Skip to content →

In the States


“When you’re down, that’s where you’ll stay”

(“In the City” – The Eagles)

Tôi nhìn chăm chăm vào tủ kiếng đựng đồ ăn trong cafeteria. Hôm nay không có sandwich gà. Tôi không thích cá ngừ lắm; mà gà tây với cả “ham” thì trông quá tệ. Một miếng sandwich gần 4 đồng, kẹp 2, 3 lát “ham” mỏng dính, thứ “ham” mà bạn có thể mua được với giá 3 đồng một hộp bự ở WalMart. “Chả có gì ăn được trong cafeteria,” ai cũng nói thế; nhưng dòng người xếp hàng đợi tính tiền chưa bao giờ ngắn hơn 4, 5 người. Nhìn ngắm mãi cũng chán, tôi chạy qua quầy tự phục vụ, xúc một vá bự đầy nhóc trứng nghiền và xúc xích và gà băm sốt. Không có rau. Tôi thích ăn rau, nhưng tôi rất ghét salad, tôi ghét thứ gì chưa được nấu chín, trừ sashimi và sushi. Tôi còn biết có cả những đứa đi ăn sushi bar nhưng luôn chọn những dĩa đã được nấu chín nữa kia, nhưng tôi chẳng bao giờ chửi chúng nó được, một phần vì chúng nó là bạn tôi, hai phần vì tôi cũng không ăn được wasabi. Lần duy nhất tôi chịu đưa một thứ có mùi wasabi vào miệng là ở nhà một thằng bạn trong lúc đang ngả ngớn trên ghế xem SpongeBob, tôi vớ một bịch chip mà không hỏi hắn vị gì, đưa nguyên cả nắm vào miệng. Sau đó là ho sặc sụa, nước mắt ràn rụa, thấu tới óc. Tôi chửi thề không ngừng, vừa uống cả ngụm nước to vừa chửi. Chả biết là chửi ai.

Túi xách trên vai, một tay cầm khay đồ ăn, một tay giữ chai nước; tôi bước vào phòng ăn, đảo mắt tìm một bàn trống. Tôi thà ăn ở ngoài hành lang còn hơn phải ngồi chung bàn với bất kỳ ai, vừa trệu trạo nhai vừa cười vừa nói những câu chuyện nhạt nhẽo thấu óc. Lý thuyết là thế, thực tế thường là người ta sẽ nhìn thấy tôi trước, sẽ cười với tôi, tôi sẽ cười lại, sẽ mang khay thức ăn đến bàn của họ, sẽ cố gắng nghĩ xem câu đầu tiên tôi nên nói là gì. “Mùa này học thế nào hả anh?” hoặc “Mới học xong hả chị?” Câu nào cũng tệ như nhau.

Có một bàn trống trong góc, tôi lẻn nhanh tới đó trước khi chạm mắt với bất kỳ người quen nào. Sẽ dễ chịu hơn một chút khi họ chuyển tới bàn của tôi, như thế tôi không có cảm giác đang phản bội chính mình. Tôi lục tìm iPod trong túi xách, đeo earphone vào tai. Chế độ an toàn số 1 vừa khởi động, lời biện minh hoàn hảo cho việc, “Em không nghe chị gọi.” Sau đó tôi tháo mắt kiếng ra, đặt lên bàn, vị trí thật nổi bật. Chế độ an toàn số 2: “Em không đeo kiếng nên chẳng thấy anh, em xin lỗi nha.” Thật ra họ cũng chẳng để ý mấy đâu, cả earphone lẫn mắt kiếng. Tôi không biết họ để ý chuyện gì, nhưng đại khái là họ chẳng để ý gì cả – những con người luôn có nhu cầu ngồi ăn chung bàn với ai đó. Họ không để ý đến đồ ăn họ đang ăn vì bận nói chuyện với tôi; và họ cũng không để ý đến tôi vì đang mồm họ bận nhai. Tôi thật không hiểu được họ nhiều lắm. Và ngược lại.

Xúc một thìa bự đầy nhóc trứng và xúc xích, tôi đưa vào miệng nhai gọn. Không gian ngập đầy tiếng piano, một thằng da đen béo ú đang chơi trong góc phòng, điệu bộ hết sức là mê mải và cuồng nhiệt. Bí quyết cho sự cuồng nhiệt và mê mải trong một căn phòng đầy nhóc chúng sinh lạ mặt là gì nhỉ? Tôi có quen một anh chơi piano rất khá, nhưng cứ lần nào người khác có mặt, hoặc ảnh đánh hơi thấy sự có mặt; thì ảnh chơi như một con gà, nhầm phím này với phím kia, lệch nhịp, lung tung loạn xạ cả lên. “Vì anh kém,” ảnh giải thích như thế. Sau đó ảnh đi học ngành tâm lý học, mục tiêu trở thành người-chơi-piano-không-có-thính-giả-biết-chút-ít-về-tâm-lý-con-người. Mãi tận sau này trong một email gởi cho tôi, anh có khuyên răn một vài dòng kiểu xương máu vớ vẩn, “Em có thể rất giỏi, nhưng nếu em không quen với việc chung đụng với đám đông, thì em sẽ không giỏi nữa.” Chung đụng, thiệt là ghê tởm. Gã da đen béo ú đang chơi trong góc phòng thiệt tình khiến tôi nhớ ảnh ghê gớm. Gã chơi vừa vừa phai phải, còn xa mới bằng được anh; nhưng gã giỏi hơn anh rất nhiều, hoặc là ở khả năng chung đụng với đám đông, hoặc ở chuyện quên béng nó đi cái đám người lúc nhúc chộn rộn này.

Có những lần anh hay bảo mình ghen tị với những kẻ có thể sáng tác mà không cần biểu diễn, và cả những kẻ có thể nhập tâm biểu diễn mà không bị ảnh hưởng bởi một lũ bên dưới dòm ngó soi mói. Đôi khi tôi hay viết một vài thứ, sau đó một thời gian người ta mới đọc. Đối với anh đó thật là một may mắn, không có ai chòng chọc nhìn vào bàn tay xương xẩu của tôi múa may trên bàn phím, hay những dòng chữ cụt ngủn lúc đầu. Nhưng thực sự tôi cũng có những vấn đề riêng của mình.

Ai trong chúng ta cũng có những vấn đề riêng của mình. Một số người đối xử với vấn đề của họ như một bộ ngực đẹp, một cặp mông tròn căng, một đường eo thon lượn sóng; họ ra sức thể hiện, kể lể, thở dài, đãi người ta một bữa ê hề ngồn ngộn các thể loại vấn đề tâm sinh lý trong cuộc sống cá nhân nhàm chán rệu rã của bản thân. Một số người làm theo cách khác, độn đắp nó lên cho nó đủ to, cắt gọt nó đi cho đủ nhỏ, sau đó mới sắp xếp trưng bày cho thiên hạ thưởng thức. Trong mắt tôi họ giống nhau, họ đều cần ai đó nhìn chằm chằm vào những đường cong nức nở trong những khó khăn của họ. Có một số người khác, họ nhìn những câu chuyện buồn và những giọt nước mắt như những nốt ruồi nằm khuất nẻo trong những ngóc ngách cơ thể. Họ chẳng ngại để người ta thấy nó. Nhưng họ cũng đâu có đứng giữa bãi giữ xe, đưa hai tay lên trời để lộ một cái nốt ruồi nâu tròn ở nách làm gì.

Nhưng nói cho đến cùng kiệt nguyên thủy, rồi cũng chẳng ai nhìn thấu được vật vã quằn quại của ai; và con người, dù rên rỉ hay nín nhịn, vẫn cứ phải hoài hủy lang thang đến cực kia của vũ trụ, hoang tưởng một kẻ nào đó sẽ chạm vào mình và những nỗi đau sẽ tan thành nước rồi bốc hơi. Thực sự tất cả chúng ta đều cô đơn (phải không anh?)

Trứng nghiền bị hư. Cơn mắc ói dâng lên trong cổ họng tôi, nước mắt ràn rụa ứa ra khỏi mí. Tôi phun phì phì vào miếng napkin trắng bóc, uống một ngụm Monster dài. Bụng tôi quặn lên như sóng cuộn. Tôi không bị gì cả, chưa phải ngộ độc. Chỉ là ký ức về lần ngộ độc cuối cùng ào về như sóng thần lướt qua não. Trong 8 tiếng đồng hồ nôn ói mật xanh mật vàng nhưng chẳng có một ai bên cạnh đó, những thói quen cô độc, những lần từ chối kết bạn bật dậy cười vào mặt tôi. Chúng cười hỉ hả vì tôi đã kiêu căng như thế nào, đã chủ động tách khỏi mọi người như thế nào, đã lặng lẽ ngồi trên xe bus nghe nhạc không muốn nói chuyện với bất kỳ ai như thế nào, đã từ chối những buổi party thâu đêm suốt sáng ấm áp tình huynh đệ tỉ muội thân ai nấy lo như thế nào. Lúc đó tôi đã khóc rất nhiều, hơi người trở thành một thứ khói thuốc phiện của quá khứ.

Tôi kinh sợ nhìn đám đồ ăn còn lại; dù biết rằng nó vẫn không sao cả. Màu hồng nhạt của ham, màu trắng nhờ của gà bằm trộn sốt, màu vàng của trứng nghiền. Tôi gom lại thành một đống trong hộp, đóng nắp. Bỏ hết mọi thứ vào trong cặp rồi mang lên vai, tôi bỏ gọn hộp đồ ăn vào thùng rác cuối phòng, rồi lại lẻn ra khỏi. Xong một bữa brunch, bên này chúng tôi gọi những bữa sáng và bữa trưa gộp chung là brunch, hầu hết lí do là để tiết kiệm tiền, để giảm cân, và không có thời gian ăn cho tử tế đàng hoàng. Thực sự tôi cũng chả biết chúng tôi làm gì mà lại thiếu thời gian. Cuộc sống cứ rệu rã trôi qua chầm chậm, đôi khi có những kỳ thi, vài ba chuyến đi chơi này nọ, việc làm thì vẫn làm; không có gì gấp gáp để phải bỏ bữa. Nhưng bỏ vẫn cứ bỏ, tựa hồ như không còn nhu cầu ăn để thưởng thức nữa, chỉ là một chuyện phải xong.

Dù sao cũng gần đến giờ vào lớp rồi. Hôm nay tôi có một lớp Sociology, một lớp History, một lớp Economics. Cầu trời phù hộ cho tất cả mấy lớp đó; thực sự chúng tôi không ưa nhau lắm, chẳng qua chỉ như một cặp đôi chịu đựng mà ráng sống với nhau cho qua mùa trăng này. Bạn sẽ học về chế độ đa thê đa phu này nọ, về chuyện da đen da trắng, về Civil War của nước Mỹ (nhân nói về Civil War, tôi không tin mấy việc Lincoln muốn giải phóng nô lệ. Bạn có tin là ai đó đang sung sướng lại bò ra chịu vất vả đấu tranh cứu vớt những kẻ đang cung cấp sự sung sướng cho họ không? Có thể là Jesus hay Buddha, hoặc Theresa, hoặc Gandhi; nhưng chúng ta đang nói đến một chính trị gia. Một chính trị gia, bạn hiểu không? Ai nói gì thì nói, tôi không tin lắm.) Đại khái tôi học được những thứ mà ở Việt Nam hầu hết người ta vẫn nghĩ là những thông tin rất mở, rất trung thực, một nền giáo dục rất sáng tạo hay gì đấy. Hoặc là tôi quá dốt và lười, hoặc là nền giáo dục như thế chưa bao giờ tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới này, trong thời điểm hiện nay. Chỉ có những nền giáo dục rất tệ, hoặc ít tệ hơn, hoặc không quá tệ. Tôi chưa bao giờ viết suy nghĩ của tôi về Lincoln trong những bài luận về Civil War, vì thực ra cũng chẳng ai hỏi tôi như thế trong kỳ kiểm tra. Dù sao nước Mỹ vẫn khá hơn, nó để cho tôi thời gian và cơ hội để nghĩ về Lincoln. Nhớ đến Việt Nam; ngay cả lời đề tựa dành cho “Cuốn theo chiều gió” cũng bị méo mó bởi những dòng kiểu, “sự bất công ở miền Nam”, “tinh thần tranh đấu vì tự do cho nô lệ” khiến tôi bật cười. Thề có ông trời trên cao kia, anh Rhett Butler, cô nàng Scarlett O’Hara, anh em sinh đôi gì đấy, Ashley, Melanie;… tất cả bọn họ đã vẽ nên một câu chuyện tình yêu bất diệt, tình yêu dành cho nhau, cho miền Nam nắng gió rát bỏng, cho những tín niệm vững chắc của họ; và tối cao, tình yêu dành cho bản thân mình đến ích kỷ. Họ đã dựng nên một thời kỳ như thế với tất cả mọi mặt hiện thực của nó, chỉ trừ “sự bất công ở miền Nam” và “tinh thần tranh đấu vì tự do cho nô lệ.” Bạn có thể kiếm hai thứ đó trong quyển “Túp lều của chú Tom”, và lớp History của tôi cũng chỉ nói về “Túp lều của chú Tom” và phớt lờ “Cuốn theo chiều gió.” Nước Mỹ không chào đón tất cả những ý tưởng trái chiều. Nó chỉ không giết bạn vì nói ra những ý tưởng đó thôi. Có khi bạn phải tự giết chính mình.

(nhưng bạn đừng quá lo. Nếu bạn đang có ý định đến Mỹ để học tập, và không quá dư dả thời gian lười biếng để mà nghĩ ngợi điên cuồng; thì bạn sẽ không muốn giết chính mình đâu)

Trên đường đi ra khỏi phòng ăn, tôi thoáng thấy Rugh và con bạn gái châu Á mới của gã. Một trong những thằng tóc vàng mắt xanh khốn nạn nhất trên đời. Sự khốn nạn của hắn là ở chỗ hắn nghĩ tất cả những đứa con gái châu Á đều thích trai da trắng (và da trắng 6 múi như hắn). Sự khốn nạn thứ hai là tất cả những con châu Á hắn dây vào đều đúng là loại như thế.

(Zi Nguyen)

Nói đến chuyện trai da trắng mắt xanh 6 múi, cuối tuần vừa rồi tôi đi xem Avengers lần thứ hai với 2 cô bạn thân ít khi gặp. Chúng tôi vào trễ nên phải ngồi ở mấy hàng ghế sát màn hình, nhìn đến là nhức mắt. Nhưng chúng tôi lại tha hồ ngắm các anh Captain America, Thor, Hawkeye, Tony rõ đến từng cục mụn. Hết phim. Chúng tôi ra khỏi rạp lúc trời đã tối,miệng vẫn râm ran nói về các anh – những anh trai của nước Mỹ. Ba đứa con gái chúng tôi là những đứa yêu nước Mỹ, mà đôi khi tôi vẫn hay nói, “Như kiểu mấy đứa con gái hay yêu thằng khốn lấy zin của nó.” Là như vậy đó. Mối tình đầu trong trẻo và ngọt ngào, sâu sắc và chân thành, chúng tôi để lại cho Việt Nam. Nước Mỹ làm chúng tôi nhận ra bản thân là ai, cho chúng tôi cả “treat” lẫn “trick”; và thế là chúng tôi yêu nước Mỹ. Bạn cũng sẽ yêu nước Anh, nước Ý, nước Pháp, nước Đức, Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc như vậy; nếu bạn bị đá văng đến đó, sống một mình và miết mải đi qua những buồn vui một mình; nhớ về một anh người yêu hiền hòa nhưng đôi lúc hoang mang tên Việt Nam.

Tôi mở cửa xe, mở to radio, mở cả điều hòa. Chúng tôi, ba đứa con gái, độc thân về mặt thể xác. Lần nào gặp nhau chúng tôi cũng nói về trai. Những thằng con trai nhạt nhẽo và rỗng ruột đến phát ngấy lượn đầy quay đây. Những anh con trai quá sức là “cool” và quá sức là xa. Những cậu bạn trai dễ thương và cũng phức tạp lằng nhằng với đủ thứ vấn đề của họ. Hết nói về trai thì chúng tôi nói về chính mình. Những đứa con gái khác ít khi xuất hiện trong những câu chửi lẫn lời khen của chúng tôi. Gái thì chỉ có chia làm 3 loại: giỏi, và làm chúng tôi ghen tị lẫn khâm phục; đẹp, và làm chúng tôi thích thích lẫn ghen tị; loại cuối cùng là không được cái tích sự gì cho đời cả. Ai bảo chúng tôi kỳ thị thì chịu; nhưng con trai hay hơn gấp tỉ lần. Chẳng hạn như chửi những thằng con trai vừa nhạt, vừa ngốc, vừa rỗng, vừa bại sẽ mang đến cho bạn hứng khởi gấp tỉ lần so với chửi những đứa con gái như thế. Con gái, chúng tôi thương nhiều hơn là ghét họ.

Dĩ nhiên khi nói về bản thân mình; chúng tôi sẽ kéo theo một cộng đồng những người xung quanh mình vào. Nhưng họ chỉ là những miếng hạt mè trên mặt một cái hamburger lớn; kệ họ đi. Họ thực sự không cần được nhắc tới; và họ cũng không muốn được chúng tôi nhắc tới đâu. Dù họ nhắc tới chúng tôi khá nhiều đó, từ việc chúng tôi không chịu học nursing cho đến việc chúng tôi tiêu xài quá nhiều tiền. Kệ họ đi.

Đêm hôm đó gió rất to và mát, gió luồn qua những khung cửa, thổi tung hết giấy tờ trong xe tôi, làm hai đứa bạn hú hét quá trời. Radio mở to, dội ra thứ nhạc vớ vẩn trong bài hit của Rihanna, “We found love.” Cũng như tất cả những bài pop vớ vẩn và hit, nó kẹt cứng trong đầu tôi đến mấy ngày. Cùng với những ánh đèn điện sáng nhất nước Mỹ về đêm, cùng với những cửa hàng 24/7 bán đủ thứ đồ tiện lợi, cùng với những tiệm xăng không ngừng chảy mà bất kỳ khi nào đi ngang qua tôi cũng la hét bất kể giá xăng lên hay xuống, cùng với những cửa tiệm hào nhoáng sáng trưng lấp lánh; chúng tôi ra sức gào lên câu duy nhất khả dĩ có lí trong bài hát vô nghĩa đó.

We found love in a hopeless place.

Vấn đề duy nhất của bài này là nó lặp lại câu đó đến ba lần. Mọi sự lặp lại đều trở nên thái quá và méo mó. Và trong lúc sự méo mó ứa ra trong tiếng hát khàn khàn của chúng tôi về một tình yêu tìm được trong lúc vô vọng, theo một bài hát nhão nhẹt rỗng tuếch, đèn giao thông chuyển sang đỏ. Tôi dừng xe, làn đường bên cạnh có một chiếc bán tải màu trắng, cửa sổ cũng mở toang. Tôi không chú ý lắm, mắt nhìn đèn đỏ sẵn sàng đạp gas. Nhưng rồi thoảng theo làn gió ầm ào, từ chiếc xe bên cạnh, một giọng hát từ radio, một giọng nam hoang dã vọng vào xe tôi

Somewhere out there on that horizon
Out beyond the neon lights
I know there must be somethin’ better
But there’s nowhere else in sight

Máy lạnh thốc ra từng làn hơi khiến tôi rùng mình. Tôi trân trối nhìn đèn đỏ, lầm rầm đợi đèn xanh làm ơn mau sáng. Tôi nhỏ nhoi và ngu ngốc giữa cuộc đời. Giữa một đêm vừa xem xong Avengers và hát found love in a hopeless place; tôi không muốn nghe tiếp bài hát đang mở trong chiếc xe bán tải trắng kia; cho dù chỉ một vài nốt tưng bừng theo gió vào tai tôi.

Đèn xanh! Tôi nhấn gas đạp thẳng. Chiếc xe bên cạnh thậm chí còn nhanh hơn, phóng vút qua trước mặt tôi. Tôi nhìn theo và tự hỏi tôi có phóng thật nhanh nếu trong xe tôi cũng đang mở bài hát đó hay không? Bài hát dành cho những tâm hồn không chịu được sự bức bối sau những lớp chấn song đèn màu thành thị.

Tôi hy vọng là hắn không phải lái xe một mình.

Ngồi ở ghế bên cạnh, con bạn tôi bắt đầu nói về một thằng con trai khác. Hoặc một ai đó khác. Hoặc về chính nó.

-Nghe hơi bị điên, nhưng đôi lúc người ta thích những lúc mình buồn. Những lúc như thế có cảm giác làm mình đang sống, mi hiểu không? Chứ còn như thế này, quá trời việc rồi cứ làm hết thứ này đến thứ khác; xoay xoay một chặp thấy người mình hắn khô rạc ra.

Tôi gật gật đầu, không chắc mình hiểu lắm. Tôi chưa bao giờ bận bịu gì cho nhiều, thời gian tôi có thừa, chỉ có thiếu không khí. Nhưng đã nói rồi, mỗi người có một vấn đề riêng, và chẳng ai chạm được vào vấn đề của ai cả. No one’s there to catch you when you fall.

…We found love in a hopeless place…

…Somewhere out on that horizon

…We found love in a hopeless place…

…I know there must be somethin’ better…

Dưới những vì sao đã bị ánh đèn nước Mỹ làm lu mờ, trong chiếc xe cũ kỹ vẹo vọ; chúng tôi đã gào lên với bầu trời đêm như thế.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Truyện

Comments

    • Rio Rio

      ^^ cảm ơn chị

  1. hung hung

    read until the end ^^

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: