Skip to content →

Đồ ăn, những người ăn, và tôi

Lúc này đây, tôi lại ngồi bên cửa sổ thật to trong thư viện, để nắng xoi vào mặt và cơn buồn ngủ đè nặng lên mí mắt. Đúng ra tôi nên đi ngủ, hoặc học bài, hoặc làm thứ gì đó khác hơn là viết ra những con chữ lê thê dài dòng vô nghĩa.

Cách đây không lâu tôi phải viết một bài giới thiệu bản thân. Tôi viết vài dòng ngắn ngủi gọi là cho có chữ có nghĩa có tên có tuổi. Giới thiệu bản thân? Tự dưng tôi thấy tức cười, vừa tức vừa muốn cười. Tôi có thể viết tràng giang đại hải, lê thê dài dòng về đủ thứ trên đời; đôi khi còn trở nên hô hào hoặc nói quá; nhưng khi bản thân trở thành đề tài, tôi lại chẳng biết viết gì. Có thể vì tôi cũng chẳng là gì. Hoặc ngược lại, bao nhiêu từ định nghĩa cho vừa một con người?

Hôm qua tôi đi làm ở nhà hàng, nửa buổi đang ế ngáp lên ngáp xuống thì có một ông khách da đen, ăn mặc chỉnh tề bước vào. Tôi hớn hở ngoài mặt, cầm menu chạy ra đon đả:

– One person?

Ông cười cười nhẹ nhàng, rồi nói:

-Oh, I have a question.

(“Mựa, question question, rứa là không ăn rồi đúng không?” – tôi thầm nghĩ)

– Yes sir?

– I don’t have much money. What dish you recommend? – ông nói bằng giọng nhã nhặn lịch sự pha chút e dè.

Gạt qua một bên thoáng bối rối, tôi giới thiệu một vài món rẻ tiền nhưng khá nhiều trong menu. Ở quán có hai loại bún, một loại đặc biệt, có đủ nạm, tái, chả, giò, huyết; giá 7 đồng 50; loại ít tiền hơn, 6 đồng 90, thì bớt đi một phần tùy khách chọn. Cuối cùng ông chọn một tô bún loại 6 đồng 90. Thường khách nước ngoài không ăn được huyết heo, nên trong check tôi dặn bỏ huyết, thêm chút tái.

Một lát sau ông gọi thêm chén cơm không, giá 1 đồng. Tôi chạy xuống bếp tự xới cơm, ráng vun cho thật đầy, lại đùa với ông cậu:

– Ông đó mắc cười quá à, ăn bún mà ăn với cơm.

-Ừ, thôi thông cảm cho họ đi con. Thời buổi kinh tế khó khăn mà. – cậu nói như vậy.

Tôi nhìn tờ giấy order và tự hỏi có nên tính tiền chén cơm 1 đồng. Chén cơm thật ra chẳng bao nhiêu so với nhà bếp. Tụi bồi bàn vẫn chạy lên chạy xuống ăn free một mớ cơm bún phở mì các loại. Còn nếu không, tôi tự bù 1 đồng vào cũng được.

Nghĩ tới nghĩ lui đủ sự, nhưng lúc ông khách đến quầy tính tiền, tôi vẫn tính chén cơm 1 đồng vào. Ông ấy đã gọi nghĩa là ông ấy biết mình có thể trả được; tôi cũng không nên tận dụng 1 đồng để mua cho mình cảm giác vừa làm việc thiện, mang tội lắm.

Điều duy nhất tôi không mong nhưng lại xảy ra, là ông khách tip cho tôi. Làm ở nhà hàng lâu nay, tôi đã chứng kiến đủ loại khách; từ những gia đình kéo đàn kéo lũ vào ăn, xả rác như xác pháo ngày lễ, rồi ra đi không để lại đồng nào; cho đến những bạn Mễ nghèo dễ thương, không để tiền tip, nhưng lại dọn bàn tử tế, xếp chén đĩa dơ lại một chồng. Lúc ông khách bỏ 1 đồng tip vào hũ thủy tinh, tôi lắc đầu và cười,

“Oh, I won’t take this. You don’t have much money, do you?”

“No, it’s yours.” – ông cười tử tế, kiểu cười của người da đen, hàm răng sáng lóa che gần hết khuôn mặt.

Đã nói thế thì tôi nhận, chứ tôi cũng không thích kiểu đẩy đưa đẩy qua đưa lại (mà lần nào đi ăn ở Việt Nam cũng gặp, anh để tôi trả, tôi để anh trả, giành tới giành lui mất thời gian rách việc chẳng chứng minh được gì)

Đợi ông khách đi khỏi, tôi đặt tờ 1 đồng ông tip vào thùng donate của tiệm. Và tôi nghĩ như thế là đủ. Đồng tiền ra đi từ đúng người thì hãy để nó đến với đúng người.

Tối về người yêu tôi gọi điện. Anh kể một chuyện ngược lại hoàn toàn cho tôi nghe. Hôm vừa rồi anh đi xe Greyhound đường dài, người ta đến và xin mấy đồng tiền lẻ mua đồ ăn. Những lần trước khi nào anh cũng cho 1, 2 đồng; nhưng lần này lại không.

Nó làm tôi nhớ đến lần cuối tôi đi Greyhound, có một ông già đến xin tiền mua McDonald. Tôi bảo mình không có tiền lẻ, nhưng còn đây một gói sandwich bự chưa khui hộp, ông có muốn ăn không. Ông không nói gì, chỉ bỏ đi, và ném lại cho tôi ánh mắt, “Bitch, I know you’re rich.” Tôi nói với anh:

– Em nghĩ đã có tiền mua vé đi Greyhound, dù là vé rẻ bèo rẻ mạt đó, thì cũng tự nấu cơm ăn ở nhà được. Đã nhắm mình không có tiền mua đồ ăn thì phải lo nấu trước đi chớ. Người tự trọng sẽ làm vậy thôi à.

– Ừ. Còn tụi đã không có lòng tự trọng thì mình cũng chẳng nên cho tiền làm gì, phải không em? – anh nói như vậy.

Câu chuyện thứ ba về đồ ăn cũng là một câu chuyện cũ, tôi nhớ ra ngay trong lúc viết bài này. Cũng một hôm làm ở nhà hàng, có người đàn ông dắt hai con chó vào hỏi xin ít cơm thừa canh cặn cho lũ chó, vì người ta không trả tiền lương tuần này cho ông. Cậu của tôi từ chối, còn tôi lúc đó chẳng làm được gì vì bận tiếp khách khác. Ông mập hỏi xin thực đơn, nhìn chăm chăm vào giá tiền, rồi cuối cùng cũng chẳng thể làm gì được, đành dắt lũ chó đi ra.

Tôi phải tiếp khách, dọn bàn xong, mới chạy ra tìm ông được. Tôi định nói sẽ mua cho hai con chó một phần cơm, nhưng chạy ra thì chẳng thấy ai nữa. Gần đó có vài nhà hàng khác, hy vọng ông sẽ xin được một ít.

Tôi không nghĩ mình sẽ quên dáng ngồi chù ụ thất thểu của ông mập, trong tay cầm tờ thực đơn quá sức trả tiền (dù chỉ là những món 7, 8 đồng), bên cạnh là hai chú chó bự chát đen thui ngóc mõm đợi chủ. Đó là điều làm tôi hối hận nhất từ khi qua Mỹ: không giúp gì được cho một người sẵn sàng nhịn đói, chỉ hỏi xin đồ ăn cho chó thương của mình.

Và, bạn vừa đọc xong giới thiệu về bản thân dài nhất mà tôi có thể viết. Với chủ đề chính là đồ ăn và những người ăn, tôi nghĩ nó là miêu tả hoàn hảo nhất về con lợn đang nằm dài trên ghế dưới nắng ấm trong thư viện sáng trưng, trải lòng về cuộc đời và về những người nghèo.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: