Skip to content →

[Chương 02] Nhật ký gởi Jordan

Jordan yêu dấu,

Lần đầu tiên mẹ gặp Charles Monroe King là khi cha đứng trong phòng khách ngôi nhà đá xám ở Radcliff, Kentucky nơi mẹ đã lớn lên, một tiền đồn của khu quân sự Fort Knox. Hôm đó là cuối tuần, Ngày của Cha, năm 1998, và mẹ đi thăm ông ngoại, bất đắc dĩ mà đi thôi. Ông ngoại con, một cựu sĩ quan luyện quân mà lúc đó trông giống như phiên bản lùn hơn của Muhammad Ali, đã cảnh cáo mẹ ngay từ thời niên thiếu là một ngày nào đó mẹ sẽ hối hận vì đã không là một đứa con gái có trách nhiệm. “Con sẽ không biết ơn cha mãi cho đến khi cha chết,” ông nói thế.

Thế nên mẹ đã cố gắng, thực sự là cố gắng, để trở thành đứa con gái ông muốn. Vấn đề là, nó có nghĩa một sự tuân phục hoàn toàn. Những năm tháng lớn lên đó, mẹ và các em trong nhà không được phép dùng máy rửa chén vì ông nghĩ điều đó khuyến khích sự lười nhác. Có những đêm ông tìm thấy vết dơ trên cốc, một mẩu đồ ăn trong bát, hay vết hơi nước trên nĩa. “Nhìn những cái đĩa này đi. Chúng không sạch tí nào,” ông sẽ quát vào mặt chị em mẹ nếu ông thấy thứ gì đó không vừa mắt. Điều đó nghĩa là phải rửa chén lại lần nữa. Trở thành một cô gái ngoan cũng là không phản đối quan điểm của ông, kể cả khi ông nổi cơn thịnh nộ về việc phải nuôi cả gia đình và hạ thấp những đóng góp của bà ngoại. Nó nghĩa là giả vờ không biết khi ông dẫn em trai và ba đứa em gái của mẹ đến thăm nhân tình của ông trong một khu nhà công cộng. Ông ngoại mong những đứa con tuân theo mệnh lệnh của ông ngay lập tức, và chúng ta hiếm khi dám làm trái điều đó.

Nhưng mẹ là chị cả và cũng rất cứng đầu. Trong những giây phút dũng cảm nào đó, mẹ là người – người duy nhất, kể cả bà ngoại – dám đứng lên nói lại. Nó luôn dẫn đến những cơn rúng động trong nhà, nhưng nó đã trở thành một phần vai trò của mẹ trong gia đình. Có một lần khi mẹ đang là sinh viên năm nhất, mẹ về nhà cuối tuần và ông ngoại muốn lái xe của mẹ đi thăm người tình, mẹ biết. Mẹ đã làm việc suốt mùa hè tại nhà hàng thức ăn nhanh để trả cho chiếc xe Datsun 260z cũ màu bạc đó, và chẳng hề muốn ông ngoại dùng nó. Thế nên khi ông rời khỏi phòng ăn với chìa khóa xe, mẹ đi theo ông.

“Cha không được sử dụng xe của con để thăm người đàn bà đó,” mẹ nói, chân mẹ run lên nhưng vẫn đứng vững.

Ông ném chìa khóa xuống sàn nhà, nói rằng mẹ hỗn với ông, và đi lướt qua mẹ. Mãi cho đến khi cánh cửa đóng sầm lại sau lưng ông, và mẹ nghe tiếng chiếc xe van cũ kỹ của ông khởi động, mẹ mới có thể thở hắt ra và nhặt chìa khóa lên.

Đối với mẹ, là một trong năm đứa con của T.J. và Penny Canedy gần như có nghĩa là đếm từng năm, rồi từng tháng, và cuối cùng là từng ngày cho đến khi mẹ xong cấp III và bỏ đi mãi mãi. Nhưng “mãi mãi” chẳng bao giờ đến. Mẹ luôn đùa rằng gia đình của mẹ có chút kì quặc trong hành xử, nhưng chúng ta vẫn yêu thương nhau. Mẹ ngưỡng mộ sức mạnh của ông ngoại (chị em mẹ hay ngồi lên lưng ông khi ông chống đẩy) và cả đạo đức làm việc của ông. Ông rời khỏi nhà trước bình minh và luyện tập binh lính suốt ngày. Ông lái xe taxi mỗi tối và bán bắp rang ở rạp phim vào cuối tuần (chúng ta luôn mong những túi bự đầy bắp rang thừa ông mang về nhà.) Mẹ cũng học được từ ông ngoại rằng một người cha không bao giờ ăn hết thức ăn trong đĩa; ông luôn giữ lại một ít phòng khi có đứa con nào vẫn còn đói sau khi ăn hết sạch ớt hay đậu khô.

Trên tất cả, mẹ học được tính kỷ luật từ ông ngoại, vì ông nghiêm khắc với bản thân không khác gì với con cái. Khi mẹ 14 tuổi, ông bỏ hút thuốc và uống rượu. Tất cả là vì một cuộc nói chuyện với dì Kim. Ông luôn gọi dì là “con nghiện đồ ăn vặt” vì dì ăn quá trời kẹo. “Nếu con ngừng ăn kẹo trong một tuần, cha sẽ ngừng hút thuốc,” ông nói như thế với dì, cất gói Salem Menthols vào ngăn kéo. Chẳng bao lâu sau đó, ông nhận ra là có lẽ ông nên dừng luôn cả việc uống rượu. Kể từ ngày đó trở đi, chẳng còn dấu vết của Pabst Blue Ribbon hay Smirnoff trong nhà. Và dì Kim cũng ngừng ăn kẹo hẳn.

Bà ngoại là một người phụ nữ cao gầy với đôi mắt nâu to tròn nhất mà mẹ từng thấy, và làn da bánh mật mịn màng nhất. Lúc nào nhìn bà cũng trẻ hơn tuổi thật đến 10 tuổi, và một vài người bạn trai của mẹ còn ngỡ rằng bà là chị gái của mẹ. Bà ngoại có tinh thần tươi trẻ, thích nhảy – lúc lắc ngón tay và lắc hông – một cách tràn trề sinh lực khi bà không phải chịu đựng những cơn trầm cảm làm tắt đi tiếng cười của bà và khiến bà không thể chải tóc được.

Kể cả trong những ngày tồi tệ nhất của bà ngoại, bà vẫn đóng góp cho gia đình nhiều hơn những gì ông ngoại biết. Bà may những bộ hóa trang Halloween – một con ma cà bông từ vải trải giường, một con robot từ thùng đựng đồ. Khi chị em mẹ tìm thấy những con thỏ sơ sinh bị bỏ rơi trong vườn sau, bà giúp chúng ta nuôi chúng. Mẹ thèm cảm giác bàn tay bà ngoại xoa nhẹ miếng giải nhiệt lên ngực mẹ khi mẹ bị sốt. Có bà ngoại trong đời là một điều vô cùng tuyệt vời đối với mẹ.

Nhưng sau khi bà ngoại chăm mẹ khỏe lại, ở một mình với bà lại rất lạnh nhạt. Bà không thoải mái với việc phô bày tình cảm, có lẽ vì, ngày còn nhỏ, bà đã bị lạm dụng tình dục bởi một vài người họ hàng. Tất cả những gì mẹ biết là bà hiếm khi ôm hay hôn mẹ, kể cả khi trái tim mẹ đau đến muốn vỡ nát.

Bà ngoại là trưởng nhóm PTA và lãnh đạo của một nhóm Nữ Hướng đạo sinh, nhưng bà ngoại hiếm khi nói với mẹ về thuốc hay tình dục hay hẹn hò và chẳng hề hứng thú với thời trang và trang điểm. Vì thế nên lúc học cấp III, không ít lần mẹ phải bối rối vì phải tự giải quyết những thứ đó một mình. Làm sao mẹ biết được là quần ống loe màu cam sáng đã lỗi thời và màu xanh nhũ chẳng phải là màu bóng mắt tốt nhất cho một cô gái da đen mắt nâu chứ?

Mẹ không chỉ mong ước sự chú ý của bà ngoại. Mẹ còn cần cả sự gần gũi thể xác. Mẹ không hề nhớ từng có lần nào bà kể chuyện cho mẹ trước khi đi ngủ hay không. Thời gian đó dường như cách cư xử của bà ngoại có phần tàn nhẫn và rối rắm. Có lần dì Lynnette đứng về phía ông ngoại trong một lần cãi nhau, bà ngoại phạt dì bằng cách để dì đến trường mà không chải tóc cho dì. “Nói cha con chải tóc đi,” bà ngoại nói thế, dù biết rằng ông ngoại đã đi làm. Lúc đó dì chỉ mới 6, 7 tuổi.

Khi mẹ trở thành teen và cứng đầu cứng cổ, bà ngoại thường trách mẹ rằng “con cần mẹ trước khi mẹ cần con!” Những lời đó làm mẹ đau như bị đánh, và mẹ đã dành cuộc đời mình để thoát khỏi cảnh nghèo túng.

Chị em mẹ học cách trao cho nhau những ôm ấp vỗ về mà cha mẹ không thể trao. Chúng ta túm tụm với nhau trong cái đêm mà ông ngoại đấm vào ngực bà ngoại đến gãy ngón tay. Mỗi khi có đứa nào bị quất roi, đứa khác sẽ lén mang vào phòng một túi đá để chườm vết thương, hay một mớ giấy toilet để lau nước mắt. Đá cục đặc biệt giảm đau cho những đứa đã cố không khóc trong suốt lúc bị đánh – và thường là mẹ. Làm như thế sẽ bị xem là thách thức và sẽ bị đánh còn nặng hơn đến khi nào phải thét lên mới thôi.

Dĩ nhiên chị em của mẹ cũng đánh nhau vì đến lượt ai dọn sân sau nhà, giành con chó Doberman, hay đứa nào sẽ hưởng xái miếng cuối cùng trong ổ bánh dứa của bà ngoại. Thế nhưng chúng ta chẳng mấy khi giận hờn nhau lâu. Chúng ta làm những ngôi nhà Barbie từ hộp giày, trang trí cửa sổ với những tấm rèm làm từ vải vụn, và dán những que Popsicle để làm đồ dùng trong nhà. Em trai của mẹ đôi khi cũng tham gia với đám binh lính đồ chơi của cậu, nhưng chủ yếu là để phá đám hơn. Có lần cậu bắt một con dế và giữ nó trong hộp để làm mẹ sợ. Cậu nhét nó dưới cửa phòng ngủ, mẹ thét lên và đưa cậu 25 xu để mang nó đi. Ngày hôm sau cậu lại làm y như thế. Đến cuối tuần thì cậu có rất nhiều đồng 25 xu. Kịch bản của cậu chỉ chấm dứt khi bà ngoại thấy là cậu đã lừa hết toàn bộ tiền trông trẻ của mẹ.

Người nhà Canedy chúng ta có những đặc tính rất riêng; nhưng gia đình của chúng ta đã giữ nguyên vẹn, và cuối cùng thì, khi mẹ gần 12 tuổi, chúng ta chuyển từ căn cứ quân sự đến Radcliff. Ông bà ngoại đều lớn lên trong nghèo khổ ở nội thành Indianapolis, hai người gặp nhau lần đầu khi bà ngoại 17 còn không ngoại 20, rồi kết chưa tới một năm sau đó. Họ đã mơ đến một ngày sống trong một căn nhà mới với một mảnh vườn và nền đủ rộng cho phòng gia đình. Cuối cùng họ cũng tiết kiệm đủ để mua một căn nhà trên một con đường hạng trung, hàng xóm là một người châu Á, ba da đen, và bốn gia đình da trắng. Họ tự hiểu rằng chính trị và sắc tộc là những chủ đề không nên bàn đến, nhưng những đứa trẻ trong khu chúng ta vẫn chơi cùng nhau, và cha mẹ chúng vẫn nói chuyện về thời tiết hay những thảm cỏ sum suê cắt xén tỉa tót của họ.

Ông ngoại đã cố gắng để leo lên tầng lớp trung lưu, nên ông luôn nhắc nhở mẹ đừng bao giờ quên mẹ đã đến từ đâu và thành công mẹ đạt được là nhờ ai. Lời nhắc nhở đó đã kéo mẹ về lại ngôi nhà ở Radcliff rất lâu sau khi mẹ bỏ đi, theo đuổi sự nghiệp của một người viết lách. Mẹ là đứa con đầu tiên đi lệch khỏi con đường của gia đình, theo học đại học và mẹ cảm thấy mặc cảm khi ông ngoại mỉa mai, “Con hành xử như thể con leo cao được là do chính con.”

Và thế là, vào Ngày của Cha năm 1998, khi mẹ 33 tuổi, mẹ trở về nhà một lần nữa với hi vọng tìm lại vị trí của người cha trong mẹ, đứa con vô ơn không biết trân trọng ông cho đến khi ông “ra đi.”

Vào sớm buổi chiều thứ bảy hôm đó, mẹ vừa rời khỏi khách sạn mẹ đang ở. Khi mẹ bước vào phòng khách, một người đàn ông tuyệt vời đang đứng đó, cầm một bức tranh lồng khung. Mẹ không thể không nhìn chằm chằm. Mẹ chẳng nhớ được điều gì làm mẹ chú ý đầu tiên. Đôi mắt nâu nhạt sát ngời viền hàng lông mi dài? Nước da màu caramel? Những cơ bắp sẫm màu lốm đốm xám. Mẹ có thể nhìn thấy những đường cơ thể của cha, thậm chí kể cả khi nó ẩn dưới chiếc áo thun nhạt màu quá rộng và chiếc quần ống thắt nịt. Cha có những bắp tay chắc nịch, khuôn ngực dồ sộ và cơ bắp trên vai. Eo cha nhỏ đến mức giống như mất cân đối. Cha thậm chí có cả cơ bắp trên bàn tay.

Sự kết hợp của cơ thể cường tráng và khuôn mặt dịu dàng của cha khiến mẹ rung động như chưa hề rung động trước đây. Nhưng không chỉ thế mà thôi. Còn cả cách cha cúi đầu, ngượng ngùng không dám nhìn thẳng vào mẹ. Mẹ đã tự hỏi vì sao một người đàn ông đẹp như thế lại có thể ngượng ngùng nhỉ.

“À, xin chào,” mẹ nói, bước vào phòng và đưa tay ra, “Tôi là Dana.”

“Chào, tôi là Charles,” cha nói, gật đầu và bắt tay mẹ.

Mẹ đến gần đủ để nhìn thấy bức tranh cha đang cầm. Đó là một bức ảnh đen trắng, cắt dán từ ảnh của ông ngoại trong quá trình luyện binh, được tạo nên bởi hàng nghìn chấm mực nhỏ xíu. Bức tranh này hẳn phải tốn rất nhiều giờ kiên nhẫn và chính xác. Và ông ngoại ở đó, mỉm cười tự hào gần một chiếc xe tăng, trong một ảnh khác là đang cầm lá cờ và dẫn đầu binh lính của mình đến lễ tốt nghiệp. Mẹ chưa bao giờ thấy thứ gì tương tự như thế.

Charles cầm nó với chút tự hào, thế nên mẹ hỏi có phải cha đã vẽ chúng.

“Vâng,” cha nói, mắt nhìn xuống. Cha có vẻ bối rối.

“Không thể tin được,” mẹ nói.

“Cảm ơn.”

Mẹ ngắm nghía bức chân dung trong khi Charles đứng đó trong im lặng và mỉm cười, mãi cho đến vài phút sau đó khi bà ngoại bước vào. Nó hóa ra là món quà cho ông ngoại, và bà đang tìm chỗ thích hợp để treo nó lên.

Mẹ lấy cớ đi lấy cốc nước, và thấy ông ngoại trong bếp.

“Cha, anh ta là ai vậy?” mẹ thì thầm.

“Ồ, đó là Charles,” ông ngoại nói. “Đẹp mã ha?”

Mẹ uống một ngụm nước lớn rồi bồn chồn ngóng xem ông ngoại có nói thêm gì không. Ông nói Charles đang đóng quân tại Fort Knox và anh ấy là một nghệ sĩ chuyên vẽ chân dung bằng chấm mực giống như bức mẹ vừa thấy. Anh ấy cũng dùng bút chì, than, và màu nước. Charles vẽ chân dung của những người lính xe tăng da đen trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, những gã Bedouin, cao bồi, và những bà mẹ châu Phi trong trang phục truyền thống đang bế con.

“Chúng ta gặp nó trong một lần nó trưng bày tác phẩm ở triển lãm,” ông ngoại nói. “Một gã tốt. Và tài năng nữa.”

“Ảnh có độc thân không?”

“Có, nhưng-”

Ông ngoại bị ngắt lời vì bỗng dưng Charles nói anh phải đi. Không thể phí phạm thời gian, mẹ cần bắt được sự chú ý của cha trước khi bất kì ai trong số em gái của mẹ để mắt đến. Chúng ta có luật rằng bất kỳ gã nào cũng là trò chơi công bằng cho đến khi một trong số chúng ta chiếm được anh.

Mẹ vội vàng thông báo là mẹ phải nhận phòng ở một khách sạn gần Fort Knox, nơi mà mẹ hay ở mỗi khi mẹ về thăm nhà để cho mình một ít yên tĩnh sau một ngày tràn trề tình cảm. “Anh có phiền chở giùm tôi đến đó nếu cùng đường không?” mẹ hỏi Charles.

“Không sao,” cha nói. Charles theo mẹ đi ra cửa trước, băng qua cây sồi khổng lồ xuống vỉa hè lát đá đến chiếc xe Mustang 1989 màu đen của cha. Suốt chặng đường mẹ cứ liếc nhìn cha và ráng tìm điều gì đó để nói. Cha chẳng những không nói gì mà còn không bật cả radio. Với một người như mẹ, thích nói và hỏi này hỏi nọ – và phải làm điều đó như cái nghiệp để sống – kiểu thế này thiệt là đau khổ. Charles khác hẳn kiểu đàn ông thích giao du đàn đúm mà mẹ chán ngán. Trên gương chiếu hậu trong xe cha có một chiếc lông đại bàng (Phải chăng đó là một bùa hộ mệnh? Mẹ chẳng bao giờ biết được.) Chiếc xe di chuyển một cách chậm chạp khó nhọc và mẹ có thể thấy sự hồi hộp tăng lên trong tâm trí và cả đôi chân của mẹ. Mẹ muốn chính mình là người nhấn bàn đạp ga, chắc sẽ làm xe chạy nhanh hơn đó. Có ai thiệt tình lái xe đúng bốn-mươi-lăm dặm một giờ trong khu vực cho phép bốn-mươi-lăm dặm một giờ – lại còn đặt cả hai tay lên vô-lăng cơ chứ?

Mẹ là đứa trẻ sinh non một tháng nên người ta nói mẹ sẽ luôn hấp tấp vội vàng. Điều mẹ muốn là có ngay một mối liên kết lập tức với chàng lính nghệ sĩ lịch sự này, người mà rõ ràng là chỉ thích từ từ. Cha làm mẹ chú ý ngay mà chẳng cần phải nói gì cả, nhưng mẹ biết rằng cha cũng có một mẫu người riêng, và có lẽ không phải kiểu phụ nữ mập tròn, ghiền công việc, và lần cuối đến phòng gym là để massage. Một hai lần mẹ cũng khiến các ông ngoái lại nhìn bởi cặp chân dài màu mật hay đôi mắt bồ câu; nhưng hầu hết đàn ông bị mẹ hấp dẫn bởi nụ cười, tính cởi mở, dí dỏm, chứ không phải vì vòng bụng tròn tròn của mẹ. Mẹ không biết là Charles có đang độc thân hay hứng thú gì không.

“Anh có thời gian để ngồi ở hồ bơi với tôi một lúc không?” Mẹ hỏi khi chúng ta đi vào bãi giữ xe.

“Tôi nghĩ là có,” Charles trả lời, nghe có vẻ ngạc nhiên.

Cha đi vòng qua để mở cửa xe cho mẹ, nhưng mẹ gần như đã ra khỏi xe; mẹ tự nhủ rằng nếu có lần sau thì mẹ sẽ ngồi im trong xe. Cha theo mẹ đi qua hành lang khách sạng, dừng ở máy bán nước tự động để mua soda. Mẹ mở cánh cửa gương dẫn vào hồ bơi trong nhà, độ ẩm và mùi chlorine xộc vào mũi. Mẹ cởi giày và ngồi đung đưa chân cạnh hồ bơi. Có mấy đứa trẻ đang nghịch nước ở phía rìa hồ. Charles quỳ xuống bên cạnh mẹ, đôi giày vẫn buột chặt dây, nhìn mẹ chấm chấm ngón chân xuống hồ và hát khe khẽ. Cha trong ngạc nhiên bởi sự tự nhiên của mẹ. Mẹ có thể ngồi đó cả buổi chiều nếu như nước không bắt đầu thấm vào quần, thế nên mẹ chuyển qua ngồi trên một chiếc ghế nhựa và Charles đi theo mẹ.

Mẹ hỏi gia đình mẹ đối với cha là thế nào, và cha nói họ giống như là gia đình của cha. “Tôi đã trải qa nhiều chuyện,” cha nói.

“Tôi xin lỗi. Là chuyện gì vậy?”

Cha giữ im lặng một lúc nhưng cuối cùng cũng nói ra: cha vừa li dị vợ trước. Đây là giai đoạn đau khổ nhất cha từng có trong đời, cha nói thế. Cha cũng nói ông ngoại là một người lắng nghe tốt và bà ngoại đã mời cha ăn tối vào cuối tuần với món sườn nướng của bà. “Họ luôn nghĩ đến tôi. Tôi biết ơn họ lắm.”

Sau khi chứng kiến bao nhiêu lần ông bà ngoại làm tổn thương nhau, mẹ dành phần lớn thời gian trưởng thành để bảo vệ trái tim mình và không tin tưởng vào đàn ông. Sự thật là ông bà ngoại đã làm gì đó cho một người đang trong mối quan hệ đổ vỡ khiến mẹ mắc cười.

“Tốt thật,” mẹ nói, ráng giữ khuôn mặt nghiêm túc.

Một phần công việc phóng viên của mẹ là nhanh chóng nắm bắt được người khác, và mẹ biết rằng Charles không phải kiểu người sẵn sàng mở lòng nếu không được khuyến khích. Thế nên mẹ hỏi cha đến từ đâu.

Cleveland, cha đã bốn mươi mốt tuổi, và có một em gái. Cha mẹ của cha là những người sùng đạo từ Alabama, một nhà đinh dưỡng học và một y tá. Sau này trong nhật ký cha có viết:

Cha sinh ra và lớn lên ở Cleveland. Lớn lên ở Cleveland không phải là chuyện dễ dàng, nhưng nó khiến cha mạnh mẽ và cha biết cách sinh tồn giữa những người có ảnh hướng xấu.

Cha học được rằng không cần biết con sinh ra ở đâu, giàu hay nghèo, con luôn có quyền lựa chọn giữa đúng sai. Không ai trói buộc được con cả. Nếu họ không thích quyết định của con, con phải hành động cho chính mình. Đó là cuộc sống của con, không phải của họ.

Có lẽ cha hơi căng thẳng hay phải đi đâu đó. Cha đứng dậy và đột ngột nói rằng phải đi. Cha nói sẽ đến nhà ông bà ngoiaj vào sáng mai để chúc mừng Ngày của Cha và đề nghị đón mẹ lúc 9 giờ sáng.

Mẹ không nói rằng mẹ hiếm khi ra khỏi giường trước 9 giờ sáng vào cuối tuần và dĩ nhiên không phải trước khi mẹ đọc phần tin nhanh của tờ Times. Đó là một lợi ích của việc độc thân và trẻ con.

“Tuyệt,” mẹ nói dối. “Tôi sẽ chuẩn bị sẵn.”

Mẹ nhìn cha rời khỏi và gọi cho một đứa em gái đến đón mẹ về nhà ông bà. Dĩ nhiên mẹ không thực sự muốn quay trở lại khách sạn. Mẹ chỉ muốn lấy thông tin của Charles. Giờ thì theo luật chị em gái, mẹ có quyền ưu tiên trước hết.

Charles làm mẹ tò mò nhưng mẹ thấy rõ ràng là cha có hai thứ không hợp với mẹ. Cha là một người lính quân ngũ giống như ông ngoại, và tệ hơn nữa, còn là bạn của ông. Cô gái nào lại muốn lãng mạn với chiến hữu của bố cơ chứ? Nhưng mà chuyến về nhà sáng mai, dù không rõ ràng lắm, có lẽ sẽ cho mẹ thêm cơ hội tìm hiểu.

Chàng sĩ quan luyện binh có mặt đúng ngay 9 giờ sáng và gọi vào từ hành lang. Mẹ hoàn toàn chưa sẵn sàng. Anh có phiền nếu đợi ở ban công trong phòng nhìn xuống hồ bơi không? Mẹ hỏi. Cô có chắc là cô muốn tôi vào phòng không? Cha hỏi lại, và nó khiến mẹ mỉm cười. Quá quen với những gã đàn ông thành thị luôn cho rằng đi xem kịch với nhau, thậm chí không phải kịch Broadway, cũng đồng nghĩa với việc cho phép họ có một màn trình diễn cá nhân sau đó, mẹ thấy câu hỏi của cha giống như một sự hào hoa hoàn rất khác.

Charles mặc một chiếc áo hợp với dáng hơn, nhưng quần jean vẫn lụng thụng. Cha cầm 2 cốc cafe và đưa cho mẹ một cốc. Đó là sự khởi đầu mẹ cần, mẹ chớp lấy cơ hội và trao cho cha một cái ôm cảm ơn. Cha chẳng hề ngạc nhiên như mẹ mong đợi và cúi xuống ôm mẹ. Mẹ giữ cha lâu hơn một lúc và cảm thấy mùi hương của cha – mùi xạ hương ngọt ngào. Cha thoáng nắm lấy tay mẹ trên đường ra xe, và mẹ thích cách ngón tay của mẹ được nắm chặt. Mẹ để cha mở cửa xe, lòng thầm tự hào là mình vẫn nhớ chuyện đó.

Chúng ta muốn dừng ở một cửa hiệu để mẹ mua một tấm thiệp cho ông ngoại, và cha lái xe – à, trong giới hạn tốc độ – đến một siêu thị. Khi mẹ nhìn Charles bước đến một tiệm bánh để mua pasta, dáng đi thẳng tắp, mẹ nghĩ về lời hứa với chính mình cách đây vài năm là sẽ luôn tránh xa những gã đàn ông quân ngũ.

Mẹ biết là đang đối đầu với bản thân, nhưng mẹ đang bị thu hút bởi Charles và điều đó khiến mẹ yếu đuối. Mẹ chưa bao giờ muốn cứ vài năm lại dọn nhà theo một người đàn ông đến một căn cứ quân sự khác. Hầu hết những người vợ lính mẹ biết khi đang trưởng thành vào những năm 1970 có rất ít kiểm soát trong mối quan hệ của họ. Đời sống quân ngũ là trên hết, thậm chí cả khi nó yêu cầu vợ của anh ta phải làm mẹ một mình trong thời gian một năm anh đi “thử thách” ở Hàn Quốc. Nếu bạn có xu hướng làm việc bên ngoài, bạn phải chuẩn bị cho việc nghỉ việc khi người lính của bạn chuyển đơn vị. Bạn phải tin tưởng anh ấy, hoặc giả vờ tin tưởng, khi anh ấy nói với bạn rằng một trong những đồng đội đang cần anh ấy vào lúc nửa đêm.

Cũng có những quy luật dành cho con của lính. Con không được hở ra là đánh nhau với con của những người lính khác. Con phải quen với việc cha vắng mặt cả tuần để luyện tập. Con học cách ngủ trong tiếng súng máy và xe tăng nổ suốt đêm vì biết rằng nó chỉ là luyện binh mà thôi.

Điều mẹ ghét nhất trong cuộc sống quân ngũ là những “khu nhà tập thể,” người ta gọi những căn hộ chính phủ như thế. Chúng ta sống bao nhiêu năm trời trên Đại lộ Fischer ở Fort Knox và những “khu nhà tập thể” như thế làm mẹ nhớ đến những cái cũi – từng khối hộp bằng gạch và gỗ ngăn cách bởi những bức tường quá mỏng, với mảnh sân chẳng lớn hơn bãi giữ xe bao nhiêu. Con có thể nghe tiếng giật nước toilet bên nhà hàng xóm. Mọi người trong khu đều biết nếu cha mẹ con cãi nhau, mà nhà của mẹ thì thường xuyên như thế.

Có một lần, hàng xóm sát vách nhà mẹ chạy qua để hỏi mượn một cuộn giấy vệ sinh. Chẳng ai khá giả gì, nhưng thậm chí ở độ tuổi 10, 11; mẹ cũng thấy bối rối giùm cho bà ấy. Có một đêm khác, bà ngoại phải gõ cửa nhà hàng xóm vì có chuyện gấp. Mẹ nôn mửa và sốt cao nguy hiểm, bà ngoại cần xe để đưa mẹ đi cấp cứu (ông ngoại đã về nhà trước đó vài giờ, cởi giày, thay bộ quân phục, rồi lại đi mất cả đêm)

Chúng ta ở bệnh viện mãi cho đến nửa đêm, và mẹ vẫn còn nhớ lúc ra viện, mẹ nằm trên ghế sau chiếc xe, yếu ớt và mệt mỏi. Mẹ cảm giác không phải mình đang về nhà nên ngẩng đầu lên xem xe đang chạy đi đâu. Bà ngoại đang chạy vòng quanh bãi giữ xe của những hộp đêm trong khu quân sự, nơi mà vô số lính đã được tìm thấy và sau đó mất vợ. Mẹ biết bà ngoại đang tìm xe của nhà mình. Nó không có ở đó. Mẹ cũng hiểu luôn điều đó nghĩa là gì.

Mẹ chắc chắn là vẫn còn những người vợ lính có việc làm tốt và cuộc hôn nhân bền vững, nhưng mẹ không biết ai trong số đó cả.

Thật ra cũng không hoàn toàn là tệ khi là một đứa nhóc quân đội. Chúng ta chơi bóng ném với những đứa nhóc khác trong khu cho đến khi đường phố lên đèn. Vào những ngày nóng, khi trường học đóng cửa, chúng ta chĩa ống xịt nước vào người nhau. Nhưng mẹ chưa bao giờ quen với việc những đứa trẻ cùng chơi cứ dọn đến và rời đi khi cha của chúng nhận lệnh chuyển đến Georgia hay Đức. Cứ mỗi tháng lại có một hai đứa trẻ chuyển vào những căn hộ thay cho những đứa rời đi, những đứa đã hứa là sẽ viết thư và gọi điện nhưng chẳng bao giờ làm.

Không, cuộc sống với một người đàn ông quân ngũ không phải là dành cho mẹ, nhưng mẹ lại đang ở đây, đứng ngay cạnh một người như thế trong lúc xếp hàng tính tiền và nghĩ rằng sự dịu dàng khiêm tốn của anh ấy ảnh hưởng mẹ theo cách mà rất ít người đã làm trong đời mẹ. Vài năm sau đó, khi đọc cuốn nhật ký, mẹ mới biết rằng cha cũng cảm thấy điều tương tự, mặc dù cha kể lại chỉ với sự nhã nhặn dịu dàng của mình:

Lần đầu tiên chúng ta thật sự nói chuyện với nhau, cha đã trải qua nhiều chuyện trong đời. Cha cảm thấy dễ chịu khi ở bên cạnh mẹ và mong chờ được gặp mẹ lần nữa.

Lúc đó thì mẹ có thể nói rằng Charles cũng tò mò về mẹ, thậm chí thích thú. Cha nhìn mẹ như thế cha chưa hề thấy ai nói nhiều mà không cần phải thở như thế.

“Vậy cô có muốn ăn sáng ở đâu đó không?” Charles hỏi mẹ khi chúng ta quay lại xe. Cha thậm chí đã ăn xong pastry. Mẹ cười toe toét. Cha thì hứng thú lắm!

Chúng ta gọi pancake, và trước khi ăn, cha con cúi đầu cầu nguyện. Mẹ thì gần như đang nhai nửa chừng rồi. Mẹ dừng lại và đặt nĩa xuống. Những bữa ăn sau đó, nếu nhớ, mẹ cũng cầu nguyện như thế.

Ánh nắng rọi xuống bàn và chúng ta nán lại rất lâu sau khi cả hai đều no và cafe đã nguội. Mẹ lấy hết can đảm chuyển chủ đề sang chuyện hôn nhân của cha.

Charles nói về một cơn đau tim không rõ ràng nhưng càng lúc càng mạnh đến mức cha phải đi tìm phương thức chữa trị, để rồi sau cùng nhận ra đó không phải đau tim mà là sự căng thẳng quá độ. Cha không ngủ được, cô độc và lo lắng làm sao để giải thích chuyện gia đình với đứa con gái 8 tuổi luôn yêu thương cả cha lẫn mẹ.

“Tất cả những gì tôi muốn là một gia đình.” cha nói.

Mẹ nói rằng mẹ có thể hiểu được nỗi đau của cha. Cách đây không lâu mẹ vừa mới chia tay bạn trai, người mà ngay sau đó lập tức yêu một cô nàng trông như siêu mẫu và có bằng thạc sĩ Harvard.

“Ai lại có hết mấy thứ đó chứ?” mẹ nói. “Hoặc là giống siêu mẫu, hoặc là có bằng thạc sĩ Harvard thôi chứ.”

Mẹ đã không biết rằng vợ của Charles, Cecilia King, cũng tuyệt ra trò – cao, thon gọn, nước da màu cacao và đôi mắt thỏ nâu, khuôn mặt thon gọn. Charles thích cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên, trước khi cha gia nhập quân ngũ, trong lúc họ cùng làm phục vụ ở hội trường tiệc của khách sạn Mobile tại Alabama. Con gái của họ, Christina, có vẻ ngoài xinh đẹp của mẹ và sự dịu dàng của cha. Không có họ, cha như thất thần, luôn khao khát có ai đó cùng ngồi ăn sáng với mình.

Sự yên lặng bao phủ. Bồi bàn đã dọn sạch bàn của chúng ta và thôi không tiếp cafe. Nhưng chúng ta vẫn chưa rời đi.

“Sao anh lại gia nhập quân đội?” mẹ hỏi.

Charles nói cha đăng ký quân ngũ vì tính kỷ luật, chu du khắp nơi, và những thử thách tinh thần cũng như thể chất. Cha ở trong quân đội gần 11 năm và dự định phụ vụ ít nhất 20 năm trước khi ngỉ hưu để giảng dạy và theo đuổi nghệ thuật.

Mẹ biết được rằng cha là sĩ quan hạng nhất quản lý một trung đội. Cha dạy những người lính về các học thuyết quân đội và thật sự thích thú với việc dẫn đầu họ trong những lần leo đồi với 20 pound trang thiết bị trong nhiệt độ mùa hè.

Đó cũng là người đàn ông hiếm khi nhìn thẳng vào mẹ. Người đàn ông, như sau đó mẹ biết, mang theo một quyển ký họa đến Iraq trong suốt Chiến tranh Vùng vịnh thứ nhất và, giữa thời gian nhiệm vụ, ngồi trên nóc chiếc xe tăng để vẽ những đứa trẻ bản địa.

Cuối cùng Charles cũng hỏi mẹ vài câu. Cha hỏi sống ở New York là như thế nào?

Mẹ nói với cha nó hoàn toàn trái ngược với Radcliff theo mọi cách có thể hình dung được. Những chiếc Big Macs giao tận nhà của McDonald. Họ có những trung tâm chăm sóc chó ban ngày. Mẹ có thể đi bộ ba dặm một ngày ở New York, nhưng ở Radcliff thì mẹ lái xe vòng vòng quay bãi giữ xe trong mười phút để tìm cho được chỗ giữ xe gần lối ra vào nhất. Cũng không có thứ gì giống như điểm sấm trong Khu phố Tàu hay Trung tâm Rockefeller vào thời kỳ Giáng sinh.

“Nếu anh thích Monet,” mẹ nói, “có lẽ tôi có thể cho anh thấy tranh thứ thiệt.”

Charles nói rằng cha sắp chuyển đến Fort Riley, Kansas trong vài tháng, để bắt đầu nhiệm vụ mới. Cha là một người đàn ông vừa độc thân với trái tim bị tổn thương. Mẹ nhấp ngụm cuối cùng trong cốc cafe đã lạnh và tự hỏi liệu có khi nào mẹ gặp lại cha một lần nữa.

Rio Lam Signature

Subscribe This Blog

Published in Translations Viet

Comments

What's on your mind?

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Back To Top
%d bloggers like this: