không kiếm được gì. Hộp bánh bích quy lúc nào cũng chỉ có đồ kim chỉ của bà ngoại, còn ngăn tủ sắt của mấy cậu, mấy dì chỉ có quần áo. Được một lần tôi phát hiện ra xấp thư tình dượng viết cho dì những ngày còn yêu xa. Đang đọc nửa chừng tôi bị dì phát hiện. Lần ấy mẹ dọa đọc thư của người khác là phải đi tù. Hình như cũng sợ ghê lắm.

Ngày lặng đi không có việc gì làm, đến bài tập về nhà cũng làm nhoáng một cái là xong. Dường như chính từ lúc đó tôi đã có thói quen ngồi im và nhìn thời gian trôi đi trong nhịp điệu đều đặn, nhẩn nha, mà chưa một khắc nhân từ. Và nghe nhạc. Ngay phòng khách nhà ông ngoại có dàn máy cassette kiêm đĩa CD rất to. Từ máy ấy tôi đã nghe không biết bao nhiêu Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, v.v… Từ máy ấy, trí nhớ âm thanh của tôi in lại chất giọng sang trọng của Tuấn Ngọc, liêu trai của Khánh Ly, nồng ấm của Lệ Thu,… Họ đến bên cạnh mà tôi vô tình không biết. Những ngày ấy tôi chưa đến 11 tuổi, nghe lời nhạc không nghĩ gì nhiều.

Năm 6, 7 tuổi mẹ cho đi học đàn. Thầy dạy đàn thiếu kiến thức sư phạm, còn tôi thì thiếu lễ độ. Dạy mãi tôi không thuộc hợp âm, thầy nói sao con dốt thế. Tôi trả lời, con giỏi thì con đi học thầy làm gì. Hôm sau nghỉ học đàn. Đến lớp hát bị bạn bè chê dở, thế là đem lòng ghẻ lạnh với âm nhạc. Lúc ấy đối với tôi, những bài nhạc tiền chiến mà tôi nghe ở nhà ông bà ngoại không phải âm nhạc, không phải thứ âm nhạc mà người ta tôn thờ hay tài năng hay nghệ thuật ngoài kia. Chúng là bạn, là những gì đã ở đó bên cạnh tôi trong những ngày không có gì làm nơi con đường quanh năm sạch sẽ và xanh bóng cây.

Ở nhà ông ngoại nghe nhạc tiền chiến; về đến nhà mình tôi lại nghe giao hưởng. Khi nhà tôi sắm được máy nghe đĩa CD, chiếc đĩa đầu tiên mẹ mua là nhạc của Beethoven. Chiếc CD đó đẹp vô cùng trong mắt tôi lúc ấy. Khi mà những CD tôi thấy ở nơi này nơi kia vẫn in bìa kiểu màu mè, sến súa, bóng bẩy, rối rắm; chiếc CD này với bìa hình mặt biển xanh thẳm và một dòng chữ đơn giản gần như là một niềm tự hào nho nhỏ mà tôi giấu kín. Cũng không biết tự hào với ai hay vì điều gì.

Thành thật mà nói, tuy nghe nhạc giao hưởng nhưng cả nhà tôi không mấy ai có kiến thức chuyên sâu ở lãnh vực này. Tôi cũng không rõ để nghe được giao hưởng thì cần bao nhiêu kiến thức. Tôi chỉ nghe vậy thôi, thô lậu mà hồn nhiên. Mỗi buổi tối, sau khi tôi làm xong bài về nhà và xem phim truyền hình, mẹ lại bật một đĩa nhạc nào đó trong số đĩa hiếm hoi mẹ mua được. Tôi nằm nghe rồi cứ thế chìm vào giấc ngủ. Năm lớp 8 tôi bỏ thói quen làm bài tập về nhà, năm lớp 9 thôi xem truyền hình. Nhạc giao hưởng vẫn còn lại đây.

Ký ức âm nhạc tuổi thơ tôi gói trong hai dòng nhạc đó. Nhờ sự thiếu kiến thức thưởng thức của một đứa con nít mà thế giới đó giữ được vẻ lung linh, kỳ ảo đến nao lòng. Sau này lớn lên và biết nhiều hơn, đôi khi thấy mình là Từ Thức; rõ là cửa động này, vách hang này; mà sao đường về tiên cảnh không còn?!

Năm lớp 6 tôi bắt đầu nhận ra mình chẳng biết gì về trào lưu âm nhạc hiện đại. Bắt đầu đi chơi với bạn bè, tôi hay rơi vào những lúc khen ơ bài này hay thế, để rồi bạn tôi tròn mắt hỏi, “Bài này từ đời nào rồi, giờ mày mới nghe à?” Lúc ấy tôi chỉ biết cười trừ. Quả thật tôi không rõ làm thế nào để nge các bài nhạc mới. Ở nhà chỉ có nhạc tiền chiến và nhạc giao hưởng. Đi công tác cùng với ba, trên xe các chú tài xế thích nhạc gì thì cho nghe nhạc nấy: thỉnh thoảng có những bài tiếng Anh, rồi nhạc đỏ, nhạc vàng, có lúc cả cải lương. Nhờ thế mà sau này thể loại gì tôi cũng nghe được. Nhưng để tìm nhạc “mới” thì tìm ở đâu? Mở TV lên cũng không thấy. Các bạn tôi cập nhật âm nhạc bằng cách nào nhỉ?

Về nhà lục lọi phát hiện ra cậu tôi có một đĩa CD những bài nhạc hit năm 1999. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Baby One More Time của Britney Spears. Lúc phát hiện ra tâm trạng rất vui sướng, “A, cái này gọi là nhạc hiện đại.” Tôi nghe đi nghe lại chiếc CD hit 1999 đó không biết bao nhiêu lần. Rồi đến một ngày tôi bỗng nhận ra một điều bẽ bàng: bây giờ là năm 2002. Những bài nhạc mà tôi tự nhủ là hiện đại này, người ta cũng không còn nghe. Một lần nữa tôi lạc mất dấu âm nhạc hiện đại, như trẻ đi lạc lẽo đẽo theo một màu áo thân quen mà lúc sau phát hiện ra chỉ là người dưng qua đường. Hụt hẫng như bị lừa.

Lên cấp III tôi đỡ lạc hậu hơn một chút, bắt đầu biết đến những bài đang nóng vì bên cạnh nhà có quán cafe. Nghe nó mở riết rồi cũng phải thuộc. Từ lúc ấy, thỉnh thoảng tôi lại biết thêm một bài nhạc mới. Ngày về Texas, tôi xóa list nhạc trong iPod, xem như dọn dẹp lau chùi sạch sẽ quãng thời gian ủ ê, nhàm chán ở Washington. Rồi tôi hỏi dì tôi radio âm nhạc là đài nào. Khi đó tôi tự nhủ mình học ngành PR, đã đến lúc phải biết thế giới đang thế nào và người ta đang nghe gì, nói gì, xem gì. Lượn ra lượn vào Fb, nói chuyện với bạn bè, tôi bắt đầu có ý thức về sự vận động của âm nhạc thế giới xung quanh mình. Nhưng chưa lúc nào trong cuộc đời hai mươi mấy năm, tôi thực sự nắm được những xu hướng mới nhất trong thế giới âm nhạc. Nó đến thì tôi nghe, không đến tôi cũng chẳng màng đi tìm.

Càng ngày tôi càng thờ ơ với âm nhạc, cả cũ lẫn mới, cả vàng lẫn thau. Ký ức cũ mình đã bỏ lại phía sau, mà thế giới mới thì mình không hứng thú bước vào. Ai cho gì nghe nấy. Tôi giữ thái độ bàng quan với những loại nhạc mình hiểu được và kính nhi viễn chi với những gì mình không hiểu.

Sáng hôm qua, sau vài tiếng đồng hồ cắm mặt vào quyển sách Statistics ôn tập cho kỳ thi vào buổi chiều, tôi bước ra khỏi Starbucks lái xe đến trường. Tôi thường nghe radio trong lúc lái xe; nhưng hôm ấy chữ nghĩa trong đầu đang bốc khói, tôi chẳng muốn nghe gì nhiều. Lướt qua màn hình điện thoại tìm nhạc cũng chẳng thấy bài nào nghe được.

Trong khoảnh khắc ấy tôi bỗng nhận ra, lúc này điều mình cần là những gì không lời – là những kết hợp nhuần nhuyễn của âm thanh, của âm nhạc chảy trôi như một chỉnh thể không bị ràng xích vào lời hát. Lâu nay tôi đã bao quanh mình quá nhiều ngôn từ: viết văn, đọc sách, nói chuyện, lời ca, Facebook. Và ngôn từ – như mọi khi – luôn là lưỡi dao có thể đâm vào mình. Nếu ngôn từ trong văn chương lách vào tâm mình như một lưỡi dao phẫu thuật để mổ xẻ, phân tích, soi rọi đến những điều tế vi nhất; thì âm nhạc – khi không có lời – lại thấm đẫm hoặc dâng tràn như một làn nước và lấp đầy những vết nứt, trả về cho con người một khối hồn nguyên vẹn đã rửa sạch qua lớp nước ấy.

Điều này, những bài hát không thể làm được. Ngôn từ có cái giá của nó.

Tôi mở Spotify lên và nghe lại playlist Classics – nó chỉ là một tập hợp thô vụng gồm những bài giao hưởng tôi thích, nghe bắt tai, chẳng có chút gì chọn lọc hay am hiểu. Nhưng chiều hôm qua, tôi thấy hồn mình liền lại một khối, tôi thấy cái tia sáng từng chiếu rọi qua những ngày thơ ấu nay bỗng lấp lánh một lần – dù rất yếu ớt. Những ngày ấy tôi không bước chân ra khỏi nhà mà lòng đi muôn nơi, đến những vùng đất chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có tên trên bản đồ thế giới. Vậy mà khi buông bỏ nếp nhà xưa ấy, bước ra thế giới thật, mắt tôi chẳng còn được thấy gì nhiều. Thế giới rộng nhưng không còn cao vời. Nhiều cảnh lạ điều mới, nhiều lần tôi phấn khích, hào hứng khám phá; nhiều bận tôi nghĩ mình cũng sáng tạo như ai. Nhưng khi cây đậu thần đã bị chặt bỏ, không còn đường lên lại cung điện trên mây, Jack biết thế giới này sẽ không bao giờ là đủ đối với cậu. Vực sâu nhất, núi cao nhất, kim tự tháp bí ẩn, tháp sắt đâm lên trời, cung điện vàng son; dù cho cậu có chứng kiến tất cả, thảy đều không đủ, không sáng lên một màu huyền ảo như ngày xưa cậu từng thấy trong trí tưởng tượng của mình. Tôi nhớ lời Trịnh từng tâm sự và bỗng đồng cảm với ông hơn bao giờ hết, “Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ.” Tiếc rằng tôi chưa bao giờ có thể thanh thản với điều ấy. Tôi đi du lịch để mong cầu những điều khác hơn. Thậm chí chỉ cần quay lại một nơi cũ trong một kỳ nghỉ mới, tôi đã có phần khó chịu như thể đang phí hoài thời gian. Khi tâm hồn bị phân tán bởi thế giới chộn rộn, huyên náo này, tôi đi du lịch chỉ như một con nghiện, muốn thỏa mãn cơn thèm của bản thân, nhưng không bao giờ thấy đủ và càng lúc càng muốn liều nặng hơn. Con mắt tuy thèm khát ngấu nghiến những sắc mới màu lạ; nhưng tâm hồn lại dửng dưng lạnh lùng, “Tôi đã từng thấy những điều kỳ diệu hơn. Amuse me you cannot.” Và khi ý thức lên cơn dỗi, “Hãy nói tôi nghe đó là nơi nào, tôi sẽ đưa cậu tới đó, tôi sẽ thỏa mãn cậu” tiềm thức chỉ lắc đầu lạnh lùng, “Không, cậu không thể làm được.”

Vậy ai có thể?

Ngày hôm qua trong lúc lái xe và nghe lại phần Largo trong giao hưởng số 9 “From The New World” cung Mi thứ của Dvorak; con đường lái xe quen thuộc đến nhàm chán nay bỗng dưng trở nên khinh khoái lạ kỳ. Tia sáng lung linh ấy lại rọi lên. Tôi lại có hy vọng. Có thể là con đường này, có thể sẽ đến được nơi mình vẫn hằng đi tìm, vẫn muốn quay về.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

Comments

  1. Noname Noname

    Nhạc Pháp của Davie và “Cô gái Trung Hoa” nữa, Bánh Trung Thu 🙂

  2. mình cũng như Rio, không hiểu sao bọn bạn biết được những bài nhạc mới và đến khi hiểu ra mình vẫn không có khả năng cập nhật như người ta. Ai cho gì nghe nấy, hay thì giữ lại, không thì thôi. Việc yêu thích một nhạc sỹ, ca sỹ hay album nào rất tình cờ như nghe ngẫu nhiên trên radio chẳng hạn. Thể loại gì mình cũng nghe và đôi khi thấy nó choảng nhau chan chát, dance và meditation, electronic và audiophile,… Mỗi loại nó vừa vặn với tâm tư tình cảm của mình lúc đó lắm. Có khi nghe dân ca Nam Bộ giữa trời mưa thấy lòng được xoa dịu nỗi nhớ nhung nhiều lắm. Và cũng có lúc lục lọi hết kho nhạc mình biết cũng chẳng có bài nào vừa với mình nữa cả. Thường những lúc ấy buồn vô hạn, lo những nỗi lo từ vi mô đến vĩ mô. Rồi mình cũng tìm ra cách, bừng sáng, là đi du lịch. Nhưng dường như đi điên cuồng không chia sẻ với mình được điều gì, nó cứ như là trốn chạy thôi, chạy chính những rối rắm trời ơi của lòng mình. Rồi mình thấy du lịch không còn ý nghĩa chi nữa, ở đâu cũng là trời xanh mây trắng. Nếu đã vậy, mình chỉ cần chọn một nơi yên tĩnh, có trời, có mây, có cây và chim là đủ. Nằm bất động ở đó cũng thấy an ổn phần nào. Nhiều lúc nghĩ giả mà mình được ở nơi đó thật lâu đến chừng nào cũng được thì không biết mình có chán không hay nó thực sự là nơi dành cho mình_một nơi yên ắng như thế.

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: