Skip to content →

Chúng ta nghe, và rồi chúng ta phải nói.

Tôi chỉ viết ngắn gọn thế này thôi, vì cũng không có hứng thú để viết chi cho dài.

Bất kì đứa nào học Communications, hoặc từng lấy một lớp Speech và học hành tử tế đàng hoàng được A trở lên; đều phải biết một đơn vị kiến thức cơ bản sẽ được dạy gần như trong chapter đầu tiên của bất kì quyển sách đàng hoàng tử tế nào về Communications: giao tiếp/ truyền thông (communications) tồn tại dưới hai hình thức riêng biệt: Linear Model (Hình thức Tuyến tính) và Transactional Model (Hình thức Tương giao) Ở đây là tôi tạm dịch như thế, chứ chữ nghĩa tiếng Việt có chuẩn thế không thì tôi không rõ.

Nói một cách rất chi là cơ bản, Linear Model là một bên “phát” trong khi bên kia “nhận”. Chỉ thế thôi. Tuyệt không có chiều ngược lại. Nếu nó có ngược lại, dù chỉ 1 chút xíu tín hiệu; nó ngay lập tức thuộc về Transactional Model.

Nghe đơn giản nhỉ? Hẳn là ai đọc đến đây cũng đã hiểu. Tôi không nói dài nữa, kẻo lại vi phạm cái chỉ tiêu nói ngắn trong bài này.

Bây giờ ta đi vào tiền đề thứ chính, nằm dưới dạng một câu hỏi. Câu này không phải professor hỏi tôi; nên các bạn cứ yên tâm là không phải tôi đang cheating một cách hợp pháp. Câu hỏi như sau: tìm ví dụ trong cuộc sống thực minh họa cho Linear Model.

1…2…3…

Bạn tìm ra chưa? Giáo viên giảng trong khi bạn cắm cúi chép, miệng ngáp ngắn ngáp dài, tay còn lại bấm tin nhắn? VTVT 1 ra rả “năm nay là năm bản lề cho những bước phát triển, năm ngoái cũng là năm bản lề và dự đoán năm sau sẽ tiếp tục là năm bản lề vì xây mãi chưa xong cái cổng mà cái cổng cũ mới xây xong đã bị sập chưa rõ nguyên nhân vì sao, hiện còn đang tiếp tục điều tra…?” Báo chí đưa tin về vụ Tiên Lãng, và bạn ngồi đó đực mặt ra đọc? Thế mà đó lại không phải Linear Model đâu. Cái ngáp từ khuôn miệng nhỏ xinh đầy mùi hành tỏi của bạn, cái bĩu môi, nhếch mép; cả cái tiếng thở hắt ra; hay thậm chí một câu đờ mờ; tất cả đều là một thông điệp đã được encode (mã hóa) và phát đi tín hiệu trong không gian. Bạn – đối tượng tiếp nhận – đã trở thành đối tượng phát tín hiệu, và tiếp tục là đối tượng phát tín hiệu; thậm chí cả khi giáo viên đã rời lớp hay TV đã chuyển qua chương trình khác. Nói tóm lại, một chút xíu xìu xiu tín hiệu bạn phát ra cũng là phản hồi lại thông điệp bạn đã nhận và phát đi một thông điệp mới từ phía bạn, bất kể có ai thèm tiếp nhận hay không.

Đến khúc này tôi có thể sai, sai từ cơ bản về mặt kiến thức; nhưng đối với riêng tôi; Linear Model không tồn tại. Người ta phải dạy cho học sinh về nó chỉ để có vẻ cân bằng với Transactional Model mà thôi. Nó không tồn tại vì chúng ta; khi tôi nói chúng ta là tôi nói về “beings”, về tất cả những sinh thể sống trên Trái đất này; đã được quy luật tự nhiên trao cho cái quyền cơ bản: Quyền Tự do Thể hiện. Trong một văn bản lịch sử nổi tiếng nào đó, người phát biểu trứ danh đã nêu lên mô hình thu nhỏ của 3 đối tượng này, dưới 3 khái niệm nhỏ hơn như sau: Thượng đế, con người, quyền tự do ngôn luận.

Rồi, xong. 3 đoạn với gần 500 chữ, cuối cùng đến đây tôi cũng nêu được câu chủ đề rồi đó. Dài dòng và vô nghĩa, cũng không hấp dẫn tí nào. Nói như Nathaniel Hawthorne, “Thứ gì đọc dễ hiểu thì lúc viết khó bỏ mẹ.”  Và để cho nhanh gọn, tôi sẽ viết luôn câu mở rộng vấn đề: chúng ta đã được trao cho quyền thể hiện, thì chúng ta nên thể hiện. Con vật nó bị xử ác thì nó biết sủa, biết kêu, biết la; con bò bị dắt ra mổ, đôi mắt còn biết ươn ướt. Con người chúng ta không nên thua kém loài vật chúng bạn, vì như thế khá là không hay; nếu không muốn nói là nhục, nhục lắm cơ. Điều gì đã ngăn chúng ta thể hiện, ngăn chúng ta nói cho những điều chúng ta tin; điều đó phải chăng đã tước đi của chúng ta quyền được làm “con”, chưa nói đến quyền được làm “người”? Cỏ cây xuân qua hạ đến còn biết trút lá trơ cành, báo hiệu cho mùa đông cơ mà.

Nói dông nói dài cũng là để nói chốt lại 1 chuyện: bạn nên nói, bạn nên nói những gì bạn nghĩ trong đầu. Điều này có vẻ đi ngược lại câu châm ngôn khôn ngoan, “Đừng bao giờ nói ra hết những gì bạn nghĩ.” Ừ, tôi thích câu đó lắm. Thích vì tôi làm không được. Nhưng bạn à, nó khác nhau đấy, giữa “nói” và “nói ra”, nó khác nhau lắm. Bạn đừng nói hết những gì bạn nghĩ cho người khác nghe; nhưng bạn phải nói cho chính mình nghe. Quên, tôi ghét dùng từ “phải.” Bạn CÓ THỂ nói cho chính mình nghe. Và đừng quên làm điều đó; vì trời ạ, con người chúng ta vốn cô đơn lắm rồi. Đến chính mình mà còn không nói được thì biết nói chuyện với ai bây giờ?

Nhưng không chỉ vì cô đơn mà chúng ta phải nói chuyện với chính mình. Còn vì sao nữa thì để hết đoạn này tôi sẽ nói. Giờ chúng ta chuyển qua câu hỏi khác đi: làm thế nào để “nói” với chính mình? Đơn giản là khi người ta đưa cho bạn một thứ gì đó, bạn phải cho nó một phản hồi, đừng thực hiện Linear Model ở đây, đừng chỉ tiếp nhận. Luôn phản hồi, dù cho phản hồi đó mãi mãi bị chôn sâu trong đầu bạn, không (được) nói ra. Quả táo. Nó to chừng nào, màu gì, vì sao nó màu đỏ, bạn có nên ăn nó không, vì sao quả táo lại xuất hiện,… mặc dù có khi đứng trước mặt người cho bạn quả táo, tất cả những gì bạn phản ứng chỉ là mỉm cười, nhận lấy trái táo, và nói “Cảm ơn.” Người bị đánh chết ở một đồn công an. Ai? Như thế nào? Tại sao? Người bị giặc ngày cướp đất. Ai? Như thế nào? Tại sao? Và sẽ ra sao?

Kể cả khi bạn không trả lời được những câu hỏi đó, kể cả khi không ai trả lời được cho bạn những câu hỏi đó; bạn cũng đừng bao giờ quên hỏi chính mình. Não chúng ta chỉ có vài chục năm hoạt động, nhưng linh hồn của chúng ta, vì tôi theo đạo Phật, có đến vô lượng sát na để hối hận. Vì đã không cho não chúng ta hoạt động, vì đã không cho cái tôi trong chúng ta một người bạn để nói chuyện.

Ô, mà sao tôi lại căng thẳng như thế nhỉ? Hằng ngày chúng ta vẫn ra rả đó thôi. Facebook, báo đài, ra đường bóp còi inh ỏi vào mặt nhau, đi nhậu vẫn chén chú chén anh với bạn rượu cơ mà. Ngay cả bạn, cái người đang đọc tới dòng này và tự hỏi, “Tiên sư bố con này nó viết cái gì lê thê mà vẫn chẳng có ý chính!”, bạn cũng đang giao tiếp đấy nhỉ. Chúng ta có bao giờ ngừng phát đi tín hiệu đâu, vì sao tôi phải cằn nhằn càm ràm chứ? Tôi sẽ nhường phần trả lời câu hỏi này cho Benard Shaw (tôi thích ổng lắm á.) Ổng có một câu đủ để diễn tả hết 5 đoạn văn tôi vừa viết, “Vấn đề lớn nhất của truyền thông là cái ảo tưởng cho rằng truyền thông đã được tiến hành.” 

DOOOOOOOOOOOOOOOOONG!

Nói nguyên 1 bài dài dòng nhưng tóm lại là thế. Chúng ta nói chưa đủ, nói với chính mình mà nói với người cũng chưa đủ. Những status trên mạng, những câu chửi thề ngoài quán rượu, những bài blog dài lê thê về những chuyện “tế nhị”, viết về ai đó ở nơi nào đó trên cao kia; biết thế nào là đủ mà thế nào là chưa… Trong một số trường hợp, “chưa đủ” đồng nghĩa với im lặng. Và bạn có biết không, “thế giới này phải trải qua nhiều chuyện, không phải vì sự độc ác từ những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.” Napoleon đã nói thế.

Lại bị nói dài nữa rồi. “… cái ảo tưởng cho rằng truyền thông đã được tiến hành.” Lạy cụ Benard Shaw, con thề con sẽ không bao giờ trở thành nhà văn nữa. Cụ nói xong 1 câu thì những gì con viết tiếp theo bỗng dưng trở nên rác rưởi.

Lạy cụ,

Chào cụ,

Con xin lui.

ΔΔΔ

Chú thích: tôi phải chú thích vì tôi tự dịch những câu nói hay ho trên, mà tốt nhất là đừng tin những gì tôi dịch. Luôn luôn tự hỏi. Luôn luôn phản hồi. That’s it.

“Easy reading is damn hard writing.” (Nathaniel Hawthorne)

“The single biggest problem in communication is the illusion that it has taken place.” (George Bernard Shaw)

“The world suffers a lot, not because of the violence of bad people, but because of the silence of good people!” (Napoleon Bonarparte)

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Nhật Ký Viet

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: