Skip to content →

Thế hệ trẻ Việt Nam – thức tỉnh và “lách” hàng rào kiểm duyệt [AP]

“Kiểm duyệt là mục quảng cáo của chính phủ.” (Federico Fellini – biên kịch và đạo diễn người Ý)

Đăng ngày 02 tháng 02, 2012, 2:51 sáng.

Bởi Mike Ives – The Associated Press

Nguồn: http://abcnews.go.com/International/wireStory/vietnams-awakening-youth-circumvent-censorship-15495276#.TzCObcWXT64

Nguồn: AP| Trong bức ảnh được chụp vào thứ Hai, ngày 30 tháng 1, thanh niên Việt Nam chơi game online tại Cyzone, một trong những trung tâm game lớn nhất Hà Nội. (AP Photo/ Na Son Nguyen)

Hà Nội, Việt Nam – (AP) — Khi sinh viên Nguyen Hong Nhung nhìn thấy “Sát thủ đầu mưng mủ” trên một chiếc smartphone, cô cũng muốn có quyển sách minh họa bị cấm đó. Mặc dù những nhà kiểm duyệt Việt Nam đã gạt ấn phẩm này khỏi các cửa hiệu, hoàn toàn không khó để tìm một bản online.

Nhung đơn giản chỉ cần google tiêu đề, và với một vài cú click, cô đã có thể tải bản lậu của quyển sách – một tập hợp tranh biếm họa minh họa cho những câu nói vần điệu, đôi khi vô lý, đang phổ biến trong ngôn ngữ tiếng lóng của giới trẻ Việt Nam

Những nhà kiểm duyệt chính phủ đã nhận thấy một vài hình ảnh bạo lực hoặc nhạy cảm về mặt chính trị.

“Chính phủ càng cấm bao nhiêu, thì càng nhiều người trẻ cố gắng tìm hiểu xem vì sao bấy nhiêu,” một thanh niên Hà Nội 20 tuổi phát biểu.

Đảng Cộng sản già cỗi của Việt Nam kiểm soát tất cả: kiểm duyệt mọi phương tiện truyền thông, đàn áp những người phản đối và bỏ tù những ai dám lên tiếng chống lại chế độ độc đảng. Nhưng trong thời đại cửa hàng bán iPhone chen vai thích cánh bên cạnh chùa chiền Phật giáo, những nhà cầm quyền văn hóa đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc vận động bành trướng những ý niệm thống nhất của họ lên văn hóa và bản sắc Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

“Đây là điểm mấu chốt cho một thế hệ trẻ hơn,” nhà học giả Đông Nam Á Thaveeporn Vasavakul phát biểu, ông hiện đang khảo sát những cải cách công cộng tại Việt Nam.

“Bất chấp sự lãnh đạo độc đảng, bạn vẫn thấy sự đa nguyên trong tư duy văn hóa cũng như chính trị. Thế hệ trẻ đang đứng đây, nhìn xung quanh, và thấy rất nhiều lựa chọn để cân nhắc.”

Tranh tuyên truyền và các cuộc vận động yêu nước tiếp tục đôn đốc già trẻ noi theo lối sống khổ hạnh của cựu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà kiểm duyệt vẫn soi xét các ấn phẩm, phim ảnh và báo chí nước ngoài có nội dung nhạy cảm trong khi giới quan chức cố gắng khống chế mọi thứ từ game online đến đua xe – và thành công ở những mức độ khác nhau.

Theo ông Dang Hoang Giang, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng phi lợi nhuận, phần lớn giới trẻ Việt Nam ngày nay vô cảm với chính trị (1); cơ hội cho bất kì cuộc nổi dậy nào từ quần chúng vẫn còn rất xa.

Tuy nhiên, giới trẻ của đất nước này có một bề dày lịch sử của việc tập hợp và đứng lên, đầu tiên là chống lại thực dân Pháp và sau đó là trục xuất Mỹ trong suốt chiến tranh Việt Nam. Tình hình ở Hà Nội càng thêm căng thẳng trong thời gian cuộc cách mạng dân chủ Mùa Xuân tại Arab quét qua Bắc Phi và Trung Đông vào năm ngoái, cũng như sự nổi loạn từ những người dân nghèo ở nước Trung Quốc láng giềng.

Những khác biệt ngày càng lớn giữa những thế hệ người Việt Nam khiến các nhà cầm quyền lo lắng vì “họ đã quen với việc họ nghiễm nhiên phải là người lèo lái,” ông Giang nói.

Mặc dù những lệnh cấm văn hóa đã giảm bớt trong những năm gần đây, phản xạ nhạy cảm của chính phủ vẫn hạn chế những hoạt động của tuổi trẻ một khi hoạt động đó bị xem là tiềm tàng nguy hiểm đối với quyền lực của nhà nước – kể cả khi chúng vô hiệu.

Tuy nhiên, lệnh cấm năm 2009 đối với việc chơi game online khuya đã không thể ngăn teen Việt Nam lén lút chơi tại các cửa tiệm Internet. Tiền phạt đối với việc đua xe cũng không ngăn được những tay lái trẻ, đưa đến sự kiện cảnh sát Thanh Hóa phải bắt những tay lái bằng lưới đánh cá. Việc chặn Facebook một cách lỏng lẻo cũng không thể ngăn người dùng sử dụng trang mạng xã hội phổ biến đến từ nước Mỹ này.

Lệnh cấm vào tháng Mười đối với “Sát thủ đầu mưng mủ” lại là một thất bại khác của kiểu kiểm duyệt xưa cũ.

Mặt dù đơn vị xuất bản nhà nước đã thu hồi quyển sách sau hai tuần phát hành, thông báo rằng nó mang nội dung nhạy cảm, người Việt Nam vẫn đọc nó trên mạng hoặc mua lậu ngoài đường. Một phiên bản điện tử đang được bán với giá 7.99 USD tại trang Amazon.com

Quyển sách khổ nhỏ này trình bày 120 minh họa châm biếm những vấn đề xã hội và cuộc sống Việt Nam đương thời. Tác giả Nguyen Thanh Phong nhắm vào những chủ đề nóng như nạn săn bắt động vật và bạo lực gia đình bằng việc sử dụng những thủ pháp vui nhộn, đồng thời cũng sắc sảo, và ý nhị.

Những câu nói hài hước có vần điệu của anh mô phỏng theo ngôn ngữ tiếng lóng đường phố, điều mà một vài người lớn không thích vì cho rằng nó không tôn trọng tiếng nói và văn hóa Việt.

Phong, 25 tuổi, từng đoạt giải thưởng của hội đồng giám khảo Hiệp hội Hoạt hình và Truyện tranh Châu Á – Thái Bình Dương, nói rằng anh vẽ quyển sách để cho thấy “nghệ sĩ có thể làm bất kì điều gì họ muốn” và để đưa người Việt “đến gần hơn với những vấn đề đương đại.”

Anh nhún vai trước khẳng định cho là nó làm tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt; cũng như nhận thấy quyết định thu hồi là một quyết định cực đoan.

Nguyen Thanh Phong tại Hà Nội – bức ảnh được chụp vào Chủ Nhật, ngày 29 tháng 01, 2012. Anh là tác giả của quyển sách biếm họa bị cấm “Sát thủ đầu mưng mủ,” (AP Photo/ Na Son Nguyen)
“Một trong những thứ cản trở sự sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ là nỗi sợ vô hình của họ,” Phong tâm sự, trong khi đang nhấm nháp một cốc latte ở Hà Nội. “Họ không muốn làm phiền lòng nhà cầm quyền, thế nên họ áp đặt giới hạn lên chính những gì họ tạo ra.”

Trong một tranh minh họa mà theo những nhà kiểm duyệt là quá tàn nhẫn, một người đàn ông tái xanh tái xám đang bán máu để lo tiền học cho con. “Bác sĩ, xong chưa vậy?” người đàn ông hỏi. “Chờ chút đi,” vị bác sĩ trả lời. “Còn ba lít nữa mới xong.” Cuộc trao đổi này có thể xem như là lời nhạo báng đối với những bất bình đẳng đang gia tăng ở Việt Nam, khắc họa mặt trái sự bùng nổ kinh tế của đất nước.

Một trang khác lại là cú tát xấc xược đối với quân đội, vẽ hình hai người lính đang chơi đá cầu bằng lựu đạn với chú thích, “Bộ đội phải chơi trội.” Đối với xã hội Việt Nam, quân đội luôn được đề cao và nằm ngoài vùng bị phê bình.

Bà Dang Thi Bich Ngan, phát ngôn viên của Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn Hóa biện giải cho quyết định thu hồi sau khi 4,000 trên 5,000 ấn bản đã được bán. Nhưng bà cũng thừa nhận rằng quyết định gây tranh cãi này chỉ nhen nhóm thêm chuyện bán lậu quyển sách.

Ban Giám đốc Nhã Nam, nhà xuất bản quyển sách, từ chối bình luận.

Sinh viên đại học Do Quynh Trang, 19 tuổi, cho rằng chính phủ nên kiểm duyệt những nội dung mang tính bạo lực và tình dục một cách rõ ràng. Cô đọc “Sát thủ đầu mưng mủ” trên một trang web tuổi teen Việt Nam và nhận thấy những người dưới 18 tuổi không nên đọc “Sát thủ đầu mưng mủ”.

Tuy nhiên, cô vẫn dự định mua một quyển và trân trọng nó như một bảo vật của tuổi trẻ.

“Những câu nói rất vui,” Trang nói về quyển sách. “Có lẽ khi chúng tôi già hơn, chúng tôi sẽ không nói như thế nữa.”

.

.

.

Chú thích:

(1) Nguyên văn: apolitical – phi chính trị.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Translations

Comments

  1. Việt Anh Việt Anh

    Có những cái cấm nó dở hơi nhưng có cái cấm chính đáng. Đua xe trái phép, chơi game thâu khuya là những thứ đơn giản nhất để hủy hoại sức khỏe của giới trẻ, thế nên chính phủ không phải là vô lý khi cấm đâu. Riêng chuyện Sát thủ… thì vấn đề không phải ở Bộ VH mà là “một số người tự cho ta giỏi” lên tiếng trước, dư luận thì “cũng có lắm con bò ăn theo” thì Bộ VH mới vào cuộc.
    Nhiều thứ rất đơn giản ở VN nhưng không phải người nước ngoài nào cũng hiểu, nhất là khi trong đầu họ đã có định kiến sẵn về Cộng Sản.
    Riêng về nói “cuộc sống khổ hạnh của Hồ Chí Minh” – người không sống khổ hạnh, mà là giản dị, bởi thời người sống là thời kỳ cả nước đều khó khăn, giản dị vật chất nhưng giàu về tâm hồn. Dù sao cũng cảm ơn bác Rio đã dịch bài viết này.

    • Rio Rio

      1. Em là con gái ạ :((

      2. Có nhiều điểm trong bài viết em cũng không đồng ý. Chuyện đua xe là 1 ví dụ. Nhưng quan điểm của người viết hoàn toàn khác mình nên cũng thấy hay hay vì hóa ra họ nhìn khác mình như thế. Hehe

  2. Hiếu Hiếu

    ta để dấu ba chấm vì ta cũng không biết điền cái chi vào đó
    mà đôi khi lại mất niềm tin dù vẫn còn một chút niềm tin
    mà nói chung là ta chọn thờ ơ với chính trị =))

  3. Long truyện Long truyện

    Đúng – Sai là chuyện không thể sáng tỏ trong một sớm một chiều. Sẽ là hồ đồ và thiếu tôn trọng tác giả nếu ta mặc định những gì được viết này là Đúng hay Sai. Nhưng tớ là tớ thích cách nhìn đa chiều, mọi sự khác biệt đều đáng được tôn trọng, vì nó là tiền đề cho sự phát triển hề hề

    • Rio Rio

      Hehe. Bài này là em dịch từ AP nha anh ( tại lúc nãy có người tưởng em viết) có một vài điểm trong bài em ko đồng ý lắm. Nhưng tiểu tiết thôi.

  4. Hiếu Hiếu

    Ta nghĩ là cái gì cũng cần thời gian để mà thay đổi, và chính thế hệ trẻ chúng ta là người thay đổi. Đảng cộng sản già cỗi sẽ dần hồi xuân 😀
    Hồi trước ta có nghe thầy ta (thầy Phúc) nói rằng vấn đề là ở con người, chứ không phải ở chế độ

    Ta vẫn còn niềm tin mãnh liệt vào …. 😀

    • Rio Rio

      Mi cứ viết ra chứ có chi mà ba chấm 😀 nếu một người đã lên tiếng đòi ng ta tôn trọng ý kiến của mình thì cũng phải biết tôn trọng ý kiến của ng ta mà.

  5. văn phong dịch hay nhỉ, đọc ít bị vấp – tuy nhiên chưa đọc bản gốc nên ko bàn về tính chính xác của văn bản
    – khẩu vị văn chương mình hơi bị dở nên ko thế nếu ý kiến dc nhìu =]] –

    • Rio Rio

      comment mang tính bị ép comment =)) iu quá cơ =))

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: