Skip to content →

“Đường về nhà bỗng ngắn.”

Hôm nay tôi xem một bức ảnh ai đó chụp trên Facebook. Trong bức ảnh là màn hình nhỏ xíu dành cho hành khách xem phim trên máy bay. Bức ảnh với caption “Đường về nhà bỗng ngắn.”

Và ngay phía dưới là comment từ một người bạn của chủ nhân bức ảnh, “Cho những yêu thương bất chợt dài ra.”

Chắc hẳn người chụp là một cô bé đang du học rồi. Chắc hẳn cô bé đang ở trên chiếc máy bay hướng về Việt Nam. Chắc hẳn trong mười mấy tiếng bay xuyên lục địa đó, cô bé sẽ nghĩ đến nhiều điều, nhận ra nhiều điều, và những cảm xúc lạ quen sẽ một lần nữa khuấy động đầu óc của một người trẻ. Người trẻ hay có nhiều cảm xúc. Tôi không biết người già thế nào, nên tôi không viết vào đây. Nhưng nhắc lại: người trẻ hay có nhiều cảm xúc, và trước giờ tôi vẫn tin rằng người trẻ trưởng thành bằng cảm xúc chứ không chỉ kinh nghiệm (và cũng không thể chỉ bằng kinh nghiệm). Một lần nào đó con tim cảm thấy điều lạ mà trước giờ chưa hề trải qua, thế là người trẻ đã biết đến một cảm xúc mới; một lần nào đó chai lỳ trước thứ từng khiến mình khóc cười; người trẻ đã mất đi một cảm xúc cũ; cứ như thế chúng ta lớn lên và già đi, để lại sau lưng những nhớ quên cuộc đời.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi ngồi trên máy bay mười mấy tiếng đồng hồ về Việt Nam. Mười mấy tiếng thôi, nhưng tôi đã gom đủ cảm xúc để trưởng thành nhiều hơn cả 19 năm ở nhà không xa ba mẹ nửa bước. Lúc máy bay bay vào địa phận Việt Nam, thoáng nhìn thấy mũi Cà Mau phía dưới, tôi đã phải ngăn không cho nước mắt mình ứa ra ngay trên máy bay. Cả đời tôi tới lúc đó (và cả bây giờ) chưa hề đặt chân đến Cà Mau, cũng chẳng quen biết ai vùng nước mặn xa xôi kia; nhưng Cà Mau trong khoảnh khắc đó vụt trở thành đại diện cho tất cả những nhớ thương của tôi, như vì sao nhỏ xíu xa xôi cho kẻ đang khát khao cả một vũ trụ thân thuộc. Tiếp theo đó là khoảnh khắc xuống sân bay Tân Sơn Nhất, lưng đeo chiếc backpack to uỵch và thầm nhủ một câu, một câu mà cả đời tôi sẽ không quên, “Cuối cùng cũng đứng trên đất Việt thật rồi, đứng với đôi chân chạm mặt đất.” Đơn giản vậy thôi.

Cái khoảnh khắc chân thật của bàn chân chạm đất Mẹ, hít thở bầu không khí tuy đầy bụi nhưng vẫn cứ yêu thương đó, tôi chẳng tìm được từ nào diễn tả cho bằng hết. Có lần tôi nói với Linh (du học sinh Anh), cảm giác đó giống như tỉnh mộng. Nước Mỹ chỉ còn là một giấc mơ xám xịt xa xôi; về đây có nắng vàng rực trên đầu, có gió biển ào ào thổi; như tỉnh giấc ngủ triền miên để trở về sống trọn bản thân, sống đến tận cùng cảm xúc. Nếu có một hôm nào đó đi xa, đi du lịch vui vẻ cũng được, giữa đêm ngồi một mình nơi nào đó, và mở Open Arms của Journeys mà nghe, giống như tôi đã gào Open Arms trong xe mình những tối khuya đi làm về; có lẽ bạn sẽ phần nào cảm giác được thoáng rùng mình đến ngọt ngào đó,

Và tôi về đây với Người, với vòng tay rộng mở

Chẳng hề che giấu điều gì, hãy tin tôi 

Và tôi đang ở đây với vòng tay rộng mở

Hi vọng Người sẽ biết tình yêu của Người có ý nghĩa như thế nào với tôi

Và khi ai đó hỏi tôi rằng, mối tình đầu của tôi là ai và khi nào; tôi sẽ trả lời với nụ cười hạnh phúc,

-Đà Nẵng.  Từ lúc mới sinh.

Hôm nay lái xe trên freeway và tôi bỗng dưng tìm được câu trả lời cho một câu hỏi lâu nay của mình. Vì sao những con người ở đây lâu năm lại không còn cảm giác muốn về Việt Nam nữa? Câu hỏi đơn giản nhỉ, có gì đâu mà phải nghĩ nhiều. Tiền bạc, con cái, gia đình, … nhiều thứ khác họ tạo dựng ở đây đã kéo họ lại. Nhưng tôi hỏi cho chính tôi. Hỏi cho một con bé Rio nào đó trong tương lai không biết sẽ lưu lạc nơi đâu trong thế giới rộng lớn này. Con bé đó vào một ngày trước tuổi 21 đã tự trả lời cho mình như sau: “Vì người ta đã đánh rơi mất “con chip” của họ. Dữ liệu cảm xúc không được truyền từ Việt Nam sang XYZ location. Họ không thuộc hẳn về nơi nào nữa, vì một phần trong họ đã mất đi. Vĩnh viễn.”

5 năm nữa, hoặc 1, 2 năm nữa thôi; tôi sẽ có cơ hội kiểm chứng lại giả thiết này. Những vấn đề khoa học luôn đòi hỏi thời gian dài làm research cẩn thận. Nhưng thật lòng mà nói, tôi chẳng hề muốn dành cả cuộc đời mình để chứng minh cho một lý thuyết. Tôi chỉ muốn sống vui vẻ, sống ở nơi thuộc về mình; mình thuộc về nơi đó, trọn vẹn, hoàn toàn.

Em à, em tha hương…

“Em có mơ ngày hát câu hồi hương?”

.

.

.

.

.

.

Chú thích:

Bài hát “Em còn nhớ mùa xuân?” (Ngô Thụy Miên)

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký

9 Comments

  1. tui đã đến Đà Nẽng. Nhưng chưa quay lại Cà Mau.
    còn bạn?

    • Tui chưa tới Cà Mau lần nào hết à 🙁

    • anh chủ website đăng bài của em ạ 😀 Thỉnh thoảng em dịch vài bài trên đó í mà.

  2. U Minh U Minh

    bẵng đi mấy tháng thì bỗng dưng qua phây búc bút chì lượn qua chỗ này, nhớ là quen quen lục đi lục lại thì ra bài này đây.

    tuổi trẻ bay bổng lắm về già mới quay lại quê nhà chỉ còn là một người khách trọ bị đánh cắp thanh xuân..

  3. Ban ah, ban da noi thay cho noi long Cua nhung dua con lam que lac cho do, va Minh nghi, tat ca nhung Ng song tren dat khach luc nao cung mo ngay hat cau hoi huong..,

  4. Về Việt Nam đi Cà Mau một chuyến nhỉ?

    • Rio Rio

      nghe có lí à nghen

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: