Skip to content →

Tự do để im lặng

Tôi ít khi hỏi “tự do” là gì, hoặc tôi có thể đi đâu để tìm “tự do.” Tôi không biết định nghĩa “tự do” là thế nào. Tâm linh, chính trị, xã hội, loài người; tôi không quan tâm và không đủ sức quan tâm. Đôi lúc ngồi nghĩ những điều nhỏ nhoi; tôi tạm cho “tự do” là khi tôi được sống với đúng con người mình, nghĩ điều mình nghĩ, làm điều mình cần làm, yêu những gì mình yêu và ghét những gì người khác cho rằng không nên ghét. Nhưng tôi đã hoang mang, như thế có thực là tự do? Một ngày nào đó khi tôi chẳng còn gì ràng buộc, có thể bay khắp phương trời không vướng một níu kéo, phải chăng tự do đã chạm đến tôi. Hay chẳng qua cũng chỉ như điều Phật dạy, sắc sắc không không, chính sự “không” cũng đã là “sắc”, bởi lẽ nếu không-biết-là-nó-tồn-tại, thì ta cũng sẽ không biết là nó không-tồn-tại. Như một người chưa hề được sinh ra trên cõi đời, làm sao ta biết nếu người đó biến mất hoặc rời xa nhân thế. Nếu không bị ràng buộc, làm sao ta biết tự do là gì?

Đôi khi ngồi trong một góc nào đó và nhớ lại, tôi thấy tự do thảng hoặc sáng lên ở một vài điểm trong quá khứ. Như chuyện năm lớp 3, tôi về nhà và hào hứng nói với mẹ, “Mẹ, lính Ngụy ác thật nhỉ.” Mẹ tôi hỏi, “Sao con nghĩ thế?” “Thầy Tổng phụ trách trường con nói thế.” – tôi hồn nhiên trả lời. Sau đó mẹ tôi chẳng nói gì nữa. Mãi sau này khi lớn lên, câu hỏi của mẹ “Vì sao con nghĩ thế?” trở thành bài học đầu đời của tôi về hai chữ “Tự do.” Ông ngoại tôi là sĩ quan Ngụy, mẹ tôi là phóng viên Đài Truyền hình Đà Nẵng. Tôi đọc báo chí chính thống trong tiếng nhạc của những bài hát bị cấm. Ông bà tôi chưa bao giờ nói xấu chế độ, và cũng không bao giờ ca ngợi những gì đã qua. Mẹ tôi không khuyến khích, nhưng cũng chẳng cấm cản tôi truy cập những trang web trên internet. Tôi muốn cảm ơn gia đình của mình – những người đã cho tôi “tự do” để suy nghĩ, ngay từ khi tôi còn rất nhỏ.

Mất hơn một tuần để nghĩ về những gì mình thực-sự muốn viết, rốt cuộc tôi không chọn được. Có lúc tôi đã định viết một điều gì đó khúc chiết và ngắn gọn: tự do là khi ta thoát khỏi ràng buộc của vật chất. Đó là lúc tôi đang nghe Hotel California của The Eagles, và (lại) nghĩ về Đức Phật. Không còn dục vọng ắt được giải thoát. Những con người đang đấu tranh cho tự do, và những con người đang tước đoạt tự do từ tay người khác; tất cả họ chẳng phải cũng đều ít nhiều liên quan đến vật chất sao? Và ngày qua ngày, nhìn chính tôi loanh quanh trong những toan tính bạc tiền, bất kể là mưu cầu cho tôi hay cho người; cảm giác muốn thoát khỏi vòng kim cô này lại ứa lên trong mắt. Tôi không thích những người đánh giá thấp giá trị của vật chất và ngoại hình, bất kể họ nói thật hay nói dối.  Tôi yêu vật chất, sính ngoại hình. Nhưng tôi đang ước có thể yêu như yêu một tác phẩm trong viện bảo tàng. Trân quý chúng, thưởng lãm chúng, ngưỡng mộ chúng, nhưng không dấy lên tâm sở hữu. Một ngày nào đó khi tôi có thể nhìn chúng như một phần thống nhất trong chỉnh thể của thế giới, có thể lúc ấy tôi sẽ tự do. Tôi sẽ an nhiên kiếm tiền, an nhiên shopping, muốn có chúng và không cần có chúng.

Nãy giờ tôi lan man hơi nhiều về những chuyện cá nhân của mình. Nhưng câu hỏi “Bạn sẽ làm gì khi được tự do?”, tôi muốn trả lời trong một bối cảnh khác cụ thể hơn, bối cảnh của những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.

Việt Nam yêu dấu của em, nếu có một điều gì đấy em cần nhất ở Người lúc này, đó không phải là quyền tự do ngôn luận. Em cần quyền tự do im lặng. Em là đứa con gái ít thích đấu tranh và lười suy nghĩ, thế nên em không muốn nói lên chính kiến của mình, và hiện tại cũng không cần Người lắng nghe. Vậy nhưng, những gì em không muốn nói, những gì trái với sự thật trong lương tâm em; hãy cho em quyền giữ nó lại.

Đất nước ta không rừng vàng biển bạc. Đất giáo xứ không (hẳn) thuộc về Nhà nước. Máu đã đổ trên đôi tay nông dân. Và hàng nghìn những điều khác em không nói ra ở đây. Tất cả những con người đang tồn tại trong hôm nay đều không biết câu trả lời chính xác. Những kẻ ngu ngốc và những người dũng cảm – vốn cũng chưa phân biệt được – đang chiến đấu để giữ vững luận điểm của mình. Em không chắc mình ngu ngốc, và em chắc chắn mình không dũng cảm, em không đủ sức mạnh để đi tìm câu trả lời cho lịch sử. Nhưng như tất cả những người con Việt Nam lớn lên từ biển và núi, em cũng biết yêu, và tình yêu đó nằm trong những điều em sẽ giữ im lặng. Những entry em viết, những lời em nói, những lá thư em gởi; sẽ không bao giờ chứa đựng những điều trăm phần dối trá, cho mục đích của em hay của bất kỳ ai.

Trong hàng nghìn con người đang đấu tranh cho quyền tự do thể-hiện ngoài kia, Việt Nam của em à, Người đừng quên còn những kẻ đấu tranh cho quyền tự do im-lặng. “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà án.” * Em không muốn những gì em nói hôm nay sẽ trở thành bằng chứng chống lại em trước tòa án lương tâm. Mà cái lương tâm tự-do của em thì Người biết đấy. Em không ngại khi mình nói sai, nhưng em sợ khi mình phải nói dối. Những nhà báo, những phát ngôn viên, những người đưa ý kiến ra trước công chúng; họ đã bị tước đi quyền được im lặng. Viết đến đây em lại nhớ bài “Giọt nước mắt của lề phải” của chị Đoan Trang, “Tôi kính phục họ – những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng.” Chị viết như thế, và em ít nhiều cũng đồng ý với chị như thế.

Nhưng sự kính phục chỉ dành cho những con người bị-tước-đi-quyền-im lặng. Một thời gian ít ỏi sống trên đất Mỹ này, cùng với những người Việt tha hương, em đã thấy một vài trường hợp chủ động từ bỏ quyền đó. Em không nói đến những người phe này phe kia, họ có chính kiến, và em tôn trọng tất cả. Em chỉ khó hiểu trước những con người vừa rời xa Người được một lúc, được cho xem vài clip, vài cuốn sách, và ngay lập tức phát ngôn như thể họ đã trải qua tất cả thăng trầm cùng Người. Em không hiểu, và nghĩ rằng mình cũng không cần hiểu. Họ đã có quyền tự do ngôn luận – như họ muốn, hoặc có thể là họ chưa bao giờ nghĩ đến – và khi nói chuyện với họ, em giữ toàn quyền tự do im lặng của mình. Em làm như thế vì em, vì những kẻ có niềm tin vững chắc vào điều mình đang phát ngôn, bất kể họ ở bờ bên nào của chính trị; vì Người và cho Người.

Em không biết tự do nào dễ dàng để có được hơn, thể hiện hay im lặng. Hoặc có thể cả hai sẽ đến cùng một lúc, vì im lặng cũng là một cách thể hiện rồi. Đó sẽ là một chặng đường rất dài và khó khăn. Những kẻ nắm vận mệnh của Người đang ngăn cản không cho em và những người như em tìm đến nó. Nhưng em giữ cho mình một niềm tin tâm linh, rằng khi một đứa con Việt Nam được sinh ra trên mảnh đất hình chữ .S; hồn thiêng sông núi sẽ trao cho đứa con đó quyền-và-khả-năng-đấu-tranh-để-tìm-tự-do.

Người không cần trả lời em niềm tin của em là đúng hay sai. Em có đủ tự-do để tin tưởng và nghi ngờ mà không cần một câu trả lời viết trên trời xanh, trong lá cây, dưới đáy biển hay trong bản tin thời sự. Và em tin Người.

ΔΔΔ

Chú thích:

* Câu nói này là một phần của Cảnh báo Miranda (Miranda Warning) trong các tòa án ở Mỹ (và một số nước khác, với những tên gọi khác.) Không có câu nói này, mọi lời khai đều vô giá trị và không được phép sử dụng như bằng chứng điều tra.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký Viet

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: