Skip to content →

Youth Forecast

(Screenshot phim The Perks of Being a Wallflower)

Đây có thể là một câu chuyện rất dở. Nhưng cứ viết thôi nào.

Chiếc xe Greyhound dừng ngang ở một trạm bên đường. Lạy trời, New York vẫn tởm như thế, chưa có thành phố nào tôi đi ngang qua mà xe đò Grey Hound lại dừng dọc đường thế này. Với tay lấy chiếc backpack trên ngăn hành lý xuống, tôi hít một hơi thật sâu, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ xe bus. Những chiếc taxi màu vàng nối đuôi nhau. Những con người hối hả cắm mặt xuống vỉa hè và đi bộ thật nhanh.

Hey, chào New York!

Tôi kiểm tra lại mọi thứ thật cẩn thận. Trong ngăn hành lý. Trong túi nhỏ phía trước. Đã đi vệ sinh. Lần cuối đến New York, tôi nghĩ nơi này không khác gì Dallas, nghĩa là bạn có thể hỏi nhà vệ sinh trong bất kỳ hàng quán nào, kèm theo nụ cười hơi bẽn lẽn một chút. Nhưng trời ạ, người New York làm gì có được thứ hạnh phúc xa xỉ đó. Lần ấy tôi phải đi bộ hơn 10 block, bắt một chuyến tàu điện ngầm, leo cầu thang lên một studio nhỏ xíu với cái bụng ấm ách nước. Muốn khóc!

Xuống khỏi xe bus, tôi lần mò tìm điện thoại trong túi xách.

– Alo! Đến đón tao nhé!

– Mày đang ở đâu? – đầu dây bên kia là giọng con gái hơi ngang ngang một chút, không lẫn vào đâu được.

– Đường 33…ơ, để coi…giữa avenue 7 với 8

– Ok! Tao đang trên subway. Gần tới rồi.

– Nhanh, mập! Đúng ra mày phải có mặt ở đây rồi chứ.

– Biết rồi, biết rồi! – giọng con gái ngang ngang hối hả nói rồi dập điện thoại, không kịp để tôi mắng thêm câu nào.

Tôi bỏ điện thoại vào túi xách, đứng nép vào tường một cửa hiệu bánh gần đó. Mùi bánh thơm phức ứa nhè nhẹ trong không khí, nhưng tôi chẳng thấy đói mấy. Bao lâu rồi New York nhỉ? Tao đã không nghĩ tất cả những điều này sẽ thành sự thật.

Người đến đón tôi là Khanh. Tôi đang cố gắng hình dung cô ấy trong đầu mình. Hẳn đã ốm hơn, ở đây toàn đi bộ thế này mà. Không biết có mang máy ảnh theo không. Lần cuối tôi gặp Khanh là khi cả hai chúng tôi còn ở Dallas. Rồi cô ấy nhận được công việc chụp ảnh gì đấy ở New York. Đêm sau ngày cô ấy nhận email thông báo chính thức, chúng tôi uống hết 28 chai beer các loại. Chụp ảnh thời trang ở New York đã luôn là ước mơ của Khanh, và thề có ông trời, chẳng mấy ai tin rằng một con bé du học sinh Việt Nam lại có thể thực hiện điều đó.  Thật lòng mà nói, tôi cũng không rõ Khanh đã thực hiện điều ấy như thế nào. Thời trang là một thứ xa lạ đối với tôi. Nếu không quen Khanh, tôi thậm chí còn nghĩ đó là một thứ rất phù phiếm và nhảm nhí.

Có những ngày ở Dallas chúng tôi đã khóc. Kiểu như Khanh nói với tôi rằng cô ấy muốn khóc, hoặc tôi nói cho cô ấy biết mình đang cần khóc. Mặc dù thế giới hẳn đã nương nhẹ tay với chúng tôi lắm rồi, bằng chứng là nó đã cho chúng tôi đi du học (“Đi du học là nhà phải giàu lắm!”), có phương tiện đi lại và chưa chết đói; nhưng có những lúc tuyệt vọng tiền xăng ngày mai không biết trông vào đâu, chúng tôi lại tự hỏi vì sao phải theo đuổi ước mơ làm gì?! Tại sao không đơn giản chọn một ngành học thật dễ kiếm việc? Chúng tôi đang đặt tương lai và tài sản của cả gia đình vào tay ai vậy chứ?

Ba Khanh mất khi cô ấy đang học dang dở đại học ở Mỹ. Hôm đó tôi đang đứng tính tiền ở chợ, một kiểu công việc làm chui không quá cực nhọc nhưng thu nhập cũng bèo bọt. Giờ nghỉ trưa nhìn thấy cuộc gọi nhỡ của Khanh, tôi tự nhủ cô ấy lại rủ mình đi chơi. Bực bội gọi điện lại, tôi quát vào máy:

– Hâm à? Đã biết cuối tuần tao đi làm, rủ gì mà rủ hoài…

Đầu dây bên kia, giọng Khanh bình thản một cách kỳ quặc, như thể trên nấc thang cảm xúc, ai đó đã vặn chỉnh xuống mức dưới 0.

– Ba tao mất rồi.

– Ơ…

Sau đó là một quãng im lặng. Tôi không biết nói gì. Người ta thường sẽ nói gì trong những lúc như vậy chứ?

Sau này Khanh kể lại, lúc nghe bác báo tin đó, cô ấy đã khóc thét lên. Tôi luôn tự hỏi Khanh đã vượt qua chuyện này như thế nào. Có những thứ chỉ diễn ra trong đầu của một người, mà ngay cả những người thân cận nhất cũng không thể nhìn thấy. Về phần Khanh, cô ấy chỉ nói rằng không còn cách nào khác ngoài việc làm cho ba của cô tự hào.

Sau cái đêm say xỉn nôn ói như vòi phun trong nhà vệ sinh, tôi không đụng đến một giọt cồn nào nữa. Mãi cho đến ngày tiễn Khanh ở sân bay, tôi uống thêm một chai Blue Moon trộn Dr. Pepper, Khanh là người giữ bản quyền công thức đó. Cô ấy phát minh ra thức uống ấy trong một đêm nhậu khuya ở nhà tôi. Mãi cho đến ngày tôi nhận thư thông báo rằng mình có học bổng thạc sĩ ở Boston, tôi lại uống thêm sáu chai Smirnoff. Đêm đó chúng tôi nhậu qua Skype.

– Thế… lên thăm tao nhé? – Khanh lè nhè trong lúc ôm cây guitar, búng búng sợi dây đàn nốt sol. Tôi biết là cô ấy không bao giờ đàn cho tử tế được. Cũng như tôi chẳng bao giờ thổi harmonica được bài nào khác ngoài “Grandfather’s clock.” Nhưng dù chuyển nhà hơn chục bận, lúc nào tôi cũng giữ cây Hohner Ocean Star bên cạnh. Nó phù phiếm thật đấy, tôi đặt hàng từ hẳn bên Đức, lúc nào cũng khoe khoang là nó hơn hẳn thứ hàng Yamaha 300 ngàn một cây. Điều đó hoàn toàn vớ vẩn và thiển cận, nhưng cũng như cây guitar đối với Khanh, nó nhắc tôi về những điều chưa bao giờ được hoàn thiện, những thứ chúng tôi đã bỏ ngang, nhưng vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Một cây harmonica của Đức khiến tôi cảm thấy một phần nào đó trong mình có thể đã trở thành nghệ sĩ thổi harmonica, và một ngày không xa, trước một quảng trường nào đó của nước Ý, tôi sẽ hồn nhiên tấu khúc nhạc réo rắt mua vui miễn phí cho người qua kẻ lại.

– Còn phải nói. Qua đó ổn định nhà cửa xong là lên thăm mày ngay.

– Chị em có nhau thế là tốt.

Nếu tóm tắt quan hệ giữa tôi và Khanh, nó chỉ đơn giản vài dòng thế này. Quen nhau từ cấp III. Không thân lắm. Giữa năm 11, Khanh đi du học và chứng minh sự ngẫu hứng điên cuồng vô trách nhiệm của mình bằng việc nhảy từ Finance sang Marketing sang Design rồi quay ngược lại Marketing, nhưng lại quyết tâm theo đuổi Fashion Photography. Còn tôi, tôi cũng chứng minh sự khó chịu và bảo thủ của mình bằng việc lên Facebook công khai chế giễu quyết định nghệ thuật của Khanh, bởi tôi cho rằng con bé chẳng có chút tài năng gì khả dĩ, nó chỉ đang bị đám bạn bè chụp choẹt này nọ dụ dỗ. Ba năm sau đó chúng tôi không nhìn mặt nhau. Năm 1 Đại học, tôi sang Mỹ, bắt đầu bằng ngành Communications, một thời gian sau lại nghĩ mình đang phí phạm tiền ba mẹ, thế là chuyển sang Accounting hy vọng sau này dễ kiếm việc ở lại, một thời gian sau nhận ra ba mẹ bỏ tiền ra không phải để mình chôn vùi cuộc đời một cách cay đắng với mấy con số, tôi quay ngược lại Communications. Ngày tôi chuyển xuống Dallas, Khanh lái xe qua nhà đón tôi đi chơi như chưa hề có gì xảy ra. Sau đó, mọi thứ cứ như vậy mà thành. Một hai lần, tôi vẫn lặp lại lời xin lỗi đối với Khanh.

Chúng tôi có một ước mơ. Đôi khi chúng tôi lại an ủi nhau, “Thôi ráng! Chả phải ai cũng may mắn mà có ước mơ như tụi mình.”

***

Khanh xuất hiện, tóc dài hơn xưa, lại còn xoăn lọn sóng. Cô ấy đúng là gầy đi nhiều, đủ gầy để mặc skinny jeans và giày converse màu xanh navy mà hai chân trông không giống hai khúc đùi gà. Thời tiết sang thu của New York mát mẻ kiểu thơ thới, và cái áo khoác kiểu quân đội của cô ấy ánh lên một màu xanh lá mạ kỳ quặc. Chúng tôi ôm nhau một cái không chặt lắm. Những lúc thế này, tôi cảm thấy mọi thứ đều không đủ, không chặt, không sâu. Cái sự thật là chúng tôi đang gặp nhau ở New York là một điều quá ngọt ngào và thơm phức mà không một cái bánh donut hay bagel nào có thể diễn tả được. Hãy lướt nhanh nhanh qua phần ôm ấp này thôi nào.

– Đói không? Ta có mua bagel cho mi – Khanh chìa ra một túi giấy màu nâu. – Xe bán bánh ngon nhứt khu Brooklyn đó.

– Mi đang ở Brooklyn hả?

– Ừ. Chừ về nhà ta hĩ? Tắm rửa chi chi miếng đã.

– Ừ. Xa không? – tôi vừa hỏi, vừa đưa tay cảm ơn một chiếc taxi nhường đường cho mình, trước khi kịp nhớ ra, à, đây là New York, làm vậy kỳ lắm.

– Subway một đoạn, thêm mấy block thôi. Tối còn đi đón con bé Anh.

– Sân bay mô rứa?

– Newark.

– À, hắn được nhận internship ở Zappos rồi đó.

-Tao biết rồi – Khanh cười hớn hở – Hắn sẽ chết vì sung sướng trong kho giày ở đó.

Kể ra cũng kì quặc khi Anh bắt đầu ước mơ mở công ty truyền thông quảng cáo của riêng mình từ một hãng giày. Nhưng Zappos không chỉ là một công ty giày; Zappos là một trong những hãng giày tuyệt nhất quả đất, nổi tiếng với huyền thoại tặng không cho nhân viên thử việc 4.000 đô-la để họ nghỉ việc nếu “cảm thấy nơi này không thích hợp với bạn” và yêu tất cả các vị trí từ trực điện thoại đến giám đốc phải học qua một khóa chăm sóc khách hàng. Kì quặc! Tôi có cảm giác là Anh đã bắt đầu ở đúng nơi. Mà nói gì thì nói, xin được internship ở công ty ngon lành như vậy là tốt rồi.

Nếu thế giới có ngày tận thế, tốt nhất nên là hôm nay, vì tôi đang nghĩ New York không thể chịu đựng được tất cả những sự tuyệt vời này. Tôi cũng gần như không thể chịu được nữa.

***

Quãng đường về nhà không đủ dài cho hàng tỉ từ ngữ kiểu con gái và mấy chiếc bánh bagel thực sự ngon. Tôi hít căng một lồng ngực đầy mùi New York, mùi của những bao rác ở trên đường, của những vũng nước, của khói từ nắp cống, mùi của những tiệm Starbucks và những chiếc xe hàng rong, của những viên gạch màu nâu đỏ cũ kỹ và những lề đường dính đầy bã kẹo cao su đen xì. Lần đầu tiên đến New York với người yêu cũ cách đây ba năm, khoảnh khắc rời khỏi New Jersey qua cầu vào thành phố, suy nghĩ đầu tiên hiện ra ngay khi ánh mắt tôi chạm nóc những tòa nhà chọc trời của khu Manhattan là “Đây đúng là nơi của Khanh.”

Lần đầu tiên đến Boston với những hàng cây xanh mướt, bầu không khí hiền hòa đầy mùi sách vở và hẳn một dòng sông, tôi cũng nghĩ như thế, “Đây đúng là nơi của mình.”

Tôi bắt đầu kể cho Khanh nghe về Boston, về nhà cửa đắt đỏ, mọi thứ đều sạch hơn New York. Hẳn một con sông. Nó khiến tôi nhớ đến Đà Nẵng.

– Mi không biết lần đầu đến New York, tao ghét nó như thế nào đâu. – tôi nói với Khanh trong lúc len lỏi trong tàu điện ngầm, ôm khư khư backpack chỉ sợ bị móc túi – Subway chật kín người, dơ bẩn, lộn xộn. Bồi bàn thì thô lỗ. 

Khanh gục gặc:

– Ừ thì đó là New York. Mi kể ta nghe hoài mà. Nhưng rốt cuộc mi không ghét nó. 

– Ừ, lúc đi khỏi đó, ta cũng thấy nó hay hay. Chắc nhờ mi. Cái cách mà mi yêu New York…

Cái cách mà Khanh yêu New York. Cô ấy yêu New York thậm chí trước cả khi có cơ hội đặt chân đến đó, và sau khi đã đặt chân đến đó, cô ấy nói rằng, “Chỉ cần được thả ra giữa lòng New York là đã thấy vui rồi.” Trong mắt tôi cách đây 4 năm, đó là một thứ tình yêu hoàn toàn vô nghĩa và phù phiếm. Sau đó tôi bắt đầu yêu một anh chàng qua mạng internet. Sau đó nữa, tôi phải lòng Boston ngay từ cái nhìn đầu tiên.

***

5

(Photo by Christian and Alex Benetel )

Studio của Khanh gợi tôi nhớ đến căn phòng của cô ấy ở Dallas, nhỏ, màu đỏ, tranh ảnh treo khắp nơi và hơi lộn xộn màu mè một chút. Mọi thứ trong này đều nhỏ nhắn theo kiểu rất tiết kiệm diện tích.

– Chỗ này bao nhiêu vậy? – tôi hỏi trong lúc mở cửa nhìn vào phòng tắm, vừa đủ cho một bồn tắm dài khoảng 1 mét, toilet và chậu rửa mặt bé tí xíu. Ai đó đã dán hình một bông hướng dương màu vàng rực khổng lồ lên tường. Phòng tắm không có cửa thông gió.

– 1200 đồng một tháng.

– Hừ, New York!

Giữa hàng mớ ảnh giăng mắc trong studio, chỉ có duy nhất một khung ảnh nhỏ trên bàn bỏ hình của Khanh và bạn trai. Một gã châu Á nào đấy, cũng chụp hình các kiểu.

–  Bạn trai mi có ở đây không? – tôi nói trong lúc săm soi bức ảnh hai bạn trẻ yêu nhau đang đứng ôm ấp với background hình đường chân trời thành phố bokeh nhòe nhoẹt. Cliché!

– Hắn về nhà thăm ba mẹ rồi. Rộng chỗ cho ba đứa ở đó, yên tâm.

Khanh rót cho tôi một cốc trà nóng thơm mùi hoa cúc lẫn hương bạc hà.

– Ta định pha café cho mi mà…

– Thôi khỏi, đợi bé Anh. Hắn pha café ngon nhứt.

– Ừ! Đúng rứa mà!

Ba đứa chúng tôi đi theo những con đường hoàn toàn khác nhau. Khanh tha thiết chụp ảnh thời trang, tôi chỉ muốn đi khắp nơi và viết lách, còn Anh sẽ mở một công ty truyền thông, nếu có thể, ở Việt Nam. Nhưng đó là những chuyện to tát của tương lai sau này. Hiện giờ chúng tôi chỉ giỏi những thứ vớ vẩn. Khanh làm bánh rất ngon. Một lần nọ tôi đã lái xe gần một tiếng đồng hồ chỉ để ăn bánh xèo Khanh chiên trong chảo chống dính. Tôi có thể nấu những món nhậu nhẹt linh tinh, kiểu như nếu có một con gà đi ngang qua thì chắc chắn tôi sẽ là đứa nhét gừng xắt lát, hành tây vào ruột con gà để luộc thịt. Còn bé Anh, nó chạy xe lòng vòng qua mấy khu chợ chỉ để tìm cho đúng loại coffee mate nó thích, và việc đó làm tôi phát cáu lên được (“Tại sao em không dùng sữa ông Thọ? Chợ Việt Nam nào chả có?!”)

Tôi dọn vào sống chung với bé Anh vào một ngày tháng Hai, một tuần sau khi chia tay người yêu, và đang lên cơn sốt khoảng 38, 39 độ C. Lúc ấy trong nhà tôi chẳng còn ai. Thế là buổi tối, tôi lái xe hơn một tiếng đồng hồ, qua hai ba lần kẹt xe, với cái đầu nóng bừng bừng và nhạc hip-hop bật tưng tưng trong xe để không ngủ gục. Đến nhà con bé, tôi chỉ kịp lăn lên giường và ngủ một giấc, mở mắt ra đã thấy một bát cháo thịt bò và một dĩa cam để bên cạnh. Câu đầu tiên cô bé nói với tôi là:

– Chị nhìn thê thảm quá, Nguyên ơi.

Và câu nói đó khiến tôi tỉnh lại. Giống hệt như mọi lần, khi tình yêu qua đi, chỉ còn những người bạn luôn ở lại kéo tôi dậy.

Sau những ngày tôi thất tình là đến những ngày bé Anh thất nghiệp. Con bé thất nghiệp vì tôi, trong lúc cao hứng hồi phục sau cơn sốt, đã buột miệng:

-Chị muốn đi đâu quá!

Ý tôi chỉ muốn nói đi ra hồ hay công viên, cùng lắm đi xem phim cho thả hết những cảm xúc còn sót lại trong người và bắt đầu một điều gì đó mới. Nhưng cô bé lại trả lời:

-Mình đi hồ Superior ở Michigan đi!

Superior là hồ lớn nhất nước Mỹ, nằm trong cụm ngũ hồ ở phía Đông Bắc, cách chỗ chúng tôi 20 tiếng lái xe liên tục. Đôi khi tôi vẫn nghĩ nhất định sẽ có một ngày mình đến đó, nhưng ngay tháng sau thì…Tôi nhìn cô bé, hỏi lại:

– Em chắc không?

– Ừ, đi thì đi thôi.

Nếu muốn bắt đầu điều gì đó mới, vì sao lại ra công viên trong khi bạn có thể lái xe lên miền Đông Bắc, đến hồ lớn nhất nước Mỹ (và thấy rằng bạn tuyệt vời hơn mình nghĩ. Đứng trước thiên nhiên, ban đầu người ta có thể thấy mình nhỏ bé. Nhưng khi thiên nhiên đi vào trong bạn, và bật mở chiếc khóa bị thành thị phong ấn bấy lâu, nó sẽ khiến nguồn thác bị lãng quên đó ào ạt tuôn ra. Có một phút, bạn và thiên nhiên sẽ hòa làm một. Đó là khi bạn biết mình tuyệt vời, và không một anh người yêu cũ hay bà sếp chết tiệt nào có thể đánh tan sự thật đó.)?

“Đi thì đi thôi.”

Chuyến đi hồ Superior buộc con bé phải nghỉ làm. Lúc Anh nghe tin ông chủ cho nghỉ hẳn, nó chỉ nói, “Việc làm lúc nào chẳng có. Còn đi chơi không phải lúc nào cũng đi được.”

Đó có lẽ là một trong những chuyến đi vui nhất tôi và bé Anh từng có. Những ngày sau đó là những ngày thất nghiệp thê thảm nhất chúng tôi từng biết. Có những hôm cả hai đứa chỉ ăn một gói mì. Hai đứa con gái và một gói mì, mót vét hết tất cả rau cỏ đồ khô còn sót lại trong nhà. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi thiếu café.

Có một đêm chúng tôi đã uống café và gặm trái táo xanh cuối cùng còn sót lại đến tận sáng, thức xuyên đêm để có thể đi đón bình minh ngoài hồ. Một lần khác, chúng tôi lén lút mang hai lon nước trái cây có cồn, dâu tây và whipping cream, cũng lại ra hồ ngồi ngắm siêu mặt trăng. Siêu mặt trăng bé tẹo, trông còn thua cả trăng trung thu. Tôi nói như thế trong lúc nhòm nhòm xuống mặt nước, chỉ sợ thủy quái Kraken xông lên.

– Nhưng mà đây vẫn là lần đầu tiên em ngắm trăng ngoài hồ. Rứa là được rồi. – con bé nói.

Ngay lúc đó, có một vì sao băng vút ngang qua bầu trời; tôi vội la lên:

– Sao băng kìa? Thấy không? Thấy không? Ước nhanh nhanh đi!

-Em có thấy gì đâu.

Tôi quên mất rằng đôi mắt của bé Anh mắc một chứng bệnh kì quặc gì đó, khiến nó hoàn toàn không thể nhìn thấy gì trong bóng tối. Mỗi lần đi xem phim trong rạp tối bưng, kiểu gì tôi hoặc Khanh cũng phải nắm tay nó dẫn đi. Thậm chí ngay cả một bầu trời đầy sao, nó cũng không nhìn nổi, lấy gì chứng kiến sao băng. Không biết bao nhiêu lần vào những đêm mưa, con bé lái xe leo lên lề hoặc lấn sang làn đường khác, tông vào chỗ này chỗ kia. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó khóc.

-Em muốn được nhìn thấy sao băng quá! – con bé thở dài. Nhẹ thôi.

Tôi ngồi xuống và bắt đầu nghĩ nghĩ. Ánh trăng buông một dải bạc loang loáng trên mặt hồ như sữa đổ. Con bé có thể không bao giờ nhìn thấy sao băng, nhưng tôi tin rằng những điều ước của nó sẽ thành sự thực. Có hàng tỉ người từng thấy sao băng, nhưng đâu phải tất cả họ đều biết mình muốn gì. Con bé thì có, và như thế là được nửa đường rồi.

***

Cốc trà trên tay tôi đã nguội, trong lúc tôi kể cho Khanh nghe về những điều mới mẻ ở Boston và những gì tôi đã bỏ lại ở Dallas, lắng nghe Khanh kể về cuộc sống ở New York. Cô bạn thật ra chỉ chụp hình mỗi cuối tuần, ngày thường đi làm ở một công ty quảng cáo.

-Tao vẫn chưa kiếm sống bằng fashion photography được mi nợ. – Khanh chậc lưỡi.

-Ha, thì tao vẫn vay tiền bố mẹ để học thạc sĩ này.

-Tưởng có học bổng?

-Vẫn còn ăn ở và vài thứ linh tinh khác nữa.

-We are totally losers. Haha!

-Còn bé Anh thì phải đi làm cho một hãng giày. Một hãng giày cơ đấy! Mi nhớ cái kệ giày của hắn không? – tôi nói.

-Ai mà không nhớ! Nhiều chóng mặt! Nó mở nguyên một tiệm giày cũng được.

-Đúng là quả báo mà! Ta xin mãi đôi giày oxford của nó mà nó không cho.

-Không biết nó có discount giày Zappos cho ta với mi không…Tụi mình nghèo quá mạng luôn.

Chúng tôi bò lăn ra cười, vì biết rõ hơn bất kỳ ai hết chúng tôi không phải là “loser.” Nhưng cái đích chúng tôi muốn đến còn xa lắm, xa xa lắm.

Khanh mang cốc trà của tôi đi rửa và úp lên giá để chén bát nhỏ xíu, rồi cô quay sang hỏi tôi:

-Đi đón con bé nhỉ?!

-Sớm vậy?

– Sớm gì! Đi subway cũng 90 phút.

-Cái gì? Sao không đi cab? Điên sao ngồi subway 90 phút hả? – tôi giãy nãy. Nói gì thì nói, tôi vẫn ghét tàu điện ngầm ở New York.

-Đi cab đắt lắm má! Với lại nhiều cab không chịu chạy qua New Jersey, traffic tởm lắm.

-Chứ không còn cách nào nhanh hơn hả?

-Nhưng mà đi subway rẻ, có 9 đồng thôi. Lát về có con bé rồi ta cho mi đi Amtrak.

-Nhưng mà 90 phút…

-Để dành tiền đi! – Khanh ngắt lời – New York còn nhiều dịp cho mi xài tiền!

Chúng tôi đến sân bay Newark sau hai tiếng đồng hồ đi tàu điện ngầm và chạy loanh quanh tìm cổng đón, dừng lại ở trạm mà Anh sẽ ra. Tôi nhìn những ngón tay sơn đen của Khanh, cô ấy luôn sơn đen như thế, cả cái áo khoác Topshop kiểu military và đôi giày converse màu xanh navy. Cô ấy khác tôi quá.

Và từ đằng xa kia, bé Anh đang kéo suitcase đi tới, tay vẫy điên cuồng trong không khí. Áo sơ mi cổ đinh tán, blazer đen, váy bút chì màu đen, và mái tóc đinh nhuộm đỏ mà ngày xưa con bé từng nói, “Nếu em cắt kiểu này thì mẹ em giết em chết!”

Tôi có hai đứa bạn thực sự khác mình. Và bạn biết sao không, có một quãng thời gian trong đời, nếu đủ may mắn bạn sẽ hiểu vì sao người ta nói bạn bè là gia đình thứ hai. Ba mẹ cho bạn một gia đình và chăm sóc bạn, con cái cho bạn một gia đình mà ở đó, bạn sẽ chăm nom chúng nó. Ở một khoảng nào đó nằm giữa hai mút trên, bạn sẽ gặp một vài người, họ mua cháo cho bạn khi sốt cao, vay tiền của bạn lúc túng quẫn, cố gắng gặp bạn chỉ để cho vui… Đó là một kiểu gia đình bạn sẽ có, một kiểu gia đình chuyển-tiếp, để bạn có thể làm quen với việc rời khỏi mái nhà với ba mẹ, và một ngày nào đó sẽ tự dựng lên một gia đình của riêng mình. Họ không chăm sóc cho bạn, bạn cũng không làm gì được cho họ. Nhưng khác với ba mẹ và con cái – những người bạn không thể lựa chọn, bạn thân là những người duy nhất bạn có thể. Nó cũng giống như việc khi còn trẻ ta hay có biệt danh vậy. Này thì những Yuki, Múp, Annabelle, Billy,… những biệt danh đó có thể không theo ta suốt một đời, và người khác hay chê bai, “Người Việt mà cứ lấy tên tây tên tàu.”  Nhưng ở một thời điểm nhất định, ta có nhu cầu tự chọn một điều gắn bó cho riêng mình. Ta không thể thay đổi cái tên trên giấy khai sinh, thế nên ta chọn một biệt danh. Và biệt danh đó, Tây hay Tàu, kéo dài hay không, tốt nhất vẫn nên có. Biệt danh và bạn thân, đó là hai thứ nằm trong số hiếm hoi những thứ quan trọng mà ta có thể chủ động lựa chọn trong cuộc đời mình.

Chúng tôi sẽ bắt chuyến Amtrak 22 phút và đi tàu điện ngầm vài chục phút nữa về căn studio bé xíu của Khanh ở Brooklyn. Trên đường đi, chúng tôi sẽ tạt vào một tiệm Walgreen nào đó và mua một chai champaigne cùng với một bộ ly thủy tinh cao rẻ tiền. Chúng tôi sẽ leo lên mái nhà, khệ nệ mang theo chảo mì xào thịt bò cà chua và mấy con tôm hấp hành sốt mayonnaise và tương ớt Sriracha, cụng champaigne và nghe Khanh huyên thuyên kể về việc cô ấy và thằng bạn trai gốc Việt vẫn hay leo lên đây ngắm thành phố lấp lánh như thế nào. Lần Skype cuối cùng, tôi nghe bé Anh kể về một anh chàng trong công ty mời nó đi ăn ở một nhà hàng hải sản. Con bé dứt khoát, “Luật của em là không hẹn hò với đồng nghiệp, chẳng qua crawfish chỗ đó ngon quá.” Tôi sẽ hỏi con bé và thằng kia đã làm gì rồi. Đồng nghiệp thì đồng nghiệp chứ. Tôi biết nó quá còn gì.

Khoảnh khắc ôm bé Anh vào lòng, cùng với Khanh giữa sân bay Newark; tôi biết New York (hay New Jersey?) đang chứng kiến một điều kì diệu. Có thể 7 tỉ trừ 3 người trên thế giới này hoàn toàn không quan tâm đến điều đó, và không cảm thấy một tí xung động gì trong nhịp đứt gãy của mặt đất. Nhưng với chúng tôi, sau những đêm dài ngồi an ủi nhau, “Thôi ráng! Chả phải ai cũng may mắn mà có ước mơ như tụi mình”, chúng tôi là những điều kỳ diệu đang xảy ra ở New York.

***

Trên Amtrak về phía Manhattan.

Tôi quay sang quát bé Anh:

-Con kia, cứ chúi mũi vào iPad vậy?

-Ha, có cái này hay lắm nè chị.

Con bé chuyển iPad sang cho tôi và Khanh xem một đoạn youtube của ba đứa nhỏ nào đó lên Niagara Falls chơi. Ba con bé châu Á đứng hò hét nhảy múa cạnh dòng thác tung mình sủi bọt, mãi cho đến lúc có vài người mặc đồng phục đến hỏi. Chúng nó chuyển sang nói bằng thứ tiếng Anh châu Á mới sang, điều gì đó đại loại như “We no know English. We no understand you say what.” Cái mánh này được xài nhiều gớm! Lợi thế của da vàng. Mắt chúng nó hơi đỏ, chắc đêm trước vừa hút weed. Tôi bật cười:

-Nhớ hồi tụi mình uống beer ngoài hồ bị phát hiện không?

-Nhớ nhớ! – bé Anh nói – “We no know rule. Why no beer?” Lần đó hên mà thoát.

-Chắc mấy ông bảo vệ dễ tính đó mà.

-Thiệt không?

-Thì mấy ổng cũng phải có lúc trẻ chứ.

Khanh có vẻ không để ý đến cuộc trò chuyện của chúng tôi. Cô ấy đang xem gì đó trong đoạn clip, và bảo chúng tôi xem cùng. Hóa ra là description. Chỉ vài dòng ngắn ngủi.

“No, we didn’t do drug. Believe it or not, we cried. Finally, we made it to Niagara Fall.”

-Ba con điên này! Ta cá là chúng nó hút weed chứ khóc khóc cái gì – tôi buột miệng.

Khanh gục gặc đồng ý, rồi bỗng nhiên cô nói:

-Mấy con nhỏ ni làm ta ham đi quá. Mai lái xe đi Niagara Fall luôn không?

Tôi còn chưa biết phản ứng thế nào thì bé Anh đã trả lời:

-Ừ! Đi thì đi thôi.

Chúng tôi bật cười. Tôi cầm chiếc iPad từ tay Khanh, chuẩn bị tìm thông tin. Lần nào đi chơi cũng vậy, Khanh sẽ là người (ngẫu hứng) nghĩ ra thứ gì đó, tôi tìm thông tin và bé Anh sắp xếp mọi thứ. Tôi nhấn nút đóng app Youtube, định chuyển sang app Google, xem thử đường đi và giá vé thế nào. Ngay trước lúc đó, mắt tôi chạm vào một dòng hashtag (thứ tôi ghét nhất trên đời) nằm trong description của đoạn clip.

#Jeeh Nguyen, #Ivy Le, #Rin Lam, #Finally@NiagaraFall.

Ba con bé đó, chúng nó hẳn đang tìm cách đi thật nhiều nơi khác và làm nhiều điều khác, như chúng tôi đã và đang làm. Này, ba cô bé hút weed ở thác Niagara Fall, “đi thì đi thôi.” Thế nhé.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Truyện Viet

10 Comments

  1. woa!! đây là lần đầu em vào web của chị và đọc bài chị viết!! Thật là ngưỡng mộ chị quá, em cũng đang cố gắng để viết được những bài viết chân thực và có cảm xúc như thế này, chị cho em làm quen nhé!!!

  2. “Này, ba cô bé hút weed ở thác Niagara Fall, “đi thì đi thôi.” Thế nhé.”

  3. asecretwind asecretwind

    Mình thấy bạn viết lấy xe Greyhound. Vậy bạn có ở Canada không ? Hay chỉ ở Mỹ thôi. Vì ở Canada có chuyến xe chạy từ Toronto qua New York. Mình ở Canada – nên bâng quơ nghĩ không biết bạn ở đâu 🙂

    • Mình ở Dallas, TX bạn à 😀

  4. Hi! It’s the first time I’ve read one of your stories (category: truyen). I’m quite into it: it’s real, cutting edge, emotional, inspirational and of free style. On the other hand, though I know that people living abroad do speak a mixture of English and Vietnamese; I find it annoying when English appears in telling sentences  Secondly, I have a feeling that the story has an “American culture”, which prevents me from staying with it: I don’t get some of the things mentioned. (and that’s why I write my com in Eng). In brief, I love your writing, but prefer the pieces under cat “Lan man”.
    P/S: What does “thơ thới” mean?

    • Hi. This story is my new experience. I once promised to myself to keep pure Vietnamese in my stories (if you have time, please try my other writings to check that :P). But time goes by, and sadly it has become a barrier blocking my inspiration (just imagine in my mind it is “Tôi đi bộ 5 block!”, but I have to pause 5 seconds and rewrite into “Tôi đi bộ qua 5 dãy nhà!”) My thought is no more in pure Vietnamese.

      This is the very first story I let myself free and give this mixed language a try. I’m aware of the fact that it could ruin readers’ feeling. But after such a long time being not able to write anything due to that language limiting block, loosing a little bit is the only way for me to write again 🙂 Hope one day I can write properly with only Vietnamese, but for now, I gotta get back the joy of writing first.

      Nevertheless, I apologize for not being able to write smoothly in Vietnamese. I’m really sorry 🙂

      • Thank you for making it clear! To me, you are a very promising writer and I’m really looking forward to your future creations 🙂 Can you please answer my P/S? (Sorry if it’s annoying, I just always love to learn the meaning of words.)

        • Haha. Sorry, I forgot that. “Thơ thới” means “thư thái”, but sounds younger and freer, like you are taking a walk along a river bank just for fun. Do you think the word “thư thái” sounds too serious, like an old man drinking hot tea in a teapot, with a bird cage in front of him?

          • :)) It’s so hard to comment, thank you!

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: