Skip to content →

Nghệ thuật lại khá vô dụng | All art is quite useless – Oscar Wilde

Lời tựa mở đầu tiểu thuyết “Bức tranh của Dorian Gray”

Nghệ sĩ là người sáng tạo nên những cái đẹp. Khơi mở nghệ thuật và ẩn che nghệ sĩ chính là mục tiêu của tự thân nghệ thuật. Kẻ phê bình là người có thể chuyển tải ấn tượng của mình về những cái đẹp theo một lối khác hoặc bằng một chất liệu khác.

Phê bình, dù khen hay chê, thực chất chính là một dạng tự truyện. Kẻ tìm thấy những ý nghĩa xấu trong những cái đẹp vốn là kẻ đã tàn rữa không chút phấn hương. Đó là một sai lầm.

Kẻ tìm thấy những ý nghĩa đẹp trong những cái đẹp, đó là người đã được trau dưỡng. Và hy vọng ở lại với những người ấy. Họ là những người đã được tinh chọn, mà với họ, những cái đẹp chỉ đơn thuần là cái đẹp.

Không bao giờ tồn tại thứ gọi là sách có đạo đức và vô đạo đức. Chỉ có sách viết tốt, hoặc viết tồi. Chỉ có thế mà thôi.

Thế kỷ 19 ghét bỏ chủ nghĩa hiện thực, chẳng qua cũng giống như Caliban (1) tức giận khi thấy mặt mình trong gương.

Thế kỷ 19 ghét bỏ chủ nghĩa lãng mạn, đấy cũng là Caliban tức giận vì không thấy mặt mình trong gương. Đời sống đạo đức của một người quả có phần nào hình thành nên chủ đề cho người viết, nhưng đạo đức của nghệ thuật lại chỉ được cấu thành bởi việc sử dụng hoàn hảo một phương tiện không hoàn hảo. Người nghệ sĩ không muốn chứng minh bất kỳ điều gì. Kể cả những điều có thật và có thể chứng minh. Người nghệ sĩ không sở hữu những cảm thông luân lý. Một cảm thông luân lý tồn tại nơi nghệ sĩ là một lề thói kiểu cách không dung thứ được. Chẳng có nghệ sĩ nào bệnh hoạn như thế. Người nghệ sĩ có thể nói lên mọi thứ. Đối với họ, ý nghĩ và ngôn ngữ là phương tiện, thói hư và phẩm hạnh là chất liệu. Từ góc nhìn của hình thức, mọi loại hình nghệ thuật đều là nghệ thuật của nhà soạn nhạc. Từ góc nhìn của cảm xúc, nó là kỹ nghệ của một diễn viên. Tất cả nghệ thuật là bề mặt, đồng thời là biểu tượng.  Đào sâu xuống dưới bề mặt đó là một việc liều lĩnh. Đọc những biểu tượng đó là một thứ hiểm nguy. Nghệ thuật là tấm gương, không phải với đời mà với chính người thưởng lãm. Ý kiến đa chiều về một tác phẩm cho thấy sự mới mẻ, phức tạp và cần thiết của tác phẩm đó. Khi bất đồng với những kẻ phê bình, người nghệ sĩ đang thấu cảm với chính mình. Chúng ta có thể tha thứ cho người nào đã tạo ra một thứ hữu ích, miễn là anh ta đừng ngưỡng mộ nó. Lí do duy nhất cho việc làm nên một thứ vô dụng là vì có ai đó ngưỡng mộ nó điên cuồng.

Nghệ thuật lại khá vô dụng.

Δ

Rio: Mình đã đọc lời đề tựa của “The Picture of Dorian Gray” từ lâu; nhưng mãi đến hôm nay mình mới chịu đọc tiểu thuyết này; và bây giờ mới dám dịch lại. Bản dịch còn nhiều hạn chế, có gì các bạn góp ý nhé.

Một chút thông tin về Oscar Wilde có lẽ sẽ giúp các bạn hiểu rõ Lời tựa này. Oscar Wilde là người theo chủ nghĩa nghệ thuật vị nghệ thuật; ông quan niệm một tác phẩm nghệ thuật là để truyền tải Cái Đẹp (Aesthetics) thay vì Luân lý (Ethics). Bên cạnh đó, ông tôn thờ tự do tuyệt đối, điều đi ngược lại với tính khe khắc của xã hội thời kỳ Victoria. Trong quan niệm của Oscar Wilde, để tiến lên cần phải có trải nghiệm; vì thế nên sai lầm và tội lỗi (hay nói một cách khác, những thứ bị quy luật xã hội cấm) là cần thiết để phát triển con người cá nhân.

Oscar Wilde, ở một mặt khác, lại là người kì quặc, ích kỷ, vị kỷ, khó ưa – và mình đang nói những chữ này theo nghĩa thông thường của luân lý đạo đức – một thứ rất xa lạ đối với ông. Ông “ngang nhiên” dùng ý tưởng của người khác để tạo nên tác phẩm của mình, và khi bị buộc tội “đạo văn”, ông cũng “ngang nhiên” phản pháo rằng, mấy lời buộc tội đó “hoặc là xuất phát từ mấy cặp môi mỏng lét nhợt nhạt thiếu sinh khí, hoặc từ mấy cái miệng méo mó của những kẻ nghèo kiết xác nhưng lại thích nghĩ là mình có thể kiếm chác chút danh tiếng giàu có nhờ vào việc la làng ăn cắp.” (2)

Điều gì đúng với riêng ông, ông cũng cho rằng nó đúng với cả thế giới; và thế là ông sáng tạo ra một hình mẫu quý ông, mà Richard Ellman đã gọi đùa là “quý ông kì bí của Oscar Wilde” (3) “Tôi ghét cảnh vật. Một quý ông không bao giờ nhìn ra ngoài cửa sổ”, ông viết như thế; thay vì “Tôi không bao giờ nhìn ra ngoài cửa sổ.” Chuyện này thật khiến mình nghĩ đến Barney Stinson và  quyển sách Brocode của anh ấy (4). Những người đàn ông gia trưởng một cách kì quặc kể ra cũng khá sexy.

Chính vì những đặc điểm như vậy mà bất kỳ điều gì cũ vào tay Oscar Wilde cũng được thay da đổi thịt. Ông có thể vay mượn từ Plato, Aristotle, đến Hegel, đến Ruskin; nhưng ông dùng chính quan điểm độc đáo mới mẻ của mình để thổi một sức sống mới vào trong những quan điểm hoặc ý niệm xưa cũ ấy.

ΔΔΔ

Chú thích

(1): Caliban là một trong những nhân vật phản diện chính, xuất hiện trong vở kịch The Tempest của William Shakespeare

(2): Nguyên văn: “…proceed either from the thin colourless lips of impotence, or from the grotesque mouths of those who, possessing nothing of their own, fancy that they can gain a reputation for wealth by crying out that they have been robbed”

(3): Nguyên văn: his mythological gentleman

(4): Nhân vật Barney Stinson trong serie “How I Met Your Mother”, luôn tự lập ra những quy định và luật lệ kì quặc và mặc nhiên xem đó là đúng, không cần chứng minh.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Ghi Chép Translations Viet

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: