Skip to content →

Bóng hoa

(Photo: Zi Nguyen)

À ơi…

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay

Trong xóm có một thằng khùng thích ngồi xe lăn. Gọi nó khùng vì lâu nay nó đã khùng, ai cũng biết. Còn chuyện cái xe lăn thì li kỳ hơn. Một ngày đẹp trời nó đẩy ở đâu về chiếc xe lăn bong bóc tróc lở, người lấm lem đầy cát và máu, mắt sáng rỡ, miệng cười hềnh hệch nhễu nhão nước dãi. Người ác tâm bảo nó đánh nhau với thằng què nào nên giành được chiếc xe. Nó chẳng màng, hì hụi mượn đồ của thằng sửa xe đầu xóm để lắp lại cái bánh xe trật chìa. Thằng khùng lâu nay tính lành, thằng sửa xe thấy thương nên cho ượn, với điều kiện phải sửa tại chỗ.

Sửa chiếc xe lăn xong, từ đó người ta không thấy thằng khùng đứng bao giờ nữa. Nó chỉ ngồi trên chiếc xe, miệt mài quay bánh cho lăn đi. Đoạn đường có chút xíu, nó lăn cả chục phút mới xong. Lúc đầu không quen người ta còn len lén nhìn theo, thủ thỉ đúng là đồ khùng, đi chân không đi lại ngồi xe lăn. Riết rồi chẳng ai để ý đến cái âm thanh của bánh kim loại nghiến trên đường bê tông nữa. Có hôm thằng sửa xe cắc cớ hỏi nguyên do, thằng khùng cười hềnh hệch, lãi dãi chảy nước bọt.

“Vui mà!”

Thằng sửa xe nhún vai không nói gì thêm nữa. Tưởng thằng khùng trình bày lí lẽ gì thì nó còn hiểu, chứ nói kiểu vui mà, thì đời này có thứ gì là không vui?

Thằng khùng là con của bà Minh Hoa, bà này thì giàu kinh khủng, giàu đến mức đã bỏ luôn căn nhà ở xóm công nhân viên chức nhỏ xíu này để chuyển đến một căn hộ hạng sang trên cao với chồng và một thằng con trai khác, em của thằng khùng. Ở trên cao thì nguy hiểm cho thằng khùng quá, nên bà ấy để nó lại đây. Hàng xóm kháo nhau chẳng biết là nguy hiểm cho ai, khi mà khách khứa đại gia lâu lâu đến nhà bà chơi lại có một thằng trở tính trở nết chạy ra cởi quần cởi áo, phơi một vài thứ không nhất thiết phải phơi, uốn éo múa vũ điệu sơn nữ. Nó sống một mình trong căn nhà vừa phải, mỗi ngày có người đến đưa cơm cho ăn, quần áo mỗi tháng một bộ mới, tiền bạc hình như cũng có, dù không ai rõ bao nhiêu. Thấy nó khùng vậy thôi, chứ nó dễ có đồ mới hơn người khác. Người thu nhập bình thường trong cái xóm này, ai dám một tháng một bộ quần áo. Khùng mà hơn người thường.

Đều đặn mỗi ngày thằng khùng lăn xe tới lui đầu xóm cuối xóm. Cái đầu nó rướn cao cao, miệng đớp đớp không khí, đôi tay dài ngoằng chà xát trên vành bánh xe, đen đúa rớp ráp những bụi đường. Thỉnh thoảng nó dừng lại, bứt một cái lá cây, hay một bông hoa, hay nhặt một que củi, hay bất kỳ thứ gì chẳng có quy tắc gì ráo, bỏ vào một bọc vải đính kim sa, cũng không ai biết từ đâu mà có. Hắn nâng niu bọc vải đính kim sa như một túi bảo bối. Xóm nhỏ nên lành, chưa có thằng rỗi hơn nào ra chọc phá thằng khùng, giựt túi bảo bối của nó. Mà thật ra, cũng không biết là vì lành, hay vì sợ bà Minh Hoa. Mẹ nào chẳng thương con, không thương thì gởi tiền gởi áo xuống làm gì. Tiền của bà cũng đủ càn quét nhà nào vô phước đụng đến thằng khùng.

Và thế là thằng khùng sống trong cô đơn, cô đơn đến rợn người. Chẳng ai khinh mà cũng chẳng ai trọng, chẳng ai sợ mà cũng chẳng ai thương. Nó thua người ta ở trí tuệ mà lại hơn người ta ở vật chất, chừng đó là đủ lí do để nó rơi vào một khoảng không lưng chừng, ở đó, con người quăng vào tất cả những sinh vật mà họ không phân loại được, không biết xếp vào ô ghen tị hay kính nể, thương yêu hay thù hận. Phải chi nó khùng mà nó đừng có áo mới mỗi tháng, lê lết vỉa hè ngửa tay xin vài đồng lẻ của thiên hạ, nó đã được người ta thương hại hơn nhiều.

Nhưng thằng khùng có bao giờ biết. Nó khùng đủ để mặc kệ xóm nhỏ và sự đời.

Một ngày nọ, trong xóm xuất hiện thằng bóng.

Thằng bóng thuê phòng trọ tầng hai của bà Bảy đầu ngỏ. Nhìn điệu bộ là biết ngay nó bóng, móng tay sơn đen dài chuốt nhọn, mắt đánh eyeshadow nhũ màu xám tro. Mà công nhận đôi mắt nó sâu, sâu hun hút lại còn ướt. Ngày đầu tiên nó đến, dáng đi nhẹ nhàng hơi lả lướt của nó đập vào mặt thằng sửa xe, kéo miệng thằng sửa xe thành một đường bĩu môi mỏng lét, nếp nhăn dồn ứ về khóe miệng. Thằng bóng khẽ khàng kéo chiếc vali nhàu nhĩ vào nhà bà Bảy, quần jean bó sát ních căng cặp mông bự.

Xóm nhỏ này vốn là nơi ngụ cư của công nhân viên chức thức thời, sáng ngồi cafe đọc báo, tối mở web đọc tin; nên chẳng ai lạ gì chuyện bóng bẩy này nọ, cũng chẳng có thái độ rõ ràng nào. Từ khi thằng bóng về ở, lớp sương mù trên mặt họ càng dày đặc, mờ mờ ẩn ẩn những nụ cười không rõ ý, những ánh mắt không biết là sợ hãi, cảm thông, vô tâm, hay kinh tởm. Chừng như đã quen với việc đó, thằng bóng cũng không tỏ vẻ gì nhiều. Mặt nó cũng có một lớp sương phủ lên. Nó nói chuyện với mọi người, một cách xã giao vừa phải, bằng kiểu nhỏ nhẹ, phần nào ém đi cái chất lả lướt trong giọng nói. Nó chẳng ngại gì, nó chỉ không muốn người ta ngại. Cái không muốn vừa kiêu ngạo, vừa tự ti; của một kẻ không đứng trên nhưng đứng ngoài một cái chuồng. Tiếc là mặt đất nào cũng bằng phẳng và cũng dơ.

Lần đầu tiên thằng bóng và thằng khùng gặp nhau là ở tiệm tạp hóa của chị Ngọc. Hết thuốc, thằng bóng vét vài đồng lẻ trong túi đi mua mấy điếu con mèo. Chị Ngọc môi đỏ hoe hoét, nói đon đả, “Thêm 500 nữa lấy 5 điếu luôn đi em.” Thằng bóng cười bẽn lẽn, lắc đầu. “500 em cũng chẳng có chị ơi.” “Chị tưởng em cũng xông xênh mà. Em…” Chị Ngọc nói lướt nhanh, câu chữ vấp váp xô vào nhau rồi chựng lại. Chị ta luống cuống quay vào phía cái tủ lấy ra vài điếu thuốc. Thằng bóng nói chuyện ơ hờ, nói vừa như không, vừa như để trả lời:

“Làm thiết kế như em thì có lúc có tiền, có lúc không, tùy khách tùy mùa chị ơi.”

Chị vẫn luống cuống, không biết nó có chơi chữ gì không. Khách với mùa. Thằng bóng nhún vai chẳng biết nói gì hơn, rồi bỗng nó giật bắn mình. Từ phía sau có một cánh tay chìa về phía hai người, trong lòng bàn tay nhăn nhúm là một tờ 500 đồng nhăn nhúm bạc phếch. Nó quay lại và thấy thằng khùng. Ấn tượng đầu tiên có được là thằng khùng này không cười hềnh hệch ngu ngơ như những thằng khùng khác nó hay đọc trong tiểu thuyết. Khuôn mặt vuông cạnh bọc lấy đôi mắt to dài và cặp môi ngậm chặt. Tờ 500 cười hiền hậu nằm gọn ghẽ trong lòng bàn tay nó như một hạt mầm trên tay anh nông dân cả đời không lừa nổi ai một câu. Thằng bóng nhìn lên khuôn mặt thằng khùng, nhìn xuống lòng bàn tay nó, rồi lại nhìn lên, rồi lại nhìn xuống. Cuối cùng, nó cầm lấy tờ 500.

– Mượn nha. Hồi nào có tiền mình trả.

Đôi môi bạc phếch của thằng bóng lúng búng phun ra từng chữ, bàn tay gầy guộc hằn gân xanh chạy túa ra nắm chặt vài điếu con mèo. Nó quay sang hỏi thằng khùng:

– Biết hút không?

Thằng khùng nghiêm nghị lắc đầu.

– Vậy để mình dạy cho.

Thằng khùng gục gặc, tay chỉ về phía nhà nó. Thằng bóng gật đầu, nó đẩy chiếc xe lăn của thằng khùng ra khỏi tiệm tạp hóa. Đằng sau hai thằng là bà Ngọc miệng đỏ son hoe hoét, tay chộp lấy xấp giấy vàng mã và quẹt lửa, đốt cháy phừng phừng rồi hua hua thành những vòng bán nguyệt quái dị.

Hai thằng không biết chuyện ở sau lưng, mải miết lăn về phía ngôi nhà của thằng khùng. Một lúc sau, mặt trời đổ bóng cam lừ óng ánh xuống con hẻm nhỏ. Trước cánh cổng màu trắng tróc sơn nham nhở có hai bóng người đen thẫm gầy guộc, một ngồi chồm hổm, một ngồi trên xe lăn, ngả nghiêng trên nền xi măng xám trắng. Hai dải khói thuốc song song bay lên trời cao, rồi tan loãng ra.

————-

Từ ngày đó, hai thằng bạn hay chung tiền mua thuốc ở quán chị Ngọc môi đỏ. Có khi là hai đứa cùng mua, có khi là mình thằng bóng; nhưng lần nào cũng để lại sau lưng tụi nó những đốm lửa đuổi phong long uốn lượn. Có lẽ tụi nó cũng không biết. Chưa có lần nào tụi nó ngoảnh đầu lại nhìn.

Thằng bóng làm ở một công ty thiết kế quảng cáo tẹp nhẹp cách nhà trọ 1 tiếng đi bus, đôi khi nó nhận một vài hợp đồng nhỏ hoặc commission online để kiếm thêm, thế nên nó ở nhà cũng nhiều. Những buổi chiều quẩn quanh mua thuốc lá chị Ngọc, những đêm cửa sổ nó sáng đèn đến sáng, riết rồi cũng gạt đi những lởn vởn trong đầu đám hàng xóm công chức trí thức. Người ta cứ đơn giản mà suy ra, buổi tối phòng nó sáng đèn nghĩa là nó không đi khách. Cuộc đời đơn giản như vậy đó.

Một ngày đầu tháng, trong lúc hai thằng đang ngồi hút thuốc và gặm ổi chấm muối ớt trước cổng nhà thằng khùng, thằng khùng hớn hở móc túi xòe ra vài tờ tiền mệnh giá to. Mẹ nó lại mới sai người mang tiền đến cho nó sáng nay. Những tờ polyme cáu cạnh vuông vức, ửng nắng tươi màu. Thằng bóng nhìn mớ tiền trên tay thằng khùng, rồi nhìn lên khuôn mặt chân chất màu đất của thằng bạn. Mắt nó sáng rỡ dưới lớp eyeshadow đen thẫm. Nó hỏi thằng khùng một vài câu, thằng khùng mau mắn gật đầu, lăn xe vào nhà và trở ra với một con heo đất màu đỏ son thếp nhũ vàng kim, kiểu những năm 90 cũ kỹ. Nó đưa con heo cho thằng bóng bằng cả hai tay, nhưng thằng bóng lắc đầu. “Mày làm đi. Của mày mà.”

Thằng khùng ngần ngừ một lúc. Nó nhìn con heo đất son đỏ trên tay, ánh mắt trìu mến như một cô bé ngắm chú gấu bông ôm khi ngủ. Rồi nó mím chặt môi, mắt nhắm nghiền, thả rơi con heo xuống nền xi măng. Con heo vỡ tan thành thành những mảnh vụn đỏ đất, lẫn trong đó là những tờ tiền đủ mệnh giá cộm lên. Thằng bóng cúi xuống gom hết tiền lại, vuốt thẳng nếp, xếp thành một xấp, rồi thoăn thoắt đếm. Tròn 7 triệu, số tiền thằng khùng gom từ những khoản trợ cấp vô hạn của bà mẹ xa xôi. Nó đút trọn nắm tiền vào túi quần, nói với thằng khùng,

“Để đó tao.”

Ngày hôm sau, thằng bóng rời nhà từ lúc sớm. Nó trở về với một vài chiếc túi nặng trĩu trên tay. Nó dừng chân trước cổng nhà thằng khùng, bấm chuông cửa và kiên nhẫn đợi. Cánh cổng xịch mở, thằng khùng hiện ra sau khe hở bằng điệu bộ háo hức. Nó giơ hai tay ra, kiểu đã biết trước thằng bóng sẽ làm gì. Nó tuồn mớ túi qua cửa cho thằng khùng.

“Tao mua hết tiền của mày rồi. Bữa rày đừng mặc ba cái đồ vớ vẩn kia nữa. Hiểu chưa?”

Thằng khùng mau mắn gật đầu. Vẫn háo hức. Háo hức như đứa trẻ đợi mẹ đi chợ về có quà. Háo hức đến mức làm thằng bóng phải bật cười. Nó cười thành tiếng ha hả, vừa cười vừa lảm nhảm.

“Tao bó tay mày rồi.”

Phía bên kia cổng, thằng khùng nhìn bạn mình cười một lúc rồi cũng bật thành tiếng cười, khuôn mặt nghiêm túc dãn ra theo những thớ cơ quanh miệng và khóe mắt. Đầu tiên chỉ là tiếng hơ hơ nho nhỏ, rồi cứ thế to dần, to dần, to đến mức vang vọng trong buổi chiều – buổi chiều ươm nắng có hai kẻ đứng bên này và bên kia một cánh cửa, cùng cười với nhau theo cùng một điệu.

———-

Có một lần trong lúc hút thuốc, thằng bóng nói:

– Chắc tao là đứa ban duy nhất của mày.

Thằng khùng chẳng có biểu hiện gì, không biết nó có hiểu không. Thằng bóng vẫn tiếp tục, chừng như tự nói với mình.

– Nhưng mày không phải đứa bạn duy nhất của tao. Tao cũng không là duy nhất của ai. Mày nhìn giống người yêu cũ của tao. Ai cũng có một lí do để đến gần người khác. Đôi khi tao nghĩ đó là lợi dụng. Nhưng tao thương người ta thiệt lòng. Tao cũng thương mày.

Nó quay sang nhìn thằng khùng một lúc, rồi thiu thỉu nói tiếp:

– Không, không phải thương kiểu mày nghĩ, ý tao là… không phải kiểu người ta nghĩ. Mày có bao giờ nghĩ cái gì nhỉ? Thế mà lại hay. Tao thương mày, vậy thôi. Tao biết mày cũng thương tao mà. Phải hôn?

Thằng khùng không nói gì. Tay nó xòe ra một mớ tiền polyme cáu cạnh nữa, sáng nay mẹ nó vừa cho người mang đến. Thằng bóng gật đầu, cầm nắm tiền nhét vào túi.

—————-

Xóm này cuối cùng cũng có điều đáng để tự hào, nếu họ vẫn biết tự hào, là họ có một thằng khùng ăn mặc đẹp nhất thành phố. Vẫn khuôn mặt nghiêm túc hiếm thấy của thời đại này, vẫn trên xe lăn với chiếc túi vải kim sa bảo bối, nhưng thằng khùng lên đời hẳn. Nó mặc áo thun cut-out, mặc quần jean skinny, mặc cardigan màu pastel, mặc tank top graphic. Nó mặc những gì thằng bóng mua cho nó từ số tiền tình mẫu tử từ lâu để dành mà chẳng biết làm gì. Những tờ tiền là minh chứng duy nhất cho tình mẫu tử rơi rớt đâu đó, nay biến thành quần áo hợp mốt cho nó mặc.

Chiều chiều, hai thằng lại thi nhau đốt thuốc trước cổng nhà thằng khùng. Từ lúc thằng khùng lên đời áo quần, đôi khi bóng của tụi nó nhập nhèm làm một, lẫn khuất vào nhau. Chỉ có những dải khói vẫn lên trời song song. Một thằng khùng dư tiền và một thằng bóng ước mơ làm stylist, nay đã tìm được người mẫu kiêm nhà tài trợ cho mình.

Và hàng xóm không biết nên hành xử như thế nào trước tình huống oái oăm này. Không lẽ lại bảo thằng bóng xử hư thằng khùng, nó khùng thì nó hư kiểu gì được. Họ dấm dúi với nhau một thời gian rồi cũng tìm ra được giải pháp ổn thỏa, họ lan đi tin đồn rằng thằng bóng dụ tiền thằng khùng, mua áo quần một nửa, nửa còn lại nó giữ làm của riêng, chứ ba cái áo cái quần kia làm gì mà đến mấy triệu. Người ta đồn rằng thằng bóng tiêm nhiễm vào đầu thằng khùng những chuyện đồi bại tởm lợm. Cô Ngọc tạp hóa là nhân chứng rõ ràng nhất, bởi cô đã chứng kiến rất nhiều lần thằng bóng ăn chặn tiền thằng khùng để mua thuốc hút, lại còn tập cho thằng khùng hút thuốc. Hôm nay thuốc lá thì ngày mai thuốc phiện, bà Minh Hoa không khéo là mất con. Có bữa cô dắt xe ra đầu hẻm sửa, sẵn tiện làm chứng trước tòa án nhân dân hẻm. Thằng sửa xe công tố viên cắm cúi vá lốp, không hiểu vì sao lại cắc cớ nói:

“Mà lạ, tui ở đây hoài, chưa bao giờ thấy hai thằng này bước chân vô nhà nhau.”

Cô Ngọc bĩu môi một cái dài sòng sọc. Những chi tiết vớ vẩn vô nghĩa không cần phải đưa vào bản án.

———-

Tin đồn rồi cũng đến tai bà Minh Hoa. Một buổi trưa âm u trời xám mây mờ, con xe Audi biển tứ quý màu đen bóng của bà đỗ xịch trước cổng nhà thằng khùng, cũng là nhà bà. Người đàn bà thành đạt đẹp hơn tuổi 50 bước xuống từ băng ghế sau. Mái tóc dày bới cao, bộ đầm Whistles thanh nhã đi với đôi giày cao gót màu kem nhũ Christian Louboutine, túi xách Hermes đỏ bordeaux; người đàn bà trung niên nổi danh trong thị trường bất động sản và kinh doanh trang sức, mẹ của một thằng khùng.

Bà không mở cửa, bà đợi thằng khùng mở cửa cho bà. Đôi mắt đánh shadow tím nhũ của bà sững sờ nhìn thằng con ngồi trong xe lăn, tank top đen, jean skinny rách gối, đôi mắt nhìn bà ánh lên những tia vui mừng thơ ngây. Trong tay nó vẫn cầm túi vải kim sa bảo bối. Bà cầm chiếc túi lên và mở ra xem. Lẫn trong mớ lá vụn, sỏi đá là một chiếc hộp quẹt và vài điếu con mèo nhăn nhúm.

Hôm đó bà Minh Hoa bớt chút thời gian vàng ngọc đến nói chuyện với vài nhà trong hẻm, hàng xóm cũ của bà, không quên ghé qua tiệm cô Ngọc và nhà bác tổ trưởng tổ dân phố. Trời vừa chạng vạng, thằng bóng đi làm về, người ta thấy bà vào nhà bà Bảy; một lúc sau cả bà và thằng bóng cùng đi ra, lên chiếc xe Audi đen bóng. Thằng bóng ngẩng cao mái đầu vuốt keo, sải những bước dài sau lưng bà Minh Hoa. Mắt nó nhìn thẳng vào một điểm vô chừng. Nó không nhìn thấy khuôn mặt thằng khùng ngơ ngẩn. Vẻ nghiêm túc trên mặt biến mất, thay vào hốc mắt thằng khùng một nỗi trống hoác. Tay nó vân vê nếp áo tank top thằng bóng mua. Chiếc xe lăn bánh lướt qua mặt nó, lướt qua thằng sửa xe đầu ngõ. Thằng sửa xe cũng nhìn theo, chép miệng:

“Thế là xong.”

Nửa đêm, trong hẻm nghe lạch cạch tiếng thằng bóng dọn đồ đạc, kéo vali ra khỏi nhà bà Bảy lên chiếc Audi đen bóng. Sáng ra thông tin lan nhanh như rác trong thành phố, rằng bà Minh Hoa đã thuê cho thằng bóng một phòng khách sạn hạng sang, trong vòng một tháng để nó có thời gian tìm phòng trọ mới, miễn sao nó đừng léng phéng về cái xóm này và làm hư thằng khùng con bà. Họ chép miệng bảo nhau, người thành công có khác, hành xử khéo léo biết điều hơn người. Gặp họ mà có tiền, có quyền, đưa bà Bảy một mớ tiền bảo đuổi cổ thằng bóng khỏi nhà là xong, việc gì mà thuê khách sạn này nọ cho rối chuyện. Những ánh mắt hài lòng, những cái gật đầu hả hê, như thể một bãi phân vừa được dọn ra khỏi bãi rác thành phố. Bây giờ bãi rác đã sạch sẽ.

———

Vài tháng sau, trong hẻm rình rang tiếng kèn bát âm, đưa tang thằng khùng. Cả xóm kéo đến xem chư tăng một ngôi chùa lớn trong thành phố thay nhau tụng kinh cho thằng khùng sớm siêu thoát. Tiếng à ê vang khắp không gian. Trên bàn thờ, di ảnh nó đặt giữa lớp lớp huệ trắng, khuôn mặt nghiêm nghị đứng đắn.

Nó chết vì một chiếc xe hơi húc vào người, trong lúc cuống cuồng lăn xe qua bên kia đường lớn trước con hẻm. Thằng sửa xe làm chứng lúc bắt đầu băng qua đường, nó đã gào lên:

– Nguyên, Nguyên, đợi… đợi…

Nguyên là tên thằng bóng. Chắc nó đã thấy thằng bóng, hoặc ai đó tương tự, ở phía bên kia vỉa hè, cách nó một dòng xe cộ chảy trôi điên cuồng. Lúc văng ra khỏi chiếc xe lăn, đập bẹp xuống mặt đường rồi bị bánh xe nghiến ngang người, nó vẫn mặc một trong những bộ đồ thằng bóng đã mua cho nó.

Cô Ngọc thành khẩn cong người lạy trước bài vị nó ba lần, điệu bộ y hệt những lần cô đốt phong long. Thắp hương xong, cô quay sang nói với người trong xóm:

– Đã bảo bà Minh Hoa không khéo mất con vì cái thằng bóng tởm ấy mà.

Rồi lại quay sang bà Minh Hoa, đầm lụa Versace đen mượt, đau xót nói:

– Tui tiếc lắm, thương thằng nhỏ lắm.

Bà cúi đầu nói nhỏ tiếng cảm ơn. Lúc bà ngẩng đầu lên, đôi mắt mờ đục già cỗi chìm trong một nỗi ngơ ngẩn trống hoác. Nhưng chẳng ai biết bà có nghe thấy cô Ngọc nói gì không, vì bà chẳng nói gì thêm. Dường như tiếng cô đã chìm lỉm trong tiếng tụng kinh ê à của các sư.

Một dài khói hương bay vút lên, tan loãng trong không gian.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Truyện Viet

5 Comments

  1. jjjj jjjj

    hay quá người ơi

  2. mingnguyen mingnguyen

    Cảm ơn bạn vì đã viết bài này, nó mạng tới cho mình cảm giác giống như mình là người viết ra nó vậy (lần đầu tiên có cảm giác này).

  3. truyện đau lòng vậy em ; _____ ;

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: