Skip to content →

Cỗ máy thời gian (Oliver Miller)

Tác giả: Oliver Miller

Dịch: Rio

Nguồn: A Time Machine

Một vị giáo sư làng vừa phát minh ra cỗ máy thời gian. Ổng mời bạn đến xem nó. Ổng là giáo sư khoa học, bạn từng lấy vài lớp của ổng rồi, ổng là cái người với mái tóc rối bù, phủ kín cổ áo, nhìn có vẻ thông thái trí tuệ ghê lắm. Bạn lấy lớp của ổng cách đây cả tỉ năm rồi, để coi, lúc bạn còn là sinh viên đó. Giờ thì bạn có một công việc nhàn nhàn, và một cô vợ. Sao lúc sinh viên bạn có thể bá đạo như vậy nhỉ? Kiểu tự tin như thế, phung phí thời gian học nghệ thuật, khoa học, triết học? Bạn không thể nhớ làm thế nào bạn làm hết mấy thứ đó, nhưng bạn lại nhớ vị giáo sư với mái tóc tung bung.

Nói gì đi nữa, ổng cũng phát minh ra cỗ máy thời gian. Ổng mời bạn đến ngó nó một cái. Bạn đến nhà ổng ở rìa ngoại ô, nhìn y chang cái nông trại tàn phế. Có một cối xay gió nhỏ, vài con gà. Cả ngôi nhà nhìn như thể nó sắp sụp xuống và nát bấy dưới đất. “Quý hóa quá,” ổng nói. Ổng đưa bạn ra phía hông nhà để nhìn cỗ máy thời gian. Bạn đã tưởng tượng phải có thứ gì khác cơ. Nó trông chẳng khác gì một cái chòi gỗ. Nó trông như một gian nhà nhỏ nhét vào trong cái sự nhỏ và sự bằng gỗ – nói ra nghe thiệt ghê! – nó trông chẳng gì hơn một công trình phụ, nơi mà mấy người hồi xưa đến đó giải quyết tâm sự thầm kín của mình.

“Em cứ nghĩ là nó sẽ khác cơ,” bạn nói. Theo cách nhẹ nhàng nhất bạn nghĩ ra.

“À thì…” ổng nói.

Bạn mở cửa. Bên trong cơ man là van, máy đo, bánh răng sắt và đòn bẩy sắt. Nhìn y như thế kỷ trước.

“À thì…,” bạn nói với ổng.

“Chưa có ai từng sử dụng cỗ máy thời gian này,” ổng nói. “Tôi mời em đến đây vì tôi mong em sẽ thử nó.”

Bạn nhìn một lượt xung quanh. Cái nhà này thậm chí còn không vững. Ánh sáng mặt trời hắt xuống từ những lỗ hổng trên ván gỗ. Thứ này? Thứ này là máy thời gian đây hả? Giỡn chơi!

Ổng đưa bạn ngồi xuống một cái ghế gỗ. Ổng chỉ cho bạn cách vận hành một mớ bánh răng và đòn bẩy. “Sao thầy không dùng trước?”, bạn hỏi, giọng bạn ngấm sâu một chút châm biếm. “Nếu nó hoạt động tốt.”

“Không ai hiểu được những ảnh hưởng của du hành thời gian,” ổng nói. “Tôi đã phát minh ra nó, nhưng tôi sợ phải chính tay mình dùng nó. Sử dụng một thứ mà em không hiểu là một quá trình rất hiếm và kích thích.”

“Tốt quá,” bạn nói giọng an ủi, vì cái thứ xiêu vẹo đổ nát này rõ ràng là sẽ không được tích sự gì. “Em sẽ dùng nó.”

“Thầy chúc em những điều tốt nhất,” ổng nói.

Bạn chẳng biết nói gì hơn nữa. Vị giáo sư tự rút lui khỏi gian nhà. Bạn bẻ những bánh lái theo đúng thứ tự. Bạn sử dụng cỗ máy. Nó hoạt động. Dĩ nhiên là nó hoạt động. Khi bạn bẻ những bánh lái, thời gian đập cánh vút ngang cửa sổ, tăng tốc xuyên qua những kẽ nứt xà nhà và ván. Nhưng bạn sẽ đi đâu? Cuối cùng, bạn quyết định sẽ quay trở ngược lại thời trung cổ, vì bạn từng học về nó một lần. Bạn mở cửa. Bạn đang ở trong thời trung cổ. Kỳ lạ quá. “…Bon après-midi?” một giọng nói tò mò cất lên. Bạn nhìn xung quanh, dường như bạn đang ở Pháp. Bạn bước ra khỏi cửa. Một đám đông đã chộn rộn trước gian nhà từ lúc nào. “…Bonjour, mesdames et messieurs,” bạn nói, dùng chút vốn liếng tiếng Pháp sót lại. Bạn cúi chào. Đám người kia cúi chào lại, nhưng đầy vẻ ngạc nhiên. Đám người kia mặc những thứ phục trang kỳ lạ thời trung cổ, khăn choàng khăn quấn khăn trùm phủ gần hết đầu họ. Nhưng vậy là nó hoạt động. Bạn đang ở đây.

Bạn ở lại một lúc trong quá khứ, sau đó bạn lại đi. Thoạt tiên bạn du hành đến những khoảng thời gian tương lai, rồi quá khứ, rồi lại tương lai – phi thuyền và khỉ, lâu đài và tàu không gian, hiệp sĩ và nhà chọc trời. Bạn càng di chuyển quanh cỗ máy thời gian, mọi thứ trông càng nhòe nhoẹt. Và thế là, bạn bắt đầu tò mò về chính đời mình, bởi lẽ sự cô đơn này dần trở nên rõ hình hài trong dòng thời gian tuôn chảy ào ạt.

Và thế là, bạn du hành xuyên qua đời mình. Bạn thấy vợ mình khi cô ấy trẻ, và vợ mình khi cô ấy già. Ba mẹ của bạn khi họ trẻ, và ba mẹ của bạn khi họ già, cứ như thế. Tất cả những điều này khiến bạn say sưa, hoàn toàn say sưa đắm đuối.

Bất chợt, giữa những chuyến du hành, bạn vô tình nhìn xuống bàn tay mình. Chúng nhợt nhạt và xám xịt, mạch máu hằn lên. Trời ơi! Bạn đã lượn lờ bao lâu, bao năm trong cỗ máy thời gian này?

Trong gian nhà này có một mảnh gương nhỏ gắn lên tường bằng đinh. Nó dùng như một chiếc gương. Bạn vuốt ngược tóc mình và bạn đứng trước gương. Trời ơi; sao bạn lại trở nên hốc hác và xám xịt thế này! Mớ tóc của bạn rũ xuống nhợt nhạt, mặt bạn đầy nếp nhăn và đốm đồi mồi. Say sưa sử dụng cỗ máy thời gian, dường như bạn đã quên mất tất cả những thứ khác.

Bạn hạ những bánh lái và đòn bẩy xuống. Bạn bước ra khỏi cỗ máy. Bạn đã trở lại nơi bạn bắt đầu. Cũng nông trại đó, với cối xay gió và mấy con gà. Nhưng không thấy ông giáo sư. Không thấy ông ta đâu cả. Kỳ quặc. Chẳng hiểu vì sao bạn đã nghĩ là ổng vẫn luôn ở đó chào đón bạn trở về, không cần biết bạn đã du hành bao lâu.

Thế giới bên ngoài cỗ máy mới lạ làm sao. Bạn đã di chuyển mải miết không ngừng quá lâu, và giờ đây bạn ở đây, trở lại đây, một điểm cố định của thế giới mê mải quay cuồng. Bạn bước ra khỏi cỗ máy. Bạn nghĩ, có lẽ, bạn nên gọi vợ mình. Nhưng ai biết cô ấy đang ở đâu, hay thậm chí cô ấy còn sống ở nơi này không? Ừ, bạn đã nhìn thấy cô ấy trong những chuyến du hành của bạn, nhưng bạn đã mất dấu cô ấy. Đằng kia có một dòng sông. Bạn đến đó và ngồi xuống dưới một gốc cây bị chặt, trơ ra bên cạnh sông.

Bạn gục đầu vào lòng bàn tay và bạn nghĩ. Rồi bạn nhìn lên và chăm chú vào bầu trời với mặt trời đang lặn. Bạn nhìn xung quanh. Trong tất cả những lúc bạn du hành, thế giới vẫn như cũ. Cây cối, đất đá, bầu trời, núi non, chúng vẫn như cũ. Bạn có thể du hành bao xa cũng được, nhưng mấy thứ này mãi như cũ: chúng luôn luôn xanh tươi. Điều này khiến bạn thoải mái một chút – nhưng ngồi đây trên gốc cây chặt trụi, nhìn ra ngoài thế giới, bạn cảm thấy một nỗi niềm lạ thường và không thể chịu đựng, của sự buồn và sự chảy trôi không ngừng. Bạn đứng dậy, rời khỏi gốc cây. Cuối cùng thì ông giáo sư đang ở đâu? Vợ bạn đang ở đâu?

Dịch bởi Rio

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: