Skip to content →

Trong một diễn tiến khác của việc cố gắng trở thành người tốt

Tôi viết bài này như một lời khuyên dài cho những bạn nhỏ tuổi hơn và có lẽ chưa trải qua nhiều chuyện như tôi. Tôi cũng viết nó như một lời chia sẻ và xác nhận với những người đã chín chắn hơn nhiều. Rằng tôi có đúng không? Và họ đã làm gì để vượt qua?

Tôi từng là một người cực kỳ “liberal.” Những năm tuổi thiếu niên, tôi suy nghĩ nhiều về tôn giáo, tầng lớp, sắc tộc; và đi đến kết luận kinh điển như sau: “Tôn giáo/ sắc tộc/ tầng lớp/… nào cũng như nhau, mình sẽ tôn trọng tất cả họ. Dễ thôi mà!”

Cái vế sau là một trong những kết luận sai lầm nhất tôi từng đưa ra, “Dễ thôi mà!”

Nó không hề dễ. Tôi đã cố gắng (có thể chưa đủ), vậy mà tôi vẫn không thể kiềm chế sự phân biệt của mình.

I – Tôn giáo

Lúc bạn còn nhỏ, sống ở một đất nước ít mâu thuẫn nổi rõ trên bề mặt, và chưa va chạm nhiều, thật dễ để khẳng định là bạn sẽ yêu quý tất cả mọi người. Thiên Chúa giáo là những người đi lễ ngày Chủ nhật và tổ chức Lễ Giáng sinh rất vui. Phật giáo là những người hay cúng rằm và ăn chay. Hồi giáo – vốn xa lạ trong cộng đồng tôi sống – là những người hơi khó tính một chút, nhưng Taliban này nọ cũng chỉ là cực đoan, chứ tôn giáo nào chẳng hướng người ta đến điều thiện.

Cho đến khi một người bạn tôi vô cùng nể phục vì sự thông minh và tính logic của cô ấy nói với tôi rằng, “Mấy người đồng tính cần chi cưới? Yêu thì cứ yêu, nhưng việc chi cứ nhao nhao lên đòi cưới, có gì khác nhau đâu?” Tôi ngỡ ngàng tại sao một người rất logic, theo học ngành Kế toán và có học bổng lại bỏ qua một sự thật rành rành: cưới rồi thì mới được ưu đãi về bảo hiểm, thừa kế, nhận con nuôi? Chỉ vì cô ấy mới theo đạo Thiên Chúa và Chúa giảng như thế. Tôi sẽ không đi sâu vào việc Chúa đã nói gì vì tôi chẳng rõ. Nhưng việc một người thông minh như cô ấy gạt bỏ hoàn toàn những ưu đãi về luật pháp trong hôn nhân đã làm tôi hụt hẫng và thất vọng. Cô ấy cũng là bạn rất thân của tôi nữa. Đó là lần đầu tiên tôi nổi giận với một tôn giáo. Tôi cảm giác như tôn giáo đó đã cướp mất người bạn của mình.

Rồi bên Chứng nhân Jehovah suốt ngày đi gõ cửa truyền đạo làm phiền người khác. Rồi bên Westboro Church tổ chức biểu tình, trương bảng “God Hates You” ở ĐÁM TANG một cựu binh Mỹ. Hay gần đây là chuyện bà clerk Kim Davis không chứng hôn cho các cặp đôi đồng tính, cố tình vi phạm Hiến pháp Mỹ để phục vụ Chúa, nhưng bảo bà nghỉ việc đi thì không chịu nghỉ. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bà Davis sống với niềm tin của mình, kể cả việc chống hôn nhân đồng tính, nếu đó là điều bà tin. Nhưng vi phạm Hiến pháp là chuyện khác.

Sau đó là đến đạo Hồi. Tôi cũng cố gắng không ghét họ, và tôi vẫn làm được. Tuy nhiên, giữa những luồng tin về IS, về bạo động, về việc đòi hỏi yêu cầu phụ nữ phải đeo khăn choàng (bất kể có theo đạo hay không), về một nữ tiếp viên hàng không từ chối phục vụ rượu, về những gã nhà giàu ở Ả Rập vung tiền ra mua đứt hết các danh tác thế giới rồi cất kỹ trong kho, vui lên đốt một phát thì xem như nền văn hóa châu Âu sụp mất một nửa… Thật khó để biết đâu là đúng và đâu là sai. Và thật khó để không sợ hãi.

Tôi không kể đến đạo Phật ở đây vì tôi là tín đồ đạo Phật, chắc chắn có phần thiên vị. Nhưng tôi đồ rằng các bạn của tôi – vô thần hoặc theo tôn giáo khác – sẽ không có thiện cảm với các vị sư ăn mặn, tiêu xài phung phí, thậm chí hoang dâm vô độ ở Việt Nam, Thái Lan, v.v…

Người của tôn giáo nào sẽ bênh tôn giáo đó. Trong số những luận điểm bất hủ chắc chắn sẽ có câu sau: “Không phải ai cũng vậy, chỉ là thành phần cực đoan.” Họ nói thế không sai. Cũng như tôi nói “Mình sẽ tôn trọng mọi tôn giáo.” Có những chân lý quá là đơn giản và ngây thơ, tuy đúng nhưng vẫn không thuyết phục được lòng người.

Và người của tôn giáo đó, của sắc tộc hay tầng lớp đó, chỉ vin vào mỗi một câu, “Không phải ai cũng vậy,” để đảm bảo mình đứng ngoài vòng buộc tội, chuyện này không liên can gì đến tôi. Nhưng khi tôi nhìn thấy một tín đồ Westboro Baptist Church đưa bảng “God Hates America” sau sự kiện 11/9, hay nghe tin một vị linh mục xâm hại tình dục trẻ con chỉ bị “chuyển công tác” sau vài năm ém nhẹm, liệu tôi là người phải đi tìm hiểu xem có thật God nói thế không, hay bạn mới là người phải đứng ra chứng minh Chúa yêu thương hết thảy mọi người? Câu hỏi này hẳn sẽ chia làm hai phe, tùy nhận định cá nhân.

Riêng tôi, một người không rành về đạo Thiên Chúa, sẽ không có thời gian và kiên nhẫn đi tìm câu trả lời. Và tôi cũng sẽ không “bắt” các bạn có ác cảm với đạo Phật hiểu rằng “Không phải sư nào cũng vậy.” Ai chẳng biết?!

Vấn đề là có những sư, những tăng, những linh mục, tín đồ, những tay cực đoan quả đã làm như thế. Nếu chúng ta không giúp người khác hiểu, thì cũng bớt việc trách móc tại sao họ không hiểu.

II – Tầng lớp, sắc tộc

Trong 5 năm tôi ở Mỹ, những người hay phân biệt kỳ thị tôi nhất thường là con cái của những người Việt nhập cư, những đứa trẻ Vietnamese-American born.

Nhưng để tôi khẳng định 3 điều sau:

  • Không phải bất kỳ bạn Vietnamese – American nào cũng thế. Tôi có quen một cậu bạn rất tốt. Mấy đứa em họ con dì tôi cũng dễ thương và thân thiện.
  • Cá nhân tôi gặp nhiều nhất, không có nghĩa là mọi người cũng vậy. Đây là chuyện rất cảm tính.
  • Bất chấp 2 điều trên, tôi vẫn thấy khó chịu với đối tượng này.

Dần dần họ biến tôi thành giống như họ: họ kỳ thị tôi vì là du học sinh, tôi cũng né tránh họ vì nghĩ kiểu gì họ cũng kỳ thị mình.

Cách đây vài ngày khi bị một bạn Vietnamese-American đối xử khinh khi ra mặt, tôi sém chút nữa không kiềm chế được, rất muốn gào vào mặt nó,

“You, your parents were likely to be called Fob when they first set foot on America for exactly the reasons you are discriminating against me: their broken English, their limited knowledge about what was going on, their narrowed networks. And with all due respect to your parents, I’m pretty sure their English and knowledge about the American society back then were not even as good as mine now since they just went through a harsh situation and lost everything they hold dear to their heart. How come you discriminate against me? You’re better than me because you were born here? You’re being proud of the thing you didn’t sweat or cry or bleed to earn at all. If you deserve those priviledges because you’re better, go home and freaking discriminate against your parents, can you?

(Tiếng Việt: Hồi xưa bố mẹ mày có khi bị người ta gọi là thuyền nhân (từ đó ở Mỹ mang sắc thái coi thường) chính vì những lí do mà mày đang dùng để phân biệt tao đó: tiếng Anh dở, kiến thức xã hội ít, quan hệ không rộng. Và tao nói điều này hoàn toàn theo nghĩa tôn trọng, nhưng tao khá chắc là ban đầu bố mẹ mày tiếng Anh và kiến thức về xã hội Mỹ không tốt như tao bây giờ, bởi lẽ họ vừa trải qua hoàn cảnh khó khăn và mất hết mọi thứ họ thương nhớ. Làm thế nào mà mày kì thị tao được nhỉ? Mày tốt đẹp hơn tao vì mày được sinh ra ở đây? Mày đang tự hào về những thứ mày có sẵn mà không hề đổ mồ hôi, nước mắt hay máu đó. Mày ngon thì về nhà mà kỳ thị bố mẹ mày thử xem?”)

Một đoạn chửi bới đầy ghét bỏ và tiêu cực, nhưng cũng là tích tụ từ bao lần khó chịu, bực bội, bao lần tự hỏi, “Lẽ nào nó không nhận ra một điều đơn giản là bố mẹ nó ngày xưa còn bị người ta khinh hơn mình bị bây giờ? Nếu nó là đứa con tốt, sao nó có thể làm vậy?” Và trong những ngày qua, tôi cứ phải lặp đi lặp lại trong đầu, “Không phải bạn Vietnamese American born nào cũng vậy. Mình mà nghĩ vậy cũng là phân biệt rồi, như thế thì mình cũng chẳng khác gì thằng kia.”

Nhưng rất khó, rất rất khó.

Nhất là sau khi tôi chứng kiến bao nhiêu bạn du học sinh của mình òa khóc vì những chuyện sau: gia đình người yêu (là dân định cư) khinh khi ra mặt, cho rằng nó mồi chài con mình để kiếm Quốc tịch, hoặc có bạn thì bị gia đình mình phản đối chuyện yêu một cậu bạn du học sinh khác, cho rằng như thế là dại. Chứng kiến những điều đó lâu, sau này mỗi lần đi đâu, gặp các bạn Vietnamese-American born tôi thường né xa ra một chút. Tôi sợ bắt chuyện xong, cố gắng làm quen, thì các bạn lại nghĩ, “Chắc con này tính mồi chài mình để ở lại.”

Tôi sai. Không phải bạn nào cũng thế. Lẽ ra tôi cứ nên bắt chuyện, nếu họ không tốt thì mình ngừng.

Nhưng có đứa con gái nào xa gia đình muốn “risk” không, muốn vì tấm lòng coi bốn phương là anh em mà sẵn sàng đối diện nguy cơ bị người đối diện tỏ thái độ như thế với mình không? Tôi thì không đủ độ lượng và sáng suốt để làm vậy. Bởi vì không có gì buồn hơn khi chính những người cùng một Tổ quốc với mình, và con cái họ, lại xem những đứa du học sinh như mình là một bộ phận rỉa rói, hút máu và lợi dụng. Viết đến đây tôi rất muốn khóc.

Quả thật rất khó để ngừng việc quy kết một tầng lớp nào đó sẽ đối xử với mình theo một kiểu nhất định. Vì rất nhiều người trong số họ đã làm chính xác những điều mình tiên lượng.

III- Cố gắng kết luận một cách tích cực

Nhưng quả thực, chúng ta không thể và không nên quy chụp ai mà chỉ dựa trên một vài đặc điểm về họ.

Những ngày vừa rồi, khi bị kỳ thị ra mặt bởi những người bạn trong nhóm cũ (gồm một bạn Mỹ trắng và một bạn Vietnamese-American born), tôi cũng được an ủi và giúp đỡ bởi một bạn người Mỹ khác. Bạn này là người theo đảng Cộng hòa. Vâng, chính là một thành viên đảng Cộng hòa – cái đảng suốt ngày đòi trục xuất người nhập cư, tăng thuế lên giới trung lưu, giảm ưu đãi cho người nghèo – đã đưa tay ra giúp tôi tận tình, sẵn sàng đến gặp cô giáo để làm chứng, trong khi tôi bị vu oan bởi một bạn gốc Việt cùng gốc gác quê hương đấy ạ.

Một em gái bạn của tôi cũng gặp vấn đề, bị kỳ thị và vu oan. Em ấy kể lại, “Bà cô của em là người đồng tính. Lúc ấy em đã mừng vì tưởng một lesbian như bà ấy sẽ hiểu cảm giác bị kỳ thị là như thế nào. Ai dè đâu lúc em kể lại cảm giác bị coi thường, bả trề môi nói chuyện bé mà xé ra to.”

Tương tự như vậy, Caitlyn Jenner – một ngôi sao ở Mỹ, vừa chuyển giới thành phụ nữ – phát biểu như sau trong chương trình talkshow với Ellen DeGeneres (cũng là một lesbian).

Tôi là người theo truyền thống. Tôi lớn tuổi hơn hầu hết những khán thính giả ngồi đây. Tôi khá là thích làm theo truyền thống, mà nó (hôn nhân) vốn bao đời nay đã là chuyện giữa đàn ông và phụ nữ. Tôi cho là mình chẳng đồng thuận lắm (với hôn nhân đồng tính).

*Nguyên văn lời Jenner nói ở khúc cuối là “I don’t quite get it,” tùy theo văn cảnh có thể dịch là hiểu hoặc đồng thuận. Tôi cho rằng “đồng thuận” mới là ý của Jenner.

Quả thật, thế giới này chưa bao giờ làm tôi ngừng ngạc nhiên vì sự ngu ngốc, trịch thượng, phân biệt, cũng như lòng tốt của nó. Nhưng sao có những lúc bề tiêu cực lại nặng hơn và nổi rõ hơn bề tích cực vậy? Nó nặng đến mức cán cân lệch hẳn về bên đó, mình cũng theo lực hút mà trôi theo. Nhiều lúc tôi cố gắng nhoi lên để ở lại bên tích cực, để giữ lấy con bé liberal ngày xưa, nguyện rằng sẽ tôn trọng mọi tôn giáo và tầng lớp. Nhưng các bạn cứ không ngừng đạp tôi về phe tiêu cực rồi bảo tôi phải tự đi mà tìm hiểu, “không phải ai cũng thế.”

Tôi biết rõ rằng những gì vừa kể trên đây chỉ là do cá nhân tôi nhìn thấy, một lát cắt rất mỏng và đầy phiến diện của cuộc sống. Nhưng đã nhìn thấy nghĩa là nó có tồn tại, dù ít hay nhiều – những người gốc Việt coi thường người Việt, những người chuyển giới phản đối hôn nhân đồng tính, những người bảo Chúa ghét ai sẽ giết người đó,… Những chuyện đó, họ đã làm và tôi đã chứng kiến hoặc theo dõi từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Làm sao có thể yêu mến hết thảy mọi người được cơ chứ?

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Ghi Chép Viet

10 Comments

  1. Ta có con bạn vừa theo Công giáo vừa là hủ nữ =]]

    • =))) theo đạo và làm gì là hai khái niệm vừa liên quan vừa rất ko liên quan :”>

      • Bởi, mấy người kì thị đồng tính là do họ muốn vậy, chứ đâu phải Chúa bảo họ phải làm vậy đâu. Họ chỉ lôi Chúa ra làm cái cớ cho mình thôi

  2. Chỉ biết đọc và cười tủm tỉm.

  3. IMDK IMDK

    Câu hỏi “Làm sao có thể yêu mến hết thảy mọi người?” nó cũng giống như tự hỏi “Làm sao để có thể xoá bỏ hết bất công trong cuộc đời lúc nào cũng đầy rẫy những sự bất công này” hoặc “Làm sao xoá nghèo cả thế giới”. Và dĩ nhiên câu trả lời (với mình) là không bao giờ có câu trả lời hoặc giải pháp những cho chuyện này. Cách duy nhất (cũng với mình) là chấp nhận những chuyện đó như những sự thật đang cùng tồn tại với chúng ta trong cuộc sống, và hạn chế/ngăn chặn nó một cách tối đa trong giới hạn khả năng của mỗi người. Vậy đã là tốt lắm rồi! 😀

  4. J. J.

    Chào Lâm,
    Mình đã đọc hết bài viết của Lâm nói về bị discriminations ở trên, mình rất hiểu và đồng cảm với Lâm về việc đó, chính mình đã từng trải qua cảm giác như Lâm vậy. Ngay ở cty mình, sếp người Pháp và đám lâu la là người Việt, đám sếp người Pháp luôn có thái độ coi thường nhân viên và cho rằng bọn mình luôn lười biếng, còn đám nhân viên bọn mình thì lại nghĩ sếp chả hiểu sất gì về khả năng và trình độ của nhân viên, luôn luôn đòi hỏi quá đáng và bóc lột, toàn bộ sự thể này gây ra một sự hiểu lầm rất lớn. Project Manager thì lại là một đứa tay ngang, kém hiểu biết và thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý khiến mọi thứ không thể nào khó khăn hơn
    Rồi tới một ngày mình nhận nhiệm vụ làm document, thì trước khi send đến HQ ở Pháp thì toàn bộ tài liệu phải trực tiếp được thông qua đám sếp đó. Khi ấy mình sợ, sợ tài liệu viết ra không đúng format, thiếu mất content và vô vàn ti tỉ vấn đề khác mà mình có thể mắc phải. Chuyện này làm tiến độ công việc của mình chậm hơn so với dự kiến, deadline phải giãn ra, công việc bị chậm lại, mình bị các anh senior người Việt mắng … Mình cố gắng trấn an bản thân và các anh, là bởi vì mình muốn mọi thứ kỹ lưỡng, không muốn sai sót, chậm một chút nhưng feedback nhận được chắc chắn sẽ ít hơn. Rồi thì toàn bộ các document cũng xong, mình double check tất cả mọi thứ và lúc chuẩn bị bấm send 2 đầu ngón tay của mình vẫn còn run run. Mình nghĩ lại về expectation của các sếp cao như thế nào, mình hít một hơi, chấp nhận nó rồi mình mở lại hộp mail, gõ thêm: “This is first version of document, still not good enough to send to HQ, looking forward for your feedback to improve” …. Rồi mình bấm send, hồi hộp chờ feedback
    Và mình đoán không sai, mình bị feedback rất nhiều chỗ nhưng trái với suy nghĩ của mình là email feedback sẽ có rất nhiều chỉ trích thì đoạn đầu của email khiến mình cảm giác bắt đầu có một common understanding với các sếp hơn
    “You are right, this document is not coherent and lacking a lot of game content info, let’s improve these points below…etc ..”

    Email viết rất cặn kẽ, chuyên nghiệp, mình thậm chí còn thấy cả sự kiên nhẫn, sếp bảo mình qua bàn chỉ dẫn tận tay cho dễ hiểu hơn… à rồi thì mình nghĩ hóa ra mọi chuyện không tệ đến thế.

    Mình bỏ qua được nỗi sợ ban đầu, rồi dần dần tự tin hơn trong việc communicate qua mail lẫn trực tiếp. Mọi người ở cty ai cũng ngạc nhiên. Mình nghĩ vấn đề của mình và rất nhiều nhân viên ở thời điểm đó chính là việc suy nghĩ quá nhiều dẫn tới việc không dám làm gì, và không dám làm gì thì bọn sếp người Pháp đã nói đúng. Mình không chấp nhận việc để bị suy nghĩ là thằng lười biếng nên đã quyết tâm giải thích và làm mọi thứ cho tới cùng. Vậy là mình đúng.

    Quay lại với câu chuyện của Lâm, mình nghĩ Lâm nên thay vì suy nghĩ “Không phải ai cũng xấu” thì hãy thêm vào suy nghĩ :”Không phải ai cũng tốt” rồi từ đó dễ dàng chấp nhận tính xấu của một cộng đồng hơn khi giao tiếp. Ừ, chúng ta không thể nào yêu mến tất cả mọi người bắt đầu từ việc thân thiện niềm nở cởi mở chan hòa, chúng ta phải bắt đầu từ việc chấp nhận tính xấu của họ, nhận ra cả giới hạn chịu đựng của mình trước khi giao tiếp, và rồi khi Lâm biết được mình đúng, Lâm hãy ngẩng cao đầu mà tự tin bước tới.
    Hy vọng mình đã giúp được Lâm một chút gì đó

    • Cảm ơn bạn nhé 🙂 Bài học của bạn thực sự có ích cho mình.

  5. ho hai nam ho hai nam

    Bài viết súc tích và mình dù không trải qua cũng cảm giác có thể hiểu được.

    Về kỳ thị của vietnamese-ameirican born mình thấy bất ngờ về có những người sống ở mỹ lại bảo thủ như vậy. Dù sao thì mình cũng thử góp ý 1 cách cho bạn. Đó là đùa giỡn và đừng nghiêm trọng hoá vấn đề. Nếu bạn chơi với ai đó nhưng lại mang suy nghĩ sợ ng khác hiểu lầm mình về chuyện xin quốc tịch. Bạn sẽ không thoải mái khi nói gần vấn đề đó và tín hiệu bạn gửi cho người trò chuyện là chính xác là cái bạn đang sợ họ hiểu lầm (ambiguity). Giải pháp mình nghĩ có thể đc là having fun about it. Mọi người sẽ thoải mái hơn và vấn đề cũng nhẹ đi.

    Thân,

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: