Skip to content →

Nói nhảm chuyện phụ nữ

68467_468011293251079_1848465509_n(Internet)

Có gì sai khi người ta 22 tuổi, và người ta thích có con nhỉ?

Kiểu mà người khác nhìn và nén tiếng cười, “Ơ, còn trẻ mà tính xa xôi thế?” Hay kiểu người ta trố mắt ra nhìn, “Trông quậy quậy thế này mà…” Ơ hay, có liên quan gì với nhau đâu. Mình từng gặp chán vạn những người thích trẻ con, ẵm nựng các kiểu; nhưng chả ưa gì em bé. Ừ thì mình ngược lại đó mà. Mình không thích trẻ con, tụi nó hơi phiền phức, nhưng sau này mình thích có em bé. Nhỏ nhỏ xinh xinh hay khóc và của mình (có thể là của một ai khác nữa, mình không chắc lắm).

22 tuổi mà trẻ trung gì nữa. Chớp mắt là 25, chớp mắt là 28. 28 mà lỡ chưa có con, có buồn không nhỉ?

Đang tưởng tượng sau này mình sẽ hẹn hò với một anh nào đó, và dưới ánh nến vàng bên cạnh dĩa lobster, anh ấy hỏi mình thích gì. Thế là ngay lần hẹn đầu tiên, mình bảo thích có em bé. Hẳn là anh sẽ hoảng hồn xách dép chạy lẹ. Vớ vẩn dở hơi đâu mà dính vào cái con điên ẩm ương, anh còn muốn tự do rong chơi mà. Tưởng tượng thế này làm mình nhớ đến một người chị của mình. Ngày chị ấy phát hiện có thai, gọi điện cho bạn trai và hỏi làm thế nào bây giờ; anh bạn trai đã trả lời: “Tùy em thôi. Anh thì anh muốn giữ…”

Mình nghĩ kiếp trước, trước nữa; hẳn chị cũng tích đức nhiều, kiếp này mới gặp được may mắn như thế. Có thể bầu bì em bé rồi, chị mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống; phải ở nhà, phải ngồi nghe những cô những chị nữ quyền khác tung hê về chuyện bình đẳng giới, rằng chị bị lừa vào con đường làm mẹ làm vợ, rằng đúng ra chị còn trẻ, có thể thỏa sức bay bổng tự do tiến thân v.v…

Thế người ta không biết rằng, mỗi một con người, bất kể nam hay nữ, đều là một người mẹ à? Cái thiên chức đó, chẳng qua là phụ nữ may mắn hơn nam giới, nên có nhiều hơn một tí thôi. Mà ông trời có cho không ai cái gì. Nhiều hơn thì khổ hơn. Rồi từ cái khổ mà có người đả đảo, có người mỉm cười an yên. Sao cũng được.

Ai nói gì đi nữa, mình vẫn tin việc sinh đẻ của phụ nữ là phiên bản “as above, so below” của việc Đấng Ở Trển tạo ra thế giới, của Big Bang tạo ra vũ trụ, của SINH. Mình ít theo dõi những phong trào nữ quyền, nên mình vẫn không biết họ đã từng nghĩ được slogan nào hay hơn hai chữ “Đất Mẹ” của người cổ đại theo thuyết mẫu hệ chưa? Và họ sẽ đấu tranh đến bao giờ, khi hai chữ đó nằm sau lưng họ, chỉ đợi họ quay về mà nhìn thấy? Một nơi thiêng liêng, mà Ai Đó Ở Trển, vào một buổi hồng hoang của lịch sử sự sống, đã đặt vào tay người phụ nữ mà nói, “Đây là quyền năng của ta, nay ta trao cho riêng con…” Hẳn là Ngài đang khóc khi nhìn thấy cách một vài phụ nữ gọi món quà của ngài là chuyện chẳng-đặng-đừng, hoặc tệ hơn, là thấp kém, mất bình đẳng.

Mình nói ai cũng có thiên chức làm mẹ vì mình chưa từng gặp ai không mong muốn tạo ra một thứ gì đó và để lại một thứ gì đó. Tầm thường thì là cái nhà, công ty; cao siêu thì là tác phẩm để đời. Mà vừa bình thường vừa cao cả nhất, với mình, là một vài đứa con. Năm lớp 10 mình từng hỏi một ông anh, ước mơ của anh là gì. Ngày đó 19 tuổi, anh trả lời, “Anh muốn có một đứa con.” “Để chi?” “Để anh nuôi nó không phải theo cách mà người ta đã nuôi anh.”

Nghe qua có vẻ hơi bi kịch một chút, nhưng là vậy, là ước muốn đơn giản vậy thôi và nó khiến mình im lặng không nói gì thêm. Sau này cũng có những lần mình im lặng, nhưng lại là để đáp trả một người khi họ nói rằng họ không hiểu nổi những anh con trai ra trường cưới vợ có con. Có gì đâu mà không hiểu. Tranh ảnh đốt là cháy. Sách vở đốt là cháy. Bản nhạc giấy nháp gì đốt xong cũng cháy, suy cho cùng có hơn gì một đứa bé được sinh ra, rồi mai này lớn lên cũng về cát bụi. Sân si làm gì mà so sánh mục đích sống của đời nhau. Chắc gì đời mình đã có ý nghĩa hơn đời của bà già bới rác nuôi cháu gái ngoài chợ kia. Người ta sinh ra ở cuộc đời này ai cũng có một ý nghĩa, ai cũng là một “người mẹ”. Mà những “người mẹ” thì nên thông cảm cho nhau, cuộc vượt cạn nào cũng là đau đớn.

Có thể mình sai, và là thành phần chậm tiến của thế giới, phần tử cốt cán đẩy lùi cuộc đấu tranh bình đẳng giới (mặc dù mỗi ngày mình ra rả cãi nhau vớ vẩn cho bình đẳng LGBT). Nhưng thực lòng mình chẳng biết nam là gì, nữ là gì. Chỉ có con người với nhau mà sống, chỉ cần làm điều mình thích. Thích làm tổng thống hay thích làm mẹ đều dễ thương cả.

Đến bây giờ mình vẫn không hiểu được vì sao tồn tại những người phụ nữ biểu tình đòi lương bằng nhau, nhưng đến lúc tàu chìm lại gào lên “Lady First”. Sinh mạng nào cũng là sinh mạng, người nào cũng như nhau, sao đàn ông lại phải nhường? Còn nếu bảo là do phụ nữ sức yếu hơn, không chen lấn được khi có tai nạn… ừ thì sức yếu hơn, lương thấp hơn là đúng rồi… kêu ca gì nhỉ? Đã công bằng thì công bằng cho hẳn. Nói như Aristotle có lẽ là, “Điều bất công nhất là khi cố gắng làm cho sự bất công trở nên công bằng.”

Nhưng mình nói xa quá rồi (và có lẽ nói sai nữa). Mình chỉ thấy lạ khi người ta dẫn dụ phụ nữ đạt được quyền hành bằng cách chối bỏ quyền năng của mình. Và mình buồn khi phụ nữ tin vào điều đó.

Có lẽ mình sai. Dù sao đi nữa, mình cũng chỉ mong có 5 đứa con và một ai đó yêu thương tụi nó cùng với mình. Một anh nào đó sẽ không xách dép chạy khi mình nói, “Em thích con cái.”

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

Comments

  1. 🙂 em cũng rất thích có những đứa con cho riêng mình.
    hôm trước có người nói với em, dần dần khoa học phát triển, một ngày nào đó không cần mang thai mà vẫn có con, tự nhiên em thấy thật lạ lẫm. Không hiểu sao em luôn có cái cảm giác rằng nếu như thế, dường như sợi dây liên hệ giữa mẹ và con thiếu đi một điều đó vô cùng thiêng liêng 🙂 có lẽ em cổ hủ chăng, không đủ bao dung để nghĩ đến việc yêu đứa con mà mình “không mang nặng đẻ đau”?
    chỉ là em thấy thiên chức làm mẹ của phụ nữ thật sự rất tuyệt vời ^^
    cảm ơn vì chị vì bài viết 🙂

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: