Skip to content →

[P2] Mô hình 4 lá bài: Tinh nguyên và Tự do

(Tiếp theo Phần 1: Thống nhất và Đối ngẫu)

Dịch từ bài viết “The Four card Pattern” trong quyển “Seventy Eight Degrees of Wisdom” của Rachel Pollack.

Bài dịch này dành tặng cho người đã tặng mình bộ bài Tarot đầu tiên, Hermes – Deviant Moon Tarot.

Cảm ơn anh 🙂

Ghi chú nhỏ:

Tarot gồm có 2 phần: phần mở đầu là Major Arcana (22 lá) và phần sau Minor Arcana (56 lá, chia thành bốn “suit”: Swords, Wands, Cups, Pentacles.) 4 lá trong bài này đều thuộc Major Arcana.

1. The Fool (Thằng Ngố): lá bài đầu tiên của bộ Tarot, đánh số 0. Tượng trưng cho một người đang chuẩn bị bước vào những chuyến hành trình mới, một tinh thần hăng hái khám phá thế giới, mở cửa ra với bên ngoài.

2. The Magician (Nhà ma thuật): lá bài thứ hai của bộ Tarot, đánh số 1. Tượng trưng cho người nam, cho hành động, thế giới hữu hình hiện diện, hình thức, sức sáng tạo và định hình.

3. The High Priestess (Nữ tư tế): lá bài thứ ba của bộ Tarot, đánh số 2. Tượng trưng cho người nữ, cho tiềm thức bên trong, tri thức ẩn giấu, những điều bí truyền.

4. The World (Thế giới, đôi khi gọi là The Universe): lá bài thứ 22 trong phần Major Arcana, đánh số 21. Tượng trưng cho chuyến hành trình đã hoàn thành.

———————–

Tinh nguyên và Tự do

The Fool dạy chúng ta rằng cuộc sống đơn giản là vũ điệu không ngừng của những tâm nghiệm. Nhưng hầu hết người ta đều không thể duy trì dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi cho ngẫu hứng và tự do như thế. Những nỗi sợ, hoàn cảnh, và cơ bản là những vấn đề thực tế trong cuộc sống thường ngày đã khiến bản ngã đưa chúng ta xa rời khỏi những tâm nghiệm. Thế nhưng ý thức về tự do nằm sâu trong chúng ta vẫn thoáng hiện lên; thế nên ta gọi cảm giác mơ hồ đó là “mất mát”, một “cú ngã” khỏi thiên đường tinh khôi sơ khởi ban đầu. Tuy nhiên, một khi ta đã đánh mất sự tinh nguyên, chúng ta không thể leo trở lại, quay về làm một The Fool. Thay vào đó, chúng ta phải đấu tranh và học hỏi, đi qua sự trưởng thành, sự tự khám phá bản thân, sự giác ngộ tâm linh; mãi cho đến khi ta đạt đến tự do vĩ đại hơn của The World.

The Magician biểu trưng cho hành động, The High Priestess là tính thụ động, The Magician nam tính trong khi The High Priestess là nữ tính, The Magician mang ý thức và The High Priestess nằm trong vô thức.

Khi nói đến “ý thức”, ta không đang nói đến sự giác ngộ cao độ của The World; mà nói đến quyền năng mạnh mẽ nhưng hữu hạn của bản ngã khi nó tạo ra vũ trụ bên ngoài với những đường biên giới và hình thức. Miêu tả này không phải để hạ thấp nguồn lực sáng tạo của The Magician. Có sự sáng tạo nào vĩ đại hơn việc tạo nên một hình dáng nhất định cho những tâm nghiệm? Chính The Magician đã đem lại ý nghĩa và mục tiêu cho cuộc sống này. Thầy thuốc, nghệ sĩ, những nhà huyền bí đều xem lá The Magician như lá bài chủ của họ. Tuy nhiên, quyền năng của chàng lại cho thấy sự tách rời khỏi tự do của The Fool hay thấu hiểu của The World.

Tương tự như thế, The High Priestess, tận sâu trong vô thức của nàng, chỉ ra trạng thái sâu thẳm của nhận thức trực giác. Thế nhưng, tri thức bên trong của nàng không thuộc về cái lõi tỏa sáng của vô vi, điều đã giúp cho The Fool hành động theo tự do tuyệt đối.

The Hight Priestess tái hiện nguyên mẫu của sự thật tinh thần, nhưng vì lẽ sự thật này là vô thức, bất khả thể hiện, nàng chỉ có thể duy trì nó trong sự thụ động tuyệt đối. Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều lúc như thế. Tất cả chúng ta đều ít nhiều tri giác mơ hồ về việc ta là ai, về một cái tôi xác thực mà kẻ khác chưa bao giờ thấy và ta cũng không thể nói ra. Nhưng đàn bà và đàn ông, những kẻ đã ném thân mình vào những cuộc tranh đua, vào sự nghiệp, và những bổn phận; mà không hề học hỏi trau dồi sự tự biết mình, một lúc nào đó họ sẽ nhận ra họ đã không còn ý thức về việc mình là ai, và điều mình thực sự muốn là gì (Rio: mình đang ở giai đoạn này, lol.) Ngược lại hoàn toàn với những kẻ này, tăng ni Phật giáo xa rời hồng trần bởi lẽ một chút bụi trần cũng sẽ khiến họ xao nhãng khỏi việc tu tập thiền định.

Nhưng cả The Magician lẫn The High Priestess đều là những điển hình thuần khiết. Nói một cách khác, họ không mất đi sự tỏa sáng của The Fool, họ chỉ đơn giản là chia thành ánh sáng và bóng tối. Trong ranh giới truyền thống của các tôn giáo Đông Tây; The Magician thể hiện cho Phương Tây, nhấn mạnh vào hành động và sự cứu rỗi; trong khi The High Priestess thuộc về Phương Đông, thuộc về con đường tự tách mình ra khỏi thế giới và dòng thời gian. Nhưng kẻ nào đi vào cốt lõi của cả hai truyền thống này sẽ kết hợp được những yếu tố trên.

The High Priestess ngồi giữa hai chiếc cột của ánh sáng và bóng tối. Mặc dù chính nàng là biểu tượng của sự thụ động âm tính, trực giác của nàng có thể cân bằng giữa hai bên. Điều này nghe có vẻ ngược đời. Nhưng nếu ta cảm thấy đời ta ngập trong những đối cực không thể giải quyết, ta có thể đi theo hai hướng sau. Ta có thể chạy tới chạy lui, từ cực đoan này đến cực đoan khác, hoặc ta có thể không làm gì cả. Ngồi ở chính giữa, không nghiêng về bên nào, thụ động để cho những đối lập chạy xung quanh mình. Dĩ nhiên, có thể cuối cùng ta sẽ đánh mất sự cân bằng đó và tri thức tinh thần của chúng ta bởi vì đời vẫn cứ trôi.

Trong hình dung của đạo Kabbalah, The High Priestess là hình ảnh của Chiếc cột Hài hòa (“the Pillar of Harmony”), một nguồn năng lực điều hòa giữa hai chiếc cột đối diện nhau, Ơn Huệ và Phán xét [1]. Thế nên nàng ngồi chính giữa hai chiếc cột của đền thờ. Nhưng không có khả năng tương giao với nguồn lực động của The Magician, ý thức về hài hòa của The High Priestess đã bị tiêu trừ.

Là những nguyên hình, cũng giống như The Fool, The Magician và The High Priestess không thể tồn tại trong cuộc sống của chúng ta nữa. Bất khả kháng, chúng ta trộn lẫn (thay vì hòa trộn) những yếu tốt này; và từ đó ta đi qua những hình thái ít nguyên chất hơn của chúng; chẳng hạn như hành động lung tung hoặc thụ động một cách bất an và đầy mặc cảm tội lỗi. Nói theo cách khác, sự thuần chất của hai cực đã bị đánh mất vì đời xáo tung chúng lên.

Mục tiêu của những lá Major Arcana gồm có hai tầng. Trước thảy, bằng việc chia tách những yếu tố trong cuộc sống thành các nguyên hình, nó cho phép ta nhìn thấy chúng dưới những hình thức thuần túy, như các mặt của sự thật tinh thần. Thứ hai, nó giúp ta thực sự giải quyết các yếu tố khác nhau này, đưa ta qua từng chặng khác nhau của cuộc đời cho đến khi nó mang ta đến sự hợp nhất. Trong thực tế, có lẽ sự tinh nguyên biểu trưng bởi The Fool không bao giờ tồn tại. Mơ hồ ta thấy mất mát. Những lá Major Arcana nói cho chúng ta biết làm thế nào để lấy lại.

Nguồn: Rachel Pollack – “Seventy Eight Degrees of Wisdom”, Phần 1: Major Arcana, chương 1: The Four card Pattern

————

Chú thích của Rio:

[1]:  Trong đạo Kabbalah, Cây của Vườn Thiên Đường (Tree of Garden of Paradise) được sắp xếp theo những hình thể khác nhau nhằm giải thích Những Định luật Vũ trụ (Cosmic Laws.) Để giải thích cho “hài hòa và cân bằng”, cây được xếp dưới dạng 3 chiếc cột, và con đường phát triển, hay “Sefiroth”, được nối giữa ba cây cột bằng một đường zig zag có dạng bậc thang. Những đường zig zag này đều được tính toán theo toán học.

Cây cột bên trái được gọi là cột Phán xét. Cây cột bên phải là cột Ân huệ. Cây cột chính giữa thể hiện CÁI TÔI và được gọi là Thấu hiểu.

Mọi thứ trong đạo Kabbalah đều dựa trên toán học. Thế nên, trong toán học của đạo, cây cột Phán xét bên trái có đường phát triển của Bóng tối; cây cột bên phải là đường phát triển của Ánh sáng, và cột chính giữa mang đường phát triển của Cái đẹp. Giải quyết phương trình này của toán học Kabbalah, ta có: bởi việc thông hiểu Bóng tối, ta sẽ hiểu được Áng sáng, và điều này bằng với Cái đẹp của Bản thân. Cái đẹp là điểm cân bằng; Cái đẹp là hài hòa giữa tối và sáng, hoặc của xấu và tốt. Từ sự sắp xếp này, ta cũng có thể thấy là BẢN THÂN phải Phán xét, đó là con đường để ta Hiểu, nhưng để cân bằng hoặc hài hòa sự Phán xét, ta phải có cả Ân huệ/ “Lòng khoan dung” để có sự giao hòa trong chính Ta.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Translations

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: